Ngay cả khi nốt ruồi không mảy may tác động đến sức khỏe thì nhiều phụ nữ vẫn muốn chúng biến mất. Đơn giản bởi đâu phải lúc nào nốt ruồi cũng là “cái hạt làm duyên”. Khi xuất hiện “sai vị trí” chúng lại hóa… vô duyên.
Nốt ruồi xuất hiện ở mọi vị trí trên cơ thể, chúng có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Khó ai có thể hài lòng với cái nốt màu đen xấu xí, đôi khi lại kèm theo sợi lông trên mặt.
Và những gì ảnh hưởng đến sắc đẹp và sự tự tin của phụ nữ đều là kẻ thù cả. Xét cho cùng thì nhu cầu phá bỏ là chính đáng và thực hiện được. Hô biến những nốt ruồi sao cho an toàn và thẩm mỹ là điều cần quan tâm.
Chuyện nhỏ mà không nhỏ
Việc loại bỏ một hay nhiều nốt ruồi làm bạn kém tự tin cũng không kinh khủng lắm, nhưng không phải chuyện nhỏ như nhiều người tưởng.
|
Việc loại bỏ một hay nhiều nốt ruồi làm bạn kém tự tin cũng không kinh khủng lắm, nhưng không phải chuyện nhỏ như nhiều người tưởng. Trong hơn 90% trường hợp, nốt ruồi sẽ dễ dàng bị “thanh trừng” như cách bạn loại bỏ mảng da.
Việc tẩy nốt ruồi bằng a-xít lỏng có thể làm vết thương nhiễm trùng, chảy nước, ngứa, để lại sẹo xấu. ngoài ra, các thuốc tự chế còn chứa kim loại có hại ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
|
Nếu đã từng tẩy nốt ruồi bằng cách dùng dung dịch có tính kiềm hoặc tính a-xít mạnh như pin, a-xít sulfuric, vôi… mà vẫn an toàn, hãy tự chúc mừng chính mình vì bạn đã trải qua lựa chọn mạo hiểm mà chưa gánh chịu biến chứng. Việc tẩy nốt ruồi bằng các hóa chất trên có thể làm vết thương nhiễm trùng, chảy nước, ngứa, để lại sẹo xấu. Ngoài ra, các thuốc tự chế này còn chứa kim loại có hại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Khó có gì đảm bảo bạn không gặp biến chứng nguy hiểm, vì một số nốt ruồi thật sự mang nguy cơ tiềm ẩn ác tính, và những kích thích như tác động, bôi hóa chất có thể làm bệnh diễn tiến, di căn nhanh.
Sử dụng các hóa chất để tẩy nốt ruồi vốn có hạn chế là không thể thấy được giới hạn cuối cùng của mô nốt ruồi với mô lành bình thường. Chưa xét tới nguy cơ bị nhiễm trùng hay tự khởi động cỗ máy ung thư, bạn cũng đối mặt với hai nỗi lo khác là bị hóa chất tẩy lẹm quá nhiều vào phần da bình thường hoặc không tẩy hết các mô nốt ruồi. Kết quả sẽ là… may nhờ rủi chịu. Một là bạn chịu những vết sẹo sâu, rộng và xấu, hai là các mô nốt ruồi chưa được lấy hết sẽ trở lại nguyên hình không lâu sau đó.
Chọn cách nói“tạm biệt” phù hợp
Nốt ruồi thì cái nào chẳng như cái nào, vì sao phải khám trước khi quyết định đốt, cắt bỏ… |
Nhiều người thắc mắc vì sao chỉ vì cái nốt ruồi cỏn con mà phải đi bệnh viện. Nốt ruồi thì cái nào chẳng như cái nào, vì sao phải khám trước khi quyết định đốt, cắt bỏ… Nếu so sánh, bệnh viện đảm bảo cho bạn hai yếu tố quan trọng, tính an toàn và tính thẩm mỹ. Chỉ khi biết rõ nốt ruồi mình định loại bỏ đang ở trong tình trạng nào, bạn mới có thể chọn được phương pháp an toàn.
Có nhiều phương pháp giúp “tạm biệt” mãi mãi các “chú ruồi đen” ra khỏi gương mặt xinh xắn hay những vùng da khác trên cơ thể. Tại một số thẩm mỹ viện, sử dụng a-xít trichloracetic, hóa chất lột da có liều lượng phù hợp và người thực hiện có tay nghề cũng cho hiệu quả tương đối tốt. Sử dụng máy đốt điện để loại bỏ mô của nốt ruồi cũng được các bệnh viện có khoa Da liễu sử dụng. Phương pháp này thích hợp với nốt ruồi có đường kính dưới 1cm.
Hiện nay, phương pháp dùng laser CO2 được bác sĩ khuyên dùng. Chúng có ưu điểm hơn so với các phương pháp khác là phá hủy chính xác mô nốt ruồi, không gây tổn thương mô xung quanh, nhờ đó vết thương mau lành, có tính thẩm mỹ cao. Với phương pháp đốt điện hay dùng laser CO2, sau khi thực hiện bệnh nhân sẽ được cho thuốc bôi để tránh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, nhiều chị em “cẩn thận” quá, dùng ô-xy già, cồn sát trùng để “làm sạch” vết thương, nào ngờ lại khiến chúng càng dễ nhiễm khuẩn, lâu lành do bị phá vỡ các tế bào non mới hình thành.
Cắt, cạo bỏ nốt ruồi bằng phẫu thuật thường ít được ưa chuộng do dễ để lại vết sẹo không đẹp. Khi thực hiện cũng gặp khó khăn trong quan sát vì chảy máu. Do đó, nhiều khi không cắt hết phần mô của nốt ruồi. Tuy nhiên, đối với nốt ruồi có đường kính lớn hoặc được chẩn đoán là ác tính, đây là phương pháp tối ưu trong điều trị. Dùng laser CO2 hoặc đốt điện trong trường hợp này sẽ kích thích tế bào ung thư phát triển nhanh, xâm lấn và di căn nhanh hơn. Nốt ruồi ác tính cần được cắt rộng, sâu hơn để ngăn chặn các nguy cơ di căn.
Lưu ý: Sau khi tẩy nốt ruồi, bệnh nhân chỉ cần giữ cho vết thương nhỏ này sạch sẽ, sát trùng bằng nước muối sinh lý nếu cần thiết.
Để ý thường xuyên hơn
|
Có nhiều nốt ruồi ở các vị trí hơi kín đáo hay khó thấy và bạn thậm chí quên đi sự có mặt của chúng.
|
Hắc tố melanin mang lại cho mỗi người màu da đặc trưng, không ai giống ai. Chúng được sinh ra từ các tế bào thượng bì, hạ bì và trải đều trên làn da của bạn. Khi các tế bào sản sinh melanin vô tình tụ tại một điểm, nốt ruồi sẽ xuất hiện. Trong hầu hết trường hợp, nốt ruồi là vô hại. Một phần nhỏ còn lại là các nốt ruồi có khả năng thành ác tính (ung thư) với tốc độ di căn nhanh. Muốn tránh để mình rơi vào cái phần nhỏ bất hạnh ấy, việc quan sát, không bỏ sót các dấu hiệu bất thường của các đốm đen là điều rất quan trọng.
Có nhiều nốt ruồi ở các vị trí hơi kín đáo hay khó thấy và bạn thậm chí quên đi sự có mặt của chúng. Đặc biệt, với những nốt ruồi chẳng may sinh ra ở các khu vực chịu sự cọ xát, kích thích nhiều như lằn áo ngực, gang bàn tay, chân dễ bị ác tính hóa hơn. Do vậy, có lẽ bạn nên chủ động loại bỏ chúng.
Điều đáng đau đầu nhất là không ít người tự chọn cách giải quyết nỗi lo này bằng cách gánh thêm một mối nguy khác. Họ “tuyên án” chóng vánh “số phận” cái nốt ruồi thỉnh thoảng hơi đau bằng dung dịch a-xít lỏng trong lúc đang thư thái gội đầu, uốn tóc mà không biết rằng, nốt ruồi đau là một trong những dấu hiệu bất thường, nghi ngờ ác tính và cần được bác sĩ thăm khám gấp để có chẩn đoán và xử lý phù hợp.
Những dấu hiệu đáng ngờ
Khi những nốt ruồi nhỏ trên cơ thể có những thay đổi, bạn nên đến các bệnh viện da liễu để khám ngay.
– Nốt ruồi tự nhiên sần sùi hơn, màu đen chỗ đậm chỗ nhạt.
– Đường viền của nốt ruồi trở nên không đều, bất đối xứng, nham nhở.
– Nốt ruồi bỗng dưng gây ngứa, đau.
– Xung quanh chân nốt ruồi đỏ lên, có phản ứng viêm.
Tư vấn chuyên môn:
ThS. BS.Lê Thái Vân Thanh
Đại học Y dược TP.HCM
.Trần Nhung
Tạp chí Sức Khỏe