Viêm ruột thừa là bệnh lý chiếm tỉ lệ cao nhất trong cấp cứu cần phẫu thuật ở trẻ em và thiếu niên. Theo thống kê hằng năm tại bệnh viện Nhi đồng 1, viêm ruột thừa chiếm trên 60% các ca mổ khẩn. Vấn đề nhận biết được bệnh lý viêm ruột thừa ở những trẻ dưới 5 tuổi thường gặp khó khăn do trẻ không thể hiện các dấu chứng rõ ràng, nên khi đến bệnh viện thường đã có biến chứng và có bệnh cảnh rất nặng khi được điều trị.
Tỉ lệ viêm ruột thừa cao nhất ở lứa tuổi từ 6t – 11t (43%). Ở tuổi này, trẻ đã hợp tác khi thăm khám, nên dễ phát hiện hơn. Chú ý ở lứa tuổi này nếu đau bụng thì cần nghĩ đến viêm ruột thừa trước khi nghĩ đến một bệnh lý nào khác. Viêm ruột thừa là một bệnh thường gặp nhưng không đơn giản, vì khó phát hiện khi bệnh khởi phát và dễ gây ra biến chứng khi phát hiện muộn. Các xét nghiệm cận lâm sàng có giá trị chẩn đoán không cao, chỉ mang tính chất hỗ trợ, nên kinh nghiệm của thầy thuốc khi khám sẽ có tính quyết định.
Nguyên nhân gây bệnh
Tắc nghẽn lòng ruột thừa là nguyên nhân chính của viêm ruột thừa. Tắc lòng ruột thừa thường do chất phân khô lại, đôi khi bị vôi hóa chèn vào gốc ruột thừa, làm tăng áp lực trong lòng ruột thừa gây viêm. Một vài trường hợp do lãi chui vào lòng ruột thừa hay do hạch thành ruột sưng to chẹn vào gốc ruột thừa.
Sơ đồ: Nghẹt lòng ruột thừa –› tăng áp lực lòng ruột –› sung huyết niêm mạc thành ruột –› tắc hệ mao mạch ruột –› viêm loét niêm mạc –› vi khuẩn xâm nhập thành ruột –› hoại tử và thủng ruột –› viêm phúc mạc.
Triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng cơ năng
Sốt, nôn ói hay tiêu chảy:Chiếm một tỷ lệ thấp trong viêm ruột thừa (30%), nếu có sốt thì cũng sốt nhẹ 38° – 38,5°, nôn có thể có lúc sớm nhưng buồn nôn có tỷ lệ cao hơn (60%), tiêu chảy chỉ xảy ra khi ruột thừa nằm dưới hốc chậu hay ruột thừa đã có biến chứng.
- Đau bụng (100%): Tất cả trẻ viêm ruột thừa đều đau bụng, lúc đầu có thể đau quanh rốn hay trên rốn, sau vài giờ cơn đau di chuyển đến 1/2 bụng dưới bên phải. Chú ý: nếu ruột thừa nằm vị trí khác, cơn đau sẽ di chuyển theo vị trí của ruột thừa, thí dụ ruột thừa nằm sau manh tràng đau sẽ ở hông lưng phía sau, ruột thừa nằm dưới gan đau sẽ ở 1/2 bụng trên bên phải, nếu ruột thừa nằm ở hốc chậu đau sẽ ở dưới rốn, tuy nhiên các trường hợp này rất hiếm. Tính chất cơn đau là âm ỉ, liên tục và tăng dần.
- Chán ăn (100%): Tất cả trẻ viêm ruột thừa đều không muốn ăn, bỏ ăn.
Triệu chứng thực thể
- Nhìn: Khi trẻ đi lại thường khom lưng và tay thường đè lên bụng bên phải. Khi nằm, trẻ thường nằm nghiêng và co chân.
- Thăm khám: Khi đè vào 1/2 dưới bụng phải trẻ đau rất nhiều, trẻ nhỏ sẽ khóc thét, trẻ lớn hơn phản ứng bằng cách la đau, kèm theo bàn tay và bàn chân co lại (gồng). Có một điểm đau chói ở vùng này được gọi là điểm Mac Burney (để xác định viêm ruột thừa).
- Ở trẻ lớn (> 10 tuổi ) có thể thăm khám hậu môn, cảm nhận túi cùng căng và đau (nếu ruột thừa nằm ở hốc chậu).
- Lưu ý: Nếu các triệu chứng chưa rõ ràng nên khám đi khám lại nhiều lần trong ngày trước khi quyết định hướng điều trị.
Cận lâm sàng
Để chẩn đoán, hiện nay thường sử dụng phương pháp siêu âm. Nhưng siêu âm chỉ giúp để củng cố chẩn đoán. Siêu âm chỉ có giá trị khi đọc được 3 thông số: kích thước của ruột thừa, vị trí và hình dạng của mạc nối lớn, dịch ổ bụng có hay không và tính chất của nó.
Điều trị
Nếu đã chẩn đoán xác định là viêm ruột thừa, hiện nay cách điều trị duy nhất là phẫu thuật cắt ruột thừa. Cắt ruột thừa có thể mổ hở hay mổ nội soi tùy vào từng trường hợp. Nhưng nếu có biến chứng thì mổ nội soi là chỉ định vàng.
Tóm lại, việc chẩn đoán sớm và điều trị sớm sẽ quyết định tình trạng sức khỏe của trẻ sau phẫu thuật có tốt hay không.
BS Vũ Tuấn Ngọc
– Khoa Nhi, Bệnh Viện Quốc Tế Hạnh Phúc
Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn