(Sức Khỏe – khoe24h) Viêm màng não là bệnh rất nguy hiểm không những cho trẻ em mà cả người lớn cũng mắc bệnh này. Vậy, làm sao để nhận biết nhiễm bệnh viêm màng não do vi khuẩn hay virus? Cách phòng ngừa và xử trí khi có người mắc bệnh?
Tạp chí Sức Khỏe xin giới thiệu bài viết của chuyên gia trong lĩnh vực nhiễm, Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi Đồng 1 các kiến thức cần thiết về cách nhận biết, phát hiện, xử trí khi có người mắc viêm màng não.
1/ Bệnh viêm màng não là bệnh gì? Nguyên nhân gây viêm màng não?
Viêm màng não là bệnh nhiễm trùng của màng não, nguyên nhân có thể do vi trùng hay vi rút. Đa số các trường hợp vi trùng hay vi rút từ vùng mũi họng xâm nhập vào màng não và gây viêm màng não. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em, nhưng người lớn cũng có thể bị viêm màng não.
Vi trùng gây viêm màng não thường là HIB, phế cầu và não mô cầu. Còn nhóm virus gây viêm màng não thường là virus đường ruột.
2/ Phân biệt viêm màng não và viêm não
Viêm màng não khác với viêm não ở chỗ là viêm màng não chưa thực sự viêm vào tới não bộ.
3/ Bệnh viêm màng não thường xảy ra vào mùa nào?
Bệnh viêm màng não thường xuất hiện vào lúc thời tiết thay đổi, những tháng chuyển sang mùa nóng bức hay thời tiết chuyển sang mùa lạnh. Trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi, trẻ mắc bệnh lý tai mũi họng không được điều trị kịp thời rất dễ bị mắc bệnh viêm màng não..
4/ Triệu chứng biểu hiện và diễn tiến của bệnh viêm màng não?
Bệnh viêm màng não có thể biểu hiện đột ngột hay sau một vài ngày ho, sổ mũi bằng các triệu chứng sốt cao, đau đầu, nôn ói, cổ cứng, trẻ còn bú có thể thấy thóp phồng. Nặng hơn là co giật, bỏ ăn, bỏ bú, li bì, hôn mê.
Diễn tiến bệnh viêm màng não tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh: nếu viêm màng não do vi trùng sẽ gây tử vong hay để lại di hứng nặng khi trẻ không được điều trị kịp thời. Nếu viêm màng não do virus thì bệnh sẽ tự khỏi giống như đa số các trường hợp bệnh nhiễm siêu vi trùng khác (nhiễm siêu vi trùng đường hô hấp gây ra cảm cúm, ho, sỏ mũi; nhiễm trùng đường tiêu hóa gây ra tiêu chảy, ói). Tuy nhiên, dù viêm màng não do vi trùng hay siêu vi trùng đều cần phải điều trị và theo dõi tại bệnh viện để xử trí kịp thời các biến chứng của bệnh vì để chẩn đoán được viêm màng não do vi trùng hay siêu vi trùng thì cần phải có những xét nghiệm đặc biệt và theo dõi bởi bác sĩ có kinh nghiệm.
5/ Bệnh viêm màng não có những biến chứng và di chứng nào?
Viêm màng não có thể gây biến chứng áp xe não, tụ mũ dưới màng cứng, suy hô hấp và tử vong. Nếu không được điều trị đúng kịp thời có thể gây di chứng lâu dài dù đã khỏi bệnh. Bệnh nhi sau khi hết bệnh có thể bị động kinh, yếu tay chân, đầu to… và nặng nhất là di chứng sống đời sống thực vật.
6/ Bệnh viêm màng não có thể chữa khỏi được không? Yếu tố quan trọng nhất để bệnh nhân được chữa khỏi là gì?
Nếu được phát hiện bệnh sớm thì đa số trẻ bị viêm màng não đều được chữa khỏi. Để điều trị khỏi bệnh viêm màng não do vi trùng (viêm màng não mủ) trẻ cần phải được nhập viện sớm, điều trị kháng sinh mạnh, thời gian nằm viện ít nhất 10 ngày. Đối với viêm màng não do siêu vi trùng thì không cần thiết phải điều trị kháng sinh nhưng trẻ vẫn được nhập viện và theo dõi tại bệnh viện từ 3 đến 5 ngày.
7/ Phụ huynh cần chú ý gì để phát hiện bệnh viêm màng não sớm cho trẻ?
Để phát hiện sớm bệnh viêm màng não, phụ huynh cần đưa trẻ đến bác sĩ khám khi thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ như sốt cao, nôn ói, đau đầu, thóp phồng và cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu nặng như co giật, bỏ bú, bỏ ăn, li bì, hôn mê. Trong trường hợp chưa thể đưa trẻ đến bác sĩ khám ngay thì điều trị tại nhà chủ yếu là hạ sốt cho trẻ và quan trọng nhất là theo dõi tình trạng bệnh của trẻ. Nếu trẻ bị viêm màng não thì các triệu chứng sốt, nôn ói, đau đầu sẽ diễn biến ngày càng nặng hơn, do đó khi thấy các triệu chứng trên ngày càng nặng hơn thì nên mang trẻ đến bệnh viện ngay.
8/ Làm thế nào để phòng ngừa bệnh viêm màng não hiệu quả ?
Để phòng ngừa tốt bệnh viêm màng não nên giữ ấm, chăm sóc tốt trẻ những lúc thời tiết thay đổi và lúc có dịch cảm cúm, điều trị kịp thời khi trẻ bị viêm mũi họng hay viêm tai. Việc phòng ngừa bằng phương pháp tiêm ngừa chỉ có tác dụng đối với một loại vi trùng gây ra viêm màng não, đó là vắc-xin phòng viêm màng não do HIB (Hémophillus influeza type B) nhưng chi phí rất cao khoảng gần 300.000 đồng cho 1 liều vắc-xin và cần phải chích từ 1 – 3 liều tùy theo tuổi. Lưu ý vắc-xin này không cần thiết phải chích cho trẻ trên 5 tuổi vì vi trùng này rất khi ít gây viêm màng não cho trẻ ở lứa tuổi này.
Lưu ý:
Viêm màng não và viêm não Nhật Bản là 2 bệnh khác nhau, do vậy dù đã chích ngừa viêm não Nhật Bản thì trẻ vẫn có thể bị viêm màng não và dù đã chích ngừa HIB thì trẻ vẫn có thể bị viêm màng não do loại vi trùng khác vì viêm màng não có thể do nhiều loại vi trùng và siêu vi trùng gây ra.
|
Bác sĩ Trương Hữu Khanh – BV Nhi Đồng 1
Theo Tạp chí Sức Khỏe