Sức Khỏe – Viêm khớp dạng thấp là bệnh viêm khớp mạn tính gây viêm có biểu hiện đau, sưng, cứng khớp làm giới hạn chức năng và vận động. Theo thống kê cho thấy trong 100 người có 3 người bị bệnh, cứ 4 người bị bệnh có 3 người là nữ.
Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng hay xuất hiện ở tuổi trung niên 30- 50. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy người bị bệnh viêm khớp dạng thấp dễ gặp những bệnh lý đi kèm, nhất là không được kiểm soát tốt sẽ có nguy cơ bị bệnh tim mạch hay đột quỵ. Hơn nữa, nếu bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị đúng giúp giảm thiểu hư hại khớp, tránh gây tàn phế.
|
Ảnh: Khớp bình thường bên Trái, khớp bị viêm đa khớp dạng thấp bên Phải. VKDT gây viêm bao hoạt dịch – bao lót bên trong khớp – gây tiết dịch sưng, đau, khiến sụn (phân đệm giữa 2 xương) và xương bị xói mòn.
|
Viêm khớp dạng thấp có thể phá hủy cấu trúc nhiều khớp, nhưng thường gặp là những khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân. Tình trạng viêm này cũng ảnh hưởng đến các cơ quan khác như tim, mắt, phổi.
Sự cứng khớp thường nặng hơn vào buổi sáng, kéo dài 1-2 giờ đôi khi cả ngày. Cứng khớp vào buổi sáng cũng gặp trong nhiều bệnh khớp khác do vậy bạn cần thăm khám bác sĩ để có chẩn đoán xác định.
Khi bị viêm khớp dạng thấp có những dấu hiệu kèm theo như mệt mỏi, sốt nhẹ, ăn không ngon, khô mắt, miệng và nốt cứng thường mọc bên dưới da như bàn tay, khủy tay – nốt thấp.
Nguyên nhân
Viêm khớp dạng thấp là bệnh tự miễn, nghĩa là tế bào miễn dịch giúp chống vi khuẩn và dọn dẹp tế bào chết tấn công các mô lành – ở khớp là màng hoạt dịch khớp. Nguyên nhân chưa biết rõ. Tế bào miễn dịch phóng thích ra các hóa chất gây viêm phá hủy sụn xương và xương.
Yếu tố di truyền cũng được ghi nhận làm cho một người có thể mắc bệnh này. Người ta nhận thấy Gen có vai trò trong hệ thống miễn dịch gây bệnh viêm khớp dạng thấp. Khi bạn mang Gen này có nghĩa là bạn có khả năng phát triển thành bệnh trong tương lai chứ không phải chắc chắn bạn mắc bệnh. Trên thực tế vẫn có người mang Gen nhưng không mắc bệnh và cũng có người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng không mang Gen. Các nhà nghiên cứu thấy có yếu tố làm khởi phát bệnh viêm khớp dạng thấp ở những người có mang Gen bệnh. Các yếu tố đó là: Stress, căng thẳng, nhiễm trùng, nhiễm virus hay thay đổi hormone. Nhưng hiện tại vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng
Chẩn đoán bệnh
Viêm khớp dạng thấp rất khó chẩn đoán, do triệu chứng nhiều lúc không rõ ràng chỉ nhức khớp hay cứng khớp một ít vào buổi sáng và biểu hiện này cũng giống các triệu chứng của bệnh khớp khác. Chủ yếu dựa vào các triệu chứng như sưng, nóng, đau khớp, cứng khớp cùng các dấu hiệu qua xét nghiệm máu, bác sĩ sẽ tổng hợp và đưa ra chẩn đoán bệnh. Khi có các triệu chứng này, bạn nên gặp bác sĩ để họ xác định bạn bệnh gì và tiến hành điều trị sớm nhất để tránh phá hủy cấu trúc khớp.
Bệnh viêm khớp dạng thấp không thể chữa khỏi, mục đích của việc điều trị là giảm thiểu triệu chứng và giới hạn vận động các khớp do bệnh gây ra. Tuy nhiên, trong những năm gần đây việc điều trị viêm khớp dạng thấp đã có nhiều tiến bộ. Những phương pháp điều trị gần đây đã giảm thiểu triệu chứng bệnh, cải thiện chức năng khớp về gần như bình thường. Với sự kết hợp các liệu pháp điều trị, bệnh sẽ không bùng phát, trở về dạng tiềm ẩn và không gây triệu chứng giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Bác sĩ sẽ tiến hành điều trị bằng thuốc càng sớm càng tốt trước khi có biểu hiện phá hủy khớp. Việc điều trị cần phối hợp nhiều phương pháp (có thể dùng thuốc hoặc phẫu thuật) thay đổi tùy theo diễn biến của bệnh nhằm tránh phá hủy khớ . Do vậy, khi có những dấu hiệu nghi ngờ bệnh bạn cần phải khám bác sĩ để sớm phát hiện bệnh và có phương pháp điều trị bệnh phù hợp, hiệu quả.
Viêm đa khớp dạng thấp và cuộc sống thường ngày
Khi mắc bệnh, hẳn bạn rất lo lắng không biết diễn tiến bệnh sẽ như thế nào. Khi có đợt cấp bùng phát, bạn sẽ đau và chỉ nằm nghỉ, cảm giác lúc đó thật chán nản.
Bạn hãy xác định đây là bệnh mạn tính và có thể thay đổi các hoạt động hàng ngày để cuộc sống của bạn tốt hơn như:
Tập luyện thể dục nên thường xuyên, nhưng trong đợt cấp tính, bạn nên nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi sẽ giúp giảm đau, sưng và phá hủy khớp. Nhưng nghỉ ngơi không phải là ngồi yên mà hãy vận động nhẹ nhàng các khớp, căng các cơ giúp tránh sự cứng khớp.
Khi triệu cứng thuyên giảm, tập luyện các bài tập ít va chạm như đi bộ, tập sức mạnh các cơ quanh khớp.
Việc tập luyện mang lại cho bạn sức khỏe toàn cơ thể và giảm áp lực lên khớp của bạn. Bác sĩ sẽ khuyên bạn nên tập loại hình thể thao nào và mức độ vận động của khớp gối.
Đừng gắng nâng vật nặng, di chuyển từ từ, trượt ngang, từng chút một. Ví dụ thay vì nâng nồi canh lên cao ta thực hiện di chuyển nó sang bên song song mặt bếp.
Sử dụng những khớp lớn thay hoạt động các khớp nhỏ đang bị viêm. Ví dụ để đẩy cửa ra vào trong khi cổ tay và ngón tay bị sưng viêm, ta có thể dùng vai hay hông để đẩy.
Đừng cầm quá chặt, ví dụ khi cầm viết, ta chọn những cây viết có kích thước lớn và cầm càng lỏng càng tốt hoặc ta có thể chèn những miếng đệm để tăng kích thước.
Thay đổi tư thế thường xuyên, co duỗi các cơ mỗi 30 phút giúp bạn giảm bị cứng khớp, mệt mỏi và đau.
Cân bằng giữa hoạt động, nghỉ ngơi. Khi bạn đang trong đợt cấp của bệnh thì nghỉ ngơi rất quan trọng giúp bạn giảm đau, tránh phá hủy nhiều khớp. Nhưng nếu nghỉ ngơi quá nhiều lại gây cứng khớp nhiều hơn. Do vậy bạn nên cân đối.
Hãy làm những công việc bạn yêu thích như: đi bộ, đi bơi, nhảy, đạp xe đạp. Tránh các môn thể thao đối kháng.
Lắng nghe cơ thể bạn, nếu còn cảm thấy đau kéo dài hơn 2 giờ sau tập luyện thì lần sau bạn nên tập ít hơn.
Khi đang viêm cấp, bài tập nhẹ nhàng về tầm vận động và sức cơ nhẹ sẽ giúp ít nhiều.
BS. Phạm Thế Hiển
Khoa Chấn thương Chỉnh hình
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM