(Sức Khỏe – khoe24h) Việc sở hữu vết bớt sắc tố bẩm sinh, nhất là ở những vị trí hở da (như trên mặt, chân, tay, ngực…) khiến nhiều người cảm thấy mất tự tin về ngoại hình, ngại ngần khi giao tiếp. Chính vì thế, xóa hoặc làm mờ các vết bớt sắc tố này là mong muốn của không ít người.
Chị L. T. T (27 tuổi, ngụ Q. Phú Nhuận, TP. HCM) luôn thiếu tự tin mỗi lần gặp bạn bè hay xuất hiện ở đám đông chỉ vì có vết bớt màu đỏ trên má phải. Chị chia sẻ: “Tôi có vết bớt bẩm sinh ở trên má phải nên từ nhỏ đã bị bạn bè chọc ghẹo. Từ đó tới giờ, tôi càng ngại tiếp xúc với mọi người. Mỗi lần đi dự tiệc hay gặp gỡ đối tác, khách hàng, tôi đều trang điểm kỹ nhưng vẫn không thể nào che được. Tôi muốn xóa vết bớt này để tự tin hơn trong cuộc sống”.
|
Nếu vết bớt có kích thước lớn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, bạn có thể điều trị. (Ảnh internet) |
Khi nào nên can thiệp?Theo bác sĩ thẩm mỹ da liễu, bớt da là những vùng da đổi màu xuất hiện trên da trẻ lúc mới sinh hay một vài tháng sau sinh. Khoảng 80% trẻ có các loại bớt da, một số tồn tại suốt đời, một số phai đi theo thời gian. Bớt có thể tăng kích thước nhưng rất chậm, tới mức nào đó sau tuổi dậy thì sẽ dừng lại và cố định lâu dài. Bớt có thể có kích thước lớn bằng bàn tay hoặc nhỏ như hạt ngô. Vị trí của bớt thường ở một bên mặt, quanh mắt, đôi khi cả hai bên mặt hoặc ở các vị trí khác của cơ thể, như: vai, ngực, cổ, lưng. Bớt có thể là các dát phẳng hoặc gờ cao trên mặt da, màu đen, xanh, nâu hay đỏ.
Trên một số bớt, có thể có lông mọc. Bệnh nhân thường không thấy triệu chứng, đôi khi hơi ngứa, khó chịu. Tuy nhiên, một số u máu có thể ảnh hưởng đến ăn uống, thị lực, đường thở, phát triển ở những cơ quan bên trong cơ thể, một số khác ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Tùy từng trường hợp sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau. Một vài trường hợp ảnh hưởng đến sức khỏe như u máu xuất hiện ở mắt ảnh hưởng đến thị lực thì cần điều trị ngay. Nếu bớt có kích thước nhỏ và ở vùng da kín, không gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ hay ít bị kích thích chấn thương, tốt nhất không nên can thiệp. Với các bớt có kích thước lớn ở vùng da hở, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến bệnh nhân thiếu tự tin, ảnh hưởng đến phát triển tâm lý cũng như công việc và các hoạt động xã hội thì cần điều trị.
Các phương pháp xóa bớt da
Trước đây, người ta thường sử dụng các phương pháp xâm lấn như phẫu thuật ghép da, cắt bỏ để xóa bớt. Hiện nay, sự ra đời của các loại laser tương ứng với từng loại bớt da khác nhau đã giúp việc điều trị bớt da trở nên dễ dàng, ít xâm lấn và hiệu quả hơn, đưa da bệnh nhân về gần bình thường hơn.
Tùy theo từng loại bớt (màu xanh, nâu, cà-phê sữa, đen, đỏ…) sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau. Các phương pháp dùng thuốc bôi, mỹ phẩm, lột da… thường không hiệu quả vì chúng chỉ tác dụng vào phần nông của da trong khi các melanin, hemoglobin trong các bớt sắc tố lại nằm ở phần sâu của da.
|
Việc xóa bớt bẩm sinh nên được tiến hành ở bệnh viện, cơ sở y tế với sự thăm khám, chỉ định của bác sĩ chuyên môn để đảm bảo an toàn. (Ảnh internet) |
Phương pháp phẫu thuật cắt ghép hay chích xơ hóa hiệu quả với các bớt hay u máu nằm sâu, ảnh hưởng đến các cơ quan bên trong cơ thể.Với các bớt ngoài da, có nguy cơ để lại sẹo xấu khi dùng phương pháp này.Với một số u máu to ở trẻ nhũ nhi ảnh hưởng đến thị lực, đường thở, tai, các cơ quan trong cơ thể… có thể điều trị nội khoa bằng các loại thuốc uống đến khi bé 18 tháng tuổi dưới sự theo dõi sát sao của các bác sĩ.
Phương pháp phổ biến hiện nay trong xóa bớt da là dùng laser. Tùy thuộc thành phần melanin, hemoglobin mà bác sĩ điều trị sẽ sử dụng loại laser thích hợp; ví dụ: laser Q-switched Nd: YAG, Alexandrite cho các loại bớt sắc tố màu xanh, nâu, đen, cà-phê sữa…; laser “nhuộm màu” PDL cho các bớt màu đỏ… Các bớt thường được điều trị nhiều lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng. Ưu điểm của phương pháp này là thường không để lại sẹo, thời gian nghỉ dưỡng ít hoặc thậm chí không cần nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, chi phí mỗi lần điều trị còn cao (khoảng 3-4 triệu/lần).
Hầu như tất cả người bệnh có nhu cầu đều có thể điều trị. Trước khi thực hiện khoảng 30 phút, bệnh nhân sẽ được thoa thuốc tê. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân chỉ có cảm giác châm chích chút ít, hoàn toàn không đau, không chảy máu. Sau khi điều trị, bệnh nhân được chườm lạnh, thoa kem dưỡng ẩm, chống nắng. Tùy theo độ nông hay sâu của bớt, bệnh nhân có thể chỉ cần nghỉ vài giờ (hoặc tối đa là 1-2 ngày) là có thể đi làm lại được. Người bệnh nên thoa kem dưỡng ẩm và chống nắng mỗi ngày để làm lành da nhanh đồng thời giảm thâm, tăng sắc tố sau điều trị.
Tư vấn chuyên môn:
ThS. BSCK2. Nguyễn Văn Út
Khoa Da liễu
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP. HCM
Thanh Minh
Tạp chí Sức Khỏe