Khánh thành vào ngày 20/02/2019 với quy mô xây dựng trên 10 tầng, trang thiết bị hiện đại nhất, phục vụ chẩn đoán, điều trị, tầm soát đột quỵ tim mạch, cơ xương khớp chuyên sâu, nghiên cứu khoa học, đào tạo quốc tế…Bệnh viện Đa khoa Quốc tế SIS Cần Thơ là cứu cánh cho người dân miền Tây trong cấp cứu đột quỵ. Mong muốn “xóa bỏ nỗi ám ảnh 97% người dân miền Tây đến trễ giờ vàng trong cấp cứu đột quỵ”, “giúp cho bà con trị bệnh với chi phí thấp nhất”, đang dần trở thành hiện thực. Bởi, bệnh nhân luôn là số 1.
Cuộc trò chuyện cùng TS. BS Trần Chí Cường – Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện đa khoa quốc tế SIS Cần Thơ, tuy ngắn nhưng lại mở ra rất nhiều điều, nhiều kỳ vọng lớn lao…
1/ Là người đặt viên gạch đầu tiên, người đã biến “BV đột quỵ” trong mơ thành BV hiện đại bậc nhất VN trong hiện thực. BS hãy kể một chút về những ngày tháng đầy vất vả nhưng cũng đầy tâm huyết ấy?
Trong hơn 10 năm “lang thang” khắp năm châu, đi qua hầu hết các nước phát triển và chưa phát triển, tôi nhận thấy rằng bệnh đột quỵ đang ngày càng phổ biến và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng trong mọi xã hội.
Ở VN, tình hình bệnh đột quỵ luôn gia tăng không ngừng và việc điều trị còn rất nhiều hạn chế: về kiến thức, cơ sở vật chất, áp lực bệnh nhân đông, địa lý đặc thù dân số phân bố trên diện rộng, chất lượng điều trị chưa đồng đều… đã gây không ít khó khăn cho việc cứu chữa bệnh nhân.
Nắm bắt được nhu cầu lớn đó, cùng với niềm đam mê công việc, yêu thương bệnh nhân, dám nghĩ dám làm, sẵn sàng hy sinh những lợi ích cá nhân để “về quê” cứu người cho “kịp thời gian vàng” mà BV Đột Quỵ Tim Mạch Cần Thơ đã ra đời…
2/ Điều làm cho hầu hết ai cũng ngạc nhiên là tiến độ xây dựng BV Đột quỵ Cần Thơ thật thần tốc, khi việc xây và đi vào hoạt động ngay trong năm 2018 với kinh phí hàng trăm tỉ đồng. Thành công là ở đâu, thưa BS?
Bệnh viện Đột Quỵ Tim Mạch Cần Thơ được khởi công xây dựng ngày 20/07/2017 và bàn giao công trình sau 15 tháng thi công, khánh thành hoạt động ngày 20/02/2019 với quy mô xây dựng 13.000 mét vuông sàn trên 10 tầng, công năng 200 giường bệnh nội trú, phục vụ 1.000 lượt khám ngoại trú/ngày, với trang thiết bị hiện đại nhất, phục vụ chẩn đoán, điều trị, tầm soát đột quỵ tim mạch, cơ xương khớp chuyên sâu, nghiên cứu khoa học, đào tạo quốc tế…
Yếu tố thành công giúp cho việc xây dựng “thần Tốc” đúng tiến độ là nhờ sự phối hợp của tất cả các bộ phận: từ thiết kế công trình, xây dựng cơ bản, trang trí nội thất, lắp đặt thiết bị, các đơn vị chuyên môn khoa – phòng phối hợp chặt chẽ, không lãng phí thời gian, tiền bạc, các đơn vị phối hợp nhịp nhàng, các cơ quan nhà nước như Bộ Y Tế, Sở ban ngành hỗ trợ thủ tục nhanh chóng…
3/ BV Đột quỵ Cần Thơ được đánh giá là hiện đại bậc nhất về trang thiết bị. BS có thể chia sẻ thêm về điều này với độc giả?
BV được trang bị đầy đủ các trang thiết bị “như mơ ước” cho một bệnh viện chuẩn quốc tế: máy chụp CT Scan 128, MRI 3 Tesla thế hệ mới nhất, máy chụp mạch máu xóa nền DSA có chức năng tái tạo mạch máu 3 chiều, chụp được CT Scan, hệ thống phòng mổ hiện đại áp lực dương do kỹ sư Pháp trực tiếp lắp đặt với kính hiển vi phẫu thuật hiện đại, hệ thống PACS tích hợp lưu trữ hình ảnh bệnh án điện tử, hệ thống Monitor trung tâm theo dõi bệnh nhân liên tục 24/24, hệ thống chuyển mẫu tự động, hệ thống tổng đài Call Center hoạt động 24/24, hệ thống xe cứu thương chuyên dụng với đầy đủ phương tiện cấp cứu: máy thở, Monitor, máy shock tim…
Đặc biệt là các thiết bị phục vụ cho giảng dạy thực hành: phòng thực nghiệm động vật lần đầu tiên được xây dựng trong bệnh viện tại Việt Nam.
4/ Hơn 97% trong tổng số 10.000 ca đột quỵ mỗi năm của các tỉnh miền Tây đến bệnh viện quá trễ, quả thật vẫn là nỗi ám ảnh với bệnh nhân, với các BS. BV Đột quỵ Cần Thơ chính là cứu cánh cho người dân miền Tây trong cấp cứu đột quỵ. Qua gần 4 tháng hoạt động, BV đã đạt những kết quả như thế nào, thưa BS?
Sau 4 tháng đi vào hoạt động, BV đã điều trị cho hàng nghìn trường hợp bệnh nhân đột quỵ cấp cứu khẩn cấp, can thiệp hơn 200 ca bệnh mạch máu não, tủy… với tỷ lệ bệnh nhân đến sớm cao hơn ở TP.HCM đây là ý nghĩa lớn lao cho sự sống còn của bệnh nhân và giảm tải cho các BV tại TP.HCM.
Hội thảo chuyên đề tại Bạc Liêu
5/ Không chỉ ở Cần Thơ, mà đi khắp các tỉnh miền Tây để giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm, BS nhận xét như thế nào về trình độ, về cơ sở vật chất ở các BV tuyến Tỉnh hiện nay trong việc điều trị, cấp cứu đột quỵ?
Nói chung phần lớn chưa đạt yêu cầu do nhiều lý do: cơ sở vật chất, nhân sự, kinh nghiệm… nhưng hiện nay đã tiến bộ rõ nét trong việc nâng cao chất lượng điều trị thông qua các chương trình đạo tạo tại chỗ. Hy vọng trong vài năm tới, mỗi tỉnh ở Miền Tây sẽ triển khai được các đơn vị đột quỵ cơ bản.
6/ Khát khao đưa “Việt Nam thành trung tâm đào tạo bác sĩ đột quỵ” đã được BS ấp ủ, triển khai ra sao? Được biết, trong tương lai, BV sẽ tiếp tục mở ra các chương trình đào tạo không chỉ cho các BS trong nước mà cả các BS nước ngoài cũng sẽ đến học tập. BS có thể bật mí về điều này?
Can thiệp đột quỵ là một chuyên ngành mới trong y học, tôi may mắn được tiếp cận từ rất sớm (2004) khi các thầy thế hệ “cha đẻ” của ngành đã trên dưới 50 tuổi, đến nay đa số họ đã trên dưới 70 tuổi, với nhu cầu quá lớn trên thế giới về lĩnh vực này, cùng với kinh nghiệm điều trị hàng nghìn bệnh nhân, sự phối hợp góp sức của tất cả các Thầy trong nước, đã tạo thế mạnh cho Việt Nam về đào tạo can thiệp đột quỵ và bệnh mạch máu não, tủy…
Khóa đào tạo quốc tế chẩn đoán và điều trị bệnh mạch máu thần kinh
7/ Kim Ánh được biết, cách đây chưa lâu Hội nghị đột nghị quốc tế ở Đà Nẵng đã thu hút rất nhiều BS khắp năm châu đến trao đổi, học tập liên quan đến điều trị đột quỵ. Đây không phải là điều dễ dàng?
Rất khó! Tuy nhiên, nếu chúng ta có lòng tin và tính toán chuẩn bị kỹ thì sẽ làm được.
8/ BS vẫn thường tâm nguyện “giúp cho bà con mình trị bệnh với chi phí thấp nhất”. Với một BV hiện đại và với mục đích này, có gì khó trong quá trình triển khai thực hiện, bởi hiện đại luôn đồng nghĩa với chi phí cao?
Đó là:
- Tiết kiệm nhất có thể.
- Tận dụng mọi nguồn lực có thể.
- Kêu gọi từ thiện trong ngoài nước.
- BHYT.
Thật sự đây là một áp lực lớn cho cá nhân tôi cũng như cho một BV phải vay tiền để thực hiện! Nhưng cầu mong cho BV có thể hoàn vốn được để các BS yên tâm phụng sự nhân dân.
9/ Một câu nói rất ấn tượng của BS mà Kim Ánh vẫn nhớ: “Không cần tranh luận nội hay ngoại thần kinh là quan trọng hơn trong cứu người đột quỵ. Không ai là số một, chỉ người bệnh mới là số một”. Điều này có ý nghĩa là…?
Điều này nhắc nhở các y bác sĩ cùng tập trung vào bệnh nhân để cứu người, bỏ qua những “cái tôi” cũng như nếu thiếu sự hợp tác thì sẽ không thành công. Thành công trên một ca bệnh là thành công của cả tập thể chứ không phải một khoa phòng hay một cá nhân riêng lẻ nào.
10/ Là người sẵn sàng dốc hết tiền túi đóng ứng viện phí cho bệnh nhân nghèo, tuyên bố mạnh mẽ: khi đến BV đột quỵ, bệnh nhân không có tiền cũng được cứu, lập bệnh viện không vì mục đích cuối cùng là lợi nhuận, BS có khi nào gặp khó khăn?
Có gặp khó khăn, do có khá nhiều bệnh nhân nghèo… nhưng BV vẫn cam kết đúng mục tiêu cứu người và đã cứu được khá nhiều bệnh nhân tạo được niềm tin lớn trong cộng đồng.
“Một nắm khi đói bằng một gói khi no” hy vọng rằng cộng đồng cũng sẽ đồng hành chia sẻ!
11/ Khi đã bị đột quỵ một núi vàng cũng không thể cứu bạn tỉnh dậy và sống lại. Nhưng các chuyên gia cấp cứu đột quỵ lại làm được. Chính điều đó là niềm vui lớn nhất, hạnh phúc lớn nhất của người BS. BS có thể kể lại những ca ấn tượng nhất mà BS vẫn nhớ?
Đó là ca đột quỵ quá nặng mà một bệnh viện lớn tại TP.HCM cho về với tiên lượng tử vong. Tuy nhiên, người nhà trên đường đưa về thấy bệnh nhân còn nhúc nhích được… sau đó người nhà gọi BS Cường cầu cứu. Lúc đó mình không nghĩ là sẽ làm được gì… nhưng cũng cố gắng hỏi kỹ thân nhân tình trạng bệnh và bảo họ hãy nhéo người bệnh một cái thật đau, cái đau mà người bình thường sẽ nổi giận, thậm chí đánh lại mình để xem bệnh nhân có phản ứng gì không? Và sau vài phút thân nhân gọi lại thông báo: “BS ơi ổng còn gạt nhẹ tay tui được”. Thế là mình đã can thiệp và cuối cùng bệnh nhân sống lại!
12/ Làm ở chuyên khoa hàng ngày đối diện giữa sự sống và cái chết. Điều gì, theo BS là quí nhất trong cuộc đời này?
- Sức khỏe con người là quan trọng hơn tất cả!
- Giá trị của một con người không phải đo bằng tiền và cũng không thể định giá hay mua được bằng tiền!
- Có tiền mua được thuốc men, dụng cụ nhưng không mua được thời gian và sức khỏe!
13/ Can thiệp nội mạch, suốt ngày trong phòng mổ, người BS phải đối diện với các tia độc hại gấp 500 lần chụp X quang bình thường, có khi nào BS hay người thân cũng thấy hơi ái ngại về điều này?
Lúc đầu thì có nhưng làm riết rồi quen!
Người thân cũng lo nhưng cũng ủng hộ, vì làm điều tốt cứu người mà!
14/ Gần như dành trọn thời gian, tâm huyết, niềm đam mê cho công việc, cũng có nghĩa là sẽ ít có thời gian dành trọn cho gia đình như bao nhiêu người khác. Có khi nào BS, hay người thân cũng hơi chạnh lòng về điều này?
Có! Nhưng tự an ủi nhau, động viên nhau… khi này còn khi khác và so với những người khác mình còn may mắn hơn!
15/ Để làm được tất cả những điều như trên, không thể không nói đến sự đồng lòng, chung sức để “tát biển Đông” cùng chồng của chị – người vợ, người đồng nghiệp, hậu phương vững chắc luôn sát cánh cùng anh trong suốt thời gian qua?
Không có “Hậu Phương” đồng lòng góp sức ủng hộ, cùng hợp tác thì khả năng mình không thể làm được!
Rất cám ơn bà xã mình vừa là bạn đồng nghiệp và là người “quản lý” chính của Bệnh viện đã giúp “các bác sĩ” an tâm cứu người!
Xin cám ơn TS. BS Trần Chí Cường
Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM
Giám đốc chuyên môn BV đa khoa quốc tế SIS Cần Thơ
Kim Ánh
Theo Tạp chí Sức Khỏe