“Đời người như dòng sông, có lúc dịu êm, nhiều khi dậy sóng, nhưng vẫn mãi trôi, đi qua những bến bờ tưới mát và ươm mầm cho cuộc sống”. Đó chính là tâm nguyện của PGS.BS Thầy thuốc nhân dân Lê Chí Dũng, người thầy thuốc Tài Đức vẹn toàn luôn được rất nhiều học trò và bệnh nhân kính trọng.
1/ Từng nhiều năm là Chủ tịch Hội Chấn thương Chỉnh hình (CTCH), Chủ tịch Hội Nội soi cơ – xương – khớp TP.HCM, Chủ tịch Hội Nội soi khớp – Y học thể thao Đông Nam Á, BS đánh giá thế nào về thực trạng của ngành cơ-xương-khớp Việt Nam hiện nay?
Trong phạm vi ngoại khoa của ngành cơ-xương-khớp tức ngành CTCH, hiện nay, ngành CTCH Việt Nam phát triển sâu rộng. Với khoảng 1.500 người, đội ngũ bác sĩ ngày càng tăng do nhu cầu thực tế có quá nhiều trường hợp chấn thương cũng như do phát triển các kỹ thuật cao… Hầu hết các bệnh viện (BV) đa khoa lớn đều có Khoa CTCH độc lập. Ngoài ra còn có các BV và Viện CTCH ở các thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội, Huế… Các lớp học được tổ chức thường xuyên, đào tạo các bác sĩ chuyên khoa, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành CTCH cũng như chứng chỉ thực hành cho các kỹ thuật điều trị mới. Có thể nói, về điều trị, BS Việt Nam có thể thực hiện tất cả các phương pháp phẫu thuật từ cơ bản đến phức tạp, không thua kém các chuyên gia nước ngoài. Từ các phẫu thuật thông thường như cố định xương gãy cho đến phức tạp như điều trị các bướu xương, phẫu thuật cột sống, vi phẫu tạo hình, thay khớp nhân tạo, nội soi khớp… đều được thực hiện một cách thường quy. Số lượng các trường hợp phẫu thuật rất lớn. Một số liệu pháp mới như sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu, tế bào gốc cũng được lưu ý. Một số chuyên gia Việt Nam đã tham gia giảng dạy các khóa học quốc tế trong và cả ngoài nước. Nhiều hội nghị CTCH được tổ chức, một số BS báo cáo ở các hội nghị quốc tế trong và ngoài nước. Một số BS nước ngoài đến thực tập ở một số cơ sở điều trị, nhất là ở TP. HCM.
Tuy vậy vẫn tồn tại nhiều điểm yếu. Chất lượng và nội dung đào tạo tại các trường y và cơ sở thực tập không đồng đều và không thống nhất. Chỉ có vài trường y như Đại học Y Dược và Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch TP. HCM, Học viên Quân Y Hà Nội là có Bộ môn CTCH. Nhiều trường khác ngay cả Đại học y Hà Nội, Huế… vẫn chỉ là phân môn CTCH thuộc bộ môn Ngoại! Khoảng phân nửa các bác sĩ CTCH chỉ được đào tạo bán phần (BS chuyên khoa I), chưa học hết chương trình hoàn chỉnh (BS chuyên khoa II). Ngoại ngữ vẫn là điểm yếu, đa số bác sĩ chưa thông thạo tiếng Anh, tham dự hội nghị còn cần thông dịch. Nhiều bác sĩ tuy tay nghề khá cao, nhưng không đủ tự tin để báo cáo hoặc tham luận ở các hội nghị quốc tế. Hiếm có các nghiên cứu đăng tải ở các tạp chí chuyên ngành quốc tế và thiếu các nghiên cứu cơ bản như về sinh cơ học. Do còn nặng nợ cuộc sống, nên việc trau dồi kiến thức, khả năng thực hành của BS Việt Nam không cao bằng các nước khác. Nhiều người chưa tận dụng cơ hội để học hỏi khi được dịp tham dự hội nghị quốc tế ở nước ngoài.
2/ Thưa BS, hội nghị thường niên kết hợp về Nội soi khớp và Y học thể thao được tổ chức hàng năm, đã quy tụ nhiều chuyên gia về lĩnh vực cơ xương khớp trong khu vực và thế giới. Những hội nghị như vậy có ý nghĩa như thế nào đối với ngành Nội soi khớp và Y học thể thao VN và TP.HCM?
Hội nghị Nội soi khớp – Y học thể thao được tổ chức hàng năm với sự tham dự đông đảo của các chuyên gia hàng đầu thế giới là động lực, đòn bẩy giúp phát triển chuyên ngành trong nước. Cụ thể nhất là trong Hội nghị kết hợp của Hội Nội soi cơ-xương-khớp TP. HCM với Hội Nội soi khớp – Y học thể thao Đông Nam Á, Nhóm Nội soi khớp – Y học thể thao thuộc Hội CTCH Châu Á – Thái bình dương, Hội Nội soi khớp Pháp quốc vào năm 2017 tổ chức tại TPHCM và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có sự hiện diện của Giáo sư Chủ tịch Nội soi khớp thế giới, các Giáo sư Chủ tịch Hội và BS các nước Đông Nam Á và nhiều giáo sư, chuyên gia từ các nước Pháp, Nhật, Hàn quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… Hội nghị chỉ sử dụng tiếng Anh. Các hội nghị thường niên luôn có các giáo sư của các nước như Hoa kỳ, Úc, Pháp, Nhật, Hàn quốc và các nước Đông Nam Á.
Những vấn đề cơ bản và chuyên sâu nhất, “nóng” nhất về nội soi cơ-xương-khớp đều được trình bày, phân tích. Nhờ vậy trình độ chuyên môn và khả năng giao tiếp ngoại ngữ của các BS Việt Nam được nâng cao rõ rệt. Hội luôn cử chuyên gia báo cáo tại các hội nghị Đông Nam Á. Dưới danh nghĩa Hội, 4 bác sĩ Việt Nam đã báo cáo 8 đề tài và chủ trì thảo luận tại Hội nghị Nội soi khớp – Đông Nam Á tổ chức tại Indonesia tháng 9/2018.
Các BS Việt Nam đã thiết lập được tình bằng hữu gắn bó với các chuyên gia quốc tế, qua đó tạo được vị thế của Hội và ngành Nội soi cơ-xương-khớp TP. HCM và Việt Nam trên thế giới.
3/ Là một trong những bác sĩ đầu tiên chuyển đến BV Trần Hưng Đạo để xây dựng Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, nay là BV Chấn thương Chỉnh hình TPHCM. BS chắc vẫn còn nhớ những tháng ngày đầy gian nan ấy để đặt những viên gạch đầu tiên?
Vâng, đó là những tháng ngày vất vả, gian nan nhưng cũng đầy tự hào. Thực hiện chủ trương của thành phố dưới sự chủ trì của BS Giám đốc Sở y tế Dương Quang Trung, Khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Bình Dân được chuyển qua BV Trần Hưng Đạo để xây dựng Trung tâm CTCH. Quá trình chuyển đổi diễn ra từng bước, lắm gian truân do có nhiều sự chưa đồng tình của một số người và do việc chuyển đổi công năng từ một bệnh viện đa khoa thành một trung tâm chuyên khoa đòi hỏi nhiều thay đổi, bổ sung về nhân sự, trang thiết bị và cả về tư duy điều trị, phục vụ…
Còn nhớ vào năm 1982, do những lý do tế nhị nêu trên, Sở y tế TP. HCM đã điều động BS Lê Kính là Phó Chủ nhiệm Bộ môn CTCH, Đại học Y Dược TP. HCM sang “tiền trạm” ở BV Trần Hưng Đạo. BS Lê Kính đã cùng với BS Nguyễn Thế Luyến và tôi, đều là giảng viên của trường, qua “tiền trạm” ở BV Trần Hưng Đạo, nương nhờ Khoa Ngoại II. Khỏi phải nói thì cũng hiểu chúng tôi đã phải chịu những áp lực lớn từng giờ, từng ngày. Dù vậy sau 1 năm kiên trì, chịu đựng một cách khôn khéo, chúng tôi đã xây dựng cơ sở đủ mạnh để năm sau (1983) toàn bộ BS, nhân viên của Khoa CTCH BV Bình Dân sang đây làm việc và từng bước xây dựng, phát triển các khoa chuyên sâu như Phẫu thuật chi trên, chi dưới, cột sống, chỉnh hình nhi, nội khớp, bệnh học cơ-xương-khớp, vi phẫu…
4/ BS Lê Chí Dũng được xem là cánh chim đầu đàn của một chuyên ngành mới là “Bệnh học Cơ-Xương-Khớp”, có uy tín ở trong nước lẫn quốc tế. Đây là khoa ít hấp dẫn và thu nhập thấp, lại phải thường xuyên đối mặt với muôn vàn khó khăn, chịu nhiều áp lực tâm lý nặng nề. Vì sao BS lại chọn ngành vừa mới lúc đó, vừa vất vả?
Tôi nghĩ mọi thứ ở đều có cội nguồn và cơ duyên của nó.
Sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, mảnh đất nghèo kèm chiến tranh khốc liệt, tôi ước mơ học y khoa để xoa dịu nỗi đau người bệnh và nạn nhân chiến cuộc. Khi bước chân vào trường y Sài Gòn từ năm 1972, các thầy đã truyền cho tôi lòng nhiệt hứng học tập, niềm tin yêu cuộc sống và con người, tinh thần chăm sóc bệnh nhân đặc biệt cho những trường hợp khốn khổ, khó khăn. Trong các vị thầy tài năng, đáng kính thì tôi bị “chinh phục” bởi GS Hoàng Tiến Bảo. Thầy dạy chúng tôi các môn “Cơ thể học” năm thứ nhất, “Cơ thể bệnh” năm thứ hai, “chỉnh trực” năm thứ tư, thứ năm và là giám khảo khi tôi thi tốt nghiệp. Thầy là bậc chân tu trong cuộc sống. Khi đất nước khó khăn vào những năm 1980, thầy đứng mổ cột sống suốt 8 tiếng đồng hồ sau khi “lót lòng” một củ khoai lang hoặc một gói xôi, tối đến đạp xe vào bệnh viện thăm người bệnh… Nghe những lời giảng, những trao đổi chân tình cùng chứng kiến những việc thầy làm, tôi ấp ủ nối gót theo Thầy. Tôi học thêm với Thầy ở Khoa CTCH BV Bình Dân vào năm 1980, Trưởng Khoa lúc đó là BS Võ Thành Phụng. Vào thập niên 1970-80, thầy là chuyên gia hàng đầu về bướu xương, bướu phần mềm trong các nước Đông Nam Á.
Là giảng viên bộ môn giải phẫu bệnh lại có cơ duyên học thêm về CTCH, tôi quyết định kết hợp 2 chuyên ngành này vào việc chẩn đoán, điều trị bướu xương, bướu phần mềm và các bệnh lý cơ-xương-khớp. Khi Trung tâm CTCH được thành lập vào năm 1985, nhận thấy di sản của thầy Bảo là mãng bướu xương và bướu phần mềm có “nguy cơ biến mất”, tôi đã xin chuyển công tác về Trung tâm CTCH để phụ trách lĩnh vực này.
Một lý do khác thúc đẩy tôi chọn mảng bệnh lý “khó nhọc” này chính là bệnh nhân. Bệnh ung thư xương rất ác-độc! Ung thư xương có độ ác rất cao, tỷ lệ tử vong 5 năm là trên 95%. Ung thư xương lại rất độc vì chủ yếu xảy ra ở lứa tuổi dậy thì lắm mộng mơ, nhìn đời toàn màu hồng, chưa nhuốm bụi trần! Mỗi lần khám các bé bị ung thư xương, nhìn vẻ mặt ngây thơ của cháu nhưng trong lòng thì nghĩ đến cảnh 1-2 năm sau đó bệnh nhân chỉ còn da bọc xương, đôi mắt sâu hoắm thì lòng tôi không sao chịu nổi! Chính căn bệnh và ánh mắt của các cháu đã thôi thúc tôi chọn bướu xương, bướu phần mềm làm cái “nghiệp” của mình. Nhiều đồng nghiệp đã nói là ánh mắt của các bé ung thư xương “đẹp” lạ lùng. Tôi cũng cảm nhận thế, đôi mắt tự hỏi về thân phận mình, xoáy sâu hun hút…
5/ Vâng, nói đến BS Lê Chí Dũng là nói đến lĩnh vực bướu xương mà BS gần như dành cả đời cho việc điều trị, nghiên cứu. Đây là ngành vừa vất vả, vừa khó khăn trong điều trị, chưa kể, nhiều bệnh nhân gần như tuyệt vọng, lại khánh kiệt trong quá trình điều trị? Những kỷ niệm để lại ấn tượng mạnh mẽ trong BS khi điều trị cho các bệnh nhân của mình?
Kỷ niệm buồn vui trong quá trình điều trị bệnh nhân bướu xương thì nhiều vô kể, nước mắt nuốt vào trong cũng có mà hạnh phúc ngập tràn cũng có. Tập hợp lại có thể in thành nhiều tập truyện ngắn. Tôi chỉ xin kể 4 mẩu chuyện nhỏ sau:
- Ngày Xuân, một bệnh nhân đến chúc Tết cùng với vợ và con trai. Anh nói với tôi “Bác sĩ nhớ không, cách đây 7 năm, bà chị đưa con vào điều trị trong túi chỉ có 500 ngàn, cả nhà và bản thân con đều nghĩ chắc chắn là con sẽ chết vì căn bệnh ung thư xương. Vậy mà không những con không chết, còn lành lặn cả chân tay và còn có cả vợ con. Đúng như chuyện cổ tích!
- Kỷ niệm 25 năm lành bệnh “ung thư tủy tương bào”, một bệnh nhân nữ viết thư cảm ơn BS trong đó có đoạn: “Lúc biết mình bị ung thư, cả bầu trời như sụp đổ, tôi ngất đi, khi tỉnh dậy lại nghe tin chồng bỏ đi lấy vợ bé… tôi chỉ nghĩ đến cái chết! May nhờ có BS và anh chị em trong Khoa đã động viên, an ủi, điều trị tận tình tôi đã vượt qua tất cả và hôm nay vui sống cùng con cháu. Tôi nghĩ là mình đã được sinh ra lần nữa và luôn xem Khoa như là gia đình thứ 2”.
- Ngày giao ban đầu năm mới, được BS giám đốc đọc bức thư của bệnh nhân khen ngợi tôi hết lời là không những điều trị tốt mà còn hỗ trợ chi phí hóa trị. Trong khi còn lâng lâng niềm vui thì tôi nhận cú điện thoại của cha một cháu bé – anh ta đã hăm dọa, chửi mắng tôi thậm tệ và nói là tại sao khám bệnh đã biết ung thư mà còn mổ sinh thiết làm chi cho tốn kém…! Nghĩ đến cảnh người nghèo khổ phải vay mượn, cầm cố nhà cửa để trị bệnh cho con, tôi nuốt từng lời cay độc “khốn cùng” của anh ta… và bần thần ra quán uống cà phê không đường với đầu óc trống rỗng!
- Một buổi trưa cuối năm, tôi chợt nghe văng vẳng tiếng nhạc Trịnh từ phòng bệnh nhân. Tôi nhận ra cô bé chuyên nghe nhạc hip hop trong lần nhập viện đầu tiên vào tháng trước. Ngày đó, cô như chim sơn ca, cười đùa với mọi người. Vậy mà sau khi biết mình bị ung thư, cô chuyển sang nghe nhạc về thân phận người! Tôi đã 5 lần phẫu thuật trong đó có lần mổ cấp cứu vào chiều 30 Tết nhưng vẫn không cứu nổi chân và tính mạng của cô. Cô bé “Hoa hướng dương” này sau đó được chọn là “Công dân trẻ tiêu biểu của thành phố”. Cô bé với nhân cách ngời sáng đã vĩnh viễn ra đi nhưng cho đến nay vẫn góp phần giúp đỡ bệnh nhi ung thư qua chương trình “Ước mơ của Thúy”.
6/ Thưa BS, trước đây khi nhắc đến ung thư là người ta nghĩ đến việc phải đoạn chi, tháo khớp, nghĩ đến cái chết cận kề, thì nay, các phương pháp điều trị đã mở ra kỷ nguyên mới trong điều trị loại bệnh nan y này, giúp người bệnh không chỉ giữ toàn vẹn chân tay mà còn sống mạnh khỏe, lập gia đình, sinh con như những người bình thường khác. Những phương pháp nào đã và đang làm được những điều này, thưa BS?
Phẫu thuật bảo tồn chi ung thư xương được thực hiện thành công nhờ sự tiến bộ đồng bộ các lĩnh vực y học liên quan. Trước hết là sự hiểu rõ về quá trình phát triển tự nhiên của ung thư xương, về độ ác và các giai đoạn của nó. Thứ hai là sự phát triển các phương tiện hình ảnh y học hiện đại như CT, MRI… bên cạnh XQ và giải phẫu bệnh kinh điển giúp phát hiện, chẩn đoán bệnh sớm hơn. Thứ ba là nhờ sự hữu hiệu của hóa trị. Thứ tư là nhờ những tiến bộ về các lĩnh vực gây mê hồi sức, kỹ thuật giải phẫu, trang thiết bị dụng cụ, chăm sóc điều dưỡng và tập phục hồi chức năng. Và trên tất cả là sự phối hợp đa chuyên khoa của nhiều chuyên gia.
7/ Thưa BS, cho đến nay đã có trên 100 công trình của BS được đăng tải và báo cáo trong các hội nghị chuyên ngành trong và ngoài nước. Các đề tài nghiên cứu của BS đều được đánh giá cao vì có giá trị thực tiễn. Những đề tài nào BS tâm đắc nhất?
Những đề tài tâm đắc nhất đều thuộc lĩnh vực bệnh học cơ-xương-khớp như: (1) Bảng phân loại mới về bướu xương, bướu phần mềm, (2) Chẩn đoán và điều trị bướu đại bào xương, (3) Sử dụng phối hợp xương ghép tươi tự thân và xương đồng loại đông khô trong điều trị các bướu xương, (4) Sử dụng xi măng sinh học trong điều trị các bướu xương, (5) Phẫu thuật điều trị ung thư di căn xương, (6) Chẩn đoán các bệnh khớp thường gặp, và tâm đắc nhất là (7) Phẫu thuật điều trị bảo tồn chi các ung thư xương…
8/ BS từng quan niệm: muốn điều trị tốt cho bệnh nhân, người thầy thuốc không thể chỉ đóng khung trong phòng xét nghiệm mà còn phải tham gia vào lâm sàng. Vì vậy, bác sĩ vừa tích cực giảng dạy, xây dựng Bộ môn Giải phẫu bệnh của Đại học Y Dược, vừa điều trị bệnh nhân ở bệnh viện. Đến nay, quan niệm này đã giúp ích như thế nào cho việc dạy và học ở trường Đại học, thưa BS?
Nhờ quan niệm này, bản thân tôi và cộng sự hiểu rõ sâu sắc hơn về quá trình phát sinh và diễn tiến của các bệnh, về tác động lên xương và phần mềm của các chấn thương, về quá trình lành xương và mô mềm dưới góc độ vi thể (nhìn qua kính hiển vi) cũng như tác động của các dụng cụ cấy ghép vào xương… Nhận thức, tầm nhìn đạt được sâu sắc, toàn diện hơn trước, hiểu được tính “động” của các quá trình này hơn là tính “tĩnh” của sự việc. Ví dụ: kiến thức giải phẫu bệnh giúp ta hiểu rõ quá trình tạo xương theo kiểu trực tiếp thành mô xương hoặc gián tiếp qua mô sụn, nhờ đó ta chọn đúng loại dụng cụ và kỹ thuật cố định cho từng loại gãy xương.
Ngược lại, nhờ nắm vững các dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng và hình ảnh y học nên việc chẩn đoán giải phẫu bệnh sẽ dễ hơn, chính xác hơn, tránh được sai sót; nhờ vậy việc điều trị sẽ đạt kết quả hơn.
Ở bệnh viện các nước, luôn có các cuộc hội thảo hàng tuần giữa các bác sĩ lâm sàng và giải phẫu bệnh về các ca bệnh hay, khó, qua đó mọi người học hỏi được nhiều và điều trị tốt hơn cho bệnh nhân. Việc giảng dạy cũng mang tính “tích hợp”, phối hợp nhiều chuyên khoa giúp học viên có cái nhìn toàn diện, sâu sắc và nhớ lâu hơn. Phương pháp giảng dạy theo vấn đề của Đại học Havard cũng theo hướng này.
Tóm lại, quan niệm này giúp ích rất nhiều cho việc giảng dạy ở tất cả các bộ môn lâm sàng và cận lâm sàng.
9/ Nhân đây, BS đánh giá như thế nào về phương pháp dạy và học ở trường Y hiện nay? So với mặt bằng khu vực, công tác đào tạo ở ta có những điểm mạnh, yếu nào, thưa BS?
Bản thân tôi tự nhận là chưa thể đánh giá được đầy đủ và chính xác về việc dạy và học ở trường y nước ta. Điều dễ nhận thấy là VN mạnh về lâm sàng, về kỹ thuật mổ, về kinh nghiệm điều trị. Đơn giản là vì nguồn bệnh quá phong phú mà nghề y là nghề thực hành! Thế nên việc học và dạy về lĩnh vực này cũng dễ hơn.
Tuy nhiên, chúng ta yếu về y tế công cộng và y học cơ bản nên việc dạy và học về lĩnh vực này không bằng các nước khác. Chúng ta thiếu nhiều dụng cụ, máy móc, thiếu những nghiên cứu về y học cơ bản. Ví dụ học về sinh học thì trong phòng thí nghiệm ở nước ngoài, các sinh viên sẽ tiến hành cắt xén hoặc ghép nối các chỗi gien một cách dễ dàng trong khi sinh viên chúng ta chỉ nghe giảng lý thuyết… Trường đại học các nước trong khu vực có các trung tâm thực nghiệm và các phòng thí nghiệm rộng lớn để giảng dạy và nghiên cứu.
Ở các nước, các chương trình giảng dạy được biên soạn công phu và đầy đủ đến từng chi tiết nhỏ nhất, nội dung kiến thức của các bài giảng khác nhau cho từng đối tượng. Ở Việt Nam, chương trình thường có tính lắp ghép, vá víu, các bài giảng nhiều khi được dùng cho nhiều đối tượng. Nhiều trường y tuyển sinh quá với khả năng và điều kiện đào tạo của mình.
Nói chung, chúng ta còn nặng về lý thuyết, ít thực hành. Ngày nay, sinh viên đi thực tập bệnh viện không hoặc ít được thực hành trên bệnh nhân so với trước đây. Các bệnh viện không có phòng riêng cho nội trú. Điều này góp phần làm giảm tính tích cực, năng động học hỏi, thực hành của sinh viên. Khả năng thuyết trình của sinh viên Việt Nam cũng kém hơn so với các nước trong khu vực.
10/ “Nước có chảy thì nước mới trong”, tâm niệm như vậy, nên BS đã chọn lùi lại phía sau, nhường chổ, nâng đỡ cho các thế hệ đàn em bước lên và bước xa hơn trong việc hội nhập và vươn ra biển lớn. BS có điều gì muốn dặn dò các thế hệ đàn em?
Nước có chảy thì mới trong. Đúng vậy! Nếu nước không chảy được, bị ứ đọng lại lâu ngày sẽ “bốc mùi”, không những không sử dụng được mà còn có hại. Thế nên tôi luôn cố gắng học hỏi và làm việc hết mình, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho đàn em, học trò tiến bộ, rèn luyện và phát huy năng lực của bản thân họ. Tôi luôn mong họ giỏi hơn mình và tiến xa hơn mình trong nghề nghiệp cũng như trong đời sống. Vì vậy tôi luôn rút lui đúng lúc, nhường lại các chức vụ, các hoạt động cho các bạn trẻ có năng lực và luôn sẵn lòng giúp đỡ họ đảm nhiệm tốt chức trách. Điều quan trọng là các bạn trẻ phải nổ lực học hành và tu tập, tránh đố kỵ, không sa đà vật chất phù hoa, luôn rèn luyện tâm trí cũng như sẵn lòng giúp đỡ đàn em, học trò của mình.
Xin cám ơn BS rất nhiều!
Thầy thuốc Nhân dân, PGS. BS LÊ CHÍ DŨNG
Nguyên Chủ tịch Hội Chấn thương Chỉnh hình
Chủ tịch Hội Nội soi Cơ – Xương – Khớp TP.HCM
Chủ tịch Hội Nội soi Khớp – Y học thể thao Đông Nam Á
PV BTV Kim Ánh
Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn