Trò chuyện cùng Bs CKII Võ Thị Thu Hà Quyền Giám Đốc BV Phụ sản Tiền Giang Bệnh viện vệ tinh – Bệnh viện của niềm tin

Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang là bệnh viện Phụ sản đầu tiên ở khu vực ĐBSCL được thành lập cách đây 15 năm. Cùng với bước trưởng thành, BV đã đi đầu trong các BV Khu vực miền Tây về các phẫu thuật nội soi, điều trị thành công nhiều ca bệnh phức tạp. Đặc biệt là với chương trình “BV vệ tinh” của Bộ Y tế, qua hợp tác với bệnh viện hạt nhân (BV Từ Dũ), nhiều ca mổ khó được hội chẩn online, cứu sống kịp thời cả mẹ và thai nhi. Không dừng lại ở đó, hiện nay, BV đang tiếp tục tiếp nhận những gói chuyển giao với những kỹ thuật chuyên sâu hơn, khắc phục tình trạng các bệnh nhân phải lên TP. HCM để điều trị.

 

1/ Thưa BS, Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang (BV PSTG) là bệnh viện Phụ sản đầu tiên ở khu vực ĐBSCL, được thành lập cách đây 15 năm.  Đâu là dấu ấn ghi lại trên chặng đường phát triển của BV thời gian qua?

BVPSTG được tách ra từ Bệnh viện Đa Khoa Trung tâm Tiền Giang từ tháng 7/2003. Năm 2009, Bệnh viện bắt đầu được xây mới và tháng 12/2013, BV được khánh thành và đưa vào hoạt động đến nay, gồm tòa nhà 6 tầng khang trang, nằm ở mặt tiền của con đường đẹp nhất TP. Mỹ Tho. Lần đầu tiên những bà mẹ mang thai ở tỉnh Tiền Giang, các vùng lân cận được đến sanh và khám, cũng như các thầy thuốc được làm việc trong môi trường hiện đại, khang trang và sạch sẽ.

BV cũng là đơn vị đi đầu trong các Bệnh viện Khu vực miền Tây về các phẫu thuật nội soi, những ca mổ phức tạp về sản khoa như: nhau tiền đạo trung tâm, nhau cài răng lược. Trước đây, các ca như vậy đều phải chuyển lên Bệnh viện Từ Dũ. Nhờ nâng cao được trình độ chuyên môn nên Bệnh viện đã thu hút bệnh nhân từ các tỉnh lân cận như Long An, Bến Tre,… Bệnh viện đã đăng cai tổ chức Hội nghị Sản – Phụ khoa Đồng bằng sông Cửu Long tại TG năm 2016, tổ chức Hội nghị Khoa học kỹ thuật hàng năm với sự tham dự của nhiều Giáo sư, Bác sĩ đến từ BV Từ Dũ và Trường ĐHYD TP. HCM.

2/ Thưa BS, được biết, thời gian qua, với việc cập nhật, ứng dụng những kiến thức mới trong việc nâng cao chất lượng điều trị, nên BV đã giảm tình trạng chuyển bệnh cũng là giảm quá tải cho các BV tuyến trên. Kết quả cụ thể như thế nào và những ca ấn tượng mà BS vẫn nhớ?

Nhờ chương trình Bệnh viện vệ tinh của Bộ Y tế, BVPSTG đã nâng cao chất lượng điều trị, những bệnh nhân trước đây phải chuyển tuyến trên thì nay BV có thể điều trị thành công. Hiện nay BV đã đưa vào áp dụng phẫu thuật nội soi thai ngoài tử cung, u nang buồng trứng, khảo sát sinh dục,… Với những ca bệnh sản khoa nặng, nhờ sự hợp tác với bệnh viện hạt nhân (BV Từ Dũ) qua hội chẩn online, đã được điều trị và cứu sống kịp thời. Như:

  • Trường hợp sản phụ đến từ vùng sâu của huyện Tân Phú Đông với nhau tiền đạo trung tâm, ra huyết nhiều nguy cơ tử vong mẹ và con cao. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các ê kíp phẫu thuật và hội chẩn kịp thời với BV Từ Dũ đã cứu sống cả mẹ và con.

 

  • Rất nhiều trường hợp phẫu thuật nội soi thai ngoài tử cung được xử trí tại Bệnh viện nhanh để tránh bệnh nhân đi tuyến trên như trước đây.
  • Các ca sa sinh dục, u xơ tử cung to dính, u lạc nội mạc tử cung,… đều được xử trí tại BV (trước đây đều phải chuyển tuyến trên).

3/ Thưa BS, BVPSTG là BV vệ tinh đầu tiên của BV Từ Dũ theo chủ trương của Bộ Y tế. Nhiệm vụ của BV vệ tinh là gì và điều này mang lại những lợi ích gì cho bệnh nhân?

Nhiệm vụ của BV vệ tinh là thực hiện tất cả các chuyển giao kỹ thuật theo các gói từ BV hạt nhân Từ Dũ: như Hồi sức Cấp cứu sản khoa, Nội soi, Hồi sức sơ sinh, Phẫu thuật nội soi, Phẫu thuật cắt tử cung,…

Trước kia khi chưa là BV Vệ tinh các ca phẫu thuật khó BV không thể xử lý được. Khi đã là BV Vệ tinh đa số được giữ lại để điều trị và điều trị thành công. Bệnh nhân không phải đi tuyến trên điều trị, giảm bớt chi phí viện phí và ngày nằm điều trị; Lợi ích lớn nhất là đem đến lòng tin về đội ngũ Thầy thuốc sản khoa phục vụ tại BV.

Hiện tại BV đang tiếp tục tiếp nhận những gói chuyển giao ở giai đoạn 2015 – 2020, với những kỹ thuật chuyên sâu hơn: IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung), chẩn đoán và xử trí bệnh lý tuyến vú,… Điều này khắc phục được tình trạng các bệnh nhân hiếm muộn phải lên TP. HCM để điều trị rất tốn kém và khó khăn do phải đi lại nhiều lần. Ngoài ra, các kỹ thuật cao như chẩn đoán và xử trí tuyến vú, bệnh lý ung thư,… đều được theo dõi và điều trị tại Bệnh viện.

4/ BVPSTG còn là nơi thực hành đào tạo cho các trường ĐH ở Khu vực: Trà Vinh, Cần Thơ, Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với khu vực?

Đây là cơ sở thực hành cho các trường đại học và cao đẳng trong khu vực miền Tây: ĐH Trà Vinh, Cần Thơ,… Vì đây là BV chuyên khoa sâu của tuyến tỉnh, đồng thời là BV Vệ tinh nên cũng rất thuận lợi cho việc đào tạo thực hành, nhất là tạo điều kiện thuận lợi và phù hợp với điều kiện làm việc của các bác sĩ và nữ hộ sinh sau khi ra trường.

5/ Những kế hoạch mũi nhọn BV sẽ tập trung từ nay đến 2020 là gì, thưa BS?

  • Đào tạo nguồn nhân lực kế thừa: đào tạo chuyên sâu cho các bác sĩ về chuyên môn, trong đó có việc tập trung xây dựng kế hoạch đào tạo kế thừa lãnh đạo và các trưởng, phó khoa phòng,…
  • Phát triển các chuyên khoa sâu: hiếm muộn, ung thư, bệnh lý tuyến vú,… nhằm nâng tầm chuyên môn của BVPSTG, giúp bệnh nhân trong tỉnh cũng như trong khu vực thuận tiện trong việc đi lại để điều trị.
  • Tự chủ về tài chính: BV đã có Quyết định của UBND tỉnh và BV sẽ thực hiện tự chủ hoàn toàn vào năm 2019.

 

6/ Tiêu chí hoạt động: chuyên nghiệp, năng động, đồng thuận, thân thiện là tiêu chí mà BV đang hướng đến. BV đã cụ thể hóa như thế nào, thưa BS?

  • Chuyên nghiệp: Xây dựng 1 đội ngũ cán bộ y tế chuyên nghiệp, vừa hồng vừa chuyên. Các Bác sĩ và nữ hộ sinh được đào tạo chuyên sâu: vô sinh, nội soi, sản khoa, phụ khoa, ung thư,…
  • Năng động: Chủ động đề ra các phương án hoạt động chuyên môn và các công tác xã hội phù hợp với một BV chuyên khoa sản tuyến tỉnh. Chủ động đi đến các nhà máy, xí nghiệp cơ quan,… tuyên truyền về các bệnh lý phụ khoa và vận động đi khám phụ khoa định kỳ, tổ chức các Đoàn khám phụ khoa đến các vùng sâu vùng xa trong tỉnh để phát hiện và tầm soát các bệnh lý ung thư phụ khoa.
  • Đồng thuận: Đây là điều rất khó trong 1 tập thể đa số là phụ nữ, đối tượng phục vụ cũng là phụ nữ. Tiêu chí: cùng đồng thuận để giải quyết tất cả mọi công việc.
  • Thân thiện: Tạo mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và bệnh nhân, thực hiện tốt 12 điều y đức đối với cán bộ y tế, đem đến sự hài lòng cho người bệnh, luôn xem người bệnh và các sản phụ như người nhà.

7/ BV cũng luôn hướng đến việc nâng cao, cải thiện đời sống CBNV qua việc tăng cao chất lượng điều trị để thu hút bệnh nhân, tăng cường các dịch vụ phục vụ bệnh nhân. Cụ thể ra sao?

BV đang xây dựng các đề án trình cấp trên xem xét để triển khai giường nằm điều trị theo yêu cầu, khám bệnh theo yêu cầu, phục vụ suất ăn cho người bệnh và thân nhân người bệnh toàn bệnh viện,…

8/ BS là cộng tác viên lâu năm của đài PT – TH Tiền Giang và đài Tiếng nói nhân dân TP. HCM (Lắng nghe và trò chuyện, Thầy thuốc của bạn, Sống khỏe,…). Ngoài việc làm quản lý BV còn phải cân bằng với công việc gia đình như thế nào? Tự tạo năng lượng cho các hoạt động của mình bằng những sở thích giản dị như: giao lưu bạn bè, chụp ảnh?…

Thời gian biểu của tôi thường bắt đầu từ 5h sáng: tập Aerobic để tạo sức khỏe và thêm nguồn năng lượng buổi sáng, sau đó đi chợ mua thức ăn cho cả nhà và chuẩn bị đi làm buổi sáng trước 7h. Uống café, nghe nhạc, xem kịch, hát karaoke,… cùng gia đình vào ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Lên facebook, zalo để gặp gỡ bạn bè, chia sẻ học hỏi kinh nghiệm,… Sở thích đi du lịch và chụp ảnh.

Cám ơn BS.

Kim Ánh

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

Posted in: Bạn cần biết