Trò chuyện cùng BS: BS CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc TT Dinh dưỡng TP.HCM – Vì mục tiêu nâng cao tầm vóc thể lực và chất lượng sức khỏe

Với đặc thù là đô thị đông dân nhất cả nước, thành phố Hồ Chí Minh còn là nơi tiếp cận nhanh và nhiều với tác động của môi trường dinh dưỡng, thực phẩm và lối sống đến sức khỏe của người dân. Vấn đề dinh dưỡng trở thành vấn đề thiết thân đối với từng gia đình, từng cá nhân, đồng thời cũng là chiến lược quốc gia, chiến lược của thành phố trong những năm qua và nhiều năm tới.

1/ Thưa BS, trước hết, là tín hiệu đáng mừng khi tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em TP.HCM dưới 5 tuổi hiện nay thấp nhất cả nước. Đây là kết quả từ việc đã ưu tiên đầu tư cho công tác cung cấp kiến thức về dinh dưỡng, vận động sâu rộng đến từng người dân, giúp người dân nâng cao nhận thức, kiến thức để thay đổi hành vi thực hành dinh dưỡng hợp lý. BS có thể chia sẻ về những việc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM (TTDD) đã làm để có kết quả hết sức ấn tượng này?

BS Ngọc Diệp: Thành công đáng mừng khi tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em giảm liên tục, bền vững và thấp nhất cả nước là kết quả tổng hòa của nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp có tính quyết định là quyết định thành lập Trung tâm Dinh dưỡng Trẻ em vào ngày 14/3/1989, tiền thân của TTDD TP.HCM ngày nay, quyết định này thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban Nhân dân TP.HCM vào thời điểm đất nước còn gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh tình trạng suy dinh dưỡng ở bà mẹ và trẻ em những năm 1980 rất nặng nề, việc hình thành một đơn vị y tế chuyên khoa về dinh dưỡng đã tập trung được nguồn lực và đầu mối thực hiện thành công nhiệm vụ chính là phòng chống suy dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Từ khi đi vào hoạt động với nhân sự ban đầu chỉ hơn 10 người, TTDD đến nay đã phát triển thành một đơn vị chuyên khoa dinh dưỡng hàng đầu các tỉnh thành phía nam với gần 100 cán bộ y tế có năng lực nghiên cứu và thực hành trong các lĩnh vực dinh dưỡng cộng đồng, dinh dưỡng lâm sàng và thực phẩm. Để có thể nhanh chóng cắt giảm tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, TTDD đã tập trung nhiều vào công tác truyền thông, giáo dục kiến thức về dinh dưỡng sâu rộng đến từng người dân với các hình thức đa dạng, nội dung phong phú và phù hợp với từng nhóm đối tượng để có cơ sở giúp người dân nâng cao nhận thức, có niềm tin để thay đổi hành vi thực hành dinh dưỡng hợp lý. TTDD đã phát triển và đào tạo liên tục cho mạng lưới cán bộ chuyên trách dinh dưỡng và cộng tác viên dinh dưỡng với khoảng 1.500 người thành thạo trong thực hiện theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, phát hiện sớm trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng, hướng dẫn bà mẹ thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, xây dựng thực đơn, chế biến bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em. Nhiều nghiên cứu khoa học và sáng kiến nhằm cung cấp các giải pháp về thực phẩm giàu dinh dưỡng như bánh, bột, mì bổ sung tảo spirulina vào những năm 1980 đất nước còn trong vòng vây cấm vận với vô vàn khó khăn đến bổ sung iod, vitamin nhóm B,… vào thực phẩm đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em. Không thể không kể đến sự phối hợp liên ngành, xã hội hóa và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, sự vượt khó của của các cán bộ dinh dưỡng của Trung tâm Dinh dưỡng và các đơn vị y tế khác. Hiện nay, tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi tại TP.HCM thấp nhất nước và tương đương với các nước phát triển.

2/ Kiểm soát có hiệu quả các bệnh mạn tính không lây, cũng là mục tiêu Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng từ nhiều năm qua cũng như đến năm 2020 của TP.HCM. Những hoạt động nào sẽ được tập trung, nhất là khi TP đang đối diện với gánh nặng gia tăng các bệnh mạn tính không lây có liên quan đến dinh dưỡng, đái tháo đường, tăng huyết áp,… thưa BS?

BS Ngọc Diệp: Hiện nay, chúng ta đang ở trong giai đoạn gánh nặng kép về dinh dưỡng và sức khỏe: vừa phải giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng vừa giải quyết tình trạng béo phì và các bệnh lý mạn tính không lây. Với kinh nghiệm triển khai, chương trình phòng chống đái tháo đường của TP.HCM từ năm 2004, giải pháp cần ưu tiên thực hiện để kiểm soát sự gia tăng và trẻ hóa bệnh mạn tính không lây là đầu tư phát triển nguồn nhân lực về dinh dưỡng và tăng cường truyền thông giáo dục về các yếu tố nguy cơ và các giải pháp phòng bệnh cho tất cả độ tuổi. Theo kinh nghiệm của các nước tiên tiến thì giải pháp nòng cốt để giải quyết tận gốc các vấn đề dinh dưỡng là xây dựng hành vi dinh dưỡng và vận động hợp lý từ tuổi học đường, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm ứng dụng các thành tựu khoa học để đưa ra thị trường các sản phẩm lành mạnh, có giá trị dinh dưỡng, phù hợp với tình trạng dinh dưỡng của người dân trong giai đoạn mới.

TTDD đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ thực hành dinh dưỡng phù hợp như nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuât thực phẩm thấp năng lượng, thực phẩm giàu năng lượng, giàu vi chất dinh dưỡng, thực phẩm dành cho người đái tháo đường, béo phì,… định chuẩn cho các đối tượng. TTDD đã xây dựng hệ thống các thực đơn dành cho các đối tượng từ trẻ em đến người cao tuổi người mắc các bệnh lý liên quan đến dinh dưỡng, các nội dung hướng dẫn về dinh dưỡng vận động và triển khai các chương trình tự sàng lọc phát hiện sớm những tình trạng tiền bệnh như tiền đái tháo đường để đưa vào tư vấn, truyền thông, điều trị.

3/ Không chỉ quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng và sức khỏe, việc góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của người dân TP.HCM cũng là một trong những nội dung quan trọng. Những giải pháp nào đã được triển khai và điều này đã được cải thiện như thế nào, thưa BS?

BS Ngọc Diệp: Nâng cao tầm vóc và thể lực là một trong những thành công của TP.HCM. Hiện nay chiều cao trung bình của trẻ em và người trưởng thành ở TP.HCM cao hơn trung bình của toàn quốc. Chiều cao trung bình của học sinh tiểu học, mẫu giáo TP.HCM thậm chí còn ở mức cao hơn so với chiều cao chuẩn theo Tổ chức Y tế Thế Giới. Chúng ta đã xây dựng được hệ thống các đơn vị hướng dẫn thực hành nuôi dưỡng và truyền thông thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ từ các bệnh viện đến tận xã phường. Không chỉ tại TTDD, mà ngay cả các địa phương khó khăn như huyện Cần Giờ mỗi ngày đều có các buổi hướng dẫn cách chế biến bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Chương trình dinh dưỡng học đường hoạt động hiệu quả với các bữa ăn học đường theo thực đơn dinh dưỡng phát triển tầm vóc thể lực, các chương trình ngoại khóa về dinh dưỡng và vận động phát triển chiều cao phổ biến rộng khắp. Việc truyền thông giáo dục cho người dân, đặc biệt là phụ nữ nuôi con nhỏ, cũng được tập trung rất tốt, nên mang lại kết quả rất khả quan. Tuy thực tế có sự gia tăng một số bệnh tật mới phát sinh trong thời kỳ chuyển tiếp, nhưng đáng ghi nhận là TP.HCM đã bước đầu giảm thiểu các bệnh có liên quan đến dinh dưỡng, như thiếu dinh dưỡng, thừa cân, béo phì. Đây được xem là thành tựu nổi bật của ngành y tế TP trong việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng thời gian qua. Đó là kiến thức của người dân về việc phòng bệnh không ngừng tăng hơn. Nhiều bà mẹ đã biết quan tâm đến nguy cơ béo phì, những người đái tháo đường thường xuyên tham gia các CLB dinh dưỡng, CLB đái tháo đường nhằm có thêm kiến thức. Những loại hình truyền thông này cũng được triển khai ở các phường xã, quận huyện, bệnh viện.

4/ Sôi nổi trong thời gian qua là các chương trình, mô hình can thiệp dựa trên cộng đồng tập trung vào lĩnh vực dinh dưỡng được triển khai tích cực. Những mô hình nào đã tạo được kết quả ấn tượng nhất, thưa BS?

BS Ngọc Diệp: TP.HCM đã triển khai khá nhiều mô hình hữu ích. Về dinh dưỡng cho cộng đồng. Có thể kể một vài mô hình đã được nhân rộng ra nhiều địa phương như:

“Mô hình can thiệp giảm suy dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi dựa trên cộng đồng tại huyện Cần Giờ”. Các giải pháp với chi phí thấp là truyền thông trực tiếp về sữa mẹ và ăn bổ sung với thực phẩm có sẵn ở địa phương, bổ sung 10ml dầu ăn và 1 đơn vị sữa đã có 1.000 trẻ thoát khỏi suy dinh dưỡng.

“Mô hình can thiệp kiểm soát thừa cân béo phì dựa trên trường học”. Với các giải pháp xây dựng và áp dụng bộ thực đơn bán trú dinh dưỡng có tăng cường rau,  truyền thông giáo dục về dinh dưỡng dựa trên thực phẩm có trong bữa trong thời lượng không quá 3 phút trước bữa ăn trưa, xây dựng các chương trình vận động giảm béo phì dựa trên các trò chơi dân gian, điệu nhảy và “sân trường năng động” giúp học sinh tăng cường vận động trong các giờ chơi đã đem lại hiệu quả và thay đổi nhận thức về phòng chống béo phì ở trẻ em.

“Mô hình CLB dinh dưỡng và đái tháo đường” dành cho người có nguy cơ và người bệnh ĐTĐ thu hút đông đảo người dân tham gia và phát triển đến nhiều bệnh viện, Trung tâm Y tế. Hiện mô hình này đang chuẩn bị áp dụng công nghệ trực tuyến để có thể mở rộng đến nhiều vùng sau vùng xa.

Chương trình truyền hình dạng gameshow đầu tiên trong cả nước chuyên đề về dinh dưỡng cho trẻ em và phụ nữ tuổi sinh sản được phát sóng định kỳ hàng tuần trên sóng Đài truyền hình TP.HCM vào giờ vàng kéo dài trong suốt hai năm 2008 – 2009 với tên gọi “Nguồn dinh dưỡng quí giá”, thu hút một lượng đông đảo khán giả theo dõi là một trong những đột phá về giải pháp truyền thông dinh dưỡng của TP.HCM. TP.HCM cũng là đơn vị đi đầu trong việc đưa được các nội dung về dinh dưỡng, vận động, thực phẩm và các vấn đề sức khỏe có liên quan trở thành một chuyên mục trong các chương trình truyền hình, phát thanh hàng ngày và có nhiều người xem như Chương trình “Chào buổi sáng”, “Thành phố hôm nay”, ‘Thành phố chuyển động”,…

5/ Trong những năm qua, một trong những hoạt động khá nổi bật và mang lại hiệu quả tích cực, được xem là điểm sáng của TPHCM, đó là việc hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực dinh dưỡng. Cụ thể, những kết quả cụ thể từ mô hình hợp tác này?

BS Ngọc Diệp: Ngay từ những ngày đầu thành lập, TTDD đã có định hướng phát triển các chương trình hợp tác quốc tế để có điều kiện học tập, năng cao năng lực do bối cảnh chưa có chương trình đào tạo chuyên ngành dinh dưỡng tại VN. Hiện nay, TTDD có các hoạt động hợp tác với một số quốc gia như Úc, Nhật, Indonesia,… và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế TG, Tổ chức nhi đồng Liên hiệp quốc trong đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học. Những kết quả nghiên cứu khoa học về đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa, thừa cân béo phì, chỉ số đường huyết thực phẩm, nghiên cứu về giảm tiêu thụ muối, đường trong khẩu phần ăn, bổ sung iod vào hạt nêm,… đã đưa vào áp dụng hiệu quả trong thực tế lâm sàng. Các hướng dẫn thực hành chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em vùng đô thị và đô thị hóa trong khuôn khổ Chương trình TP bạn hữu trẻ em, TP thân thiện trẻ em với sự hỗ trợ của Tổ chức nhi đồng Liên hiệp quốc đã áp dụng hiệu quả.

6/ Hoạt động dinh dưỡng tiết chế trong bệnh viện như sàng lọc, đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho người bệnh nằm viện, quy trình can thiệp dinh dưỡng tiết chế, thực đơn bệnh lý đã được TTDD đầu tư nhiều công sức xây dựng và triển khai cho các bệnh viện tổ chức thực hiện. Đây là một thành công rất lớn, thể hiện vai trò của dinh dưỡng trong đóng góp phát triển ngành y tế. Những hoạt động này khi triển khai có gặp khó khăn gì không, thưa BS?

BS Ngọc Diệp: TTDD đã cùng một số chuyên gia thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ các BV triển khai hoạt động dinh dưỡng tiết chế trong BV như đào tạo kiến thức, xây dựng các tiêu chí kỹ thuật, đưa ra các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong sàng lọc, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, xây dựng thực đơn và chế biến thực đơn bệnh lý,… Bước đầu triển khai hoạt động này gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn đầu tiên là nhận thức chưa đầy đủ về công tác dinh dưỡng tiết chế của lãnh đạo BV, cán bộ y tế BV và ngay cả của cán bộ được phân công làm công tác dinh dưỡng. Nhiều cán bộ y tế hiểu nhầm là việc đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho người bệnh là do khoa dinh dưỡng tiết chế đảm nhận. Nhiều bác sĩ chỉ định chế độ ăn cho người bệnh không theo qui định của Bộ Y tế. Đánh giá tình trạng dinh dưỡng không theo tiêu chuẩn.

Khó khăn thứ 2 là thiếu nhân lực chuyên môn về công tác dinh dưỡng và cơ sở vật chất hạn chế, ở nhiều BV thậm chí gần như không có. Các dụng cụ đơn giản để đánh giá tình trạng dinh dưỡng như cân, thước,… nhiều khi không chuẩn chưa nói đến các thiết bị khác như máy đo sức cơ, máy phân tích thành phần cơ thể. Hành lang pháp lý cho công tác dinh dưỡng tiết chế chưa hoàn thiện: Dù đã có mã ngạch viên chức nhưng hầu như chưa có cơ sở đào tạo chuyên ngành dinh dưỡng tiết chế; chưa có qui định về số lượng dinh dưỡng viên theo số giường bệnh; qui định về ăn trong bệnh viện; thanh toán BHYT cho chế độ ăn trong BV,…

7/ Theo Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, mục tiêu Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng của TP.HCM đến năm 2020 là bữa ăn của người dân được cải thiện về số lượng, cân đối hơn về chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh, hạn chế tình trạng thừa cân – béo phì và kiểm soát có hiệu quả các bệnh mạn tính không lây,… Điều này không đơn giản, nhất là khi đời sống kinh tế khá hơn nhưng quỹ thời gian ít hơn, thói quen sử dụng thực phẩm ăn nhanh, vấn đề vệ sinh – an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều bất cập,… BS nghĩ sao về điều này?

BS Ngọc Diệp: Cần phải tăng cường truyền thông giáo dục kiến thức để người dân biết lựa chọn các thực phẩm phù hợp dù chế biến sẵn, ăn nhanh cũng phù hợp với tình trạng sức khỏe. Vấn đề quan trọng không kém là cần nghiên cứu các sản phẩm dinh dưỡng cho các đối tượng có nhu cầu dinh dưỡng chuyên biệt như thấp năng lượng, nhiều đạm hoặc ít đạm; phát triển các chuỗi nhà hàng dinh dưỡng, các cơ sở cung cấp thức ăn công nghiệp; đầu tư phát triển năng lực chuyên môn về lĩnh vực công nghệ thực phẩm; kiểm soát thực phẩm không lành mạnh bằng các giải pháp kinh tế như thuế tiêu thụ đặc biệt, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, vệ sinh.

8/ Bên cạnh đó, TP.HCM đang gặp khó khăn do tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì gia tăng. Theo thống kê, tỷ lệ ở trẻ em tuổi học đường là 41,4%, trong đó có 19% là béo phì. Phụ nữ trong tuổi sinh sản cũng có 38,5% là thừa cân béo phì. Cảnh báo đáng lo ngại nhất về hậu quả của gia tăng thừa cân béo phì ở trẻ em là đã xuất hiện trẻ em tuổi học đường bị tình trạng tăng huyết áp. Những mục tiêu cụ thể nào trung tâm dinh dưỡng đã và sẽ tiếp tục thực hiện: kiểm soát yếu tố nguy cơ, kiểm soát biến chứng và duy trì cân nặng hợp lý, chống tái tăng cân?

BS Ngọc Diệp: Hiện nay, tình trạng béo phì ở học sinh đang gia tăng nhanh rất đáng lo ngại. Giải pháp là tập trung vào kiểm soát yếu tố nguy cơ, thay đổi lối sống. Việc ưu tiên là hỗ trợ ngành giáo dục cung cấp kiến thức dinh dưỡng trong trường học một cách thường quy; xây dựng các phương tiện đơn giản dễ tiếp cận cho những bậc cha mẹ tự phát hiện ra tình trạng rối loạn dinh dưỡng bằng các phần mềm đánh giá tình trạng dinh dưỡng; xây dựng thực đơn chuẩn cho từng lứa tuổi, từng đối tượng như trẻ bị thừa cân béo phì; xây dựng canteen lành mạnh, xây dựng các thực đơn bán trú từ mầm non đến tiểu học phù hợp với thực tiễn; xây dựng các chương trình tăng cường vận động cho cộng đồng như phong trào “10.000 bước chân, thay đổi cuộc sống” mà Trung tâm Dinh dưỡng cùng Báo Tuổi trẻ khởi xướng.

Xin cám ơn BS.

Kim Ánh

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

Posted in: Bạn cần biết