Nhiều trẻ sơ sinh bị nhiễm thủy đậu từ mẹ do mẹ không tiêm kháng thể chống vi-rút thủy đậu trước khi mang thai hoặc trẻ bị lây thủy đậu từ mẹ hoặc người thân gây nên nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm.
Nhiều biến chứng nguy hiểm
Mới sinh được một tuần, chị N.T.T.L (ngụ tại Bình Dương) bị thủy đậu, ngay sau đó bé gái con chị cũng có triệu chứng bỏ bú, sốt, nổi bóng nước khắp người. Bé được chuyển lên Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP.HCM điều trị. Bác sĩ BS.Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm-Thần kinh, BV Nhi đồng 1 cho biết bé gái con chị L bị thủy đậu biến chứng sang viêm phổi, loét đường tiêu hóa, viêm não. Những trường hợp này nếu không điều trị kịp thời, tỷ lệ tử vong cao.
TS.BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện Từ Dũ cho biết trẻ sơ sinh bị thủy đậu có 2 nguyên nhân đó là thủy đậu bẩm sinh và thủy đậu sơ sinh do bị lây nhiễm.
|
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm-Thần kinh, BV Nhi Đồng 1 đang thăm khám cho trẻ bị thủy đậu lây từ mẹ.
|
Thủy đậu bẩm sinh nguyên nhân do người mẹ mắc bệnh thủy đậu trong thời gian mang thai và sự ảnh hưởng của bệnh trên thai nhi tùy vào tuổi thai. Trong 3 tháng đầu thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0.4%. Biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng thủy đậu bẩm sinh là sẹo ở da. Những bất thường khác có thể xảy ra là tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần. Trong 3 tháng giữa thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 2%. Sau tuần lễ thứ 20 thai kỳ, hầu như không ảnh hưởng trên thai. Nếu người mẹ nhiễm thủy đậu trong vòng 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh, bé sơ sinh dễ bị bệnh thủy đậu lan tỏa do mẹ chưa có đủ thời gian tạo kháng thể truyền cho thai nhi trước sinh. Tỉ lệ tử vong bé sơ sinh lúc này lên đến 25 – 30% số trường hợp bị nhiễm.
Thủy đậu ở trẻ sơ sinh do trẻ bị lây nhiễm bệnh qua đường hô hấp, qua tiếp xúc da. Vì vậy, khi mẹ bị thủy đậu, mẹ cần tạm thời cách ly với trẻ. Đeo khẩu trang khi trò chuyện, không cho con bú trực tiếp, không ôm ấp, dỗ dành, cho bé ngủ riêng… Trong trường hợp, cả mẹ và bé cùng mắc thủy đậu thì mẹ vẫn cho bé bú bình thường.
Dấu hiệu thủy đậu ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị thủy đậu sẽ phát ban đỏ, ngứa toàn thân. Ban xuất hiện trên mặt rồi lan xuống bụng và toàn cơ thể. Các ban đỏ sau đó sẽ tạo ra mụn nước.
Sốt cao: Bệnh thủy đậu sẽ làm cho trẻ sơ sinh sốt cao trong những ngày đầu tiên nhiễm vi-rút. Thông thường nhiệt độ từ 39 đến 39,5 độ C.
Một số triệu chứng thủy đậu ở trẻ sơ sinh giống bệnh cúm: các triệu chứng này thường xuất hiện trước khi phát ban khoảng 2 ngày và kéo dài một vài ngày với các biểu hiện: ho nhẹ, chảy nước mũi, thở khò khè, bú ít hoặc bỏ bú.
Phòng bệnh thủy đậu cho trẻ sơ sinh
Để phòng ngừa thủy đậu bẩm sinh: Trước khi mang thai, mẹ cần chích ngừa thủy đậu ít nhất 3 tháng. Việc này sẽ phòng bệnh cho mẹ và cả cho thai nhi. Do kháng thể chống vi-rút thủy đậu sẽ theo đường máu truyền từ mẹ sang con. Khi trẻ chào đời, kháng thể theo cả đường sữa mẹ bảo vệ bé trong 12 tháng đầu đời.
Sau khi sinh, nếu mẹ hoặc người thân trong nhà mắc thủy đậu, cần hạn chế tiếp xúc với bé để tránh lây nhiễm. Nếu mẹ bị thủy đậu mà con không bị thì mẹ không được trực tiếp cho con bú, mà phải vắt sữa ra bình rồi cho con bú bình. Khi trò chuyện cần phải đeo khẩu trang. Không được ôm ấp, hôn hít hoặc dỗ dành vì dễ lây bệnh cho bé.
Một điều cần phải lưu ý nữa là khi có thai, phụ nữ cần phải biết tự bảo vệ mình để tránh bị lây nhiễm mầm bệnh. Mẹ mắc thủy đậu lúc sắp sinh sẽ làm cho bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh diễn biến nặng hơn: thủy đậu ở toàn thân, mụn nước nổi khắp người, bội nhiễm phổi, não, màng não và nặng nhất là tử vong.