Trà hoa cúc, cỏ ngọt

Hoa cúc và cỏ ngọt là hai loại thảo dược mà khi kết hợp với nhau sẽ là loại trà bổ dưỡng cho sức khỏe, giúp làm dịu căng thẳng thần kinh và ngủ ngon.

Thành phần:
• 20-30g hoa cúc
• 10-20g cỏ ngọt
• 2-3 lít nước

Thực hiện:
• Hoa cúc khô, rửa sơ qua nước lạnh, ngâm nước ấm từ 3-5 phút .
• Cho cỏ ngọt đã rửa sạch và hoa cúc vào ấm trà, rót nước đun sôi vào, đậy nắp. Tương tự như cách pha trà.
• Trà hoa cúc, cỏ ngọt có thể uống nóng hoặc để nguội, cho vào ngăn mát tủ lạnh uống dần trong ngày. Tác dụng chung: Giải khát, thanh nhiệt, giải độc, tốt cho người cao huyết áp, tiểu đường, thừa cân.

hoa cúc, cỏ ngọt, trà hoa cúc, cách trồng và bảo quản trà hoa cúc

 Tác dụng riêng của từng loại:

Cỏ ngọt: Còn được gọi là cỏ mật, cỏ đường, cúc ngọt, hay trạch lan, có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Ở nước ta, cây cỏ ngọt thường có nhiều ở vùng Tây Nguyên.

Trong cỏ ngọt có chứa glucosid (hay steviosid), là chất tạo nên vị ngọt. Loại cây cỏ này chứa ít năng lượng, không lên men, không bị phân hủy, dùng thay thế đường trong chế độ ăn kiêng. Chúng còn được dùng như một loại trà dành cho người mắc bệnh đái tháo đường, béo phì và điều trị cao huyết áp.

Trong công nghiệp thực phẩm, cỏ ngọt được dùng để pha chế, làm tăng độ ngọt mà không làm tăng năng lượng của thực phẩm. Ngoài ra, loại cây này còn được dùng trong chế biến mỹ phẩm, chẳng hạn sữa làm mượt tóc, kem làm mềm da. Chúng vừa có tác dụng nuôi dưỡng các mô, tái tạo làn da mới, vừa chống nhiễm khuẩn, trừ nấm.

Hoa cúc: Từ xa xưa, người Ai-cập cổ đã biết dùng hoa cúc để chữa ốm vặt, rối loạn gan, sỏi thận. Hoa cúc pha với nước sôi là loại thức uống chống mỏi mắt. Trà hoa cúc còn có tác dụng kháng khuẩn, lợi tiểu, nâng hiệu quả điều trị cao huyết áp, thanh phong, khử nhiệt, giải độc, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa.

CÁCH TRỒNG VÀ BẢO QUẢN
– Cỏ ngọt: Có thể trồng trong chậu kiểng bằng hạt. Trước khi gieo nên ngâm hạt vào nước ấm 50-60oC trong 1 giờ, vớt ra để ráo nước, trộn thêm cát khô để gieo cho đều. Sau đó, phủ lớp vải màn thưa trên mặt, hàng ngày tưới cho đủ ẩm, sau 8-10 ngày hạt sẽ nảy mầm. Lá cỏ ngọt có thể dùng tươi, phơi hoặc sấy khô rồi bảo quản trong đồ đựng sạch, khô, kín. Chú ý phòng ẩm, mốc.

Hoa cúc: Có thể dùng tươi hoặc phơi hay sấy khô để dành dùng dần. Bạn có thể tìm mua cúc sấy khô ở những cửa hàng bán các loại thực vật sấy khô. Cúc khô rất dễ bị ẩm mốc, sâu mọt, nên bảo quản nơi khô ráo.

 

.Song Anh
Tạp chí Sức Khỏe

Posted in: Tin tức