Ngày 10/04 vừa qua, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM đã khai trương ngân hàng sữa mẹ. Với trung bình 6.000 – 7.000 trường hợp trẻ sinh non nhẹ cân tại bệnh viện hàng năm, nếu như các tất cả trẻ này được nhận sữa mẹ thanh trùng thì thì tỉ lệ cứu sống em bé tăng lên rất nhiều, giảm thời gian nằm viện, giảm tỉ lệ nhiễm trùng sơ sinh. Ý nghĩa nhân văn của chương trình là ở đây.
Định nghĩa cơ bản của Ngân hàng sữa mẹ là gì?
BS Từ Anh: Ngân hàng sữa mẹ là cầu nối giữa những bà mẹ thiện nguyện muốn hiến tặng sữa của mình và mang những dòng sữa đảm bảo an toàn và quí giá đến những đối tượng đang cần sữa mẹ. Đối tượng mà ngân hàng sữa mẹ Từ Dũ hướng tới là những em bé sinh non dưới 1500 gram, những em bé sơ sinh đang bị bệnh lý rất nặng phải hồi sức tích cực, những em bé sinh non không có điều kiện được nhận sữa mẹ do người mẹ bị bệnh nặng và đang dùng những loại thuốc ảnh hưởng đến sữa mẹ, hoặc người mẹ ở xa không có điều kiện để gửi sữa cho con.
Đây là mô hình đang được nhân rộng ở nhiều nơi trên thế giới, với trên 600 ngân hàng sữa mẹ ở 37 quốc gia. Ngân hàng sữa mẹ ở Bệnh viện Từ Dũ là ngân hàng sữa mẹ thứ 2 ở Việt Nam, sau ngân hàng sữa mẹ ở Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng đã khai trương vào tháng 2 năm 2017.
Thưa BS, thủ tục khi tặng sữa cho ngân hàng sữa mẹ như thế nào? Như thế nào mới được xem là sữa đủ tiêu chuẩn?
BS Từ Anh: Do đối tượng nhận sữa mẹ là những em bé sinh non, bé bị bệnh nặng, do đó đòi hỏi tiêu chuẩn sữa nhận vào phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Như những bà mẹ hiến tặng sữa cho ngân hàng sữa mẹ là những bà mẹ đang nuôi con dưới 6 tháng tuổi. Các bà mẹ này phải đảm bảo có sức khỏe tốt, không bị bệnh lý có thể lây qua sữa mẹ. Trong sinh hoạt hằng ngày cũng không có các hành vi có thể nhiễm bệnh trong thời gian vắt sữa mẹ, không làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ. Đơn cử như người mẹ đang thực hiện thao tác hiến sữa mẹ thì không được uống quá 2 đơn vị cồn trong 1 tuần. 1 đơn vị cồn nếu như tính bằng bia thì chỉ 200ml bia, tức trong 1 tuần người mẹ không được uống quá 2 lon bia. Đồng thời người mẹ không được xăm trổ trong vòng 6 tháng, kể cả xăm chân mày, xăm môi. Những xét nghiệm máu có giá trị trong vòng 6 tháng chứng minh người mẹ không bị viêm gan B, viêm gan C, HIV, giang mai. Đây là những điều kiện cơ bản.
Thưa BS, khi tiếp nhận nguồn sữa, ngoài các thủ tục kê khai của người cho sữa trên giấy tờ, làm sao để đảm bảo tính xác thực?
BS Từ Anh: Nhiệm vụ của nhân viên ngân hàng khi đến tiếp xúc với bà mẹ hiến sữa, phải tuyên truyền cho bà mẹ hiểu rằng mình đang làm một nhiệm vụ rất quan trọng. Bởi vì nguồn sữa của mình sẽ được cung cấp cho những đứa trẻ rất đặc biệt, cần đảm bảo những điều kiện bắt buộc khi tặng sữa. Ngoài ra, trước khi thanh trùng sữa, Bệnh viện cũng xét nghiệm bằng hình thức nuôi cấy sữa xem có vi khuẩn, ký sinh trùng hay không. Nếu như số vi khuẩn vượt quá mức cho phép thì sữa sẽ được hủy, không được phép sử dụng, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đối tượng sử dụng.
Ngân hàng sữa mẹ của Bệnh viện Từ Dũ
Thưa BS, quy trình để giữ được nguồn sữa cho đến khi em bé được tiếp nhận được chuẩn bị và thực hiện như thế nào?
BS Từ Anh: Toàn bộ các quy trình được thực hiện tại ngân hàng sữa mẹ ở Bệnh viện Từ Dũ là được xây dựng theo quy trình chuẩn của các ngân hàng sữa mẹ trên thế giới. Khi sữa mẹ được vắt ra, ngay lập tức phải được trữ đông tối ưu -20ºC hoặc tủ đông ở gia đình thì vào khoảng -18ºC. Tất cả các quy trình vận chuyển sữa từ nhà bà mẹ đến ngân hàng sữa mẹ và luân chuyển sang các phòng xét nghiệm khác nhau đều phải được giữ trong 1 dây chuyền lạnh. Có thể hình dung như dây chuyền vận chuyển và lưu trữ vác-xin, cũng phải tuân theo các quy định khắc khe về nhiệt độ để đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng sữa.
Về tủ lạnh để trữ đông sữa tại nhà cũng phải tuân theo các hướng dẫn như vệ sinh định kì như thế nào, hằng ngày phải kiểm tra nhiệt độ ít nhất 2 lần có kèm theo bảng biểu đồ để có thể theo dõi nhiệt độ của tủ đông có ổn định không.
Nếu có sự cố ở tủ đông như cúp điện cũng có quy trình để ứng phó, vận chuyển tủ sang tủ khác để đảm bảo sữa không bị hỏng.
Thưa BS, đối với những bà mẹ ở xa muốn tặng sữa cho ngân hàng sữa mẹ thì sẽ đóng góp như thế nào?
BS Từ Anh: Chúng tôi hiện có hơn 100 bạn tình nguyện viên của ngân hàng sữa mẹ (Bệnh viện Từ Dũ) để vận chuyển sữa từ nhà các bà mẹ đến bệnh viện. Các bạn sẽ tùy vào địa chỉ nhà, nếu bạn nào gần với nhà các bà mẹ hơn sẽ đến tận nhà để vận chuyển sữa đến bệnh viện.
Sữa mẹ đối với các bé sơ sinh rất quan trọng. Đặc biệt trong những tháng đầu đời. Tuy nhiên, số trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu hiện nay ở Việt Nam còn rất thấp, chưa đến 20%.
BS Từ Anh: Sữa mẹ ngoài những thành phần dinh dưỡng phù hợp với nhu cầu của trẻ sơ sinh thì có một ưu điểm đặc biệt mà sữa bột không thể đáp ứng được. Đó là những giá trị về mặt miễn dịch, tức trong sữa mẹ có những tế bào, những chất do cơ thể người mẹ tiết ra. Và những kháng thể này giúp em bé chống đỡ lại được vi khuẩn. Trong sữa mẹ cũng có những lợi khuẩn có ích cho đường tiêu hóa của trẻ sơ sinh và những con lợi khuẩn này không những có ý nghĩa trong giai đoạn sơ sinh mà còn tạo một nền tảng về sức khỏe lâu dài cho trẻ. Những em bé được bú sữa mẹ hoàn toàn trong giai đoạn đầu đời, sau này đường tiêu hóa khỏe mạnh và sau khi trưởng thành cũng sẽ ít bị các bệnh về chuyển hóa như bệnh đái tháo đường, rối loạn lipit máu ít hơn, đồng nghĩa nền tảng về miễn dịch và lợi khuẩn ở những năm tháng đầu sẽ làm nền tảng sức khỏe lâu dài.
Với việc thành lập ngân hàng sữa mẹ, bệnh viện có gặp những khó khăn nào không, thưa BS?
BS Từ Anh: Bệnh viện Từ Dũ đã có ý tưởng thành lập ngân hàng sữa mẹ từ năm 2014. Nhưng vào thời điểm này gặp rất nhiều khó khăn vì mô hình này khá mới ở Việt Nam. Thậm chí cho đến hiện tại, Bộ Y tế vẫn chưa có thông tư hay quy định về việc quản lý sữa mẹ, nên cũng gặp khó khăn về mặt pháp lý. Sữa mẹ mặc dù cung cấp dinh dưỡng cho bé, nhưng trong sữa mẹ có thêm những tế bào sinh học, các chất tiết trong cơ thể bà mẹ, ngoài ra còn tiềm ẩn những mầm bệnh nếu có. Vì thế, việc quản lý sữa mẹ không đơn thuần như quản lý thực phẩm.
Đến năm 2017, ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam ra đời tại bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng. Với mô hình cụ thể như vậy, bệnh viện Từ Dũ quyết tâm thành lập ngân hàng sữa mẹ để đáp ứng nhu cầu cần sữa mẹ của rất nhiều em bé sinh non tại bệnh viện. Được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng như một phần tài chính của tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế, chương trình Alive and Thrive và sự hỗ trợ về mặt kinh nghiệm của bệnh viện phụ sản nhi Đà Nẵng. ngân hàng sữa mẹ bệnh viện Từ Dũ ra đời. Với 2/3 nguồn kinh phí là của bệnh viện Từ Dũ, đã nói lên quyết tâm của ban lãnh đạo bệnh viện Từ Vũ khi xây dựng được ngân hàng sữa mẹ vì ý nghĩa nhân văn rất lớn. Ban giám đốc cũng giành 1 khu vực rộng 150m2 cho ngân hàng sữa mẹ với tiêu chí phi lợi nhuận. Bệnh viện chỉ thu một phần nhỏ phí nhằm bù đắp cho những chi phí của các công đoạn vận hành của ngân hàng sữa mẹ.
Hàng năm bệnh viện Từ Dũ tiếp nhận từ 6.000 – 7.000 trường hợp sinh non nhẹ cân. Do đó nhu cầu sữa mẹ mà chúng tôi ước tính là 14 lít/ ngày. Nếu như tất cả trẻ này được nhận sữa mẹ thanh trùng thì khả năng bị viêm ruột hoại tử – bệnh lý gây tử vong nhiều ở trẻ sẽ giảm đi 1/3, thời gian nằm viện là 15 ngày, thời gian truyền dịch để nuôi dưỡng giảm đi 10 ngày, giảm tỉ lệ nhiễm trùng sơ sinh 19%. Đây là những con số đã được nghiên cứu ở nước ngoài công bố. Điều này có nghĩa là tất cả các đối tượng sinh non tại bệnh viện Từ Dũ nếu được cung cấp sữa mẹ hay sữa mẹ thanh trùng thì tỉ lệ cứu sống em bé tăng lên rất nhiều.
Tư vấn chuyên môn:
BS CKII Nguyễn Thị Từ Anh
Trưởng Khoa Sơ sinh của Bệnh viện Từ Dũ
Minh Khuê
Theo Tạp chí Sức khỏe – khoe24h.vn