Thủy châm trong điều trị khớp

Theo thời gian, càng lớn tuổi, chúng ta thường bị đau nhức khớp xương. Để chống chọi lại với những cơn đau, người bệnh thường chạy chữa… “vòng quanh”, từ Tây y sang Đông y và ngược lại nhưng không biết rằng, nếu kết hợp sẽ tốt hơn.

Để điều trị đau nhức khớp, các thầy thuốc Đông y ngoài những phương pháp quen thuộc như xoa bóp, day ấn huyệt, châm cứu, vật lý trị liệu còn sử dụng phương pháp thủy châm. Đây là cách chữa bệnh kết hợp giữa Tây y và Đông y mang lại hiệu quả điều trị rất cao, thế nhưng phương pháp này vẫn còn xa lạ với nhiều người.

Bệnh thấp khớp theo quan niệm Tây y – Đông y

Thủy châm điều trị khớp, điều trị khớp bằng thủy châm, điều trị khớp, cách trị khớp

Thấp khớp là một trong những bệnh thường gặp nhất ở người lớn tuổi, có thể nói, đó là nỗi ám ảnh của tuổi già.

Thấp khớp là một trong những bệnh thường gặp nhất ở người lớn tuổi, có thể nói, đó là nỗi ám ảnh của tuổi già. theo tây y, bệnh được chia làm hai loại là viêm khớp cấp tính và viêm khớp mãn tính.

Viêm khớp cấp tính: Thường khớp bị viêm có triệu chứng như sưng, nóng, đỏ, đau nơi khớp bị đau, hạn chế vận động của người bị bệnh.

Viêm khớp mãn tính: Là hiện tượng thoái hóa khớp, khớp không bị sưng nóng nhưng tấy đỏ và đau, cơn đau ít nhưng dai dẳng kéo dài mỗi ngày, nhất là có dấu hiệu cứng khớp vào buổi sáng.

Theo Đông y, bệnh khớp chủ yếu là thấp khớp. Nguyên nhân do cơ thể bị suy yếu lâu ngày nên hàn tà (phong, hàn, thấp) xâm nhập vào kinh lạc gây bệnh, còn gọi chung là chứng tý. Bệnh thường gặp ở người già, người lao động nặng, người có cơ thể yếu do bẩm sinh (gọi là tiên thiên bất túc).

Dù theo quan điểm nào thì bệnh khớp cũng làm cho bệnh nhân bị đau nhức, đi đứng vận động khó khăn, ăn không ngon, ngủ không ngon giấc khi thời tiết thay đổi, nhất là vào mùa lạnh.

Đông – Tây kết hợp ngăn cản những cơn đau

Đau nhức khớp xương – hay thấp khớp – không chỉ khiến người  bệnh  khổ sở, nó cũng khiến giới y học phải “vò đầu, bứt tóc” để tìm cách điều trị căn bệnh này. Thế nhưng, cho đến nay, thấp khớp vẫn chưa điều trị được hoàn toàn mà chỉ có thể chế ngự để bệnh đừng phát triển thêm và gây biến chứng. Trong nỗ lực ngăn chặn các cơn đau của thấp khớp, Tây y cũng như Đông y có nhiều cách điều trị tùy theo tình trạng bệnh.

Đối với Tây y, thông  thường  có ba cách để điều trị là uống thuốc, tiêm thuốc và thay khớp đối với những ca bệnh quá nặng, khớp đã bị hủy hoại. Tùy tình trạng bệnh từ nhẹ đến nặng mà bác sĩ áp dụng phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân.

Trong Đông  y, điều trị thấp khớp cũng có nhiều phương pháp như uống thuốc, châm cứu, xoa bóp, day ấn huyệt, vật lý trị liệu. Thủy châm  là biện pháp kết hợp cả hai phương pháp Đông và Tây y.

Phương pháp này mặc dù được áp dụng để điều trị từ lâu nhưng nó vẫn chưa được biết đến rộng rãi. Để thủy châm, thầy thuốc sẽ dùng thuốc Tây y (thường là các dung dịch dạng tiêm) để đưa vào các huyệt đạo (được xác định theo Đông y) tương ứng với bộ phận bị bệnh. Với bệnh thấp khớp, thủy châm chủ yếu dùng để điều trị bệnh viêm khớp cấp tính.

Tùy vào vị trí khớp bệnh mà bệnh nhân được thủy châm vào các huyệt đạo tương ứng. Ví dụ: Người đau khớp vai sẽ được thủy châm vào các huyệt Kiên ngung, Tý nhu, Kiên trinh. Đau khớp khuỷu tay sẽ được thủy châm vào các huyệt Khúc trì, Xích trạch. Đau khớp cổ tay sẽ được thủy châm vào các huyệt Dương  khê, Dương  trì, Dương  lão. Đau khớp gối sẽ được thủy châm vào các huyệt Độc tỵ, Tất nhãn

Thủy châm – hiệu quả điều trị gấp đôi

Thực tế điều trị cho thấy, thủy châm  cho hiệu quả cao hơn rất nhiều, có thể nói là gấp đôi, so với việc dùng riêng một phương pháp Đông y hoặc Tây y. Bởi vì, ngoài tác dụng giảm đau nhanh của thuốc Tây y dành cho các bệnh cấp thì tác dụng của việc tiêm thuốc vào các huyệt đạo, tác động đúng huyệt vị nên hiệu quả nhanh và tăng hơn.

Thủy châm điều trị khớp, điều trị khớp bằng thủy châm, điều trị khớp, cách trị khớp
Thủy châm chỉ có thể được thực hiện với tình trạng bệnh cần thiết, phải được sự chỉ định của thầy thuốc và thực hiện tại bệnh viện

Ngoài ra, vì đây là thuốc giảm đau cấp tính cho bệnh viêm khớp cấp nên nếu sử dụng bằng đường uống sẽ gây ảnh hưởng  đến dạ dày. Do đó, việc dùng biện pháp thủy châm sẽ hạn chế được những tác hại này.

Tuy nhiên, thủy châm chỉ có thể được thực hiện với tình trạng bệnh cần thiết, phải được sự chỉ định của thầy thuốc và thực hiện tại bệnh viện bởi các bác sĩ có tay nghề vững vàng, đủ kinh nghiệm. Vì thủy châm rất dễ xảy ra một số tai biến, nhất là tai biến do liều lượng mà trong Đông y gọi là “vựng châm” nên bệnh nhân tuyệt đối không được phép tự thực hiện phương pháp này tại nhà.

Theo thực tế điều trị, thường gặp nhất là bệnh nhân bị đau khớp gối và cột sống. Đây là hai vị trí phải chịu lực nhiều nhất trong cơ thể. Những người bị béo phì, lao động nặng như mang vác nên rất dễ bị tổn thương cột sống, thắt lưng.

Thời gian gần đây, có thêm bệnh nhân bị đau khớp gót chân do đi lại, vận động nhiều.

Phòng ngừa biến chứng của thấp khớp

Thủy châm điều trị khớp, điều trị khớp bằng thủy châm, điều trị khớp, cách trị khớp

Tránh lạm dụng những loại thuốc gây ảnh hưởng đến xương khớp, nhất là các thuốc kháng sinh.

Trong thấp khớp có một số biến chứng như: hạn chế vận động (bệnh khớp khiến cơ thể đau, khó khăn khi vận động), cứng khớp, làm teo cơ, thậm chí dẫn đến tàn phế.

Để việc phòng ngừa được chủ động, tốt nhất bạn nên giữ cơ thể luôn ở mức cân nặng vừa phải, không bị béo phì, không làm việc nặng quá sức mình, cần để cơ thể có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi. Tránh lạm dụng những loại thuốc gây ảnh hưởng đến xương khớp, nhất là các thuốc kháng sinh.

Khi có những biểu hiện đầu tiên của đau khớp như: sưng, nóng, đỏ, đau nên lập tức đến thầy thuốc để được điều trị sớm. Với Đông  y, giai đoạn đầu chỉ cần điều trị bằng các phương pháp truyền thống như: xoa bóp, day ấn huyệt kết hợp uống thuốc.

Ngoài ra, thầy thuốc sẽ hướng dẫn một số bài tập phòng ngừa biến chứng của bệnh khớp.

Cảnh báo: Nếu phát hiện có những triệu chứng ban đầu mà không lập tức tích cực chạy chữa ngay, bệnh rất dễ phát triển thành mãn tính với những cơn đau âm ỉ dai dẳng, kéo dài.

 

Bạn có biết?

Thủy châm là phương pháp chữa bệnh thuộc trường phái “tân châm” do bác sĩ nguyễn tài thu, từng công tác Bệnh viện châm cứu trung ương cũ, khởi xướng từ năm 1960. Ông nhận thấy, trong khi chữa bệnh bác sĩ vẫn đưa thuốc vào cơ thể bằng việc tiêm vào tĩnh mạch, tiêm vào bắp thịt, vì vậy, thầy thuốc cũng có thể tiêm thuốc thẳng vào các huyệt đạo để có tác dụng nhanh.

Phương pháp này sau đó được áp dụng rộng rãi trong hệ thống bệnh viện trong nước cho đến ngày nay.

Tư vấn chuyên môn:
Lương y – Bác sĩ Phan Quốc Hưng
Khoa Y học cổ truyền, BV Đại học Y dược TP.HCM
. THIÊN LAN
Tạp chí Sức Khỏe


Posted in: Tin tức