Thai trứng: nỗi lo của thai phụ

(Sức Khỏe- khoe24h) Thai trứng là nỗi lo lắng của thai phụ khi mới có “tin vui”. Bởi, tuy đa số trường hợp lành tính nhưng vẫn có khi thai trứng trở thành loại thai trứng xâm lấn hay biến chứng ác tính như ung thư nhau thai.

Thai trứng (chữa trứng) là tình trạng thai nghén bất thường, do nguyên bào nuôi phát triển nhanh quá mức dẫn đến tổ chức liên kết bên trong gai nhau cùng các mạch máu không phát triển theo kịp. Các gai nhau không còn tổ chức liên kết và không còn các mạch máu, trở thành các bọc nước.

Có hai dạng thai trứng:

– Thai trứng toàn phần: Trường hợp không có bào thai, toàn bộ các gai nhau bị thoái hóa, biến thành các túi nước.

– Thai trứng bán phần: Trường hợp có bào thai nhưng không sống được. Phần lớn các gai nhau biến thành túi nước, một phần còn lại bình thường. Do đó, có các túi nước và cả nhau.

hai trứng là một tình trạng thai nghén bất thường
hai trứng là một tình trạng thai nghén bất thường

»CƠN ÁC MỘNG CỦA PHỤ NỮ

Lấy chồng gần mười năm mới có bầu, chưa kịp vui mừng, chị T. N (40 tuổi, Q. 12, TP. HCM) đã nhận tin “sét đánh” là mình bị thai trứng. Khi đang mang thai ở tháng thứ 3 của thai kỳ, chị N thấy có dấu hiệu nôn mửa nhiều, đau bụng dưới kèm theo hiện tượng chảy máu âm đạo. Sau khi bác sĩ chuyên khoa khám, siêu âm, thử máu, thử nước tiểu… chị được chẩn đoán bị thai trứng và cần phải hút bỏ thai gấp.

Chị L. A (32 tuổi, ngụ Q. 11, TP. HCM) lại lo lắng về dự định có đứa con thứ hai. Khi mang thai lần đầu, chị bị thai trứng bán phần, nồng độ beta hCG cao. Sau hơn 1 năm theo dõi, chị mới có bầu lại và sinh ra đứa con đầu hoàn toàn khỏe mạnh. Giờ, khi quyết định sẽ mang thai, chị không tránh khỏi lo lắng về khả năng thai trứng sẽ tái phát.

Nguyên nhân gây thai trứng đến nay vẫn chưa rõ ràng. Người ta chỉ thấy các tế bào nuôi ở nhau thai bị loạn sản và tăng sinh quá mức, tạo thành các túi chứa dịch. Ngoài ra, các yếu tố thuận lợi cho sự phát triển thai trứng là thiếu dinh dưỡng, chủ yếu là thiếu đạm; phụ nữ trên 40 tuổi; người có thai nhiều lần…

»NHỮNG BIỂU HIỆN CẢNH BÁO

Biểu hiện đầu tiên là ra máu âm đạo. Thường ra máu sớm vào tháng thứ hai đến tháng thứ tư của thai kỳ. Máu ra tự nhiên, màu đen hoặc đỏ, ra từng chút và kéo dài dai dẳng. Bệnh nhân xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, thiếu máu, mệt mỏi, vẻ mặt hốc hác. Người bệnh có biểu hiện nghén bất thường, nôn hoặc buồn nôn dữ dội, đau bụng dưới, chảy dịch đầu vú bất thường… Xuất hiện dấu hiệu nhiễm độc thai nghén như phù, huyết áp cao, vàng da… Tình trạng cường giáp với tuyến giáp to, nhịp tim nhanh, da bàn tay ấm, run tay… chiếm khoảng 10% các trường hợp, thường thấy ở thể nặng khi chiều cao tử cung trên 16cm, nồng độ beta hCG trong máu trên 100.000 đơn vị/lít. Thông thường, bệnh khá lành tính. Tuy nhiên, khoảng 10% trường hợp có thể dẫn đến các biến chứng ác tính như thai trứng xâm lấn hay ung thư nguyên bào nuôi.

ên khám thai sớm, thường xuyên để phát hiện bất thường ở người mẹ và thai nhi
Nên khám thai sớm, thường xuyên để phát hiện bất thường ở người mẹ và thai nhi

»CÁCH ĐIỀU TRỊ

Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường trên, thai phụ cần đến bệnh viện chuyên khoa để thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết như: huyết đồ, beta hCG, nước tiểu, chụp X-quang phổi… Nếu đã có chẩn đoán chính xác về bệnh, cần xử lý sớm để tránh biến chứng.

Cụ thể, người bệnh sẽ được hút nạo để lấy khối trứng ra ngoài tử cung với người có nhu cầu sinh con. Trường hợp người bệnh lớn tuổi, không muốn sinh thêm con, có thể được khuyên cắt tử cung. Bình thường, trên 80% trường hợp thai trứng sau khi được điều trị bằng hút nạo sẽ diễn tiến tốt. Trong khoảng 20% trường hợp còn lại, các nguyên bào nuôi tiếp tục phát triển và tiết ra hCG dẫn đến biến chứng.

Sau khi hút nạo thai trứng, bệnh nhân sẽ được theo dõi để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng ác tính (nếu có). Trước đây, hai tuần sau hút nạo, người bệnh cần đến bệnh viện để xét nghiệm định lượng beta hCG. Xét nghiệm này được thực hiện mỗi 2 tuần/lần trong 3 tháng đầu rồi mỗi tháng/lần trong 6 tháng kế, sau đó 3 tháng/lần cho đến hết 12 tháng. Tuyệt đối tránh thai trong vòng một năm sau hút nạo. Hiện nay, theo dõi bằng xét nghiệm beta hCG mỗi tuần 1 lần cho đến khi 3 giá trị bình thường liên tiếp được thu nhận (<5mUI/ml).

Nếu bệnh chuyển biến thành thai trứng xâm lấn hoặc ung thư nguyên bào nuôi, bác sĩ sẽ dùng các phương pháp hóa trị hoặc phẫu trị. Để phòng ngừa bệnh, chị em cần có kế hoạch sinh đẻ, không nên sinh con quá nhiều và gần nhau. Nên khám thai sớm và thường xuyên để phát hiện bất thường ở người mẹ và thai nhi đồng thời nâng cao mức sống của mình. Với người từng điều trị thai trứng, cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Sau điều trị, người bệnh cần được theo dõi liên tục khoảng 12-24 tháng. Trước khi có ý định mang thai lại, bệnh nhân nên tái khám, kể rõ hồ sơ bệnh án để bác sĩ chuyên khoa tư vấn phù hợp.

Tư vấn chuyên môn:
TS. BS. Lê Thị Thu Hà
Trưởng khoa Hậu sản M
Bệnh viện Từ Dũ, TP. HCM
N. Huyền

Posted in: Làm mẹ