Thai chậm tăng trưởng trong tử cung

Không riêng gì Việt Nam, các quốc gia trên thế giới đều muốn giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng trong bào thai nói riêng và tỷ lệ tử vong sơ sinh nói chung. Chính vì vậy, việc tìm hiểu các yếu tố có liên quan là cần thiết nhằm có giải pháp cho công tác chăm sóc sức khỏe thai phụ tốt hơn, góp phần làm giảm bệnh suất và tử suất chu sinh và sơ sinh.

Việt Nam là một nước có thu nhập thấp, với hơn 88 triệu dân. Theo Vụ Sức Khỏe Bà Mẹ Trẻ Em 2005: tỷ lệ trẻ có cân nặng lúc sanh thấp hơn 2500gr là 6%, trong đó, thai chậm tăng trưởng (TCTT) trong tử cung chiếm 25%. Thống kê của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) từ năm 2003 đến năm 2008, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng gần 1,5 triệu trẻ chào đời, trong đó tỷ lệ trẻ nhẹ cân khoảng 7%. Trong năm 2008, tỷ lệ bà mẹ tử vong là 150 trên 100.000 trường hợp sinh sống và tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh là 12 trên 1.000 trường hợp sinh sống.

Thai suy dinh dưỡng hay chậm tăng trưởng trong tử cung (bên Phải) và thai bình thường (bên Trái) trong những ngày đầu sau sinh.

 

Cơ chế gây suy dinh dưỡng bào thai

Dinh dưỡng bào thai phụ thuộc vào sự chuyển tải các chất dinh dưỡng từ mẹ đến bánh nhau, sự trao đổi tại nhau, sự hấp thu và chuyển hóa của thai nhi. Do đó, cơ chế gây suy dinh dưỡng bào thai có thể do nhiều nguyên nhân:

  • Rối loạn tuần hoàn của mẹ như cao huyết áp, tụt huyết áp, thiếu máu, suy tim, suy hô hấp.
  • Tại bánh nhau như: cao huyết áp, thai quá ngày, tiền sản giật.
  • Sau nhau như: dây rốn thắt nút, dây rốn bị chèn ép, những bất thường bẩm sinh,…

Thai chậm tăng trưởng sớm: chiếm 20-30% các trường hợp thai chậm tăng trưởng.

Thai chậm tăng trưởng muộn: chiếm 70-80% các trường hợp thai chậm tăng trưởng.

Để phân biệt thai chậm tăng trưởng sớm hay muộn thường vào khoảng 32 – 34 tuần.

Kích thước bánh nhau bình thường (bên Trái) và bánh nhau ở thai suy dinh dưỡng (bên Phải).

 

Tầm soát thai chậm tăng trưởng trong tử cung

Tầm soát thai chậm tăng trưởng trong tử cung trong tam cá nguyệt 1 và 2 của thai kỳ bao gồm: tiền căn nội khoa và sản khoa của sản phụ, khám lâm sàng, huyết thanh mẹ chẩn đoán và doppler động mạch tử cung.

Phương pháp tầm soát thai chậm tăng trưởng trong tam cá nguyệt 2 và 3 bao gồm: đo bề cao tử cung và theo dõi các số sinh trắc của thai theo biểu đồ tăng trưởng.

Xử trí

Hiện tại vẫn chưa can thiệp hiệu quả nào lên thai chậm tăng trưởng trừ khi chấm dứt thai kỳ. Thời điểm chấm dứt thai kỳ là vấn đề then chốt nhằm cân bằng những nguy cơ của sanh non với những nguy cơ khi tiếp tục duy trì thai, như thai chết lưu hay tổn thương các cơ quan của trẻ do thiếu máu nuôi.

Tiên lượng cũng như theo dõi những trường hợp thai chậm tăng trưởng tùy thuộc vào tuổi thai vào thời điểm chẩn đoán. Xử trí thai chậm tăng trưởng cần được cá thể hóa và dựa trên nhiều yếu tố như: sự tưới máu nhau thai, khả năng nuôi sống trẻ sơ sinh non tháng và các can thiệp hỗ trợ. Tất cả các trường hợp đều chấm dứt thai kỳ không kể đến tuổi thai khi có dấu hiệu trở nặng của bệnh lý mẹ.

Dự phòng

Bổ sung chất dinh dưỡng khác nhau đã được nghiên cứu nhằm dự phòng thai chậm tăng trưởng. Chế độ dinh dưỡng có thể gồm gia tăng lượng thịt, cá, ngũ cốc, trái cây và rau quả, bổ sung sắt, kẽm, calcium, tinh bột, magie và vitamin D. Ở những sản phụ có tiền căn thai chậm tăng trưởng, một số chuyên gia đề nghị sử dụng aspirin để phòng ngừa việc tưới máu thai không hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn chưa có đầy đủ bằng chứng cho việc chỉ định thường quy aspirin để dự phòng những trường hợp thai chậm tăng trưởng.

PGS. TS. BS Huỳnh Ng Khánh Trang

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

 

Posted in: Bạn cần biết