Thắc mắc về thực phẩm đóng hộp

Những món ăn đóng hộp không còn xa lạ với nhiều gia đình trong thời đại công nghiệp hiện nay. Nhưng có đơn giản là khui hộp và… ăn không? Sức Khỏe sẽ trả lời giúp bạn.

Thịt hộp, cá hộp, các loại ngũ cốc, nước trái cây… ngày càng hiện diện nhiều hơn trong tủ lạnh của mỗi nhà. Với người bận rộn, các món ăn được chế biến sẵn trong những chiếc hộp này chính là cứu cánh giúp chuẩn bị nhanh những buổi cơm gia đình. Nghe có vẻ quá đơn giản, nhưng ngoài sự gọn lẹ, thực phẩm đóng hộp cũng có nhiều mặt tích cực lẫn tiêu cực.

Nên để trong bao lâu?
Đây là điều kiện tiên quyết khi chọn mua thực phẩm đóng hộp. Dĩ nhiên trước khi được đưa ra thị trường, nhà sản xuất đã lưu ý đến thời hạn sử dụng. Nhưng đôi khi đừng nên bị đánh lừa bởi những con số này, bạn cần biết nhóm  thực phẩm nào nên để trong bao lâu thì được. Dùng trước khi hết hạn là đúng nhưng lúc này có thể thực phẩm đã mất dần chất dinh dưỡng hay không còn đảm bảo độ thơm ngon do để quá lâu. Theo các chuyên  gia:
Với các thực phẩm có độ a-xít cao như khoai tây, trái cây và nước trái cây, có thể lưu trữ được tối đa khoảng 18 tháng.
Thực phẩm có độ a-xít thấp như rau củ quả và thịt, để được lâu hơn với thời gian khoảng từ 2-5 năm.

Thực phẩm đóng hộp có cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết?
Câu trả lời ở đây là có. Nghiên cứu của trường Đại học Illinois và Massachusetts, Mỹ, cho thấy khi bạn dùng các loại rau, củ, quả và trái cây đóng hộp, lượng dưỡng chất cung cấp cho cơ thể vẫn không thay đổi như khi bạn dùng loại tươi.

Thực phẩm đóng hộp nên để trong bao lâu, thực phẩm đóng hộp có tốt cho sức khỏe, thực phẩm đóng hộp có đầy đủ chất dinh dưỡng, thực phẩm đóng hộp

Có phải dưỡng chất sẽ mất trong quá trình chế biến?
Theo các chuyên gia, một vài chất dinh dưỡng thiết yếu trong thực phẩm đóng hộp không những không mất đi, mà còn tăng thêm sau khi chế biến. Nghiên cứu của trường Đại học Cornell, Mỹ, cho rằng, sau khi chế biến, thành phần dưỡng chất của hạt ngô sẽ cao hơn nếu so sánh với ngô vừa thu hoạch. Cụ thể, lượng chất chống ô-xy hóa tăng lên thấy rõ. Điển hình là lutein, một chất chống ô-xy hóa thuộc nhóm carotenoid có tác dụng rất tốt cho mắt.

Thực phẩm đóng hộp chứa hàm lượng muối cao?
Muối là thành phần chính giúp thực phẩm lưu trữ được lâu hơn và chúng được sử dụng nhiều trong đồ hộp. Dùng loại thực phẩm này thường xuyên sẽ làm tăng lượng muối trong cơ thể, gây ra một số bệnh như tim, xơ gan, sỏi thận, tai biến mạch máu não…
3/4 lượng chất na-tri có trong muối xuất hiện ở khẩu phần ăn của chúng ta không phải có được từ các lọ muối mà ẩn giấu trong các loại thực phẩm đã qua chế biến như đồ hộp, thức ăn nhanh, thịt đã xử lý. Cơ thể chúng ta cần một lượng nhỏ na-tri hằng ngày để thay thế cho mồ hôi, nước mắt và các chất bài tiết đã mất đi trong quá trình vận động. Tuy nhiên, khi bạn ăn quá nhiều muối sẽ có nhiều rắc rối cho sức khỏe.

Thực phẩm đóng hộp nên để trong bao lâu, thực phẩm đóng hộp có tốt cho sức khỏe, thực phẩm đóng hộp có đầy đủ chất dinh dưỡng, thực phẩm đóng hộp

Mặt tiêu cực của đồ hộp là gì?

MỘT SỐ LƯU Ý

 Khi mua đồ hộp, bạn nên chú ý không chọn những hộp bị móp méo, có dấu hiệu rò rỉ, vỏ hộp phình lên một cách khác lạ hoặc nhãn mác không còn thấy rõ ràng.
 Nên trữ chúng ở những nơi mát mẻ, khô thoáng, tránh để gần bếp lò, tủ kính hay những nơi nhiệt độ cao.
 Khi thấy hiện tượng thức ăn trào ra hoặc sủi bọt khi khui hộp, bạn hãy bỏ ngay. Có nhiều người cứ nghĩ: “Chỉ do bị dằn sốc khi vận chuyển” mà không biết những hiểm họa tiềm ẩn chứa trong món ăn từ chiếc hộp thiếc kia.
 Chọn những đồ hộp nào có ghi “lượng muối thấp” hoặc “lượng bột nêm thấp”.
 Khi chế biến thực phẩm đóng hộp như cá ngừ, các loại đậu, bạn cần rửa sơ qua để giảm bớt lượng muối.

Thực phẩm đóng hộp thường có chất béo hydro hóa (trans fat) dùng để bảo quản thực phẩm được lâu hơn. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, chất béo này nếu dùng lâu ngày sẽ tích tụ trong cơ thể gây ung thư. Bên cạnh, các loại gia vị giúp ngon miệng, nhưng quá trình chế biến lại hình thành nên các độc chất trong thực phẩm. Ví dụ, trong thịt bảo quản có chất nitrite để giữ cho màu sắc tươi và tránh nhiễm khuẩn, nhưng khi ăn vào, chất này lại chuyển hóa thành nitrosamine, là yếu tố sinh ung thư ở đường tiêu hóa. Thêm vào đó, một tác nhân nguy hiểm không kém mà ít ai ngờ đến là kim loại trong vỏ đồ hộp có thể ngấm vào thực phẩm (nhất là hoa quả đóng hộp có chứa a-xít sẽ hòa tan kim loại và thực phẩm có chứa mỡ sẽ hấp thu kim loại nặng rất nhanh) và đi vào cơ thể. Một khi cơ thể không đào thải hết, các chất đó sẽ gây hại đến sức khỏe, làm giảm quá trình hấp thụ chất khoáng. Do vậy, đây chính là lý do vì sao các nhà khoa học khuyên mọi người không nên dùng thực phẩm đóng hộp thường xuyên.

 

.Ngọc Hào
Theo Tạp chí Sức Khỏe

Posted in: Đông y