Thà đa truân – Đừng bạc mệnh!

Thống kê kết quả khám sức khỏe trong năm 2018 của 500 phụ nữ trong độ tuổi 30 – 50 tại Khoa Điều Trị Kết Hợp Đông Tây Y, Trung Tâm Oxy Cao Áp, cho thấy, không dưới 70% trong số đó than phiền vì mau mệt khi gắng sức, hụt hơi khi nói lâu, chóng mặt khi đổi tư thế, đau đầu khi ngồi trước máy vi tính chưa đến một giờ … Với quan điểm vừa định kiến lại thêm tượng hình, 4/5 trong số họ đinh ninh nếu mệt cầm canh thế này chắc bị bệnh tim! Lo là phải vì bệnh tim trước sau vẫn đứng đầu trên bảng phong thần! Nhưng không hẳn hễ mệt thì trăm dâu đổ đầu trái tim. Trong bối cảnh của cuộc sống thiếu đủ thứ nhưng thừa stress, rõ ràng nhiều bà bề ngoài coi còn khỏe, nhiều cô ngoại hình còn mơn mởn nhưng nay mệt mai mỏi lại thêm bần thần khi thức dậy, cho dù đã nướng hơn 8 giờ mỗi đêm nhưng cứ như chưa ngủ!

Kẹt chính ở chỗ 2/3 trong số họ đã gõ cửa thầy thuốc, có người thậm chí gõ nhiều cửa, nhưng thầy thuốc tìm hoài không ra nguyên nhân trên giấy trắng mực đen! Éo le cho bệnh nhân vì nhiều trường hợp khó chẩn đoán do thầy thuốc có lẽ vì quá tập trung vào màn hình máy siêu âm nên quên nửa kia của người bệnh! Đừng tưởng hễ vướng bệnh tim phải có sứt mẻ sao đó ở van tim! Không đơn giản như thế. Nếu trái tim lận đận vì quá đa đoan với tình đời đen bạc, thì cơ tim nhiều khi tất bật vì trục trặc không ngờ của … hệ nội tiết! Với phụ nữ chuyện này càng nhiêu khê vì hệ nội tiết của phận má hồng, cũng như gia chủ, thường ít nhiều phức tạp, khi giận hờn, lúc giận lẫy, lắm khi cả hai!

Nói có sách không bao giờ bằng mách có chứng. Kết quả siêu âm và xét nghiệm sinh hóa của nhóm đối tượng nêu trên cho thấy, 90% các mệnh phụ “mệt tim” đồng thời là nạn nhân của rối loạn chức năng tuyến giáp gắn liền với thiếu iốt. Thiếu khoáng tố này dù trẻ hay già, dù nhược hay cường tuyến giáp, trái tim của nạn nhân đều mệt. Tình trạng này càng rõ nét hơn nữa ở đối tượng:

  • Đau khổ lâu ngày vì đường tình duyên kẹt xe!
  • Trầm uất do hậu quả của bệnh nội tiết như bệnh tiểu đường chưa được điều trị ổn định thường xuyên lo sợ vì căng thẳng trong nghề nghiệp.
  • Chấn động tâm lý sau tang sự, chấn thương.
  • Căm giận kéo dài trong nghề nghiệp vì ám tiễn sau lưng nhưng không có cơ hội nói hết cho hả giận.
  • Huyết áp thấp lại thêm thiếu cân hoặc suy dinh dưỡng do ăn uống thất thường, hoặc đáng trách hơn, vì nhịn ăn làm ốm dù không hề béo phì.

 

Bàn về bệnh tim, cho dù có nói đi nói lại nhiều lần vẫn chưa đủ. Bằng chứng là bệnh tim vẫn trước sau đứng đầu trên bảng tử vong, mặc dầu kỹ thuật chẩn đoán và phương tiện điều trị được cải thiện không ngừng. Đáng nói là, cũng theo kết quả nghiên cứu ở CHLB Đức, tỷ lệ thiếu máu cơ tim ở phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh giảm thấy rõ ở nhóm đối tượng được điều chỉnh tình trạng dao động rồi đi lần đến thiếu hụt nội tiết tố estrogen và progesteron bằng hoạt chất trong cây thuốc thuộc nhóm “điều kinh”, bằng isoflavon trong đậu nành … Đó cũng là lý do tại sao càng lúc càng có nhiều thầy thuốc trở về với kinh nghiệm của y học dân gian để tìm phương án phòng ngừa bệnh tim mạch cho phụ nữ khi bước vào khúc quanh của cuộc đời.

Dù là nguyên nhân nào cũng thế, tình trạng rối loạn chức năng lúc ban đầu, nếu không được điều trị kịp thời, lại dễ phát triển thành bệnh thực thể như rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, suy tim và thậm chí nhồi máu cơ tim! Đừng quên, tỷ lệ tử vong của phụ nữ trên 50 tuổi vì nhồi máu cơ tim đã từ lâu “bình đẳng” với số nạn nhân nam giới! Thêm vào đó, nếu tưởng phái yếu lúc nào cũng cẩn thận hơn đàn ông thì sai. Theo thống kê khảo sát ở Dresden, CHLB Đức, phụ nữ từ độ tuổi tiền mãn kinh lại là giới ít để ý đến bệnh tim, nếu so sánh với cánh đàn ông. Bên mình con số “cẩn tắc vô áy náy” chắc càng ít hơn nữa vì đa số phụ nữ đầu tắt mặt tối với chồng, con, cháu, chắt! Dù vậy, dù đa truân thế nào cũng phải ráng sao để đừng … bạc mệnh vi cuộc đời tính lại cho cùng vẫn … đẹp sao!

BS Lương Lễ Hoàng

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

Posted in: Tin y tế