Tế bào gốc – Cái gốc trong điều trị bệnh lý thoái hóa khớp gối

Thoái hóa khớp gối (THKG) là bệnh lý thoái hóa phổ biến nhất trong các bệnh lý xương khớp. Hiện nay, Tế bào gốc có thể áp dụng trong điều trị thoái hóa khớp mức độ II, III khi mà sự thoái hóa còn ở mức độ trung bình – nặng và chưa có biến dạng nhiều về cấu trúc khớp gối. Đặc biệt là hỗ trợ quá trình tự chữa lành của sụn khớp gối làm cho việc tái tạo sụn nhanh và hiệu quả hơn.

Bệnh THKG “nỗi ám ảnh không chỉ của người già”

Đây là tình trạng khớp bị “viêm” và “hao mòn” xảy ra thường xuyên nhất ở những người từ 50 tuổi trở lên, nhưng cũng có thể xảy ra ở những người trẻ tuổi. Đặc biệt là những trường hợp bị tai nạn, chấn thương gối, hay có cấu trúc xương khớp bẩm sinh khác thường như chân vòng kiềng, bàn chân bẹt thì càng dễ mắc bệnh. Trong bệnh lý thoái hóa khớp gối, sụn khớp gối dần dần biến mất. Khi sụn mòn đi, nó trở nên sờn và thô ráp, sự bảo vệ giữa 2 đầu xương giảm. Điều này có thể dẫn đến xương bị cọ xát và gây đau, viêm. Bệnh lý THKG tiến triển chậm và cơn đau gây ra ngày càng tồi tệ hơn theo thời gian, nếu không điều trị có thể dẫn đến mất chức năng của gối.

Các hiểu biết hiện nay về sự tổn thương khớp

Thoái hóa khớp là một bệnh cảnh đa dạng, có sự tham gia của nhiều cơ chế sinh bệnh, hiện nay đã được hiểu ngày càng rõ:

  • Do các chấn thương sụn khớp, do quá trình vận động, phát sinh các mảnh vỡ sụn nhỏ.
  • Do các bệnh lý chuyển hóa, như: tăng acid uric máu (bệnh gút), tăng lipid máu (rối loạn mỡ máu), tăng đường máu (đái tháo đường).

Các thành phần này phát sinh trong dịch khớp, làm kích hoạt các tế bào bạch cầu có nhiệm vụ dọn dẹp, tiết ra các chất làm sạch, các chất này khi được kiểm soát tốt, thì giúp khớp gối chúng ta sạch sẽ và khỏe mạnh. Nhưng khi xuất hiện quá nhiều trong khớp sẽ dẫn đến tình trạng phá hủy nhiều cơ quan trong khớp như sụn khớp, cấu trúc dây chằng, màng hoạt dịch,…

Việc điều trị THKG giai đoạn đầu là làm sao để kiểm soát hoạt động của các dòng tế bào tiết các chất hủy khớp này. Đồng thời kích thích các tế bào sụn tại chỗ phục hồi sụn khớp bị tổn thương.

Tế bào gốc là gì?

Tế bào gốc là những tế bào còn non trẻ trong cơ thể, chúng có khả năng sống rất cao, có khả năng tăng sinh và biệt hóa thành nhiều dòng tế bào đa dạng. Tế bào gốc trung mô: là một dòng tế bào gốc, có khả năng tự nhiên là biến đổi thành các tế bào thuộc lớp trung mô của cơ thể, như thành tế bào mỡ, xương, sụn,… Dòng tế bào này tương đối an toàn, đang được sử dụng trong nhiều phương pháp điều trị.

Tế bào gốc trung mô có tác dụng gì trong bệnh lý THKG?

Mục đích của việc sử dụng tế bào gốc trung mô là hỗ trợ quá trình tự chữa lành của sụn khớp gối làm cho việc tái tạo sụn nhanh và hiệu quả hơn. Tế bào gốc cải thiện qua 3 quá trình:

  • Tiết ra các yếu tố tăng trưởng thúc đẩy quá trình tăng trưởng, tái tạo sụn khớp nhanh và bền vững hơn.
  • Ức chế quá trình viêm trong khớp hạn chế thêm tình trạng hủy khớp.
  • Điều hòa hoạt động của các tế bào bạch cầu trong khớp.
  • Biệt hóa thành mô sụn khớp mới.

 

Những vấn đề gì cần quan tâm?

  • Điều trị THKG bằng tế bào gốc trung mô có tác dụng phụ gì hay không?

Tế bào gốc trung mô được nghiên cứu nhiều nhất trong bệnh lý thoái hóa khớp vì tính an toàn, thuận tiện của nó khi tế bào gốc chỉ ghép và khu trú trong khớp gối. Theo nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước hiện nay chưa ghi nhận tác dụng phụ đáng lo ngại nào trong việc điều trị thoái hóa khớp bằng tế bào gốc.

  • Hiệu quả điều trị THKG bằng tế bào gốc trung mô như thế nào?

Bệnh THKG là một bệnh cảnh đi cùng với sự lão hóa của cơ thể, trong đó khớp gối dễ bị tổn thương nhất, làm hạn chế nhiều hoạt động của bệnh nhân. Điều trị THKG là làm chậm quá trình thoái hóa và giúp khớp gối phục hồi 1 phần sụn khớp, quá trình này đã được chứng minh bằng nhiều nghiên cứu tiền lâm sàng và nghiên cứu lâm sàng.

Theo kết quả nghiên cứu tại bệnh viện Vạn Hạnh thực hiện trên 24 tháng cho thấy: có 86% bệnh nhân đạt được kết quả tốt sau khi điều trị THKG bằng tế bào gốc.

  • Tế bào gốc được chỉ định trong điều trị thoái hóa khớp mức độ nào?

Hiện nay, Tế bào gốc có thể áp dụng trong điều trị thoái hóa khớp mức độ II, III khi mà sự thoái hóa còn ở mức độ trung bình – nặng và chưa có biến dạng nhiều về cấu trúc khớp gối.

ThS. BS Trần Đặng Xuân Tùng

BS Phạm Thanh Tú

Đơn vị Tế Bào Gốc – Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh TP.HCM

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

Posted in: Tin y tế