Sức Khỏe – Khi ngực xuất hiện những mảng hoặc khối đặc, sờ hơi đau, không ít chị em hốt hoảng đi khám và được chẩn đoán tăng sản tuyến vú. Nỗi lo lắng lại tăng lên vì chị em cho rằng mình bị ung thư. Thực tế, tăng sản tuyến vú lành tính.
Tăng sản tuyến vú thường gặp ở phụ nữ tuổi trung niên (30-50 tuổi) nhưng cũng có nhiều trường hợp độ tuổi 20 mắc chứng bệnh này. Tăng sản tuyến vú có thể phát triển thành ung thư vú nhưng tỷ lệ rất thấp.
|
– Không nên mặc áo ngực quá chật để phòng tránh tăng sản tuyến vú, đặc biệt là gia tăng nguy cơ ung thư vú
|
Cảnh báo từ những cơn đau vú
Tăng sản tuyến vú không phải là viêm hay khối u mà do một số tế bào tuyến vú trong phạm vi nhất định tăng lên nhiều. Khi bị tăng sản tuyến vú, chị em sẽ thường chịu những cơn đau vú hoặc cảm giác ngực căng cứng khó chịu, nhất là mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt. Có lúc sờ sẽ thấy những mảng hoặc khối đặc, đau.
Tính chất của mảng này thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt: gần ngày có kinh, kích thước sẽ to hơn và đau hơn. Khi có kinh, kích thước các mảng sẽ nhỏ lại và đau cũng sẽ giảm. Cảm giác đau ở mỗi người có thể khác nhau như đau tức, đau âm ỉ, đau nhói. Người bệnh có thể thấy đau một hoặc hai bên vú.
Một số chị em khi bị tăng sản tuyến vú có dịch chảy ở đầu núm vú. Dịch có thể tự chảy ra hoặc khi dùng tay bóp, nặn vùng ngực. Chất dịch thường có màu vàng trong, hơi nhầy, đôi khi có màu trắng sữa, nâu xanh, rất ít khi có màu đỏ.
Ngoài ra, chị em có thể gặp một số triệu chứng đi kèm như rối loạn kinh nguyệt, đau bụng hoặc đau lưng nhiều khi hành kinh. Khi đến kỳ kinh nguyệt, có thể thấy đau đầu, chóng mặt.
Nói “không” với áo ngực quá chật
Trong tuyến vú có các ống dẫn sữa được bao bọc bởi một lớp tế bào. Do sự thay đổi nội tiết (thường là gần đến chu kỳ kinh nguyệt), tuyến vú sẽ tăng cường sản xuất các tế bào mới, khi hết chu kỳ sẽ giảm dần. Điều này khiến chị em cảm thấy ngực thường căng, hơi đau khi “đến tháng” và cảm giác này sẽ hết khi kết thúc chu kỳ kinh.
|
– Nên kiểm tra khi thấy “núi đôi” có biểu hiện bất thường
|
Khi các tế bào hàng tháng đều tăng lên nhiều nhưng lại không giảm, sẽ làm xuất hiện chứng tăng sản tuyến vú. Nguyên nhân gây tăng sản tuyến vú thường là do sự ảnh hưởng của rối loạn nội tiết tố, gây nên sự mất điều hòa cơ năng của buồng trứng.
Bên cạnh đó, việc mặc áo ngực quá chật, mặc trong suốt thời gian dài khiến vòng tuần hoàn máu không tốt cũng là nguyên nhân phổ biến.
Thường xuyên tức giận, căng thẳng, kích động hay lo âu khiến cơ thể mỏi mệt; mất ngủ, thức đêm quá muộn cũng khiến chứng tăng sản tuyến vú xuất hiện và tiến triển nhanh.
Việc sử dụng các loại thuốc chứa estrogen như thuốc phòng tránh thai, thuốc hỗ trợ điều trị mụn, làm trắng da hay thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, sinh hoạt tình dục không điều độ, nạo phá thai nhiều lần… là những thói quen xấu khiến ngực phát triển không bình thường, làm thay đổi chức năng sinh lý cũng như phá vỡ cấu trúc ổn định ở tuyến vú, gây nên bệnh tăng sản tuyến vú.
Ngoài ra, việc ăn uống tùy tiện, nạp quá nhiều chất béo, quá nhiều năng lượng không chỉ là nguyên nhân gây béo phì, tiểu đường, huyết áp cao mà còn gây rối loạn nội tiết tố khiến bệnh tăng sản tuyến vú xuất hiện.
Điều trị và phòng bệnh hiệu quả
Tuy tăng sản tuyến vú lành tính và ít có khả năng phát triển thành ung thư nhưng chị em không nên chủ quan. Nếu phát hiện bị tăng sản tuyến vú, nên tuân thủ lịch tái khám và khám sức khỏe tổng quát định kỳ để sớm phát hiện những bất thường ở ngực.
Nếu tình trạng tăng sản tuyến vú chỉ làm xuất hiện các triệu chứng nhẹ, bạn không cần quá lo lắng. Sau 2-3 năm, triệu chứng bệnh sẽ biến mất mà không cần điều trị. Nếu có những triệu chứng nặng, bác sĩ có thể tư vấn cách can thiệp như mổ cắt rộng mô vú, đoạn nhũ hoặc cho dùng các thuốc giảm đau.
Để phòng bệnh, chị em nên chọn áo ngực đúng kích cỡ, không quá chật. Khi ở nhà hoặc đi ngủ, nên cởi áo ngực. Bên cạnh đó, chị em nên chú ý giữ tâm lý luôn thoải mái, thư giãn; ăn uống hợp lý; tránh hút thuốc, uống rượu bia nhiều; sinh hoạt tình dục an toàn, điều độ … để hạn chế nguy cơ rối loạn nội tiết.
Ngoài ra, sau khi nguyệt san kết thúc khoảng một tuần, chị em nên tiến hành kiểm tra “núi đôi”. Dùng đầu ngón tay để sờ, nắn kiểm tra vú hai bên, từ trên xuống dưới, cả vùng hố nách để xem mềm hay có những mảng khối, cục u lổn nhổn ở vú. Nếu phát hiện vú có biểu hiện bất thường, chị em cần đi khám và theo dõi ngay.
Tư vấn chuyên môn:
BS. Ngô Thị Thanh Thảo
Khoa Sản Bệnh viện Hùng Vương, TP. HCM
Hà Anh
Theo tạp chí Sức khỏe