Sức Khỏe – 3 tháng đầu của thai kỳ là giai đoạn vô cùng quan trọng. Người mẹ cần chú ý các biểu hiện nhằm phát hiện sớm việc mình đang mang thai “thiên thần nhỏ” để có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý cũng như theo sát sự phát triển của con.
Phát hiện mầm sống đang nảy nở, mình đang mang trong người sinh linh bé nhỏ, bạn sẽ cảm nhận rõ nét niềm hạnh phúc của thiên chức làm mẹ. Để thai kỳ suôn sẻ, thai nhi phát triển tốt, mẹ cần đặc biệt chú ý, nhất là trong 3 tháng đầu. Vì sao lại như vậy và mẹ cần chú ý những gì? Chuyên đề số này sẽ giúp bạn trả lời.
Từ khi bắt đầu đến lúc sinh nở, mang thai được chia làm ba giai đoạn: tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu tiên), tam cá nguyệt thứ 2 (3 tháng giữa) và tam cá nguyệt thứ 3 (3 tháng cuối).
|
Mầm sống được hình thành là niềm hạnh phúc của các cặp vợ chồng
|
Nếu như tam cá nguyệt thứ 2, thứ 3 được xem là giai đoạn “trăng mật” của thời kỳ mang thai thì tam cá nguyệt thứ nhất lại khiến nhiều mẹ lo lắng. Bởi ở giai đoạn này, người mẹ có những biểu hiện nghén đầu tiên, gây khó chịu, hay nôn ói. Đặc biệt, rất dễ xảy ra sẩy thai, thai nhi gặp tai biến. Do đó, người mẹ phải hết sức thận trọng.
Những thay đổi của thai phụ
Dấu hiệu đầu tiên nghi ngờ mang thai là mất kinh. Nếu thấy chu kỳ kinh nguyệt trễ hơn 1 tuần, bạn nên mua que thử thai về kiểm tra hoặc đi bệnh viện siêu âm để được chẩn đoán xem mình có thai hay chưa.
Lưu ý, các bác sĩ thường không tính tuổi thai và ngày dự sinh dựa vào ngày quan hệ tình dục mà tính theo kỳ kinh cuối, tức là bắt đầu từ ngày có kinh nguyệt đầu tiên của kỳ kinh cuối. Ví dụ, kỳ kinh cuối cùng vào ngày 10-11-2015 đến ngày 17-12-2015, dựa vào lịch, mẹ có thể tính ra thai nhi đã được 6 tuần 4 ngày.
Đi kèm trễ kinh, mẹ sẽ cảm thấy buồn nôn, nôn khan, nhất là khi mới ngủ dậy hoặc chiều tối hay khi ngửi thấy mùi thức ăn, xăng, thuốc lá, hương hoa…
Tuy nhiên, tùy từng trường hợp, có người sẽ không xuất hiện cảm giác buồn nôn nhưng có người lại buồn nôn khi ngửi bất cứ mùi vị nào. Những cơn nghén này thường sẽ hết sau 3 tháng đầu nhưng cũng có người nghén đến khi sinh.
Ngực căng tức, bỗng dưng chán ăn, kén ăn, đi tiểu nhiều lần dù không uống nhiều nước, hay buồn ngủ, dễ chóng mặt, tăng cân nhẹ… là những thay đổi người mẹ có thể gặp khi ở tam cá nguyệt thứ nhất.
Sự phát triển của con
Ở tam cá nguyệt thứ nhất, phôi thai được thấy rõ ràng nhất khi ở tuần thứ 3 của thai kỳ. Ở hai tuần đầu, phôi thai chưa có nhiều khác biệt, nếu siêu âm vẫn chưa thể phát hiện.
Ở tuần thứ 3, phôi thai nhỏ bằng hạt đỗ và khi siêu âm có thể thấy những nhịp tim đầu tiên của em bé trên màn hình siêu âm. Lúc này, não bộ, tủy sống của bé đang bắt đầu hình thành.
Ở tuần thứ 4, bé trông giống chú nòng nọc với đầu to và thân hình bé xíu với những chồi sẽ phát triển thành chân sau này. Các bộ phận như gan, thận, phổi cũng đang được hình thành. Ở tuần này, hàm, cằm, hai má của bé cũng xuất hiện và thay đổi liên tục.
Tuần thứ 5, xương của bé bắt đầu được hình thành, các đường nét trên khuôn mặt cũng rõ dần, hình thành miệng và lưỡi. Đặc biệt, não bộ của bé bắt đầu phát triển mạnh với hàng triệu tế bào thần kinh được hình thành mỗi ngày.
|
Siêu âm giúp bác sĩ theo dõi sức khỏe cũng như sự phát triển của thai nhi
|
Tuần thứ 6, bé dài chưa tới 1cm, đầu, trán vẫn to, thân mình bé xíu, bắt đầu hình thành chóp mũi. Các ngón tay, chân, môi, mí mắt đang ngày càng rõ nét hơn. Cũng trong tuần này, van tim đã xuất hiện, các đường dẫn khí từ cổ họng đến phổi cũng được hình thành.
Ở tuần thứ 7, bé đã có tim thai. Bác sĩ sẽ giúp bạn nghe tim thai bằng máy siêu âm và cảm nhận được có sự sống đang lớn dần lên trong cơ thể mình. Việc nghe tim thai rất quan trọng, giúp theo dõi và nhận biết thai nhi có khỏe không.
Do đó, từ lúc này đến khi sinh, mỗi lần đi khám, bác sĩ sẽ nghe tim thai. Ở tuần này, mắt của bé đã to hơn, tai được hình thành. Ngoài ra, lưỡi cũng bắt đầu xuất hiện trong vòm miệng.
Những ngón tay, ngón chân của bé rõ rệt hơn và bắt đầu có móng vào tuần thứ 8. Lúc này, bé đã có thể uốn cong tay, chân, nhúc nhích khuỷu tay, gập cổ tay. Các cơ quan nội tạng đã hoàn thiện đúng vị trí.
Bước sang tuần thứ 9, mẹ đã có thể nhìn thấy hình dáng hoàn thiện của bé trên máy siêu âm. Cơ thể bé không còn cuộn tròn mà bắt đầu duỗi ra. Giai đoạn này, cơ quan sinh dục của bé cũng bắt đầu hình thành và phát triển.
Ở tuần thứ 10, kích thước của thai nhi có thể đã lớn gấp đôi so với 3 tuần trước, dài khoảng 3,2-4cm. Bé sẽ vận động nhiều hơn như đá, trườn, vặn, xoay người. Tuy nhiên,vì bé còn nhỏ và tử cung của mẹ vẫn nằm trên đỉnh khung chậu nên mẹ chưa cảm nhận được những chuyển động của bé.
Từ tuần thứ 11, thanh quản của bé được hình thành. Các tế bào thần kinh tăng lên nhanh, các khớp thần kinh kết nối các dây thần kinh trong não được hình thành. Bé bắt đầu có nhiều phản xạ hơn như xòe các ngón tay, đá chân, miệng tập mút…
Bước sang tuần thứ 12, tuần cuối cùng của tam cá nguyệt thứ nhất, dấu vân tay của bé đã hình thành, cổ đã phát triển rõ hơn, cằm nhô ra và đã có những cử động ở khuôn mặt như cau mày, nheo mắt. Bé vẫn có những chuyển động liên tục trong bụng mẹ.
Nếu là người nhạy cảm hoặc đã từng có con, mẹ bắt đầu cảm nhận được những chuyển động của con.
Tư vấn chuyên môn:
BS. Ngô Thị Thanh Thảo
Khoa Sản, Bệnh viện Hùng Vương, TP. HCM
Hà Anh – Tạp chí Sức khỏe