Trong Đông y, ngải cứu được công nhận là vị thuốc quý giá, nhất là đối với chị em phụ nữ. Loại cây này có nhiều tác dụng, từ an thai, điều hòa khí huyết, giảm đau, trị cảm, ghẻ lở cho đến việc dùng để chế biến những món ăn bổ dưỡng cho sức khỏe.
Chúng ta có thể trồng một vài bụi ngải cứu vừa để làm cảnh, vừa để sở hữu vị thuốc quý trong nhà cần dùng khi hữu sự. Công dụng loại cây này có rất nhiều. Ở đây chỉ xin giới thiệu vài bài thuốc, món ăn với ngải cứu, cách thực hiện khá đơn giản lại rất công hiệu trong việc chữa trị.
NGẢI CỨU – CÔNG CHÚA “LỌ LEM” GIỮA MUÔN HOA
Loài cây này ví như “cô gái nhà nghèo”, có khả năng sinh tồn mạnh mẽ nên thích nghi với bất kỳ môi trường sống nào, chỉ cần ánh sáng và một ít đất. Ngải cứu thường tự mọc hoặc có thể trồng bằng những đoạn gốc già đã có rễ.
Trong dân gian, ngải cứu còn có tên gọi khác là cây thuốc cứu. Tên tiếng Anh là Argy Worm wood leaf và tiếng Pháp gọi là L’armoise commune. Việc người ta chuyển dịch ra cả hai thứ tiếng cho thấy “nàng lọ lem” rất có giá trị trong cuộc sống.
Trong cây ngải cứu chỉ có lá là được dùng làm thuốc. Lá ngải cứu phơi khô thường gọi là ngải diệp, mùi thơm dễ chịu, vị đắng, cay.
Thu hoạch: Nên hái lá khi hoa chưa nở, đang tươi tốt vào hai mùa xuân, hạ. Hái tốt nhất vào dịp tết Đoan Ngọ (mùng 5-5 Âm lịch). Lá ngải cứu dùng làm thuốc có ba loại: lá tươi, ngải diệp (lá phơi khô) và ngải nhung.
Lá tươi: Rửa sạch sau khi hái là có thể dùng được.
Ngải diệp: Lá được hái rồi đem phơi khô trong bóng râm. Chú ý: Không để cành, tạp chất lẫn vào lá dùng để làm thuốc. Khi khô mặt dưới lá ngải có màu vàng tro, nhiều lông nhung, mùi thơm đặc trưng. Theo kinh nghiệm dân gian, lá ngải cứu càng để lâu càng tốt.
Ngải nhung (còn gọi là thục ngải): Lấy ngải diệp đem vò nát hoặc tán nhỏ, bỏ xơ cuống, lấy phần lông trắng và tơi sẽ được ngải nhung, dùng làm mồi cứu, kích thích huyệt trong châm cứu.
Công dụng: Theo Đông y, lá ngải cứu có vị đắng, cay, tính hơi ấm. Có tác dụng điều hòa khí huyết, trừ hàn thấp, an thai, cầm máu.
Với những đóng góp trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho con người, ngải cứu đã thoát khỏi kiếp “cỏ dại” và ghi tên vào Dược điển Việt Nam.
MÓN ĂN VỚI NGẢI CỨU
>>> Canh ngải cứu nấu thịt nạc: Chữa các bệnh phụ nữ như: trị đau bụng hành kinh hay đau bụng do lạnh.
Cách thực hiện: Thịt nạc heo băm nhỏ hay xay nhuyễn, ướp gia vị vừa ăn để ít phút cho thấm rồi xào sơ qua. Đun sôi nước, cho rau ngải cứu vào. Khi canh sôi đều, nêm hạt vừa ăn, dùng nóng.
>>> Trứng gà tráng ngải cứu: Giúp máu lưu thông lên não điều trị chứng đau đầu.
Cách thực hiện: Lấy một nắm lá ngải cứu, cắt thật nhuyễn, đập trứng gà cho vào tô, tiếp đó cho ngải cứu vào quậy đều, nêm vừa ăn. Cho hỗn hợp này vào chảo chiên vàng như chiên trứng.
>>> Gà tần ngải cứu (ngải nhung): Bồi bổ sức khỏe, hoạt huyết, xương cốt dẻo dai.
Cách thực hiện: Cho ngải nhung, gà ác (gà đen) làm sạch và một số vị thuốc Bắc như: nhân sâm, bắc kỳ, kỷ tử, thục địa, trần bì, táo tàu (táo đỏ) vào nồi. Đổ nước xăm xắp, nêm vừa miệng và tần (hầm) cho đến khi gà chín nhừ. Dùng lượng vừa đủ và nên tham khảo ý kiến thầy thuốc số lượng khi dùng.
Lưu ý: Lá ngải cứu khi còn sống có vị rất cay và hơi đắng. Tuy nhiên, lúc nấu chín chỉ còn ít vị cay nhưng lại rất đắng.
BÀI THUỐC VỚI NGẢI CỨU
>>> Lá ngải cứu tươi có thể giúp chữa lành bệnh cho người bị sưng đau trong cổ họng hay tự nhiên lưỡi bị co rút lại không thể nói được.
Cách thực hiện: Dùng lá ngải cứu tươi rửa sạch giã nát. Sau đó đắp bên ngoài cổ họng và vắt lấy một ít nước cốt lá ngải non nuốt dần dần. Kiên nhẫn làm nhiều lần sẽ thấy công hiệu.
Có người bị chứng phong hay bị lở ngứa, thường xuyên chảy nước. Dùng ngải cứu (nếu kỹ hãy giã nát) nấu chung với giấm cho đến khi nước sánh lại. Lọc lấy nước cốt, thấm lên miếng băng mỏng đắp vết thương rất công hiệu.
>>> Dùng ngải nhung, long não và gừng tươi trị cảm, đau nhức trong người:
Cách thực hiện: Dùng ngải nhung vò cho nát, bỏ cành và cuống lá, dùng để làm mồi cứu. Gừng tươi (loại củ lớn) cắt miếng mỏng khoảng 4-5mm. Ngải nhung khoảng 2-3g để lên trên miếng gừng, cho lên một chút long não. Sau đó, dùng lửa đốt long não, chúng sẽ cháy và bén vào ngải nhung làm nó cháy theo. Đặt miếng gừng vào các huyệt đã định, thường là dọc theo kinh thái dương bàng quang (dọc hai bên cột sống), miếng gừng sẽ từ từ nóng lên. Đến khi nào người bệnh cảm thấy nóng thì nhấc bỏ ra là được.
Phương pháp này rất công hiệu để chữa trị đau nhức người.
Lưu ý: Phải cẩn thận kẻo bị phỏng da do quá nóng.
>>> Ngoài ra, còn có thể dùng lá ngải cứu để giảm đau do chấn thương, đau khớp, đau lưng, đau bụng do lạnh bụng hoặc làm giảm vết bầm.
Cách thực hiện: Lấy lá ngải cứu xào nóng, bọc trong một lớp vải mùng (hay lớp bông y tế) chườm lên trên chỗ đau, vết bầm.
>>> Bài thuốc Giao ngải thang trị bệnh phụ nữ động thai, ra máu nhiều ngày, dễ bị sảy thai: A giao 80g, ngải diệp 120g, đương quy 120g, địa hoàng 120g, bạch thược 160g.
Cách thực hiện: A giao để riêng, các thứ còn lại nấu chung với 2 lít nước và 2 lít rượu trắng. Nấu nước còn khoảng 1 lít, cho a giao vào, khuấy đều.
Cách dùng: Thuốc này uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 ly nhỏ.
. Thiên Ý
Tư vấn chuyên môn: Lương y Trần Duy Linh
Tạp chí Sức Khỏe