Sơ cứu đúng cách cho người bị hạ hoặc tăng huyết áp

Sức Khỏe – Với những người cao tuổi, người gặp vấn đề về tim mạch, bị bệnh đái tháo đường, các bệnh liên quan đến huyết áp… huyết áp tăng quá cao hay giảm đột ngột có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được sơ cấp cứu kịp thời.

Nếu trong gia đình có người thân hay bị tăng hoặc giảm huyết áp, bạn cần trang bị các kiến thức về sơ cấp cứu cần thiết để có thể ứng cứu khi xảy ra sự cố. Điều này sẽ giúp bảo vệ sức khỏe người bệnh khi huyết áp của họ bất chợt “đỏng đảnh”.

»LÀM GÌ KHI GẶP NGƯỜI BỊ HẠ HUYẾT ÁP?

Với người bình thường, mức huyết áp lý tưởng là ở khoảng 120/80mmHg, nghĩa là huyết áp tâm thu ở mức 120mmHg, huyết áp tâm trương ở mức 80mmHg. Nếu đo huyết áp, thấy huyết áp tâm thu dưới 90mmHg và huyết áp tâm trương dưới 60mmHg thì người đó đang bị tụt huyết áp.

Tình trạng tụt huyết áp có thể khiến người bệnh cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu, mất ý thức trong khoảng thời gian ngắn… Lúc này, nếu không được sơ cứu kịp thời, bệnh nhân có thể gặp những biến chứng nguy hiểm như suy tim cấp tính, nhũn não.

Nên đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế nếu tình trạng không thuyên giảm sau khi sơ cứu
Nên đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế nếu tình trạng không thuyên giảm sau khi sơ cứu

Để sơ cứu người bị hạ huyết áp, cần lưu ý những vấn đề sau:

– Khi phát hiện có người có dấu hiệu chóng mặt, hoa mắt, nên nhanh chóng đưa bệnh nhân vào nơi thoáng mát, thông khí, tránh có nhiều người tụ tập. Hỏi bệnh nhân hoặc những người thân quen xem người bệnh có tiền sử bị hạ huyết áp không. Nếu có dụng cụ đo huyết áp thì nhanh chóng đo để kiểm tra mức huyết áp nhằm có cách xử lý đúng.

– Để bệnh nhân nằm thẳng ở tư thế thoải mái, kê cao chân.

– Nhanh chóng cho bệnh nhân uống nước lọc (khoảng 500ml) giúp điều hòa lại huyết áp. Ngoài ra, có thể cho người bệnh uống trà gừng, thực phẩm có vị mặn, nước chè đặc… Đặc biệt, cho bệnh nhân ăn chocolate nếu có thể. Thành phần flavon trong chocolate giúp bảo vệ thành mạch máu rất hiệu quả, giảm nguy cơ tai biến nên rất hữu dụng cho người bị tụt huyết áp.

– Tiếp theo, giúp bệnh nhân day hai bên huyệt thái dương, huyệt Phong trì, vuốt từ giữa trán sang hai bên thái dương… Nên thực hiện 3-5 phút ở mỗi vị trí, tới khi bệnh nhân dần hồi phục.

– Nếu bệnh nhân có thuốc điều trị tụt huyết áp, nên nhanh chóng cho uống. Do hay bị tụt huyết áp nên các bệnh nhân thường mang theo thuốc để dùng ngay khi cần thiết.

Lưu ý, nếu tụt huyết áp liên quan đến bệnh lý nền như các bệnh mạn tính (suy tim, đái tháo đường) hay do bị sốt xuất huyết, tiêu chảy, sốt gây mất nước thì sau khi sơ cứu, cần đưa bệnh nhân đến trung tâm y tế gần nhất để được bác sĩ truyền dịch, tiêm tĩnh mạch hay chỉ định dùng thuốc theo bệnh lý nền một cách phù hợp và hiệu quả.

Tăng - hạ huyết áp đột ngột có thể  gây nguy hiểm cho bệnh nhân
Tăng – hạ huyết áp đột ngột có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân

»SƠ CỨU CHO NGƯỜI BỊ TĂNG HUYẾT ÁP

Khi huyết áp tâm thu cao hơn 140mmHg và huyết áp tâm trương cao hơn 80mmHg, người đó đang bị tăng huyết áp.

Khi bị tăng huyết áp, người bệnh thường có các biểu hiện như chóng mặt, choáng váng, buồn nôn… nhưng các triệu chứng này cũng dễ nhầm lẫn với say nắng, ngộ độc nên có thể dẫn đến sơ cứu không kịp thời hoặc sơ cứu sai. Tăng huyết áp nếu không được phát hiện và sơ cứu đúng có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm ở tim, não, mắt, thận… Do đó, những người có tiền sử bị tăng huyết áp khi thấy các triệu chứng này nên cảnh báo ngay với người bên cạnh để họ chủ động trong sơ cấp cứu.

Để sơ cứu nhanh và an toàn cho người bị tăng huyết áp, cần lưu ý:

– Khi bệnh nhân có dấu hiệu tăng huyết áp, nên đưa họ vào nơi thoáng mát, yên tĩnh để nghỉ ngơi. Hỏi bệnh nhân có mang theo thuốc hạ huyết áp không để cho uống đúng theo liều lượng chỉ định của bác sĩ.

– Nên để bệnh nhân nằm yên tĩnh. Người nhà không nên quá lo lắng, hỏi thăm nhiều vì việc nói chuyện nhiều cũng khiến huyết áp tăng cao. Không tạo cho người bệnh những cảm xúc như tức giận, nổi nóng hoặc quá vui vì cảm xúc mạnh cũng gây ảnh hưởng đến huyết áp.

Đặt người bị tụt huyết áp nằm thẳng ở tư thế thoải mái, kê cao chân
Đặt người bị tụt huyết áp nằm thẳng ở tư thế thoải mái, kê cao chân

– Không cho bệnh nhân ăn những thực phẩm chứa nhiều đường vì đường có thể làm huyết áp tăng cao.

– Giúp người bệnh day ấn huyệt. Người sơ cứu có thể thực hiện day, bấm các huyệt ở hai bên thái dương, huyệt Ủy trung (nằm ở giữa nếp lằn khoeo chân), huyệt Dũng tuyền (nằm chính giữa chỗ lõm của gan bàn chân). Có thể thực hiện thêm các động tác vuốt trán, vuốt dọc hai bên mũi, hai chân mày… đến khi bệnh nhân thoải mái trở lại.

– Có thể cho người bệnh uống 1 cốc nước ép cần tây hoặc cà rốt để giúp giãn mạch, điều chỉnh rối loạn lipid trong máu và ổn định huyết áp.

– Nếu sau khi nghỉ ngơi 15-30 phút mà bệnh nhân vẫn không có dấu hiệu hạ huyết áp, các triệu chứng khó chịu không thuyên giảm thì nên nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời.

Tư vấn chuyên môn:
BS. Nguyễn Minh Tiến
Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc
Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. HCM
Lê Nguyễn

Posted in: Bệnh