Sơ cấp cứu đúng cách khi bị bỏng

Bỏng là tai nạn thường xảy ra trong cuộc sống hằng ngày. Nếu cấp cứu không đúng, không kịp, sẽ để lại sẹo xấu cũng như tính mạng của người gặp nạn có thể bị đe dọa.

Có nhiều nguyên nhân gây bỏng: bất cẩn trong khi nấu nướng, sử dụng sai hoặc nhầm hóa chất, “dính” pô xe đang còn nóng, gặp tai nạn cháy nhà, sử dụng thiết bị có tia cực tím mạnh, thiết bị bị rò rỉ điện… Dù là nguyên nhân gì, bỏng cũng là một “tai họa” đối với con người bởi những di chứng để lại sau đó.

Vì vậy, khi bị bỏng, nạn nhân cần được giúp đỡ kịp thời để hạn chế tổn thương và đề phòng biến chứng có thể xảy ra.

   

Bỏng nặng do nhiệt:

Độ sâu, diện tích và hoàn cảnh bên ngoài có thể giúp ta xác định mức độ thương tổn. Công việc đầu tiên của người sơ cứu là làm nguội vết thương. Chỉ khi nào làm xong việc này, người cấp cứu mới nghĩ đến việc hô hấp nhân tạo cho nạn nhân.

Cách sơ cấp cứu:
– Đặt nạn nhân nằm, vết bỏng hướng lên trên. Dội nước lạnh sạch lên vết thương, liên tục trong thời gian chở đi cấp cứu.
– Kiểm tra đường hô hấp, nhịp thở, mạch đập. Chuẩn bị hô hấp nhân tạo nếu cần thiết.
– Cẩn thận tháo hết đồ trang sức trên người bệnh nhân nếu được.
– Bất cứ vết thương nào dù nặng hay nhẹ cũng cần phải băng lại để tránh nhiễm trùng (tuy nhiên, bỏng ở mặt không cần băng).
– Băng gạc phải là loại không có lông tơ. Chỉ dùng nước mát để giảm đau.

Chú ý:
– Không được làm bệnh nhân quá lạnh vì cơ thể bị hạ nhiệt sẽ rất nguy hiểm.
– Không được lấy bất cứ vật gì dí vào vết bỏng.
– Không được sờ, đụng vào chỗ đang bị thương.
– Không được làm rách, vỡ nốt phồng rộp. Không được thoa bất cứ thứ gì lên vết bỏng.

Bỏng nhẹ do nhiệt:
Nguyên nhân bỏng có thể do bất cẩn trong việc nội trợ. Nếu được sơ cứu kịp thời, đúng phương pháp, vết bỏng sẽ mau lành.

Cách sơ cấp cứu:
– Dội nước lạnh lên chỗ bị bỏng liên tục trong khoảng 10-15 phút. Nếu không có nước có thể dùng các chất lỏng vô hại khác như sữa, nước giải khát trong lon.
– Nhẹ nhàng tháo hết vật trang sức và quần áo bó sát. Không được làm rách chỗ bị bỏng.
– Băng bó vết bỏng, nhớ không được dùng băng thun, băng dán, băng vải có bông tơ để băng lên chỗ bị bỏng.
– Khi da bị phồng rộp do dịch mô (huyết thanh) tiết ra dưới chỗ da bị bỏng, không nên tìm cách làm vỡ mọng nước, vì như vậy có thể gây nhiễm trùng.
– Da bị phồng thường không cần điều trị gì cả, sau một thời gian, huyết thanh tự hấp thu trở lại.
– Nếu chỗ phồng bị rách hay có thêm các chấn thương khác, bạn phải băng bó vết thương lại.

Bỏng do hóa chất:
Một số hóa chất có thể gây thương tổn cho da, thậm chí cả các cơ quan nội tạng. Trường hợp nặng, nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong. Các dấu hiệu bỏng hóa chất không giống như bỏng nhiệt vì nó tiến triển nặng hơn. Nguyên tắc sơ cứu hai loại bỏng như nhau.

Các dấu hiệu nhận biết:
– Đau nhức nhiều.
– Thời gian sau, da biến màu, phồng và tróc da.

Cách sơ cấp cứu:
– Nhận diện và khử hóa chất ngay, không chần chừ mà phải cứu chữa lập tức.
– Dội nước liên tục lên vùng tổn thương. Cụ thể: 5 phút đối với hóa chất kích thích, gây ngứa trung bình. 20 phút đối với hóa chất kích thích, gây ngứa trầm trọng. 20 phút đối với chất không ăn mòn sâu. 60 phút đối với chất ăn mòn, ngấm sâu.
– Tuyệt đối không dùng bất cứ một chất có tính đối kháng để khử hóa chất đó, ví dụ a-xít>< kiềm. Lý do: nó chỉ làm vết thương trầm trọng thêm mà thôi.
– Cởi bớt quần áo bó sát nạn nhân.
– Đưa nạn nhân đi cấp cứu ngay.
– Khai báo chi tiết, diễn biến của nạn nhân cho nhân viên y tế, bác sĩ biết hóa chất gây bỏng, nếu bạn biết rõ về nó hoặc có thể đem hóa chất đó theo.

Hóa chất vào mắt
Hóa chất rơi vào mắt có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được chữa trị kịp thời. Nó có thể làm hỏng giác mạc để lại sẹo gây giảm thị lực.

Triệu chứng:
– Nạn nhân đau nhức dữ dội ở mắt và mắt bị tổn thương không thể mở ra được.
– Sưng đỏ bên trong và quanh mắt.
– Nước mắt tiết ra.

Cách sơ cấp cứu:
– Rửa mắt bị thương dưới vòi nước sạch khoảng 10 phút, nghiêng qua một bên. Cẩn thận không để nước rửa rơi vào mắt lành.
– Nếu khi nhắm mắt lại bị đau thì nhẹ nhàng kéo mí mắt ra. Băng mắt bằng băng vô trùng với gạc sạch. Sau đó, đưa nạn nhân đến bệnh viện ngay.

Những sai lầm khi xử lý vết BỎNG
– Bôi kem đánh răng lên vết bỏng
– Xát muối
– Dội nước mắm
– Bôi mỡ trăn
– Nhai đắp một số loại lá như: lá khoai lang, lá ổi…
– Bôi mẻ
– Và một số thứ gây hại khác.

Chuyên viên: Trần Văn Nghĩa
Tạp chí Sức Khỏe

Posted in: Bệnh