Sms cho người muốn tránh sỏi thận

Nếu số người bị sỏi thận ở Đức không dưới 1% dân số, thì tỷ lệ mắc bệnh ở xứ mình, nơi cư dân vừa đổ mồ hôi nhiều vì khí hậu nhiệt đới, vừa có thói quen uống nước quá ít, chắc chắn không thể thấp hơn. Nói cách khác, cả triệu người Việt, trong số đó 2/3 là nam giới, đang trữ viên sỏi đâu đó trong bể thận, trong ống dẫn tiểu hay bàng quang! Chuyện nhỏ hay chuyện nhỏ dễ xé ra to? Kim Ánh (KA) mượn trang báo số này để cùng Bác sĩ Lương Lễ Hoàng (LLH) “đi tìm ẩn số”.

KA: Tuy số bệnh nhân đông đến thế nhưng số người hiểu rõ về sỏi thận lại không bao nhiêu. Nước chảy đá mòn, xin bác sĩ cho biết sỏi sở dĩ đóng trong đường tiết niệu có phải vì thiếu nước vào ra?

BS LLH: Không kể đến chuyện tế bào cần uống hơn cần ăn. Đúng là uống nhiều nước, nói đúng hơn, uống đủ nước, ít khi bị sỏi thận, vì lượng nước uống vào làm loãng nước tiểu, nhờ đó khoáng chất và tạp chất trong nước tiểu không có cơ hội kết tủa. Nhưng, cũng như thuốc, nếu muốn nước lã khuấy không nên hồ mà nên thuốc phải uống đúng cách, tối thiểu theo vài tiêu chí dưới đây:

  • Đừng sợ uống nhiều nước hại thận. Ngoại trừ trường hợp có chỉ định giảm nước uống của thầy thuốc, cơ thể cần tối thiểu 2,5l nước chia đều trong ngày để tế bào, đơn vị của sự sống, lúc nào cũng còn nước còn tát.
  • Đừng đợi khát mới uống, vì khi đó tế bào đã trúng thương do rối loạn chất điện giải.
  • Đừng uống l lần lượng lớn nhưng mỗi ngày chỉ 1, 2 lần, để tế bào ngộp nước ngay lúc uống rồi sau đó khát nước cầm canh.
  • Đừng nhịn uống buổi tối vì sợ tiểu đêm. Vô ích vì bàng quang co thắt rối loạn trong đêm nếu tế bào thiếu nước khiến vừa ra khỏi “toa-lết” lại trở vào. Người có thân nhân đã bị sỏi thận, nên uống ly nước nhỏ trước khi đi ngủ, tuy có thể phải một lần tiểu đêm, nhưng mặt khác tránh được tình trạng cô đặc nước tiểu trong đêm.

 

KA: Có bản tin cho cà phê là nguyên nhân gây sỏi thận. Chuyện này đúng sai thế nào?

BS LLH: Không sai, vì lượng caffein trong máu nếu quá cao sẽ kéo theo chất vôi qua đường tiểu. Càng nhiều chất vôi trong đường tiết niệu, nguy cơ sinh sỏi càng cao. Do đó, không nên uống cà-phê nhiều lần trong ngày, nhất là sau 18 giờ.

KA: Fan của bia bọt thường đồng ca nghe ngọt xớt là ly bia buổi tối có thể ngừa sỏi thận? Có thật vậy không hay chỉ kiếm cớ để hò dô ta?

BS LLH: Không sai về mặt cơ chế dược lý, vì men bia ngăn chặn chất vôi tích tụ trong đường tiết niệu. Theo các nhà nghiên cứu ở Helsinki uống nửa lít bia mỗi ngày có thể giảm đến 40% xác suất sỏi thận. Ở Ba Lan và Tiệp Khắc thầy thuốc vẫn còn thói quen ghi bia trên toa thuốc của người bị sỏi thận. Nhưng với tập quán “không xỉn không về” ở xứ mình, xin lưu ý, phải đúng một ly bia 250ml cho mỗi bữa ăn mà thôi. Một ly khác xa một két và mỗi ngày thông thường chỉ có hai bữa ăn trưa chiều không kể điểm tâm.

 

KA: Theo nhiều thầy thuốc, béo phì giúp sỏi mau thành hình trong đường tiết niệu. Chuyện này hư thực ra sao?

BS LLH: Hoàn toàn chính xác. Lượng acid uric, nguyên nhân của bệnh gout (thống phong), hầu như tăng cao ở người béo phì cho dù nạn nhân không nhậu nhẹt. Không chỉ trong khớp, acid uric có khuynh hướng đọng lại trong đường tiết niệu thành điểm tựa cho khoáng chất và tạp chất bám vào thành viên sỏi nếu bệnh nhân uống nước không đủ.

 

KA: Có bản tin cảnh báo người ăn nhiều pho – mát dễ lãnh sỏi thận? Báo động đúng hay chỉ hù dọa?

BS LLH: Đúng nhưng chưa chính xác. Không chỉ với pho – mát mà với tất cả món ăn chứa nhiều chất vôi. Nếu ăn kèm với các dạng thực phẩm có nhiều oxalate như rau dền, cà chua, bạc hà,… thì nguy cơ càng cao vì dễ sinh sỏi thận có cấu trúc oxalate vôi. Tương tự như thế, người ăn quá nhiều thịt cũng dễ bị sỏi thận vì tăng acid uric là điều kiện thuận lợi cho sỏi loại urate. Với món ăn nào cũng thế, lạm phát làm chi để thầy thuốc xoa tay mỉm cười?!

 

KA: Không nên uống sữa nếu bị sỏi thận? Trúng trật thế nào?

BS LLH: Không đúng, nếu giữ quân bình trong chế độ dinh dưỡng để chất vôi đừng chiếm ưu thế thì sữa không thể sinh sỏi thận. Tất nhiên nếu vì nghe lời quảng cáo chống loãng xương nên dùng sữa thay cơm thì sỏi thận không mời cũng đến. Cứ uống sữa, nhưng đồng thời chú trọng các dạng thực phẩm chứa nhiều magnesium, khoáng chất có tác dụng tương tranh đối kháng với vôi, như gạo lức, chuối, đậu xanh, khoai lang,…

 

KA: Đổ mồ hôi quá nhiều dễ bị sỏi thận?

BS LLH: Đúng, nếu không uống nước kịp thời để bù trừ lượng dịch thể và chất điện giải đã thất thoát qua mồ hôi. Chuyện này nên lưu ý cho vận động viên, người lao động nặng, người hay xông hơi (sauna) mà quên uống nước.

 

KA: Thay vì phải nhờ thầy thuốc động dao động kéo, liệu có thể tống sỏi qua đường tiết niệu?

BS LLH: Đúng, dù đó không hẳn là giải pháp hoàn toàn lý tưởng, sỏi nhỏ, sỏi dạng cát có thể theo dòng nước tiểu ra ngoài nếu uống nước nhiều hay dùng thuốc lợi tiểu. Nhưng sỏi trên đường cuốn theo dòng nước có thể vướng lại đâu đó gây xuất huyết trên đường tiết niệu hay gây cơn đau tá hỏa. Do đó, nên để thầy thuốc chuyên khoa can thiệp hơn là tự điều trị theo phương thuốc “gia truyền” được quảng cáo ngọt xớt nào đó. Với kỹ thuật ngoại khoa hiện đại như mổ nội soi, hay tán sỏi bằng tia laser,… sỏi thận không còn là vấn đề phức tạp như nhiều năm trước đây. Quan trọng hơn nhiều là rà lại nếp sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng sao cho đừng có sỏi, thay vì đợi sỏi để … mổ!

 

KA: Cảm ơn bác sĩ. Hẹn gặp lại trên trang báo này vào tháng tới.

 

BS Lương Lễ Hoàng

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

Posted in: Bạn cần biết