(Sức khỏe – khoe24h) Sa dạ dày được chẩn đoán khi vị trí của dạ dày nằm thấp hơn bình thường. Bệnh sa dạ dày tuy không quá phổ biến nhưng lại rất nguy hiểm nếu không được phát hiện, điều trị sớm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sa dạ dày như ăn uống không hợp lý, sinh hoạt, vận động không hợp lý. Tùy từng nguyên nhân, sẽ có cách xử lý khác nhau.
» SA DẠ DÀY: CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG CƠN ĐAU BỤNG CO THẮT
Dạ dày bị sa xuống khỏi vị trí bình thường sẽ gây nên những cơn đau bụng, thường là những cơn co thắt liên tục ở vùng thượng vị. Tình trạng này khiến người bệnh khó chịu, chán ăn, bỏ ăn nên dẫn đến thể trạng gầy yếu, sút cân.
Khi rơi vào tình trạng đó, không ít người tự đánh giá mình bị đau dạ dày hay rối loạn tiêu hóa nên tùy tiện mua thuốc về điều trị, khiến bệnh không thuyên giảm mà có nguy cơ nặng hơn.
|
Sa dạ dày được chẩn đoán khi vị trí của dạ dày nằm thấp hơn bình thường
|
Bên cạnh những cơn đau co thắt, khi bị sa dạ dày, người bệnh còn có thể có một số biểu hiện khác, như: ợ hơi, trướng bụng (sau khi ăn, cảm giác trướng bụng càng khó chịu hơn), buồn nôn, nôn, đôi khi kèm theo táo bón hoặc tiêu chảy.
Nếu người bệnh có biểu hiện xuất huyết dạ dày, đi cầu ra máu, nôn ra máu… thì tình trạng sa dạ dày đã ở mức độ nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
»ĐỐI TƯỢNG NÀO DỄ MẮC BỆNH SA DẠ DÀY
Những đối tượng có nguy cơ cao bị sa dạ dày bao gồm:
– Những người thường xuyên vận động mạnh ngay sau khi ăn: Bình thường, sau khi ăn, cần nghỉ ngơi từ 30 phút đến 1 giờ để máu dồn về dạ dày, giúp thức ăn được tiêu hóa tốt hơn. Nhưng không ít người lại vận động mạnh ngay sau khi ăn. Lúc này, dạ dày chưa kịp tiêu hóa hết thức ăn; lượng thức ăn còn dư sẽ bị đẩy xuống dưới, làm dạ dày căng ra. Tình trạng này kéo dài sẽ tạo sức ép cho dạ dày khiến nó bị ép xuống; lâu dần, sa khỏi vị trí ban đầu.
– Người thường xuyên bị suy nhược cơ thể do không được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, người quá gầy cũng là những đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh sa dạ dày. Đó là bởi, những đối tượng này có các cơ bụng lỏng lẻo, cơ thể không tích tụ được mỡ ở vách bụng, áp suất ở bụng giảm khiến dạ dày dễ bị đẩy xuống dưới. Bên cạnh đó, những người giảm cân quá nhanh bằng cách nhịn ăn hay luyện tập với cường độ nặng nhưng bổ sung dinh dưỡng sau luyện tập không đủ, phụ nữ sinh nhiều… cũng là những đối tượng dễ bị sa dạ dày.
– Người có một số bệnh lý nền đã mắc phải trước đó như viêm đa cơ, đau nửa đầu, viêm đường mật, viêm tụy, viêm dạ dày… cũng có nguy cơ sa dạ dày cao hơn.
– Sa dạ dày còn có thể do siêu vi trùng gây ra. Vì thế, những người mang siêu vi trùng gây sa dạ dày cũng là đối tượng dễ mắc bệnh. Bên cạnh các biểu hiện nhận biết, người bệnh còn có một số triệu chứng khác đi kèm như sốt, buồn nôn, tiêu chảy, đau cơ…
– Người bị các bệnh mạn tính và dùng thuốc điều trị các bệnh này kéo dài dễ bị sa dạ dày.
|
Khi bị sa dạ dày, dạ dày sa dài đến mào chậu, gây khó khăn cho việc co bóp và tiêu hóa thức ăn |
»KHÔNG TỰ ĐIỀU TRỊ BẰNG THUỐC RỐI LOẠN TIÊU HÓA
Theo các chuyên gia y tế, để phòng bệnh sa dạ dày, việc đầu tiên cần làm là xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ. Theo đó, nên dành thời gian nghỉ ngơi sau khi ăn, không vận động hay mang vác những đồ vật quá nặng. Nhiều người do sợ mập nên có thói quen đi bộ sau khi ăn. Tuy nhiên, nên bỏ thói quen này vì nó hoàn toàn không tốt cho dạ dày, có nguy cơ dẫn đến sa dạ dày.
Với chế độ ăn uống, nên tránh ăn các loại thức ăn quá cay, quá lạnh, cứng, khó tiêu, thực phẩm có nhiều chất xơ, thức uống có gas, rượu, bia… Thay vào đó, nên ăn những thức ăn tốt cho dạ dày (mềm, lỏng, nấu chín nhừ, luộc, hấp giúp dễ tiêu hóa). Ngoài ra, cần hạn chế ăn dầu mỡ. Hạn chế ăn dầu mỡ không những tốt cho dạ dày mà còn giúp phòng ngừa nhiều bệnh liên quan đến chất béo, cholesterol.
Vì sa dạ dày có những triệu chứng giống với các triệu chứng ở bệnh về đường tiêu hóa nên nhiều bệnh nhân tự ý chẩn bệnh và mua thuốc ở các hiệu thuốc Tây về điều trị. Họ không đi thăm khám vì ngại đông hoặc sợ tốn kém. Chính tâm lý này đã khiến không ít người bệnh rơi vào tình trạng sa dạ dày ở giai đoạn nặng mới đi khám. Lúc này, khiến việc điều trị sẽ kéo dài, tốn kém hơn.
Sa dạ dày thường được điều trị bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, luyện tập, vận động phù hợp, kết hợp một số bài thuốc Đông y. Do đó, khi có các biểu hiện nghi ngờ bị sa dạ dày, người bệnh nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán và có phương pháp điều trị thích hợp tùy theo mức độ.
Hằng ngày, nên luyện tập thể thao, vận động từ 30 phút đến 1 giờ, nhất là các bài tập liên quan đến cơ bụng để vùng bụng săn chắc, các cơ bụng chắc hơn. Không nên ngồi một chỗ quá lâu, lười vận động.
Tư vấn chuyên môn: BS. CK2. Trương Thế Hiệp
Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. HCM
Lê Nguyễn