Trong những lúc “trà dư tửu hậu”, mọi người thường truyền tai nhau về tác dụng của chim bìm bịp, hay nói đúng hơn là hủ rượu chim bìm bịp. Nhất là với cánh nam giới. Thực hư như thế nào?
Bìm bịp là tên chung để chỉ khoảng 30 loài chim. Ở Việt Nam, bìm bịp có hai loài: bìm bịp lớn và bìm bịp nhỏ.
Chim bìm bịp lớn
Bìm bịp lớn còn có các tên gọi khác là: hạt xí nha quyên, đại mao kê, ô nha trĩ, mao kê, hoàng phong, hồng mao kê,… Bàn chân gồm bốn ngón, sắp xếp đặc trưng cho một số loài chim chuyên ăn rắn, phía trước và sau đối xứng nhau, một cặp ngắn, một cặp dài. Mùa sinh sản của bìm bịp kéo dài 5 tháng. Chúng thường dựa vào thủy triều để kiếm ăn, và thường đi từng cặp. Do vậy, mới có câu ca dao:
Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi!
Buôn bán không lời chèo chống mải mê.
Chim bìm bịp nhỏ
Kích thước nhỏ hơn bìm bịp lớn. Chiều dài thân khoảng 35 cm. Bộ lông có nhiều vằn, cánh màu hạt dẻ, lưng màu nâu (lưng dưới của bìm bịp lớn có màu đen). Bìm bịp rất có ích cho sản xuất nông lâm nghiệp, cho thực phẩm và nguyên liệu dược. Hiện nay số lượng của hai loài này còn ít. Tổ chức Bảo tồn Động vật Hoang dã Thế giới IUCN 2012 đưa bìm bịp vào danh sách các loài động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (LC).
Thành phần hóa học
Theo đông y, bìm bịp có vị ngọt, tính ấm, không độc. Có tác dụng tư âm bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh, thông nhũ, khư phong trừ thấp, giảm đau, tiêu ứ. Thường được dùng làm thuốc bổ huyết, chữa suy nhược cơ thể do huyết hư, ăn ngủ kém, phong tê thấp, chân tay nhức mỏi, tê đau, mệt yếu, chấn thương do bị đòn ngã, ứ huyết bầm tím, phụ nữ kinh nguyệt không điều, các trường hợp thận dương suy yếu gây chứng liệt dương, di tinh, tiết tinh sớm, giúp cho xương chóng liền trong trường hợp gãy xương.
Kiêng kỵ: Theo sách Quảng Tây trung dược chí thì những người có tình trạng dương thịnh và huyết táo, thì không nên sử dụng bìm bịp.
Sử dụng: Dùng bìm bịp ngâm rượu uống hàng ngày, hoặc nấu cháo ăn tuần 2 lần.
Cách ngâm rượu bìm bịp: Bìm bịp đem về làm thịt (làm sạch lông và bỏ ruột), lấy rượu gừng (30g gừng tươi, rửa sạch, giã nát, ngâm trong 100ml rượu 35- 40 độ) để lau sạch máu và các vết bẩn. Luộc chín, nướng hoặc sấy khô rồi đem ngâm rượu. Ngâm 2 con bìm bịp (một con lớn và một con nhỏ) đã sơ chế với 1 lít rượu 45-60 độ trong 2-3 tháng, càng lâu càng tốt. Ngày uống hai lần, mỗi lần 30 ml. Rượu ngâm chim bìm bịp còn có tác dụng hỗ trợ làm liền xương trong điều trị gãy xương kín. Có thể dùng rượu ngâm 3 lần. Sau đó, gộp dịch chiết rượu của 3 lần lại.
• Lần đầu, dùng rượu có nồng độ 60 độ, đổ ngập, ngâm trong 3 tháng.
• Lần 2, dùng rượu 35-40 độ, ngâm trong 2 tháng.
• Lần 3, dùng rượu 35-40 độ, ngâm trong 1 tháng.
Rượu bìm bịp có màu nâu thẫm, mùi thơm, vị đậm, hơi ngọt. Ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần 30-50ml, uống trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ.
Kiêng kỵ: Không dùng rượu bìm bịp cho phụ nữ đang có thai.
Rượu bìm bịp có công dụng tốt, tuy nhiên, để có nguyên liệu sử dụng một cách bền vững, nên có kế hoạch gây giống và nuôi dưỡng phát triển bìm bịp, giống như đã nuôi dưỡng các loại động vật khác như gà rừng, heo rừng, nhím, rắn,…
Người ta còn ngâm bìm bịp với cá
ngựa, hoặc bìm bịp với cá ngựa và tắc kè, hoặc bìm bịp với 5 loài rắn (1 con hổ mang, 1 con cạp nong, 1 con cạp nia, 1 con rắn ráo, 1 con hổ trâu hoặc 1 con dọc dưa). Khi ngâm rượu bìm bịp với cá ngựa và tắc kè, mỗi loại cũng dùng một đôi, một con đực, một con cái. Ngâm trong 3 tháng, uống mỗi ngày hai lần, mỗi lần 25-30 ml.
Cháo thịt chim bìm bịp tốt cho người già, phụ nữ sau sinh, người mới ốm dậy, suy nhược cơ thể.
Cũng có thể ngâm rượu chim bìm bịp đã sơ chế, với một số thảo dược như sâm cau, đinh lăng, hà đảng sâm, đương quy, thục địa, trần bì thủ ô đỏ, ba kích, nhục thung dung, huyết giác, đại hồi, thiên niên kiện,… Ngâm với rượu trắng tốt (trên 45 độ), nút kín miệng bình, ngâm 3 tháng là dùng được. Ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần 30-50ml, uống trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ.
Lương y Đinh Công Bảy – Tổng thư ký Hiệp hội Dược liệu TP. HCM