Rong biển NGON, BỔ, RẺ

Không phải ngẫu nhiên mà rong biển xuất hiện như món ăn không thể thiếu của người Nhật. Chúng còn xuất hiện trong nhiều vị thuốc của người Trung Quốc, cũng như là thực phẩm phổ biến của một số người Việt hiện nay.

Với nhiều người, rong biển không xuất hiện thường xuyên lắm trong món ăn hằng ngày. Nhưng có lẽ bạn nên thay đổi quan điểm khi biết giá trị dinh dưỡng của nó. Rong biển là món ăn giúp cân bằng cơ thể, là loại thực phẩm số một đối với những người ăn chay muốn bổ sung lượng lớn chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Tại Việt Nam, nguồn cung cấp dinh dưỡng tuyệt vời này lại có giá rất phải chăng so với giá trị của chúng tại thị trường nước ngoài.

các loại rong biển, lợi ích của rong biển, công dụng của rong biển, tác dụng của rong biển, nơi mua rong biển

RONG BIỂN NORI:
Nori theo tiếng Nhật dành để gọi cho hầu hết các loại tảo ăn được. Sản phẩm này đến tay người tiêu dùng Việt Nam chủ yếu dưới dạng chế biến khô, thường gặp nhất là loại miếng mỏng dùng để gói sushi và gimbap.

Rong biển nori cung cấp lượng vitamin nhiều gấp đôi nguồn dinh dưỡng từ cam. Bổ sung lượng beta-carotene ngang bằng với cà-rốt. Chúng cũng rất giàu can-xi và sở hữu nguồn i-ốt tự nhiên tuyệt vời cho hoạt động của tuyến giáp.

RONG BIỂN KUMBO:
Thường được dùng để nấu canh, đây là một loại tảo nâu có lá rất dài, thường được sấy khô, đóng gói. Rong biển kumbo chứa nhiều phốt- pho, can-xi, ma-giê. Là nguồn cung cấp vitamin A, B1, B2, C, D, E, chất xơ và các a-xít amin thiết yếu khác cho cơ thể. Loại rong này rất tốt cho người huyết áp cao, đồng thời giúp bạn tránh lượng đường trong máu tăng đột biến, có tác dụng giảm hiện tượng huyết khối gây nghẽn mạch máu và sự phát triển của khối u. Chúng còn được sử dụng như một món ăn dành cho người xơ gan.

RONG MƠ:
Thuộc họ tảo nâu, là một thành phần không thể thiếu để nấu chè bà ba, chè rong biển, sâm bổ lượng. Loại rau này có nhiều ở các vùng biển phía Bắc, Bắc Trung bộ.  Chúng chứa nhiều ka-li và i-ốt tự nhiên, có tác dụng tốt cho thận, dạ dày, gan, ngăn ngừa bướu cổ, giảm sự phát triển của khối u và phù thũng…

Ngoài việc dùng làm món ăn, rong mơ còn có nhiều tác dụng trong công nghệ dược phẩm, điều chế thuốc cầm máu, chỉ y tế… Loại rong này là một trong những nguyên liệu quan trọng để chế biến thuốc điều trị bướu cổ Istamin. Có rất nhiều loài rong mơ được tìm thấy ở nước ta như: rong mơ mảnh, rong mơ sừng dài, rong mơ tro, rong mơ chổi, rong mơ hẹp…

các loại rong biển, lợi ích của rong biển, công dụng của rong biển, tác dụng của rong biển, nơi mua rong biển

RONG NÂU:
Thường được dùng để chế biến súp miso trong các nhà hàng Nhật. Rong nâu hiện được dùng để chiết xuất fucoidan, một chất có khả năng thúc đẩy các tế bào ung thư tự chết theo chương trình mà không gây ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh của cơ thể. Loại rong này còn giúp ngăn chặn sự phân chia tế bào nguy hiểm, chứa mầm bệnh.

Những loại rong nâu ở Việt Nam thường mang đặc tính chống lão hóa, tăng khả năng đề kháng cho cơ thể, giảm cao huyết áp, chống viêm, kháng khuẩn, virus nói chung. Các loài tảo nâu cũng hỗ trợ cho quá trình giảm cân, chống béo phì mạnh hơn so với tảo xanh, tảo đỏ. Chúng chứa protein UCP1 giúp đốt cháy lượng mỡ tích tụ.

RONG NHO:
Loại rau xanh của biển này rất được ưa chuộng và nổi tiếng nhờ tác dụng làm đẹp da. Như các loại tảo biển khác, rong nho rất giàu vitamin, khoáng chất nhưng không chứa nhiều năng lượng. Chúng là nguồn cung cấp sắt, đa sinh tố, can-xi dồi dào.

Ngoài ra, loại rong này còn là món ăn bổ dưỡng và có tác dụng rất tốt trong việc chống lão hóa, điều hòa huyết áp và ổn định đường huyết. Rong nho được trồng nhiều ở các vùng biển Khánh Hòa, Bình Thuận, dùng để chế biến rất nhiều món salad ngon miệng.

RONG SỤN:
Xuất hiện nhiều trong các món gỏi rong biển, chè rong sụn táo đỏ. Loại rong biển này có khả năng nhũ hóa cao, chứa nhiều nguyên tố vi lượng quan trọng như ma-giê, sắt, man-gan, i-ốt… và có khả năng giải độc.

Rong sụn có chứa carrageenan giúp tăng liên kết giữa các phân tử protein trong thực vật cũng như động vật. Nhờ vậy, chúng có thể làm cho các loại giò chả giòn và dai hơn mà không cần tới các chất độc hại như hàn the. Carrageenan trong rong sụn còn rất hữu ích với những người có bệnh lý liên quan đến loét dạ dày. Chất này có tác dụng ngăn a-xít trong dịch vị tiếp xúc với vết loét của dạ dày.

Không phải ai cũng ngay lập tức thích mùi vị của rong biển, hầu hết chúng có mùi tanh nhẹ đặc trưng, nhiều loại còn có vị hơi nhân nhẫn. Thế nhưng rong biển bổ sung rất nhiều vitamin và khoáng chất, cùng với các dược tính mà không dễ tìm thấy ở thực phẩm khác.

• Bạn có thể tìm mua các loại rong biển khô và các chế phẩm khác được làm từ rong biển tại các siêu thị. Những thực phẩm chức năng có chiết xuất từ rong biển  cũng xuất hiện  nhiều,  nhưng tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ dinh dưỡng trước khi sử dụng.

• Một số loại rong biển tươi có giá trị dinh  dưỡng  cao,  thường  được dùng  để  chế  biến  món  ăn trong các quán Nhật. Bạn có thể tìm mua rong nho tại Công ty  Thạch Thiên, lầu 2, 48 Út Tịch, P. 4,Q. Tân Bình, TP.HCM.

 

.Trần Nhung
Theo Tạp chí Sức Khỏe

Posted in: Kiến thức dinh dưỡng