(Sức Khỏe- khoe24h) Thối tai (thúi tai) là từ dùng khá lâu trước đây trong dân gian để ám chỉ một dấu hiệu tai có mùi khó ngửi, mùi hôi khi cha mẹ ôm con hôn hay hai người đứng gần nhau. Trong y khoa gọi thối tai là viêm tai mạn tính.
Trong dân gian thường gọi căn bệnh tai chảy nước hay mủ thậm chí mủ chưa hôi cũng gọi là Bệnh thối tai. Khi y học phát triển, dấu hiệu này được giải thích đó là do bệnh tai gây ra. Trong đó, chủ yếu là bệnh chảy mủ tai, tai bị thủng màng nhĩ lâu ngày có mùi khăm khắm như vậy – ngày nay gọi là viêm tai xương chũm mạn tính hay gọi chung là viêm tai giữa mạn. Đây là bệnh lý nhiễm trùng tai rất nguy hiểm, nó có thể gây ra nhiều biến chứng và di chứng. Bệnh còn nhẹ gây tai nghễnh ngãng, bệnh nặng hơn có thể gây điếc hoặc nhiều biến chứng nội sọ để lại nhiều di chứng và có thể tử vong.
Những dấu hiệu có thể nhận biết bị thối tai
Nếu chỉ nói riêng 2 triệu chứng chảy tai và thối tai thì trong chuyên khoa Tai Mũi Họng có 2 bệnh lý thường gặp:
* Tai ngoài: là bệnh lý nhẹ do viêm nhiễm, mụn nhọt ống tai ngoài hoặc do nút rái tai nhiều và để lâu ngày hay còn gọi là nút biểu bì.
– Triệu chứng: Ngứa tai, thỉnh thoảng nghe không rõ, thường tai khô, nếu để nước vào tai, rái tai sẽ ngấm nước, nhiễm trùng và chảy ra cửa tai nhất là khi nằm nghiêng (nước vàng đặc, lợn cợn chất bả vàng nâu sậm), mùi hăng hắc khó chịu.
– Một số trường hợp nổi mụn nhọt hay viêm ống tai cấp tính sẽ gây đau, mụn nhọt bể ra sẽ chảy tai mủ vàng đặc, mùi không hôi nhiều.
– Nút biểu bì là một bệnh lý tai ngoài gây mùi hôi thối nhiều nhất trong bệnh lý viêm tai ngoài. Nút rái tai để lâu ngày gây chèn ép, kích thích da ống tai sản sinh ra nhiều lớp chất bã, kết tụ nhiều tháng nhiều năm có trường hợp 10-20 năm tạo thành hốc rộng trong ống tai và chứa đầy chất rái tai rất hôi, người ngồi gần không chịu nổi.
– Các bệnh lý khác như nấm tai, chàm tai, zona tai cũng gây chảy tai nhưng không có mùi hôi thối.
* Viêm tai giữa : có 4 hình thái bệnh
– Giai đoạn đầu là viêm tai giữa cấp thường kéo dài khoảng 03 tuần. Có các triệu chứng đau tai, chảy tai, nhức đầu, sốt, bức rức, chán ăn, ói mửa và tiêu chảy.
– Viêm tai giữatiết dịch: xảy ra sau giai đoạn VTG cấp. Có triệu chứng nghe kém, ù tai, chóng mặt, đau tai.
– Viêm tai giữa mủ mạn khi triệu chứng kéo dài từ 6-12 tuần gây thủng màng nhĩ. Viêm tai giữa mạn có dịch chảy tai giai đoạn đầu không hôi, nước trong hoặc vàng chanh. Qua giai đoạn muộn viêm xương sẽ có màu vàng đục, mùi thối.
– Viêm tai giữa dính, khi màng nhĩ mỏng bị kéo vào hòm nhĩ và bị dính vào hòm nhĩ.
Lưu ý những dấu hiệu sớm cần nhận biết như:
+ Sốt và đau trong tai một bên.
+ Trẻ nhỏ chưa biết nói thường sốt, tiêu chảy và dụi tay lên vùng tai vành tai nhiều lần.
+ Ướt tai hay chảy tai.
+ Tai lùng bùng, khó nghe, nghe kém hoặc điếc đột ngột.
+ Chóng mặt, buồn nôn hay nôn ói.
Một số bệnh lý về tai khác có thể gây thối tai không kém phần nguy hiểm đó là ung thư tai xương chũm, lao tai xương chũm.
Cả hai loại viêm tai giữa cấp và mạn đều có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng bao gồm những biến chứng ngoài sọ não và biến chứng nội sọ. Trong đó, biến chứng ap-xe não và viêm màng não là 2 biến chứng thường gặp khi bị viêm tai giữa cấp – mạn.
Đặc biệt, người dân cần cảnh giác dấu hiệu dịch tai đột nhiên chảy nhiều hơn, hôi thối, sốt cao, nhức đầu dữ dội, ói mửa, co giật và hôn mê. Đây là dấu hiệu tái viêm cảnh báo biến chứng nội sọ.
Trẻ em thường là đối tượng bị viêm hay thối tai
Một số bệnh thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ nhỏ như VA, viêm họng-amidan, viêm mũi – xoang, cảm cúm do nhiễm siêu vi, viêm đường hô hấp… nếu không điều trị đúng cách và kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng của bệnh lý về tai, trong đó có viêm tai giữa cấp tính.
Viêm tai giữa cấp tính ở trẻ em có thể do lây lan qua 2 đường:
+ Đường lân cận từ vòi nhĩ Eustach: do nhiễm trùng từ mũi, VA, họng amydan vi trùng xâm nhập ngược dòng vào tai giữa gây viêm tai giữa cấp.
+ Đường máu: vi trùng xâm nhập vào máu và đi đến tai giữa gây viêm tai giữa cấp. Bệnh lý này khá nguy hiễm hơn vì có thể gây biến chứng đồng thời viêm não – màng não biến chứng nội sọ và tử vong.
Trong một vài trường hợp sang chấn do móc tai, bơi hồ bơi ô nhiễm, bơi trong mùa dịch viêm nhiễm hô hấp trên… đều có thể bị VTG. Tuy nhiên, trẻ đi bơi thường mắc bệnh lý viêm tai do viêm lớp da ống tai ngoài, dễ trị và có thể tự điều trị tại nhà nếu tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Cách điều trị thối tai
Ngày nay, chuyên khoa Tai mũi họng phát triển và có đầy đủ trang thiết bị y tế chuyên trị. Do đó, khi có những triệu chứng khó chịu trong tai cần đến ngay cơ sở y tế để được khám bệnh, tư vấn và điều trị kịp thời, phòng tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra do bệnh lý về tai.
Để chẩn đoán bệnh cần thực hiện một số xét nghiệm cơ bản như: nội soi tai mũi họng để thấy tổn thương màng nhĩ và xương con; chụp CT Scan tai đánh giá mức độ lan rộng và bệnh tích tai xương chũm, tìm dấu hiệu của cholesteatoma; đo thính lực đồ và các chức năng tai vòi nhĩ.
Viêm tai giữa rất dễ điều trị ngay giai đoạn ban đầu khởi phát. Việc điều trị Viêm tai giữa còn tùy thuộc từng giai đoạn của bệnh:
* Giai đoạn viêm tai giữa cấp: Chủ yếu là điều trị nội khoa tích cực như: điều trị cảm cúm, sổ mũi, xuất tiết đàm, ho…; kháng sinh, kháng viêm…; giảm đau tai, giảm sốt. Nếu có ứ dịch, mủ trong hòm nhĩ cần dẫn lưu bằng cách chích rạch và đặt ống dẫn lưu (diabolo) trách để màng nhĩ thủng tự phát rất khó lành và dễ di chứng.
* Giai đoạn viêm tai giữa thủng nhĩ: một số trường hợp VTG thủng nhĩ có thể tự lành nếu lỗ thủng nhỏ, tai khô trong khoảng hơn 1 tháng. Tuy nhiên, VTG mạn thủng nhĩ có thể không lành cần can thiệp, phẫu thuật vá nhĩ hay phẫu thuật mổ xương chũm.
Phòng ngừa
* Đối với trẻ nhỏ sơ sinh đến dưới 6 tuổi: Giữ ấm cho trẻ nhỏ, tránh để trẻ tiếp xúc với trẻ bị bệnh nhiễm, cảm cúm, viêm hô hấp trên, sởi, quai bị… Thường trẻ bị VTG cấp sau các đợt nhiễm cúm, sởi, siêu vi…
– Để trẻ tránh xa môi trường có khói thuốc lá hoặc bị ô nhiễm.
– Trong sữa mẹ có rất nhiều kháng thể giúp trẻ chống lại bệnh tật vì thế không nên cho trẻ cai sữa mẹ sớm, nếu không có điều kiện thì cần cho trẻ bú mẹ ít nhất là 6 tháng đầu.
– Đặt trẻ ngồi cao khi bú bình, không cho ngậm bình sữa khi ngủ để tránh sữa chảy vào tai.
– Với trẻ em, khi trẻ bú xong, ăn uống xong không nên nằm liền vì có thể gây nôn ói và trào ngược sữa, dịch dạ dày lên vùng mũi họng, tai gây viêm tai giữa và viêm mũi, VA.
– Cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ.
– Giữ vệ sinh cho trẻ luôn sạch sẽ nhất là bàn tay. Đừng cho trẻ ngậm đồ chơi bẩn, bú tay bẩn, chơi dưới đất bẩn…
* Đối với trẻ lớn và người lớn, việc phòng ngừa vẫn là yếu tố quan trọng, cần:
– Cần giữ vệ sinh tai, môi trường sống sạch sẽ, cẩn trọng khi lấy ráy tai, sử dụng các dụng cụ lấy ráy tai hợp vệ sinh, dùng một lần.
– Không nên bơi lội khi có dấu hiệu sổ mũi, ho, đau tai, chú ý giữ tai khô thoáng, vệ sinh tai kỹ sau khi đi bơi.
– Điều trị tích cực các ổ viêm vùng mũi họng như điều trị viêm mũi xoang, viêm họng – amydan, viêm khí phế quản…
– Nạo VA hay cắt amydan là cần thiết khi có chỉ định.
Lưu ý
Ở một số địa phương xa xôi hẻo lánh, miền sơn cước, ngập nước kéo dài và ở những gia đình, những đối tượng còn hạn chế về cách chăm sóc bệnh tai thường bắt chước, hay nghe truyền tai nhau những cách chăm sóc không đúng cách như ngoái tai bằng ô-xy già, tự mua và uống thuốc trụ sinh bừa bãi…, nhỏ tai bằng các loại lá, hóa chất, thuốc dân gian… sáp mật ong, rắc trụ sinh bột vào tai, thổi thuốc vào tai…
Tất cả những cách làm này thường không mang lại hiệu quả tốt và một số lại gây nguy hiểm cho chức năng tai và tính mạng. Khuyên phụ huynh và các bệnh nhân nên đến cơ sở y tế khám và điều trị là tốt nhất.
TS.BS. Nguyễn Ngọc Minh
BV.Quốc tế Thành Đô, TP.HCM
Theo Tạp chí Sức Khỏe