PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Hạnh phúc trên con đường đã chọn

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Hạnh phúc trên con đường đã chọn

Cùng Tạp chí Sức khỏe đến với cuộc trò chuyện với PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay (Nguyên Trưởng bộ môn YHCT ĐHYD TP.HCM), người với rất nhiều năm kinh nghiệm và có đóng góp lớn cho ngành Đông Y Việt Nam, về quá trình theo đuổi công việc yêu thích của mình.

 

1/ Đông y ngày trước gắn với hình ảnh ông thầy lang hốt thuốc nam, hái lá này, sắc thuốc kia, rất đơn giản nhưng cũng thiếu tính hiện đại so với các phương tiện chẩn đoán khoa học, hiệu quả của Tây y. Đông y có một thời, gần như chỉ dành cho người nghèo? Đông y gần như bị ghẻ lạnh trong nền y học hiện đại. BS có thấy như vậy?

Nói đúng hơn, Đông y không phải bị ghẻ lạnh mà là bị hiểu lầm.Và khi không hiểu đúng về Đông y thì dĩ nhiên sẽ có sự e dè trong việc ứng dụng Đông y trong chẩn đoán và điều trị. Khi chúng ta chưa có thời gian để tìm hiểu, và chỉ có thể dựa vào nhận định chung từ trước đến giờ người ta dành cho Đông y, thì rất dễ quy chụp cho Đông y với “hái lá, sắc thuốc, thiếu tính hiện đại,…” mặc dù đó không phải là bản chất thật của Đông y.

Mọi vấn đề đều được dựa trên cơ sở lý luận. Cơ sở lý luận của Y học hiện đại (hay thường được gọi là Tây y) là thực chứng, dựa trên bằng chứng thực tiễn thí nghiệm và thực hành lâm sàng khách quan, nên có một nền tảng vững chắc và có thể phát triển rất nhanh, mạnh, đem lại hiệu quả chẩn đoán và điều trị trúng đích. Trong khi đó, cơ sở lý luận của Y học cổ truyền (hay thường được gọi là Đông y) chính là triết học. Các lý luận triết học này cũng đi từ thực hành lâm sàng, nhưng khá chủ quan, qua sự quan sát và mô tả các triệu chứng biểu hiện bệnh, chẩn đoán thành các bệnh cảnh lâm sàng, người thầy thuốc biện chứng luận trị trên cơ sở ứng dụng các học thuyết Âm Dương, Ngũ hành,… để đưa ra các phương pháp điều trị như dưỡng sinh, châm cứu, cấu tạo bài thuốc thang từ thảo dược,… Thuật ngữ y học để chẩn đoán và phương pháp điều trị khác nhau, nhưng giá trị ứng dụng và kết quả điều trị như nhau. Do vậy, Đông y và Tây y vốn là hai trường phái y học có cơ sở lý luận khác nhau, nhưng đều có giá trị khoa học và cần được công nhận một cách bình đẳng.

2/ Có khi nào những người thầy thuốc Đông y thấy cô đơn trên con đường mình đi?

Có lẽ trong giai đoạn trước đây, khi vai trò của Đông y chưa được đánh giá đúng thì thực sự cảm thấy cô đơn. Tuy nhiên, những năm gần đây, các bác sĩ Y học cổ truyền trẻ và tâm huyết đã bắt đầu có thâm niên với ngành và số lượng ngày càng tăng, nên chúng tôi đã có lực lượng kế thừa. Từ năm 1998, trường Đại học Y Dược TP.HCM thành lập Khoa YHCT, chỉ năm đầu số lượng sinh viên học ngành này còn ít (chỉ tuyển được 32 sinh viên vào học ngành Bác sĩ YHCT), nhưng sau đó và cho đến nay, con số tuyển vào hằng năm trên dưới 100 sinh viên và 19 năm nay là hơn 2000 BS. YHCT được đào tạo chính quy, không kể hơn 3.000 BS.YHCT hệ liên thông cũng đã được trường ĐHYD TP.HCM đào tạo đưa về phục vụ cho hơn 20 tỉnh thành phía nam. Trong các hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành kể cả của Tây y trong cả nước, hay tầm cỡ khu vực và quốc tế hiện nay, cũng có mời diễn giả là chuyên gia về Đông y tham dự báo cáo các nghiên cứu trong lĩnh vực Đông Y. Vậy nên hiện giờ chúng tôi không còn cô đơn lẻ bóng nữa mà có rất nhiều bạn đồng hành, trong ngành lẫn ngoài ngành.

3/ Qua giai đoạn bị ghẻ lạnh, bây giờ Y học cổ truyền lại được sùng bái theo kiểu thái quá: Nhiều bệnh nhân bỏ viện để uống cây thuốc nào đó, theo Đông y với lý do “thời gian dài theo Tây y không hiệu quả”. BS nghĩ sao về điều này?

Khi người bệnh được bác sĩ Đông y thăm khám và chẩn đoán, đưa ra phương pháp điều trị và theo dõi, đó mới gọi là Đông y. Còn việc người bệnh tự dùng một vị thuốc, bài thuốc hay “đi theo” một phương thức điều trị dân gian nào đó, không phải là Đông y. Đó có thể là tự chọn lựa theo kinh nghiệm của người khác, hoặc theo các lan truyền không chính thống, thì đó không phải là Đông Y. Việc kết hợp Đông – Tây y hiện cũng không phải là điều gì quá mới mẻ và ở một số nơi, như Cơ sở 3 – BV Đại Học Y Dược TP.HCM, BV Y học cổ truyền TP.HCM, Viện Y dược học dân tộc,… cũng đã thực hiện điều này từ lâu. Khi kết hợp hai nền y học này lại, chúng ta sẽ tận dụng được ưu thế của cả hai và giảm thiểu khuyết điểm của cả hai, giúp mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất.

4/ Sinh viên Y khoa vẫn chưa thật sự yêu thích Đông y. Vì sao? Do thời gian học của môn này quá ít, không đủ tạo sự say mê? Do Đông y vẫn còn lép vế trước Tây y? Hay còn những lý do nào khác?

 Phải hỏi là sinh viên y khoa nào? Tại Đại Học Y Dược, hiện nay bác sĩ chính quy được đào tạo theo hai ngạch: bác sĩ đa khoa (Tây y), và bác sĩ y học cổ truyền (Đông y). Cả hai ngạch đều đào tạo trong vòng sáu năm, và học chung các môn khoa học cơ bản cũng như một số môn lâm sàng. Đối với các bạn theo học Đông y thì thường là có yêu thích ngay từ đầu và phải có đủ say mê thì mới “dấn thân” được trong suốt sáu năm. Đối với các bạn theo học Tây y thì chương trình chỉ có một tháng để học về Đông y, thời gian quá ngắn nên chỉ có thể giới thiệu với các bạn về một số lý luận cơ bản, một số phương thức điều trị. Bên cạnh đó, Đông y sử dụng phương thức điều trị từ Dưỡng sinh, Châm cứu, Thuốc từ Dược liệu, các lý luận triết học đòi hỏi nhiều thời gian để hiểu, nên đây cũng là một rào cản cho “tình yêu” của các bạn khi đến với Đông y. Các BS đa khoa khi ra trường lao vào chuyên khoa yêu thích, họ đâu còn nhiều thời gian để nhớ và nghĩ về một tháng hiếm hoi được tiếp cận với Đông Y.

5/ Là Giảng viên mang kiến thức Đông y truyền đạt cho thế hệ sinh viên tiếp nối, theo BS, động lực nào để sinh viên chọn Đông y, phấn đấu vì Đông y làm tương lai?

Nhà thơ lớn người Mỹ Robert Frost có một bài thơ rất nổi tiếng tựa đề dịch ra tiếng Việt là “Con đường chưa ai chọn” (The road not taken), trong đó có một đoạn được trích dẫn rất nhiều: “Con đường chia hai lối rẽ, tôi chọn đường chưa ai đi, và điều đó tạo nên mọi sự khác biệt.” Đông y chính là “con đường chưa ai chọn” nhưng lại có rất nhiều tiềm năng, mặc dù cũng khá chông gai.

Tôi xin nói về những khó khăn trước. Một số các khó khăn tôi đã nêu khi trả lời câu hỏi vừa rồi. Bên cạnh đó, vì là “con đường chưa ai chọn” nên Đông y hiện chưa có đủ nhiều thầy lớn và có sức ảnh hưởng để hỗ trợ các bạn BS trẻ như Tây y. Một điều khá tế nhị nữa, đó là hiện nay xã hội chúng ta chưa có sự trân trọng đúng mức dành cho Đông y, nên khi hành nghề đôi khi các bạn sẽ vấp phải các vấn đề như lòng tin của bệnh nhân, sự tôn trọng của đồng nghiệp Tây y. Đây chính là rào cản lớn nhất, vì khi chọn một ngành mà đôi khi khiến bạn cảm thấy không được đánh giá cao, không được tin cậy, những lúc đó bạn sẽ mất niềm tin và rất dễ bỏ cuộc. Vì vậy, để bước vào và trụ lại, phát triển trên con đường này, bạn cần phải hiểu rõ đặc điểm của ngành, hiểu rõ bản thân mình, điều gì khiến bạn vui, điều gì tạo động lực cho bạn phát triển, làm cách nào để có thể nuôi sống gia đình mà vẫn có thể tận tâm với nghề, với bệnh nhân.

Con đường chưa ai chọn” vừa là thách thức, nhưng cũng vừa là tiềm năng mở ngỏ cho các bạn trẻ không ngại thử lửa.Y học cổ truyền đã tồn tại và tiếp tục phát triển từ hàng nghìn năm nay. Và cho dù Y học hiện đại với rất nhiều ưu điểm đang chiếm thượng phong, Y học cổ truyền vẫn lặng lẽ tồn tại và ngày càng phát triển. Một ngành y học có thể tồn tại lâu như vậy bên cạnh một “đối thủ nặng ký”, nghĩa là nó phải có một giá trị nhất định và giá trị đó không phải là nhỏ. Rất nhiều bài thuốc hay công thức châm cứu rất hiệu quả trong điều trị, hoặc hỗ trợ điều trị các bệnh lý ung thư, thần kinh, miễn dịch,… Nếu chúng ta có thể bằng chứng hoá với nghiên cứu khoa học cơ bản, hệ thống hoá các phương pháp khác nhau, giản tiện phương thức điều trị (chế biến sẵn thuốc sắc thay vì phải sắc mỗi ngày, châm cứu cải tiến,…) thì sẽ càng làm tăng giá trị và hiệu quả điều trị của các phương pháp này, giúp phổ biến chúng rộng rãi trong cộng đồng. Với nhiều khoảng trống chưa được chạm đến, đây là mảnh đất màu mỡ cho các bạn trẻ đam mê tìm hiểu, nghiên cứu, và có thể nhanh chóng trở thành những người tiên phong trong lĩnh vực. Khi bạn làm việc say mê, có hiệu quả, dĩ nhiên sẽ vừa mang lại niềm vui cuộc sống đồng thời lợi ích kinh tế cũng sẽ đi theo.

6/ Điểm mạnh của Đông y là gì? Điều mà BS quan tâm nhiều nhất hiện nay ở lĩnh vực Đông y?

Từ các nghiên cứu khoa học, dễ dàng nhận ra điểm mạnh của Đông Y là điều chỉnh các rối loạn chức năng, hỗ trợ điều trị một cách tích cực các bệnh mạn tính, các bệnh khó và bổ dưỡng cơ thể. Với quan điểm điều trị, là tạo lại quân bình cho cơ thể, việc ứng dụng các phương pháp điều trị của Đông y mang tính toàn diện, giúp cơ thể tự cân bằng. Như trong các bệnh mạn tính có suy giảm các chức năng, Đông y sẽ giúp cơ thể “phù chính” (nâng sức kháng bệnh, bổ), đủ sức để “khu tà” (đẩy lùi nguyên nhân gây bệnh – tả). Hơn thế nữa, một thế mạnh rất lớn của Đông y phải kể đến là “cá nhân hoá” việc điều trị, mỗi người bệnh có một cơ địa khác nhau, mạch lý và các triệu chứng biểu hiện khác nhau sẽ sử dụng một bài thuốc khác so với người cùng được chẩn đoán một bệnh.

Điều tôi quan tâm thí dụ như đối với bệnh Ung thư, dù tỷ lệ tử vong do ung thư đứng sau bệnh Tim mạch và Đột quỵ, nhưng người ta vẫn hãi hùng, tuyệt vọng khi biết mình bị ung thư. Trong kết hợp Đông – Tây y, nếu Tây Y rất mạnh trong điều trị trúng đích bằng phẫu thuật, bằng hóa – xạ trị, nhưng tác dụng phụ từ những phương pháp này không nhỏ, cũng như không phải ai cũng may mắn chẩn đoán sớm ung thư, vậy thì vì sao không kết hợp các phương pháp của Đông Y hỗ trợ điều trị chống ung thư, tôi muốn nói đến Đông Y bài bản, chứ không phải kinh nghiệm lan truyền.

7/ Từ “không thích”, đến “quan tâm” rồi đến “yêu”- 1 tình yêu dành cho Đông y, BS đã trải qua những giai đoạn ấy, cung bậc ấy như thế nào? Bước ngoặt “Tình yêu” ấy bắt đầu từ khi nào?

Tuổi trẻ bồng bột và hiếu thắng đã tạo ra không ít chông gai trên đường đi của tôi. Không thích vì bị bắt buộc một cách oan uổng, vì bị đẩy vào trong giai đoạn xã hội như em nói lúc đầu đó là sự “ghẻ lạnh” đối với Đông Y, vì cảm thấy thụt lùi trong khi bạn bè mình dấn bước trong vinh quang chuyên môn nghề nghiệp,… thôi thì hãy bước qua những cung bậc ấy. Có thể dùng từ “bước ngoặt tình yêu” (như câu hỏi ở trên) là từ đây: gần 20 năm từ khi ra trường, làm việc ở BV Chợ Rẫy, rồi Viện Y dược học dân tộc,  rồi bệnh viện thực hành YHCT, nay là Cơ sở 3 BV Đại học Y Dược, trên từng bệnh nhân nội – ngoại trú nặng nhẹ khác nhau, được áp dụng đông y vào trị liệu. Có trường hợp tương đối thành công, có trường hợp thất bại phải thuyết phục bệnh nhân chấp nhận phẫu thuật để giữ sinh mạng của mình. Bệnh nhân là những người Thầy giúp tôi hiểu, hơn ai hết trong thời khắc hiểm nguy họ cần người thầy thuốc giỏi nghề, không phân biệt là Đông hay Tây, dù chưa phải là một công trình nghiên cứu khoa học, nhưng thực tế này giúp tôi yêu nghề, tiếp tục dấn thân. Cho đến năm 1994, khi tôi đã 42 tuổi, được sang Nhật học 3 tháng, rồi 6 tháng trong môi trường cạnh tranh khoa học gắt gao, nghiên cứu nghiêm túc, một mình trong đêm trong thư viện, tất cả đã cho tôi niềm đam mê được nghiên cứu. Năm 1996, lần đầu tiên được báo cáo tại hội nghị quốc tế về Pharmacology tổ chức tại Toyama, được thảo luận và chia sẻ ngang hàng với các nhà khoa học khác. Lần đầu tiên cảm nhận hạnh phúc khi mình là một thầy thuốc Đông Y, đủ để gọi đó là tình yêu. 

8/ Một gia đình hoàn hảo: 2 con gái (1 BS, 1 Dược sĩ) đều đang tiếp tục được học bậc cao hơn ở nước ngoài, gia đình hạnh phúc. Theo BS, vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại cần những yếu tố gì? Có gì gặp nhau giữa hiện đại và truyền thống?

Trong xã hội hiện đại, sự khác biệt về vai trò của phụ nữ và đàn ông ngày càng được xoá mờ. Ngày nay, phụ nữ phải gánh vác chung với chồng về kinh tế, đối chọi với các thách thức trong công việc cuộc sống và vẫn cần phải đảm đương việc nhà. Người đàn ông ngoài công việc và những “việc lớn” bên ngoài, thì ngày càng chia sẻ nhiều hơn với vợ mình trong công việc nhà. Không lạ gì khi chúng ta thấy các ông đi chợ, giặt đồ, lau nhà, hay các cô làm sếp, thương thảo hợp đồng,… Vậy nên chúng ta không nên câu nệ quá về việc trong gia đình, người phụ nữ phải làm gì, người đàn ông phải làm gì. Mà là trong nhà chúng ta, anh làm được việc gì, em làm được việc gì, các con làm được việc gì, chúng ta chia sẻ với nhau.Như vậy các thành viên đều có trách nhiệm và sẽ trân trọng những gì các thành viên khác đóng góp cho gia đình hơn.

Dù vậy, không thể phủ nhận, người phụ nữ đóng vai trò “xây tổ ấm” tốt hơn. Nên ngoài việc cố gắng trong công việc, cũng nên dành ra thời gian cố định sau giờ làm việc cho gia đình, nấu ăn, chăm sóc bản thân. Nếu được như vậy thì quả thật là “mười phân vẹn mười.”

Xin cám ơn Bác sĩ đã có cuộc trao đổi tâm huyết!

Theo Tạp chí Sức khỏe – Khoe24h.vn

Kim Ánh thực hiện

Posted in: Bạn cần biết