Nhau thai bám thấp

(Sức Khỏe) Nhau thai nằm không đúng vị trí là một trong những nguyên nhân gây ra sẩy thai, sinh non. Thường những thai phụ gặp tình trạng này sẽ phải hạn chế đi lại và làm việc nặng, thậm chí phải nằm một chỗ để theo dõi, kiêng quan hệ tình dục…

Nhau thai bám thấp là tình trạng bánh nhau nằm thấp xuống vòng eo tử cung, có thể một phần hay toàn bộ bánh nhau nằm sai vị trí. Vì thế, khi siêu âm, bác sĩ sản khoa sẽ phát hiện và thông báo cho bạn biết vị trí của bánh nhau.

Có khá nhiều trường hợp nhau thai sẽ tự cuốn lên trong những tháng tiếp theo. Vì thế, những thai phụ có dấu hiệu của nhau thai bám thấp phải thường xuyên đến khám bác sĩ để được xác định vị trí của nhau thai.

Ra máu đỏ tươi, không đau bụng: Có thể là dấu hiệu

 Nhau thai bám thấp, sảy thai, nhau thai bám không chặt, sảy thai do đâu, nhau thai tự cuốn lên , ra máu âm đạo

Ra máu đỏ tươi, không đau bụng: Có thể là dấu hiệu của nhau thai bám thấp.

Vừa phát hiện mình mang thai chưa được bao lâu, chị Nguyễn Thị Duyên ngụ ở Q. 3, TP.HCM, phát hiện mình bị ra máu khá nhiều. Đến bác sĩ, chị nhận được tin dữ: “Nhau thai bám thấp, phải thật sự cẩn thận, nếu không sẽ có nguy cơ sẩy thai”. Đây là lần thứ hai chị nhận được tin này, ở lần đầu, chị không cẩn thận nên đã bị sẩy thai. Chị chia sẻ: “Bây giờ mẹ chồng bắt nằm một chỗ, hàng tuần có bác sĩ quen tới nhà khám thai luôn”.

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Khuyến, phòng khám Đa khoa Hải Duyên, TP.HCM, cho biết: “Nếu thai phụ bị ra máu khi đi vệ sinh, nhất là khi thai ở tuần thứ 20 trở lên thì phải đến bác sĩ ngay. Bởi đây là một trong những dấu hiệu cho thấy có thể bạn bị nhau thai bám thấp. Máu khi nhau bám thấp thường có màu đỏ tươi, không đi kèm với dấu hiệu đau bụng, lượng máu ở lần sau có thể nhiều hơn lần trước. Tuy nhiên, không phải cứ ra máu là triệu chứng của nhau thai bám thấp”. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Khuyến, hiện tượng nhau bám thấp thường do một số nguyên nhân như: tử cung không bình thường, dị dạng; từng có tiền sử nạo hút thai… Hiện tượng nhau thai bám thấp thường xuất hiện trong khoảng quý I và nửa sau quý III của thai kỳ.

Nếu bánh nhau không tự cuốn lên, bánh nhau sẽ che một phần lỗ tử cung, gây cản trở đường đi của thai nhi khi mẹ chuyển dạ. Vì thế, những trường hợp này thường được chỉ định sinh mổ.

Ngoài ra, thai nhi trong trường hợp này dễ bị sẩy hoặc có nguy cơ sinh thiếu tháng khá cao, tỷ lệ lên đến 40%. Do đó, tại các bệnh viện phụ sản, những thai phụ có nhau tiền đạo thường phải được theo dõi đặc biệt, được hẹn nhập viện sớm trước khi có cơn đau chuyển dạ.

80% nhau thai tự cuốn lên

 Nhau thai bám thấp, sảy thai, nhau thai bám không chặt, sảy thai do đâu, nhau thai tự cuốn lên , ra máu âm đạo

80% nhau thai tự cuốn lên

 
Theo bác sĩ Khuyến, bánh nhau sẽ thay đổi vị trí theo thời gian. Hiện nay chưa có biện pháp nào can thiệp được hiện tượng này. Theo ghi nhận, có khoảng 80% bánh nhau sẽ tự cuốn lên đúng vị trí. Chị Lệ Hà, nhà ở Q. 10, TP.HCM, cho biết: “Tôi và một người bạn cũng bị ra máu trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Khi đi siêu âm lần thứ hai, bác sĩ cho biết tôi bị nhau thai bám thấp, bám lệch ở phía sau. Còn người bạn, bác sĩ bảo nhau thai quá thấp. Tuy nhiên đến tuần thứ 34, tôi đi siêu âm được biết là nhau thai đã cuốn lên, cách cổ tử cung 9cm. Bác sĩ còn bảo, từ đây đến lúc sinh, nhau còn cuốn lên nữa. Cô bạn tôi cũng có kết quả như thế”.

Bác sĩ Khuyến cũng khuyên rằng, việc quan trọng nhất của thai phụ khi gặp hiện tượng này là phải thật cẩn thận giữ gìn bản thân mình. Cần tránh hết mọi hoạt động mạnh, phải gắng sức. Ngay cả chuyện quan hệ vợ chồng cũng phải nhẹ nhàng, nếu tránh được thì càng tốt.

Có nhiều trường hợp nhau tiền đạo nhưng vẫn sinh được khi đủ tháng hoặc chỉ thiếu 1-2 tuần so với ngày dự sinh. Tất cả phụ thuộc vào người mẹ biết cẩn thận hay không (tuy nhiên người mẹ vẫn phải thật thoải mái, vui vẻ thì thai nhi mới phát triển tốt được). Nếu trường hợp bánh nhau không tự cuốn lên, sản phụ sẽ được bác sĩ chỉ định nhập viện sớm hơn thời gian dự sinh để nghỉ ngơi hoàn toàn và chờ mổ lấy thai.

Nếu không siêu âm, không phát hiện bánh nhau tràn xuống cổ tử cung thì rất nguy hiểm. Bởi vì cổ tử cung được đóng lại suốt thai kỳ và chỉ mở ra khi đến giai đoạn chuyển dạ. Trong trường hợp của nhau tiền đạo, khi cổ tử cung mở cũng là lúc bánh nhau bị lộ ra ngoài nên sẽ có hiện tượng chảy máu ồ ạt trước khi thai ra ngoài, gây choáng vì mất máu, thậm chí tử vong ở thai phụ.

Một số lưu ý cho thai phụ

 

 Nhau thai bám thấp, sảy thai, nhau thai bám không chặt, sảy thai do đâu, nhau thai tự cuốn lên , ra máu âm đạo
Khi bị đau bụng hoặc ra máu không kèm đau bụng trong thời gian mang thai, nhất là đối với những sản phụ đã từng nạo hút thai, cần đến ngay bệnh viện.

Khi bị đau bụng hoặc ra máu không kèm đau bụng trong thời gian mang thai, nhất là đối với những sản phụ đã từng nạo hút thai, cần đến ngay bệnh viện. Thai phụ nên đi khám thai định kỳ mỗi tháng một lần, hạn chế các công việc nặng nhọc, đi lại nhiều. Trong thai kỳ, mẹ cũng không nên quá lo lắng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và sự phát triển của thai nhi.

Nếu bị ra máu khi quan hệ vợ chồng, bạn nên nhanh chóng đi khám.

Nhau tiền đạo

Nhau bám thấp là một dạng của nhau tiền đạo. Nhau tiền đạo có các dạng như sau:

– Nhau bám thấp
– Nhau bám mép
– Nhau tiền đạo bán trung tâm
– Nhau tiền đạo trung tâm.

Các cấp độ của nhau thai bám thấp:

– Nhau thai nằm thấp, nằm ở gần cổ tử cung
– Mép của nhau thai chạm cổ tử cung
– Một phần của nhau thai bao phủ cổ tử cung
– Nhau thai bao phủ cổ tử cung

Ngoài ra, chưa xác định được nguyên nhân chính xác của hiện tượng này. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho rằng, khi sự tuần hoàn dinh dưỡng của niêm mạc vùng đáy tử cung bị giảm sút, nhau sẽ trải rộng diện tích bám để bù trừ tình trạng thiếu hụt này, vì vậy bánh nhau tràn xuống đoạn dưới tử cung.

. Phương Linh
Tạp chí Sức Khỏe

Posted in: Tin y tế