Nguyên nhân khiến người già ăn uống khó khăn

Bạn đừng ngạc nhiên khi càng lớn tuổi, ông bà, cha mẹ, mình bỗng dưng thay đổi 100% về sở thích ăn uống của họ. Thật ra, đây là những biểu hiện bình thường của tuổi già mà ai rồi cũng phải trải qua…

Với người lớn tuổi, việc ăn uống đôi khi là gánh nặng. Bệnh tật, tuổi tác, sức khỏe giảm sút, răng yếu, điều kiện sống… làm thay đổi nhu cầu, khẩu vị, khả năng hấp thu dinh dưỡng, thói quen ăn uống của họ. Chúng ta cần phải hiểu rõ mọi vấn đề để việc chăm sóc ăn uống cho người cao tuổi được tốt hơn.

Bỗng dưng thay đổi thói quen ăn uống

 Ăn uống khó khăn ở người già, người già ăn uống khó khăn, lý do làm người già ăn uống khó khăn, vì sao người già ăn uống khó khăn hơn

Việc thay đổi về khẩu vị, sở thích là do sự lão hóa khiến cho hệ tiêu hóa, vị giác, khướu giác hoạt động bị giảm sút.

Gần đây, bạn cảm thấy rất vất vả và lo lắng khi chuẩn bị bữa ăn cho ông bà, bố mẹ. Món canh mà bạn nấu ngày nào vẫn luôn được khen ngon thì bây giờ bị chê thậm tệ, hay mới ăn lưng chén cơm, người lớn đã buông đũa đi uống trà hoặc cứ luôn miệng phàn nàn món này nhạt, món kia hơi ngọt…

Tất cả những vấn đề trên chỉ là dấu hiệu bình thường về sự thay đổi thói quen ăn uống của tuổi già. Đấy là biểu hiện của tuổi tác và sự lão hóa trong cơ thể mà ai cũng phải trải qua.

Việc thay đổi về khẩu vị, sở thích là do sự lão hóa khiến cho hệ tiêu hóa, vị giác, khướu giác hoạt động bị giảm sút. Răng yếu nên sức nhai cũng giảm. Thậm chí, có cụ mất hết cả răng phải dùng răng giả. Bên cạnh đó, người già hoạt động ít nên nhu cầu về dinh dưỡng cũng giảm. Đó là chưa  kể, đa số họ thường mang trong người một “núi” bệnh như: tim mạch, huyết áp, xương khớp, gan, mật, thận… phải uống thuốc thường xuyên. Những điều này khiến khẩu vị giảm sút, sự tiêu hóa chậm đi, khẩu phần, thực phẩm bị hạn chế… Do vậy, các cụ thường rất “trái tính trái nết” trong ăn uống và những lúc như thế này, con cháu cần hiểu, quan tâm chăm sóc, giúp họ thực hiện chế độ dinh dưỡng tốt hơn.

Ăn ít và nhiều bữa hơn

Ăn uống khó khăn ở người già, người già ăn uống khó khăn, lý do làm người già ăn uống khó khăn, vì sao người già ăn uống khó khăn hơn

Do khả năng tiêu hóa kém nên tốt nhất chia nhỏ khẩu phần ăn cho người lớn tuổi và mỗi bữa nên dùng ít lại.

 
Mục đích dinh dưỡng của người cao tuổi quan trọng nhất là có được mức cân nặng hợp lý để duy trì sức khỏe. Ngoài ra, chúng ta cần phải giúp họ không bị thừa cân, béo phì, cũng như hạn chế tối đa nguy cơ mắc các chứng bệnh mãn tính như: đái tháo đường, cao huyết áp, loãng xương… Để thực hiện được các phương án trên, chúng ta cần thực hiện tốt các vấn đề sau:

–  Do khả năng tiêu hóa kém nên tốt nhất chia nhỏ khẩu phần ăn cho người lớn tuổi và mỗi bữa nên dùng ít lại. Ngoài ba bữa chính, nên sắp xếp để họ ăn thêm những bữa phụ.

Trong bữa chính của người cao tuổi cần cung cấp đủ những thực phẩm chính như: chất bột đường (ăn ít cơm mà thay vào đó là khoai củ, ngũ cốc nguyên cám), chất đạm (thịt, cá, trứng), chất béo (dùng dầu thực vật như: dầu nành, dầu mè và mỡ cá vài lần trong tuần để nhận thêm các a-xít béo thiết yếu có lợi cho tim mạch), rau xanh và trái cây.

Ngoài ra, người cao tuổi cần được uống ít nhất 1 ly sữa mỗi ngày, nhất là loại sữa ít béo, ít đường.

Giúp người già ăn nhiều hơn

Khẩu vị, thói quen, sức khỏe… thay đổi nên khả năng ăn uống của người lớn cũng  thay đổi. Vì vậy, nên chú ý trong việc chọn thức ăn, cách nấu và cả sự khéo léo của người chăm sóc.

Chọn thực phẩm:

Để cung cấp đạm, chúng ta có thịt, cá, trứng… Nên chọn nấu cá thường xuyên hơn vì ăn nhiều thịt sẽ khiến người lớn tuổi cảm thấy ngán và loại thực phẩm này còn khó nhai. Cá mềm dễ ăn và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, lưu ý nên chọn cá không có xương nhỏ để tránh các cụ bị hóc xương. Chúng ta thường kiêng mỡ khi nấu cho các bậc lão niên. Ví dụ: Thịt kho thường chọn nạc mà không cho chút mỡ nào vì sợ tăng cholesterol, sợ bị cao huyết áp… Thế nhưng, có người lại chỉ thích ăn thịt ba chỉ hay mỡ. Căn cứ vào thực tế sức khỏe, nếu có thể chúng ta cũng nên thỏa mãn sở thích của người già ở mức độ có thể chấp nhận được. Chọn thực phẩm cho họ cần theo tiêu chí tốt cho sức khỏe nhưng không nên quá áp đặt.

Cách nấu:

Thức ăn chế biến cho người già cần nấu chín kỹ và mềm. Do răng yếu, sức nhai không còn nên họ không thể dùng thức ăn nấu “vừa chin tới”. Đa số mọi người lại thường cho rằng, người già không thể dùng thức ăn cứng. Ví dụ: Gà, vịt thì dành phần thịt, gan cho họ. Chúng ta quên rằng, dù răng yếu nhưng các cụ vẫn thích ăn những phần cứng có xương, sụn cho đỡ ngán. Vì thế, hãy dành phần ngon ấy nấu kỹ chứ không nên chỉ chọn toàn thịt là thịt.

Rau cải cung cấp vitamin và chất xơ, rất cần cho người lớn tuổi. Tuy nhiên, cũng có những loại khó ăn với người già vì dai hoặc do có nhiều xơ. Khi chọn  rau cải nên chọn  loại non, mềm và luộc kỹ để dễ ăn như: rau dền, mồng  tơi… Ngoài ra, củ quả như: bí đỏ, bí xanh, bầu, cà-rốt, su su… là những loại củ nấu mềm rất dễ ăn. Với rau muống, rau lang, ngọn bí, đậu cô-ve, củ dền là các loại rau, củ khó ăn đối với người lớn tuổi, vì vậy nên hạn chế dùng.

Sự khéo léo của người chăm sóc:

Ăn uống khó khăn ở người già, người già ăn uống khó khăn, lý do làm người già ăn uống khó khăn, vì sao người già ăn uống khó khăn hơn

Nên có sự thay đổi trong các bữa ăn mỗi ngày để tránh gây ngán cho người lớn tuổi.

 
– Người già cũng như trẻ con, không thích bị áp đặt mà muốn cảm thấy mình được tự chọn lựa điều mình muốn. Vì vậy, thay vì khó chịu khi ông bà kiên quyết không ăn thức này hay chỉ muốn thức kia, chúng ta nên giải thích rõ ràng, nhỏ nhẹ. Nếu đã hiểu rõ, tất nhiên các cụ sẽ chọn lựa điều tốt cho mình.

Nên có sự thay đổi trong các bữa ăn mỗi ngày để tránh gây ngán cho người lớn tuổi. Thức ăn cần cắt nhỏ, nấu chín mềm, có súp, nước canh cho dễ nuốt. Tuy nhiên, không nên xay nhuyễn (nếu không cần thiết) vì sẽ làm mất hương vị của thức ăn.

Đôi khi người già lại có thêm thói quen ăn uống khác lạ như cứ thích dùng thường xuyên một vài món và ăn từ ngày này qua ngày khác. Đừng bối rối hay lo lắng. Đây là do nhu cầu của cơ thể, người già cũng thèm ăn món gì đó cho đến khi cơ thể bão hòa, họ sẽ không dùng đến nữa.

Để giải quyết vấn đề này, trước hết phải chiều theo ý của ông bà, nhưng đồng thời khéo léo pha trộn hoặc thay đổi cách chế biến để bữa ăn đủ chất dinh dưỡng hơn.

Đối với người già ít uống nước, bạn cần nhắc nhở họ uống thường xuyên trong ngày, không nên đợi khát mới uống. Cần lưu ý đến việc cung cấp đủ nước uống hằng ngày để phòng ngừa táo bón, nhiễm trùng tiểu, sỏi thận…

Nếu ông bà chỉ thích nước ngọt, bạn có thể thay đổi bằng việc cho họ uống nước ép trái cây hoặc sinh tố sẽ rất tốt.

Bên cạnh ăn uống, bạn cũng nên chú ý đến việc khuyến khích các cụ vận động thể dục phù hợp và tránh tối đa gây ưu phiền cho họ. Với tinh thần lạc quan, vui vẻ sẽ giúp cơ thể người già điều chỉnh và thích nghi tốt hơn với sự thay đổi của tuổi già.

Việc chăm sóc người già ngoài sự chu đáo, tỉ mỉ, còn cần phải hết sức tế nhị. Tình thương yêu, sự kính trọng của con cháu đối với họ cũng rất quan trọng. Nếu ta bỏ quên yếu tố kính trọng sẽ khiến họ cảm thấy bị xem thường và tác động rất xấu đến tâm lý và sức khỏe.

Lưu ý nhỏ

Hạn chế lượng đường, muối trong thức ăn.
Hạn chế những thực phẩm muối (dưa cà muối, mắm, khô), xúc xích, mì gói, giò chả, đồ hộp.
Không ăn nhiều rau vào buổi tối sẽ khó tiêu gây khó ngủ.
Cần hạn chế tối đa các chất kích thích như: bia, rượu, cà-phê, thuốc lá…
Không ăn quá no hay nhịn đói quá 4 tiếng trong ngày (trừ giấc ngủ buổi tối).

 

Tư vấn chuyên môn:
BS. CK1 Đào Thị Yến Thủy
Trung tâm Dinh Dưỡng TP.HCM
. Minh Châu

Tạp chí Sức Khỏe

 

Posted in: Tin y tế