Gãy xương vùng khớp háng có thể xảy ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều nhất ở người lớn tuổi từ các chấn thương rất nhẹ. Đây là một chấn thương gây ra hậu quả nặng nề và là dấu hiệu giảm chất lượng sống cũng như nguy cơ tử vong. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, cứ 3 người trên 50 tuổi bị gãy xương vùng háng thì có 1 người sẽ tử vong trong 12 tháng, đối với người lớn tuổi hơn thì nguy cơ cao hơn trong 3 tháng tới.
Gãy xương vùng khớp háng gồm những loại gãy gì?
Đối với người trẻ tuổi, để gãy một xương lớn như xương đùi phải cần một lực chấn thương rất lớn, nhưng đối với người lớn tuổi thì ngược lại. Do xương bị loãng, chỉ cần một lực nhẹ như té đập mông từ ghế ngồi, từ võng, hay trượt nhà tắm… cũng đủ lực gây gãy xương đùi vùng khớp háng.
Khi chụp X quang, các bác sĩ sẽ chẩn đoán có bị gãy hay không và loại gãy xương để lên kế hoạch điều trị.
Tùy theo vị trí gãy, chúng ta có 2 loại gãy xương: gãy cổ xương đùi và gãy liên mấu chuyển.
- Gãy cổ xương đùi là gãy phần nối tiếp từ thân xương lớn và phần chỏm xương hình tròn. Vùng này do nằm trong khớp ít mạch máu nuôi và khi gãy các mạch máu nuôi bị đứt, do vậy tỉ lệ liền xương rất thấp, đặc biệt khi xương gãy di lệch nhiều.
- Gãy liên mấu chuyển là gãy phần đầu trên của thân xương đùi, vùng phía dưới cổ xương đùi, vùng nhiều xương hơn và nhiều mạch máu hơn. Vùng này có nhiều máu nuôi hơn, tỉ lệ lành xương rất cao, nhưng nếu không nắn chỉnh tốt sẽ lành xương ở vị thế xấu gây ảnh hưởng dáng đi.
Tại sao gãy xương vùng khớp háng người lớn tuổi lại nguy hiểm?
Gãy xương vùng khớp háng với cách chấn thương nhẹ nhàng, là một dấu hiệu nguy hiểm dự báo trước nguy cơ tử vong trong nhiều tháng đến 1 năm tới. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, cứ 3 người trên 50 tuổi bị gãy xương vùng háng thì có 1 người sẽ tử vong trong 12 tháng, đối với người lớn tuổi hơn thì nguy cơ cao hơn trong 3 tháng tới. Dự báo này có thể đúng trong 10 năm tiếp theo.
Nguyên nhân tử vong ở các dự báo trên có thể liên quan trực tiếp đến gãy xương hoặc là gián tiếp hay các bệnh lý khác tồn tại trên cơ thể người lớn tuổi. Những bệnh lý căn bản có thể gặp ở người lớn tuổi như bệnh lý tim mạch: suy tim, bệnh mạch vành (mạch máu nuôi tim), rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, hẹp hở van tim; bệnh suy thận mạn tính; bệnh chuyển hóa như: bệnh đái tháo đường type 2, rối loạn mỡ (lipid) máu; các bệnh ở đường hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), dễ ứ đọng đàm nhớt gây viêm phổi; bệnh lý mạch máu gây tai biến mạch máu não…
Khi gãy xương vùng khớp háng xảy ra, khớp háng sẽ mất chức năng, nghĩa là người bệnh sẽ không đi lại được, đau nên khó có thể ngồi được, phụ thuộc người chăm sóc. Lúc này việc thực hiện các nhu cầu cơ bản trở nên khó khăn: ăn uống phải nằm, do vậy sẽ khó ăn uống, tiêu tiểu tại giường nằm, tắm rửa hạn chế. Việc sinh hoạt cơ bản tại giường do quá đau sẽ dẫn đến nguy cơ bị tắc đàm ở đường thở gây viêm phổi và có thể tử vong, ngoài ra tiêu tiểu tại chỗ sẽ dẫn đến dễ nhiễm trùng đường tiểu và lan lên thận gây nhiễm trùng huyết. Dịch phân hay nước tiểu kết hợp với nằm một chỗ lâu dài sẽ dẫn đến loét tì đè, nghĩa là loét do xương và phần giường cứng làm chết da ở giữa 2 vùng đó. Loét tì đè cũng dễ đưa vào nhiễm trùng huyết tử vong. Việc nằm lâu không vận động cũng dễ gây tắc mạch do huyết khối tĩnh mạch. Ăn uống kém và ăn khi nằm, sẽ dễ trào ngược dạ dày gây viêm phổi hít, suy dinh dưỡng làm giảm miễn dịch cơ thể và chậm phục hồi các tổn thương. Việc gãy xương lớn hay điều trị gãy xương lớn gây mất máu ảnh hưởng nhanh đến toàn bộ cơ thể. Do vậy việc mất chức năng khớp háng và đau, là một vòng luẩn quẩn bệnh lý sẽ đưa người bệnh đến suy sụp và tử vong nếu chúng ta không can thiệp.
Các yếu tố làm gia tăng tỉ lệ gãy xương vùng háng ở người lớn tuổi
Tỉ lệ gãy xương vùng khớp háng tăng dần theo các yếu tố sau:
- Tuổi: Càng lớn tuổi, mật độ xương và khối cơ giảm dần, do vậy những người lớn tuổi thường hay bị té ngã do các vấn đề ở mắt hay thăng bằng.
- Giới tính: Hơn 70% các trường hợp gãy xương vùng háng là ở phụ nữ. Mật độ xương ở người nữ thường mất nhanh hơn đàn ông do sự suy giảm nồng độ estrogen ở độ tuổi mãn kinh.
- Bệnh lý mạn tính: Những bệnh lý rối loạn nội tiết tố, ví dụ như cường giáp có thể dẫn đến xương yếu, bệnh rối loạn đường tiêu hóa mạn dẫn đến giảm hấp thu vitamine D và calcium, do vậy giảm chất lượng xương và dễ dàng gãy xương. Các bệnh lý cơ quan vận động như đau khớp, bệnh lý thần kinh như Parkinson, đột quỵ, sa sút trí tuệ, bệnh thần kinh ngoại biên… là các yếu tố nguy cơ gây té ngã.
- Sử dụng thuốc: Sử dụng corticoid kéo dài sẽ làm loãng và yếu xương. Một số loại thuốc có tác dụng phục gây chóng mặt, buồn ngủ làm tăng nguy cơ té ngã.
- Vấn đề dinh dưỡng: Thiếu hụt vitamine D và calcium do ăn kiêng hay bệnh lý như chứng biến ăn sẽ làm giảm nguồn cấu tạo xương.
- Ít hoạt động thể dục thể thao: Khi tập thể dục tùy theo lứa tuổi, tư thế chân chạm đất sẽ giúp góp phần làm tăng sức mạnh xương, mật độ xương. Khi nằm lâu hay ít tập thể dục chịu lực lên hệ xương, sẽ là giảm sức mạnh xương và mật độ sẽ gây dễ gãy xương.
- Uống rượu và hút thuốc lá sẽ gây tác động xấu đến quá trình tạo xương và duy trì mật độ xương.
Các phương pháp điều trị
Điều trị gãy xương vùng háng tùy vào mức độ, có thể không mổ điều trị bảo tồn hoặc phải phẫu thuật để giảm đau và nắn chỉnh các di lệch của xương gãy. Thường phẫu thuật được lựa chọn nhiều hơn.
- Gãy cổ xương đùi: Nếu gãy di lệch nhiều khó khả năng liền xương và bệnh nhân lớn tuổi, thường sẽ lựa chọn phẫu thuật thay khớp háng để giúp bệnh nhân có thể đi lại được ngay, giải phóng nằm tại chỗ và các biến chứng của nằm tại chỗ. Sau thay khớp 2-3 ngày, bệnh nhân có thể tập đi với khung hoặc nạng, giảm sự phụ thuộc người khác, gia tăng chất lượng sống. Thời gian của khớp háng nhân tạo thường kéo dài từ 10-20 năm tùy theo thay khớp toàn phần hay thay khớp một phần, sau đó cần chỉnh sửa hoặc thay lại khớp háng mới. Việc chọn lựa thay khớp một phần hay toàn phần dựa vào tuổi của bệnh nhân, bệnh lý có sẵn ở cơ thể bệnh nhân. Gãy cổ xương đùi ở người trẻ hoặc di lệch ít có thể phẫu thuật bắt 3 vít nén, nẹp nén ép giữ lại vùng xương gãy giúp liền xương.
- Gãy liên mấu chuyển: Vùng này có nhiều cơ xung quanh bám nên dễ di lệch các đầu xương gãy. Do có nhiều máu nuôi nên người bị gãy xương sẽ mất mấu từ xương chảy ra mô mềm có thể cần truyền máu. Nếu di lệch ít, sẽ nằm dạng chân và chờ xương lành trong 8 đến 12 tuần. Nếu di lệch nhiều, thường phải mổ nắn chỉnh lại xương với nẹp vít nén hay đinh nội tủy. Sau mổ đi nạng không chống hay chống nhẹ chân mổ trong 8 -12 tuần.
Trong trường hợp gãy liên mấu chuyển ở người lớn tuổi, có thể chỉ định thay khớp với loại khớp háng cấu tạo đặc biệt thay thế vùng xương chịu lực ở xương đùi. Lúc này có thể đi ngay sau mổ 2-3 ngày.
Việc lựa chọn phương pháp điều trị, các bác sĩ sẽ trao đổi và cân nhắc các ưu khuyết điểm giữa các phương pháp.
Phòng tránh gãy xương vùng háng
- Cung cấp đủ can xi và vitamine D qua thức ăn và tiếp xúc với anh sáng mặt trời buổi sớm, giúp cung cấp đầy đủ nguồn nguyên liệu cho chu trình tạo xương. Nhu cầu 1200 mg canxi/ngày và 600 đơn vị vitamine D/ngày. Phát hiện sớm và điều trị loãng xương giúp hạn chế việc gãy xương khi chấn thương nhẹ bằng cách đo mật độ xương mỗi 1 năm sau tuổi mãn kinh.
- Lựa chọn các môn thể thao chịu lực lên hệ cơ xương khớp nhưng phù hợp với tuổi tác như đi bơi, bóng bàn, tập Taichi dưỡng sinh, đi bộ… sẽ giúp tăng sức dẽo dai và mật độ xương. Các bài tập còn giúp rèn luyện cơ thể giữ thăng bằng tránh té ngã.
- Tránh hút thuốc và uống rượu nhiều, vì sẽ làm giảm mật độ xương và việc say rượu gây mất thăng bằng và té ngã.
- Phòng tránh té ngã: dọn dẹp các chướng ngại vật, dây điện, vật dụng dễ gây vấp ngã. Cầu thang ở các bước cuối khi lên và xuống nên có đánh dấu phản quang, tô màu khác hay có gờ để thông báo. Điện nên bật ở cầu thang khi lên xuống. Nhà tắm nên lót gạch nhám, nên có tay vịn gần bồn cầu để đứng dậy hay ngồi xuống.
- Kiểm tra mắt định kì. Nên khám mắt mỗi năm hay khi có biểu hiện mờ mắt, đặc biệt ở người bệnh đái tháo đường hay bệnh khúc xạ măt như cận viễn loạn thị, lão thị.
- Quan tâm đến tác dụng phụ của thuốc: Các loại thuốc điều trị gây mệt, gây chóng mặt sẽ làm tăng nguy cơ té ngã khi bạn sử dụng điều trị. Nhanh chóng báo các bác sĩ để thay đổi thuốc khác phù hợp hơn.
- Thay đổi tư thế chậm: khi chuyển từ nằm sang ngồi, từ ngồi sang đứng, người lớn tuổi nên thay đổi tư thế chậm để tránh tụt huyết áp tư thế gây té ngã. Có thể dời chỗ tiểu về đêm cạnh giường để tránh di chuyển trong bóng tối khi tiểu đêm.
- Đi với gậy khi đau chân nhiều do thoái hóa khớp gối hay khi thấy không đủ sức.
Làm sao để mau phục hồi khi đã bị gãy xương?
- Khi đã bị gãy xương sau khi điều trị bằng phẫu thuật hay bảo tồn không mổ, người bệnh nên bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng để mau chóng phục hồi tái tạo phần xương gãy.
- Nhanh chóng ra khỏi giường với việc ngồi sớm sau 24h mổ, ngồi thả chân đong đưa, ăn khi ngồi, vỗ lưng tránh ứ đọng đàm nhớt sẽ tránh các biến chứng do nằm lâu đã nêu.
- Nếu nằm điều trị không mổ và không thể ngồi do đau, ta có thể chọn loại giường nằm có thể quay cao đầu khi ăn. Ta dùng chân còn lại để nâng cơ thể lên, để tránh các trường hợp loét do tì đè. Việc tiêu tiểu nên được vệ sinh sạch sẽ bằng nước và lau khô.
BS Phạm Thế Hiển
Khoa Chấn thương chỉnh hình
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương
Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn