Nguy hiểm hội chứng Lyell

(Sức Khỏe- khoe24h) Hội chứng Lyell còn được gọi là hoại tử thượng bì nhiễm độc, là thể bệnh đặc biệt nặng của nhiễm độc da do dị ứng thuốc.

Bệnh có thể khiến nạn nhân tử vong ngay sau vài giờ dùng thuốc. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh rất nguy hiểm. Hội chứng Lyell có thể gây ra tình trạng tổn thương niêm mạc của toàn cơ thể như mắt, mũi, miệng, kèm theo sốt và tuột da từ đầu đến chân, tổn thương nội tạng.

»NGUY HIỂM KHI TÙY TIỆN DÙNG THUỐC

Tỷ lệ bệnh nhân gặp hội chứng Lyell không cao nhưng nguy cơ lại luôn tiềm tàng vì đôi khi nguyên nhân chỉ là vài viên thuốc trị bệnh thông thường, không cần kê đơn. Đặc biệt, với thói quen mua và sử dụng thuốc tùy tiện của nhiều người, nguy cơ gặp tình trạng dị ứng thuốc lại càng cao và việc xác định “thủ phạm” khi bị dị ứng càng khó.

Việc dùng thuốc tùy tiện, không theo chỉ định của bác sĩ có thể làm tăng rủi ro cho người bệnh
Việc dùng thuốc tùy tiện, không theo chỉ định của bác sĩ có thể làm tăng rủi ro cho người bệnh

Không hiếm trường hợp như bà N. T. T, ngụ tại Q. 6, TP. HCM. Thấy mắt đau xốn khó chịu, bà đến tiệm thuốc Tây để mua lọ thuốc nhỏ mắt về dùng. Sau vài lần nhỏ, giác mạc của bà lại bị loét, da phần mặt bị tuột. Nguy hiểm hơn, bà bị suy thận do hậu quả của hội chứng Lyell. Sau khi qua cơn nguy kịch, bà phải chuyển từ Bệnh viện Da liễu TP. HCM sang Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. HCM để tiếp tục điều trị mắt và tình trạng suy thận.

Bà C. T. H, ngụ tại Q. Phú Nhuận, TP. HCM, từng điều trị tại Bệnh viện Da liễu TP. HCM, cũng rơi vào tình huống nguy hiểm không kém. Bà bị ung thư vú. Có người khuyên bà dùng thêm thuốc từ các loại lá cây, bà liền làm theo. Chẳng ngờ, chỉ sau khi uống thang thuốc sắc đầu tiên, cơ thể bà đã nhanh chóng xuất hiện mảng da đỏ, nổi bóng nước. Nhưng tưởng cơ thể bị tác dụng phụ do hóa trị nên bà lơ là. Đến khi bị tuột da như người vừa bị xối nước sôi từ trên đầu xuống, bà mới hốt hoảng nhập viện.

»VIỆC ĐIỀU TRỊ GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN

Theo nghiên cứu của Khoa Lâm sàng, Bệnh viện Da liễu TP. HCM, số người mắc hội chứng Lyell ở tỉnh lân cận đến điều trị chiếm đến 70%. Không đơn thuần như các loại dị ứng thường gặp khác (nổi mề đay, chàm…), dị ứng thuốc vô cùng nguy hiểm. Đa phần bệnh nhân vào đến bệnh viện đã ở trong tình trạng rất nặng, sốt cao, người đỏ bóng, đau đớn vì da tuột từ phần đầu trở xuống.

Tuy cũng là mất lớp da, cơ quan bảo vệ của cơ thể nhưng việc điều trị cho bệnh nhân gặp hội chứng Lyell khó khăn hơn rất nhiều so với bệnh nhân bỏng. Vì vết bỏng sẽ không lan khắp người như những mảng tuột da của bệnh nhân Lyell. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao.

Khi được gia đình đưa đến bệnh viện, bà T. H đã bước một chân vào “cửa tử”. Bà không những bị sốt cao mà toàn thân còn bị tuột da, đỏ hỏn, miệng và đường tiêu hóa đã bị lở loét khiến việc ăn uống cực kỳ khó khăn. Hơn nữa, cơ thể bị đau rát khắp nơi khiến sức khỏe của bà bị suy kiệt. Cuối cùng, nhờ sự điều trị tích cực của bác sĩ cộng với may mắn, bà đã thoát khỏi bàn tay tử thần.

cơ quan bảo vệ của cơ thể nhưng việc điều trị cho bệnh nhân gặp hội chứng Lyell khó khăn hơn rất nhiều so với bệnh nhân bỏng
Điều trị cho bệnh nhân gặp hội chứng Lyell khó khăn hơn rất nhiều so với bệnh nhân bỏng

Người bệnh sẽ được chăm sóc tại phòng cách ly để hạn chế tối đa bị nhiễm trùng da, máu – nguyên nhân chính gây tử vong ở bệnh nhân Lyell. Hội chứng này cũng khiến người bệnh bị thiếu máu (vì cơ thể sẽ huy động bạch cầu tăng lên để chống lại vi trùng, máu có nhiệm vụ dọn dẹp xác của bạch cầu, khiến bệnh nhân bị thiếu máu), giảm lympho (một loại tế bào trong máu), hạ albumin máu (đạm trong máu) do mất chất từ những vùng da bị tuột, mất nước, rối loạn điện giải. Hệ tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng với triệu chứng tăng men gan thoáng qua. Thông thường, quá trình tái tạo thượng bì bắt đầu trong vòng 3-4 ngày sau điều trị.

Đặc biệt, khi bệnh nhân mắc hội chứng Lyell có kèm theo các bệnh nan y khác như ung thư, việc điều trị sẽ càng khó khăn vì người bệnh có thể gặp tình trạng tăng đường huyết, tăng urê và bị giảm carbonat. Bệnh nhân sẽ được các bác sĩ đặt khuôn chống dính mắt (giúp mắt mở ra được). Điều này rất quan trọng. Nếu không được đặt khuôn chống dính mắt, khi điều trị thành công, da, niêm mạc đã liền, khỏe nhưng mắt sẽ mất thị lực.

»CẨN TRỌNG KHI SỬ DỤNG THUỐC

Theo nghiên cứu của Bệnh viện Da liễu TP. HCM, tác nhân gây dị ứng thuốc thường là thuốc giảm đau, đau khớp, đau mắt. Đây chỉ là nghiên cứu trên số ít bệnh nhân biết được loại thuốc mình dùng trước đó. Phần lớn người bệnh lại không xác định và nhớ mình đã dùng thuốc gì. Tốt nhất, nên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và giữ lại đơn thuốc để phòng trường hợp rủi ro.

Tư vấn chuyên môn:
BS. Trần Thị Thanh Thủy
Bệnh viện Da liễu, TP. HCM
C. Huỳnh

Posted in: Tin tức