Người già hay hờn giận, vì sao?

(Sức Khỏe – khoe24h)- Người già thường có những cơn hờn giận và nguyên nhân để các cụ nổi nóng lại rất… tủn mủn. Thế nhưng, đừng vội “kết tội” người lớn trong nhà, chuyện gì cũng có nguyên nhân của nó.

Các bác sĩ đã đưa ra kết luận giúp bạn hiểu rõ hơn thế giới người cao tuổi, rằng: người cao tuổi khó chịu, dễ giận như trẻ con nhưng lại khó chiều là bởi họ đang phải đối mặt với những thay đổi trong thể chất và tinh thần, có thể dẫn đến cảm xúc tiêu cực. Vì thế, con cái, người thân nên hiểu, cảm thông và chia sẻ với họ.

»GIẬN HỜN VÌ ĐÂU?

Tuổi 60 trở lên thường được xem là già. Riêng ở Việt Nam, tuổi già tính theo tuổi hưu trí, tức là phụ nữ từ 55 tuổi và đàn ông từ 60 tuổi. Y học lại có những phân chia khác, độ tuổi từ 50-60 được gọi là lứa tuổi thời kỳ thứ 3 (giai đoạn giao thời chuyển sang tuổi già thực sự). Đây được xem là một chuyển biến quan trọng vì có sự đổi thay của yếu tố thể chất lẫn tinh thần.

Nhiều thay đổi về mặt cơ thể trong quá trình già đi khiến người cao tuổi dễ bất an, hay hờn giận, khó chịu
Nhiều thay đổi về mặt cơ thể trong quá trình già đi khiến người cao tuổi dễ bất an, hay hờn giận, khó chịu

Nếu bản thân người bước vào tuổi già nhận thức được đó là quy luật tất yếu của cuộc sống thì tâm lý họ khá ổn định. Nếu không chấp nhận quy luật vốn có ấy, những biến đổi về tâm lý, tình cảm sẽ xảy ra.

Nguyên nhân khác khiến người cao tuổi hay hờn giận, khó chịu là bởi trong quá trình già đi, có nhiều thay đổi về mặt cơ thể khiến họ dễ bất an, chẳng hạn như mắt kém đi, tai không còn nghe tốt như trước, răng đau, ăn uống kém ngon… Song song đó, tâm thần của họ cũng bị chuyển biến theo. Đó còn có thể do những tác động về mặt xã hội. Dễ thấy nhất là việc về hưu thường mang đến những hụt hẫng về tinh thần.

Ngoài ra, phải kể đến những thay đổi trong gia đình như việc các con lập gia đình, đi học xa, người thân qua đời… Những việc đó tác động rất lớn đến tinh thần của người già, khiến họ không dễ lấy được cân bằng, sống vui vẻ.

»CẦN ĐỐI XỬ MỀM MỎNG

Người thân nên hiểu rõ tính tình của người cao tuổi trong nhà để có thể cùng các cụ chào đón “tuổi vàng”. Nếu có mâu thuẫn, đừng cố khăng khăng theo ý mình mà nên mềm mỏng, đợi thời gian và cơ hội thích hợp để bày tỏ cùng họ. Đừng giữ cách nghĩ kiểu như “ông bà già rồi, kệ ông bà nói gì, ta cứ làm theo cách của ta”. Điều này có thể gây tổn thương và khiến người lớn tuổi cảm thấy không được xem trọng.

Vì thế, việc chăm sóc, hỏi han của con cháu có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, nếu những cơn trái tính, trái
nết ở người già trong gia đình có nguy cơ nặng lên thì ngoài sự tác động về tinh thần còn cần sự thăm khám, kiểm tra của bác sĩ chuyên môn.

»TRÁNH CẢM XÚC ÂM TÍNH

Cảm xúc âm tính dùng để chỉ những cảm xúc biểu hiện sự không thỏa mãn, làm mất hứng thú, giảm nghị lực như cảm xúc buồn rầu, xấu hổ, tức giận… Tất cả những biến động về sức khỏe và thay đổi về mặt xã hội như đã nói ở trên đều dễ đem lại tâm trạng không tốt cho người lớn tuổi. Chúng làm cho người già dễ cảm thấy cô đơn lạc lõng. Vì vậy, các cụ dễ nảy sinh cảm xúc âm tính. Điều này làm quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn. Đồng thời, cảm xúc âm tính cũng làm cơ thể tiết ra những chất hóa học khiến người cao tuổi dễ mắc bệnh của tuổi già (như cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch…) hơn.

Đừng vội trách người lớn tuổi, hãy chia sẻ để hiều tâm tư, tình cảm của họ, giúp họ luôn sống vui vẻ
Đừng vội trách người lớn tuổi, hãy chia sẻ để hiều tâm tư, tình cảm của họ, giúp họ luôn sống vui vẻ

Nếu không thể thoát khỏi những cảm xúc âm tính, tiêu cực, về lâu dài, người cao tuổi không chỉ phản ứng bằng cơn hờn giận, nóng nảy mà còn có thể rơi vào những chứng bệnh nguy hiểm như rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu, trầm cảm…

»NHẸ NHÀNG ĐI VÀO TUỔI GIÀ

Đó là cách hữu hiệu nhất để vô hiệu hóa những cơn giận dỗi, bực bội xâm chiếm. Ngoài ra, các bác sĩ lão khoa cũng khuyên rằng, để các cụ đi vào tuổi già hoặc sống “tuổi vàng” vui vẻ, người nhà cũng như bản thân các cụ nên chú ý vài điều dưới đây:

– Nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi sao cho khoa học, hợp lý: Tức là chú ý đến chế độ ăn uống, bệnh tật. Tuyệt đối không bỏ bê các cụ.

– Lão niên nên chú ý vận động tăng cường thể lực: Khi bắt đầu có tuổi, các cụ nên tập thể dục thường xuyên hơn. Chọn những môn vừa sức, tốt nhất là đi bộ nhiều.

– Gia đình phải hết sức quan tâm đến các vấn đề tâm sinh lý của người lớn tuổi trong nhà: Đừng ham mê công việc mà bỏ qua việc chăm sóc, lắng nghe các cụ.

– Khuyến khích người lớn tuổi tham gia các câu lạc bộ người cao tuổi: Có lợi về mặt tinh thần cho các cụ.

– Chuẩn bị tinh thần: Giúp người bắt đầu vào ngưỡng tuổi già có sự chuẩn bị tinh thần và chấp nhận cả mặt thể chất lẫn tinh thần.

Tư vấn chuyên môn:
BS. CK2. Đỗ Thị Xuân Hương
Nguyên Trưởng khoa Lão
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP. HCM
H. Minh

Posted in: Tin y tế