Nghẹn & nấc cụt thường xuyên có thể báo bệnh nguy hiểm

Nghẹn & nấc cụt thường xuyên có thể báo bệnh nguy hiểm

(Sức Khỏe – khoe24h) Nghẹn, nấc cụt thường được xem là… chuyện thường, chẳng có gì đáng ngại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, nếu triệu chứng này kéo dài, xảy ra thường xuyên, phải nghĩ đến bệnh lý.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nếu những triệu chứng nghẹn, nấc cụt xảy ra thường xuyên, nên đến cơ sở y tế thăm khám để phát hiện bệnh kịp thời. Bởi ẩn sau những triệu chứng được xem là bình thường này là những nguy cơ khó lường.

Nghẹn

Nghẹn thường xảy ra khi ăn nhanh hoặc nuốt thức ăn hơi khô. Nhiều người cho rằng đây là triệu chứng bình thường của cơ thể, có thể tự xử lý được. Thế nhưng, trong y khoa, nghẹn có thể là một triệu chứng do rối loạn quá trình co bóp thực quản khi ăn, uống và cũng có thể do một số bệnh lý gây nên.

Nếu bạn bị nghẹn trong lúc ăn uống vội vàng hoặc do thay đổi thức ăn, đây là triệu chứng nghẹn do phản xạ làm rối loạn chức năng co bóp của thực quản. Trong tình huống này, triệu chứng nghẹn không đáng lo ngại, trừ trường hợp người lớn tuổi và trẻ con.

Tuy nhiên, nghẹn do bệnh lý cũng không phải hiếm. Nếu triệu chứng nghẹn kéo dài, thường xuyên, ngay cả khi ăn uống từ tốn, cẩn thận thì nguyên nhân có thể do bệnh ở thực quản như u thực quản. Khi khối u càng lớn, độ chèn ép càng mạnh, triệu chứng nghẹn càng nhiều. Vì thế, bạn nên nhanh chóng đến bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân khi xảy ra triệu chứng nghẹn khác thường.

Triệu chứng nghẹn cũng có thể báo cho bạn biết thực quản đang bị bỏng do nhiệt độ của thức ăn, đồ uống hoặc do a-xít. Bên cạnh đó, khi bị nghẹn, bạn có thể nghĩ đến bướu cổ, suy tim dày thất phải đè vào thực quản gây chèn ép dẫn đến nghẹn; một số bệnh về phổi như u phế quản, u phổi…

Sức Khỏe, tạp chí Sức Khỏe, khoe24h, nghẹn và nấc cụt, nghẹn thường xuyên, nấc cụt thường xuyên, u thực quản, hẹp thực quản, viêm thực quản
Nghẹn, nấc cụt thường xuyên có thể báo bệnh nguy hiểm (Ảnh internet)

Cụ thể, các bệnh có thể gặp khi triệu chứng nghẹn diễn ra thường xuyên, kéo dài và biểu hiện càng ngày càng nặng:

– U thực quản: Bệnh này thường gặp ở người lớn tuổi. Ung thư thực quản là nguyên nhân phổ biến nhất gây nuốt nghẹn, cần được xác định chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt. Nếu để đến giai đoạn muộn, kết quả điều trị sẽ rất hạn chế.

– Hẹp thực quản: Do rối loạn chức năng vận động của thực quản, như: co thắt thực quản, giảm nhu động thực quản (thường gặp ở người trẻ và trẻ em).

– Viêm thực quản: Có dị vật vướng ở thực quản hoặc túi thừa thực quản.

Nấc cụt

Với thai nhi, nấc cụt là một phản xạ khá quan trọng khi còn ở trong bụng mẹ. Nó giúp trẻ ngăn chặn việc hít phải nước ối.

Với trẻ em và người lớn, bình thường, triệu chứng nấc cụt không phải là bệnh lý, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài, quá 48 giờ, tái phát theo chu kỳ, nên đến bác sĩ.

Nếu nấc cụt kéo dài, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe do mất ngủ, kiệt sức, sút cân. Các nghiên cứu cho rằng, nấc cụt kéo dài có thể gây tổn thương đến vùng đầu, ngực và bụng. (Ngược lại, khi có tổn thương ở những vùng này, cũng sẽ gây triệu chứng nấc cụt kéo dài).

Tình trạng thường xuyên nấc cụt cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý. Bạn có thể sẽ cảm thấy xấu hổ nếu cứ “ức, ức” liên tục khi đang ở chỗ đông người. Đó là chưa kể công việc, câu chuyện của bạn có thể bị gián đoạn khi bạn nấc cụt và phải mất thời gian để tìm cách giải quyết tạm thời.

Các chuyên gia y tế cho rằng nguyên nhân gây nấc cụt chủ yếu do ăn uống quá nhanh, ăn nhiều thực phẩm nóng quá hoặc lạnh quá, ăn thức ăn cay, uống nước có gas, uống rượu bia, các cơn ho… Lúc này, dạ dày bị căng trướng và gây kích thích thần kinh phế vị cơ hoành.

Nấc cụt cũng có thể xảy ra sau khi sử dụng một số loại thuốc kích thích giảm đau mạnh hay do thiếu vitamin. Các trạng thái tâm lý như cười, khóc cũng khiến cơn nấc cụt xảy ra.

Nhiều người cho rằng các khối u hay bệnh lý ở cật cũng là nguyên nhân đưa đến tình trạng nấc cụt, dù rất hiếm khi xảy ra. Vì vậy, người bị nấc cụt thường xuyên cần đi khám bệnh nếu xuất hiện thêm triệu chứng mới như: đau bụng, ói, ợ nóng, tiêu chảy hoặc táo bón. Với trẻ sơ sinh, nếu bé bị nấc cụt kéo dài, bạn nên tìm hiểu xem bé có bị trào ngược dạ dày – thực quản, viêm phổi hay bị phản ứng thuốc hay không.

M. Tâm
Tạp chí Sức Khỏe

Posted in: Bạn cần biết