Ngành Tim mạch VN – Những dấu ấn mạnh mẽ!

  1. Thưa GS.TS.BS Đặng Vạn Phước, Tim mạch học là ngành y khoa có những bước tiến nhanh chóng và mạnh mẽ trong cả nghiên cứu lẫn thực hành với nhiều phương pháp, kỹ thuật, xu hướng điều trị mới ra đời hàng năm. Theo GS, những bước tiến ghi dấu ấn mạnh mẽ nhất của Hội Tim mạch VN nói chung và Hội Tim mạch TPHCM nói riêng trong lĩnh vực tim mạch học là gì?

Tim mạch học là một trong những ngành y khoa tiến bộ vừa nhanh, vừa mạnh mẽ trong cả thực hành lẫn nghiên cứu, với rất nhiều phương pháp kỹ thuật và xu hướng điều trị mới, diễn ra nhanh chóng hàng năm.

Xu hướng chung của Tim Mạch học đạt được gồm 2 hướng: Hướng thứ nhất là hướng trở ngược lại đến mức phân tử, những nghiên cứu, những thăm dò tìm ra quy luật bệnh tật ở mức độ phân tử, tế bào để trên cơ sở đó tìm ra các biện pháp can thiệp điều trị bệnh. Ví dụ giải quyết những vấn đề khác biệt trong tế bào, những sự biến đổi gen, trên cơ sở đó tìm được những bệnh lý hoặc là những cơ chế bệnh mà trước kia người ta không biết được. Hơn nữa đối với những cơ chế bệnh mới tìm ra được, người ta có thể nghĩ đến những biện pháp can thiệp điều trị, ví dụ như là can thiệp điều trị gen, hoặc là tác động sử dụng tế bào gốc trong điều trị. Đó là hướng rất sâu, có những tiến bộ rất lớn. Tuy nhiên, còn phải chờ đợi nhiều những thử nghiệm lâm sàng rất kỹ lưỡng và khoa học trước khi áp dụng rộng rãi trên con người. Hướng thứ hai đó là giải quyết những vấn đề thực tế trên các bệnh lý về tim mạch, nghiên cứu rất kỹ về cơ chế bệnh sinh, các đường dẫn đến bệnh tật liên quan. Trên cơ sở đó cũng có rất nhiều những khám phá mà người ta tác động để ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh lý tim mạch, ví dụ như điều trị mỡ trong máu, điều trị thật tốt đái tháo đường, phát hiện và điều chỉnh các yếu tố nguy cơ tim mạch. Đây là những tiến bộ về phía nghiên cứu bệnh lý tim mạch. Ngoài ra còn phải kể đến những tiến bộ về thuốc men, ví dụ như đối với tăng huyết áp, đó là những thuốc mới, càng ngày càng tốt hơn, điều trị càng hiệu quả hơn, ít tác dụng phụ hơn, khả năng dung nạp của bệnh nhân tốt hơn. Riêng với bệnh lý mạch vành, thì những nghiên cứu và những tiến bộ về kỹ thuật can thiệp như nong động mạch vành và phát triển các kỹ thuật đặt stent. Những kĩ thuật đó càng ngày càng được cải tiến tinh tế hơn, ít biến chứng hơn, các chất liệu để làm các giá đỡ (stent) đó ngày càng phát triển, các stent được tẩm thuốc để chống lại tình trạng tái hẹp trong stent. Thậm chí người ta còn nghĩ đến stent đặt vào một thời gian sẽ tự tiêu trong cơ thể. Những tiến bộ của các dụng cụ về phẫu thuật để sửa những dị tật bẩm sinh, như lỗ thông giữa các buồng tim, hoặc tồn tại của những mạch bất thường ở trẻ em, những bệnh lý của người lớn tuổi van động mạch chủ bị vôi hóa, các động mạch bị giãn ra, bị phình lên…

Bên cạnh việc phát triển các phương pháp phẫu thuật kinh điển vẫn có tác dụng thì y học hiện đại xu hướng chọn biện pháp ít xâm lấn hơn là các cuộc phẫu thuật lớn. Vì những cuộc phẫu thuật lớn đòi hỏi phải mở lồng ngực rất phiền phức, phải chạy máy tim phổi ngoài cơ thể, vì vậy cho nên hậu phẫu rất nặng nề, bệnh nhân phải nằm nhiều ngày, rất nhiều biến chứng, đặc biệt nếu áp dụng cho người già. Phẫu thuật và thủ thuật ít xâm lấn là hướng phát triển mạnh mẽ trong khoa học kỹ thuật hiện đại trên thế giới, ví dụ mổ bắc cầu động mạch vành bằng nội soi, thay van động mạch chủ bằng ống thông qua da…

Về ngành Tim Mạch học ở VN, khoảng 20 – 30 năm nay, với sự giao lưu, hội nhập trên thế giới, sự giao lưu với các nền khoa học khác, thầy thuốc được gửi đi học hoặc gửi đi các hội nghị quốc tế khá đều đặn hàng năm, qua đó cập nhật rất sớm các kỹ thuật mới, không thua kém gì những vấn đề mới trên thế giới. Chúng ta đã mở rộng các mạng lưới để can thiệp ngoại khoa cho các bệnh tim bẩm sinh, các bệnh tim mắc phải ví dụ như là hẹp van 2 lá hậu thấp, mổ bắc cầu động mạch vành. Bác sĩ VN chúng ta rất khéo tay, vì vậy khi chuyển sang các thủ thuật thông tim qua mạch máu không còn phải phẫu thuật nữa mà chúng ta sử dụng các ống thông về làm các thủ thuật qua da để can thiệp thay van động mạch chủ, thay van 2 lá, đóng các lỗ thông… được phát triển rất tốt ở một số các trung tâm lớn như ở Hà Nội, Huế, TP.HCM.

  1. Bệnh tim mạch đã và đang là vấn đề sức khoẻ được quan tâm trên thế giới với tỷ lệ tử vong và tàn phế đứng hàng đầu. Bệnh lý tim mạch hiện nay chính là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống con người trong xã hội hiện đại, trở thành gánh nặng lớn đối với cộng đồng và ngành y tế. Những vấn đề bệnh lý nào đang thật sự là nỗi thách thức với ngành Tim mạch học hiện nay, thưa GS?

Hoàn toàn chính xác vì tim mạch đã và đang là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trên thế giới, là nguyên nhân tử vong hàng đầu. Trong đó phải kể đến tăng huyết áp là nguyên nhân gây tử vong chính trong các nguyên nhân tim mạch. Một năm theo thống kê có khoảng 16 triệu người chết vì bệnh tim mạch thì riêng tăng huyết áp chiếm khoảng 7,5 triệu người. Bệnh chia ra làm 3 nhóm chính: các bệnh tim mạch tăng huyết áp, bệnh lý động mạch vành (hay còn gọi là bệnh tim thiếu máu cục bộ) là bệnh gây ra nhiều nhất, còn lại là các bệnh lý số lượng không nhiều và càng ngày xu hướng càng ít đi (bệnh lý tim bẩm sinh, những bệnh lý về bệnh van tim do thấp tim…). Ngoài ra, bệnh đái tháo đường cũng đang gia tăng rất nhanh trên thế giới. Ở VN, nếu tỉ lệ cách đây 10 năm chỉ độ 0.6 – 0.8% dân số, thì bây giờ những số thống kê mới cho thấy tỉ lệ mắc bệnh đái tháo đường trong dân số là 6%. Đây là con số chứng tỏ bệnh rất phổ biến gần như sắp trở thành một bệnh xã hội. Đái tháo đường lại có một đặc điểm là khi người bệnh đái tháo đường được phát hiện thường 50% bệnh nhân đã có bệnh tim mạch và có 3/4 bệnh nhân đái tháo đường chết do nguyên nhân tim mạch.

  1. “Điều trị tim mạch Việt Nam giỏi ngang tầm quốc tế”- Đó là nhận định của các chuyên gia đầu ngành về tim mạch trong và ngoài nước tại các Hội nghị tim mạch của VN. Là Chủ tịch Hội Tim mạch VN, GS nhận xét như thế nào về trình độ tay nghề, CSVC cho việc điều trị tim mạch ở VN hiện nay?

Gần đây, do giao lưu và hội nhập với các nước khác trong khu vực cũng như một số các nước trên thế giới, thông qua các hội nghị quốc tế cũng như cơ hội giao lưu với các chuyên gia quốc tế trong các hội thảo hội nghị lớn ở VN, chúng ta đã có dịp nắm bắt tình hình tim mạch trên thế giới, các BS có cơ hội trình bày các kết quả điều trị các bệnh tim mạch ở VN. Ví dụ như các hội nghị quốc tế của các vùng xung quanh như là châu Á – Thái Bình Dương, vùng Đông Nam châu Á. Chúng ta cũng có một số các BS chuyên gia được mời sang những Viện, Bệnh viện ở nước ngoài như là Thái Lan, Singapore, Phillipine trong những hội thảo, những khóa đào tạo của họ trong các vấn đề phẫu thuật về các bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh hoặc can thiệp mạch máu.

Về cơ sở vật chất, so với 20 – 30 năm trước, chúng ta đã có những tiến bộ rất đáng kể. Nhiều bệnh viện như BV Bạch Mai, Viện tim TW, Viện tim HN, BV ĐH Huế, BV Viện tim Huế, BV Chợ Rẫy, Viện tim TP, BV ĐHYD đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại. Với chủ trương triển khai kỹ thuật về các tỉnh, một số bệnh viện tỉnh lớn như Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Khánh Hòa… cũng đã được triển khai và bắt đầu hoạt động tốt.

  1. Năm 2018 là năm đánh dấu chặng đường 10 năm hình thành và phát triển Khoa Y ĐHQG-HCM với nhiều sự kiện quan trọng trong công tác đào tạo. Đây là năm đầu tiên, cũng là đơn vị đầu tiên mở rộng đối tượng xét tuyển ngành Y Khoa chất lượng cao cho sinh viên đã tốt nghiệp chuyên ngành gần nhóm ngành khoa học sức khỏe từ các trường thành viên của ĐHQG-HCM như: Công nghệ sinh học, Sinh học, Hóa sinh, Kỹ thuật Y sinh… Đây là nét đặc thù của đào tạo y khoa ở các nước tiên tiến, nhưng rất mới ở VN. Cụ thể như thế nào và có ý nghĩa ra sao, thưa GS?

Cảm ơn Tạp chí Sức Khỏe đã biết được những thông tin rất mới về vấn đề này. Đó là hình thức đào tạo y khoa đặc thù ở các nước tiên tiến trong các trường ĐH đa ngành, đa lãnh vực; trong rất nhiều ngành đó, bao giờ cũng có ngành khoa học sức khỏe, hay chúng ta gọi là ngành Y. Theo đó, bao giờ đầu vào cũng có sử dụng những người đã tốt nghiệp các ngành trong ĐH gần với ngành khoa học sức khỏe để những sinh viên đó muốn học tiếp trở thành BS. Đối với các nước đó là chuyện bình thường, nhưng ở chúng ta từ trước đến nay hoàn toàn không có. Khoa Y ĐHQG có lẽ là cơ sở đào tạo đầu tiên có ý tưởng này. Chúng tôi cũng đã có tuyển sinh trong năm vừa rồi, vì công việc thông tin truyền thông chưa đủ nên số các bạn tham gia tuyển sinh chưa nhiều. Trong đào tạo y khoa nói chung trên thế giới thường đào tạo từ nguồn học sinh PTTH, rồi sau đó có 2 cách đào tạo. Một là cách đào tạo rất kinh điển, chúng ta gọi là các chương trình đào tạo truyền thống của các nước châu Âu và các nước khác, họ sẽ đào tạo từ 5 cho đến 6 năm hoặc là 7 năm. Đào tạo trong trường Y khoa với những môn cơ bản về khoa học, về y học, sau đó thì học những môn về lâm sàng và cuối cùng tốt nghiệp ra BS. Việc đào tạo từ trước đến nay vẫn rất tốt, vẫn đào tạo ra rất nhiều các BS và nếu tiếp tục họ có thể thi tuyển nội trú, họ đi thực hành và họ sẽ trở thành những BS rất giỏi. Tuy nhiên, khi khoa học kỹ thuật bắt đầu phát triển như vũ bão, nhất là khoa học công nghệ ngày càng phát triển, rất nhiều các máy móc từ đơn giản cho đến phức tạp, cùng với ngành điện toán, việc điều trị, chẩn đoán cho bệnh nhân phụ thuộc vào các máy móc, đòi hỏi người BS ra trường phải có những kiến thức về kỹ thuật rất tốt mới khai thác được. Điều này dẫn tới một hiện tượng, các BV mua các máy càng hiện đại càng tốt, đương nhiên càng mắc tiền, nhưng những người BS chuyên ngành đó thực tế không đủ khả năng để đáp ứng được. Vì vậy, ở các nước, sẽ có những ngành đào tạo ra những người đã tốt nghiệp những ngành kỹ thuật nhưng có ham muốn trở thành BS. Qua đó, đào tạo ra một BS có nền tảng kỹ thuật rất vững vàng. Các bạn trẻ đã chuẩn bị tốt nghiệp hoặc đã tốt nghiệp các ngành khác và còn có ý định muốn học thêm ngành y, các bạn hãy tìm hiểu việc chiêu sinh này của khoa Y – ĐHQG.  Điều này sẽ giúp rất nhiều cho ngành Y, đặc biệt là vấn đề phát triển khoa học kỹ thuật cũng như trang bị máy móc cho các cơ sở đào tạo, điều trị, các viện nghiên cứu.

  1. Thưa GS, là Trưởng Khoa Y ĐHQG-HCM, trong số những mục tiêu đặt ra trong 5 năm tới, có mục tiêu hoàn thiện đề án quy hoạch Bệnh viện Thực hành. GS có thể chia sẻ thêm về đề án này?

Đúng, Khoa Y- Đại học Quốc Gia TP.HCM hình thành vào năm 2009. Năm nay là kỉ niệm 10 năm thành lập, là trường trẻ nhất trong tất cả các trường ở VN. Nói về vấn đề thực hành thì chúng tôi đã đặt ra ngay từ đầu, có nghĩa là cách đây cũng 10 năm rồi. Vấn đề thực hành chiếm một phần rất quan trọng, bởi đối với ngành Y thì việc học nghề là chính. Muốn phục vụ người bệnh, không có cách nào khác là phải thực hành, phải được cầm tay chỉ việc, phải có thầy chỉ cho thế nào là vàng da, thế nào là bụng mềm, thế nào là bụng cứng, thế nào là tim to, thế nào là tiếng tim bất thường… Chưa kể là những kỹ năng giao tiếp với người bệnh nhân, hỏi bệnh, chăm sóc người bệnh, những kỹ năng tiếp xúc với bệnh nhân, giải thích về bệnh tật, về thuốc men, điều trị… Đối với khoa y của đại học quốc gia hiện tại việc thực hành tạm thời được thực hiện tại các bệnh viện lớn của thành phố như Chợ Rẫy, bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi Đồng và một số bệnh viện khác. Đại học quốc gia TPHCM đang tìm nguồn lực để xây dựng bệnh viện thực hành trên mảnh đất khoảng 20 hecta, nằm trong khuôn viên của đại học quốc gia, đó là cơ cấu giống như mô hình của thế giới, mô hình Trường – Viện. Bệnh viện thực hành là giấc mơ của các thế hệ Thầy trò các trường Y.

  1. Từ năm học 2018 – 2019, khoa Y ĐHQG sẽ theo đào tạo theo hình thức chất lượng cao: Khoảng 40% khối lượng kiến thức được giảng dạy bằng tiếng Anh, trải đều từ khối đại cương, y cơ sở và thực tập lâm sàng tại bệnh viện. Khoa đã chuẩn bị điều này như thế nào cho cả giảng viên và sinh viên, thưa GS?

Đây là một câu hỏi cũng rất hay, nhưng cũng rất là nhạy cảm, nhất là với khái niệm “chất lượng cao”.  Như chúng ta biết hiện nay học phí ở các trường đại học công lập là học phí mang tính chất tượng trưng, hoàn toàn không thể tương xứng với những phí tổn tối thiểu, cần thiết. Điều đó đã hạn chế rất nhiều sự phát triển của những trường đại học và chính vì vậy người ta phải tìm cách làm sao phải nâng lên. Muốn nâng lên thì phải tăng thu nhập. Muốn tăng thu nhập thì phải lấy học phí cao hơn, mà muốn lấy học phí cao hơn thì không thể nói các chương trình đại trà giống cũ được, vì vậy mới có chương trình chất lượng cao. Nhưng mà giải quyết vấn đề giữa cái cũ và chất lượng cao bằng cách nào? Tăng cường những yếu tố phần mềm, Anh văn nhiều hơn, mời thầy dạy bằng Anh văn nhiều hơn, có các lớp tiếng Anh chuyên ngành và một số các buổi học riêng. Thay vì học 70, 100 sinh viên, giờ các em học riêng 30 sinh viên. Thảo luận nhóm thì 5- 6 người chứ không phải là 10 người. Để giải quyết thì chúng tôi mở rộng các quỹ học bổng cho các em đỗ cao, hỗ trợ phần học phí. Chất lượng cao là đưa tăng cường thêm tiếng Anh vào chương trình, chủ yếu tập trung vô năm 1, 2, học thêm ngoại ngữ chuyên ngành, giao lưu với trường khác như cử sinh viên sang nước ngoài, nhận sinh viên từ Úc, Hàn, Nhật… trong hè. Nhưng theo ý kiến của các Thầy trong khoa đều cho rằng, những cải tiến, bổ sung nêu trên không phải là điều cốt lõi trong việc nâng cao chất lượng đào tạo trong Y khoa.

  1. Khoa Y, ĐHQG cũng là đơn vị mạnh dạn áp dụng chương trình đào tạo theo mô đun tích hợp (tích hợp giữa kiến thức cơ bản với các tình huống lâm sàng, tập trung vào phương pháp học nhóm nhỏ giúp sinh viên hình thành khả năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, truyền đạt ý tưởng) được trường Đại học Y Khoa Vienna (Áo) hỗ trợ thực hiện. Đây được xem là giải pháp đổi mới trong đào tạo bác sĩ. Cụ thể, sẽ như thế nào, thưa GS?

Đây là một vấn đề rất lớn. Phần lớn các chương trình đào tạo trong nước hay tại châu Âu hoặc Úc và một số ít ở Mỹ sử dụng các chương trình cổ điển. Các chương trình cổ điển này thường 5, 6 năm hoặc 7 năm. Bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu là tiền lâm sàng. Trong hai năm đầu tại y khoa, sinh viên sẽ học các kiến thức cơ bản liên quan tới cấu tạo, giải phẫu và sinh lý cơ thể con người, sau đó sinh viên sẽ học chuyển qua giai đoạn lâm sàng, thường là năm 4,5,6. Điều đó có một nhược điểm rất lớn là có một sự tách biệt giữa môn học trên lý thuyết và thực hành. Sự tách biệt này đã làm cho kiến thức của sinh viên không được liên tục. Chương trình modun hoá là chương trình tích hợp lại những điều đó. Nghĩa là khi dạy những vấn đề cơ sở, lý thuyết liên quan tới giải phẫu và sinh lý bình thường, người ta đã lồng ghép những kiến thức về sự bất thường hoặc các thay đổi do bệnh tật gây ra… Có như vậy sinh viên sẽ có khái niệm về sự liên quan biện chứng, nhân quả và thấy được sự thiết tha trong học tập các môn học cơ sở, thường là khô khan và hình như không liên quan tới nghề nghiệp, chẩn đoán, chữa bệnh… Hơn nữa, chương trình còn thiết kế để tới khi sinh viên đi thực tập lâm sàng ở giai đoạn cuối (năm thứ 5, 6) vẫn có dịp được bổ sung các kiến thức cơ sở liên quan tới những tiến bộ trong nghiên cứu cơ bản.

Đây là chương trình được cải tiến trên thế giới và dần dần các trường trên thế giới, kể cả những trường cổ điển cũng đang có xu hướng áp dụng ngày càng rộng rãi. Khoa Y Đại học Quốc gia TP.HCM hiện là trường đào tạo Bác sĩ, duy nhất đã áp dụng chương trình này được 10 năm, và đã có 3 khóa sinh viên tốt nghiệp. Ngoài ra Khoa Y đang áp dụng phương pháp gọi là Problem Base Learning, học dựa theo vấn đề. Thay vì trình bệnh một cách thụ động, có những ca bệnh tự sinh viên thảo luận nhóm với nhau để tìm ra các vấn đề chính. Sau đó, sinh viên phải lên website, tham khảo các sách, trình bày tranh luận với nhau. Tư duy tự phản biện, không bị áp đặt giúp cho sinh viên cách tự giải quyết vấn đề.

  1. Thưa GS, được biết, GS tiếp nối truyền thống nghề Y từ người cha của mình, Giáo sư Đặng Văn Chung – Bác sĩ nội khoa tiêu biểu của nền y học Việt Nam. Ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Y – Dược, được phong tặng Danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân. Những điều mà GS đặc biệt ấn tượng khi nhắc đến người Cha, người Thầy của mình là gì ạ?

GS Đặng Văn Chung

Giáo sư Đặng Văn Chung được coi là bác sĩ nội khoa tiêu biểu của nền y học Việt Nam và đặc biệt là tạo ra ngành nội khoa và truyền thống của ngành nội khoa (bên cạnh ngành ngoại khoa có giáo sư Tôn Thất Tùng). Các cụ là những người được đào tạo ở trường đại học Y khoa Hà Nội, sau đó thi bằng thạc sĩ ở bên Pháp và trở về nước được tiếp tục đào tạo ở trường đại học Y Dược Hà Nội và thực hành tại bệnh viên Bạch Mai. Cụ đã tạo ra một ngành nội phát triển, lớn mạnh cho đến bây giờ. Là người cha trong gia đình, cụ rất gương mẫu, rất độ lượng với con cái và đặc biệt là khuyến khích con cái học hành mà không áp đặt. Trong nhà tôi có tất cả 7 anh chị em, một người chị là bác sĩ, cũng đỗ rất cao. Tôi và cô em út cũng là bác sĩ nội khoa. Cụ là người sống rộng lượng, gương mẫu trong tất cả mọi chuyện đối với con cái và thương yêu gia đình. Cụ luôn tôn trọng những bữa cơm trong gia đình. Trong những bữa cơm, qua những câu chuyện về các bệnh nhân, những ca chữa thành công, thất bại… tôi đã học được rất nhiều kinh nghiệm. Với vai trò người thầy, cụ vừa là thầy thuốc, vừa là thầy giáo đúng nghĩa. Cụ là người rất là say mê nghề y từ thời trai trẻ, sẵn sàng truyền đạt lại tất cả những gì mình học được, mình kiểm chứng được, làm sao cho dễ hiểu nhất cho học trò của mình. Thầy quan niệm truyền tải kinh nghiệm không phải là chuyện phô trương kiến thức mà là phải làm sao truyền những điều tinh tuý nhất. Hơn nữa là luôn luôn phải biết đối tượng người dạy của mình là ai, để có cách dạy phù hợp với đối tượng. Những nguyên tắc sư phạm đó cũng trở thanh nguyên tắc rất quan trọng đối với tôi sau này. Tinh thần yêu nghề, học hỏi của cụ phải nói là tuyệt vời. Lớn tuổi rồi vẫn đọc sách. Sáng dạy 5h vẫn chong đèn đọc sách, ghi chép. Cụ lớn tuổi rồi, mắt kém, vẫn luôn cập nhật những vấn đề mới khi đọc. Tám mươi mấy tuổi vẫn đọc sách hàng ngày, chữ nhỏ quá thì dùng thêm kính lúp, vẫn đi dạy, vẫn khám bệnh, điều trị bệnh nhân. Đấy là một tấm gương lớn về tinh thần yêu nghề.

  1. Được biết, ngoài những đóng góp lớn lao cho ngành Tim mạch học, GS đã cũng công bố 120 bản thảo, 8 cuốn sách, và 14 đề tài về y khoa. 1 ngày của GS đã bắt đầu và kết thúc như thế nào, chắc là nhiều độc giả của SỨC KHỎE cũng đang tò mò về điều này? Mùa xuân đã về trên khắp quê hương. GS muốn dành lời chúc nào cho các độc giả của SỨC KHỎE?

Bây giờ về hưu rồi nhưng công việc của tôi cũng còn rất nhiều. Ở khoa Y Đại học Quốc Gia, tôi tham gia điều hành trong ban chủ nhiệm, giảng dạy, từ năm thứ 2 đến năm thứ 6, Tôi vẫn là cố vấn cho ngành Nội của Bệnh viện Đại học Y Dược. Với những ca khó, ca cần hội chẩn, ca có biên bản phải kiểm thảo tử vong hoặc cần phải hội chẩn chuyên ngành để chuyển viện đi… tôi sẽ chủ trì; tham gia các hội đồng khoa học kỹ thuật, hội đồng Y Đức, chấm luận văn tiến sĩ, duyệt qua các đề tài nghiên cứu, phổ biến các vấn đề của hội thảo quốc tế về vấn đề điều trị đặc biệt trong vấn đề tim mạch…

Qua tạp chí Sức Khoẻ, tôi gửi đến tất cả độc giả, các bác sĩ, các sinh viên liên quan đến ngành y và những người đang quan tâm đến vấn đề về sức khỏe, những lời chúc tốt đẹp nhất, một năm mới an khang thịnh vượng, may mắn và luôn luôn thành đạt trong công việc của mình.

 

Xin cám ơn GS. Kính chúc GS.TS. BS Đặng Vạn Phước và gia đình một năm mới Sức khỏe – Hạnh phúc.

Kim Ánh

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Posted in: Bạn cần biết