Lòng mẹ bao la như biển thái bình

Nhiều tác phẩm văn thơ, âm nhạc đã ca ngợi tình thương yêu, tấm lòng của người mẹ. Biết bao nhiêu mỹ từ, biết bao nhiêu giấy bút đã nói về tình yêu thương, đức hy sinh của người mẹ dành cho con, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ để có thể miêu tả hết được.

Bởi sự hy sinh ấy không chỉ là “thao thức bao đêm trường để con yên giấc” hay “chỗ ướt mẹ nằm chỗ ráo con lăn”, mà sự hy sinh ấy cả về thể chất, tinh thần lẫn những sở thích, cuộc sống cá nhân. Chúng ta sẽ phân tích một vài hy sinh ấy để hiểu hơn về lòng mẹ.

Hy sinh về “nhan sắc” Khi mang thai người phụ nữ có rất nhiều thay đổi để phù hợp với sự phát triển của một “sinh linh” trong cơ thể của mình suốt 9 tháng 10 ngày, trong đó sự thay đổi bề ngoài là điều thấy rõ nhất và đáng sợ nhất với “phái đẹp”. Nhiều mẹ bầu thay đổi đến nỗi không thể nhận ra được chính mình. Không ít người nói rằng, “khi mang thai không chỉ là thay đổi mà là sự biến dạng”. Sự thay đổi ấy ảnh hưởng khá trầm trọng đến nhan sắc của người phụ nữ.

Tăng cân: Tăng cân là điều mà phụ nữ rất sợ, sợ mất form dáng, sợ mất vòng hai. Vậy mà khi mang thai những điều sợ ấy gần như biến mất, mà chuyển hướng sang sợ không tăng cân, sợ con không lớn, sợ con không khoẻ,..

Những vấn đề về da: Người ta hay nói “nhất dáng nhì da, thứ ba đến khuôn mặt”, khi mang thai sự tăng cân với cái bụng to dần đã làm mất đi cái “thứ nhất”. Nội tiết của thai kỳ đã làm cho da của người phụ nữ bị sạm, tăng sắc tố và nám da vùng mặt. Ngoài ra sự tăng cân quá nhanh, cộng với sự thay đổi về nội tiết tố làm da vùng bụng, đùi, bẹn, ngực xuất hiện những vết rạn. Những thay đổi trên da đôi khi sẽ tồn tại mãi như một dấu ấn của thai kỳ, không biến mất sau sanh như những vết rạn. Nội tiết tố của thai kỳ còn làm cho da nổi nhiều mụn, dị ứng, chàm,… Tóm lại để có được bào thai và sinh con thì cái “nhất, nhì hay ba” ít nhiều đều mất và nét đẹp của người phụ nữ cũng xa dần. Vậy nhưng, người phụ nữ nào cũng sẵn sàng hy sinh để được làm mẹ.

Hy sinh về thân thể

Khi mang thai, những thay đổi bên trong đôi khi không nhìn thấy trước mắt, nhưng ảnh hưởng đến sức khoẻ lâu dài của người phụ nữ. Nhiều chị em phụ nữ than phiều sau mỗi lần mang thai và sinh con, sức khoẻ giảm đi rất nhiều.

Thiếu canxi: để cho sự phát triển của thai nhi, đặc biệt sự hình thành và phát triển hệ thống xương, nhu cầu bổ sung canxi cho người phụ nữ mang thai là 1500 – 2000mg/ ngày. Nếu không bổ sung đủ, canxi sẽ được lấy từ xương của người mẹ và hậu quả là tình trạng loãng xương, gãy xương bệnh lý, đau lưng và các khớp, sâu răng, mẻ răng, nha chu,… ở người phụ nữ mang thai và sau sanh.

Thiếu máu: sự tạo máu của thai nhi cần sắt, acid folic, vitamine B6… Nếu không cung cấp đủ, người mẹ sẽ bị thiếu máu thiếu sắt. Đặc biệt khi sanh người phụ nữ mất một lượng máu đáng kể (200-500 ml). Tất cả những điều này khiến người phụ nữ dễ mắc bệnh thiếu máu và những hệ quả của thiếu máu (mệt mỏi, chóng mặt, da xanh xao, xỉu, móng tay dễ gãy, rụng tóc, suy tim,…).

Giảm sức đề kháng: Để có thể giữ được thai nhi suốt 9 tháng 10 ngày, hệ thống miễn dịch của người phụ nữ thay đổi nhiều và giảm sức đề kháng nên rất dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng. Một số bệnh lý sẽ xuất hiện khi mang thai như dị ứng, đái tháo đường, giảm tiểu cầu,…. ảnh hưởng lên sức khoẻ lâu dài của người phụ nữ.

Những sang chấn khi mang thai và sanh: có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ, chất lượng cuộc sống người phụ nữ sau này như đau vùng chậu  mãn tính, són tiểu, són phân, sa tử cung, giảm ham muốn tình dục, đau khi quan hệ,…

Hy sinh về tinh thần

Những thay đổi nội tiết trong thai kỳ, cộng với những lo lắng cho thai nhi, đã khiến người phụ nữ dễ bị rối loạn về tâm trạng từ nhẹ (hay mệt mỏi, căng thẳng, dễ cáu gắt) đến trầm cảm và thậm chí loạn thần. Những rối loạn về tâm trạng có thể trở nên nặng nề do những nỗi lo lắng, ám ảnh của mang thai và sanh con:

Những rối loạn trong thai kỳ: Không ít phụ nữ khi mang thai, những rối loạn trong thai kỳ khá nặng nề và là nỗi ám ảnh trong suốt quá trình mang thai như nghén nặng. Bên cạnh là những bệnh lý, biến chứng trong thai kỳ như sảy thai, sanh non, nhau tiền đạo, tiền sản giật, dị ứng,….

Nỗi ám ảnh của cuộc sanh:

Khi sanh, những cơn đau của chuyển dạ (có thể kéo dài 24 giờ) có thể là một stress cực mạnh đối với người phụ nữ. Ngoài ra, những tai biến của cuộc sanh như băng huyết, vỡ tử cung, ngạt,… có thể là một nỗi ám ảnh suốt cuộc đời người phụ nữ.

Nỗi sợ ám ảnh về việc nuôi con:

Sinh con là một khó khăn, gian nan, mang nặng đẻ đau, nhưng nuôi con khôn lớn còn vô vàn nỗi lo cho người mẹ: nào lo hết thuốc tiêm ngừa, lo sao có đủ sữa cho con, lo con bệnh, lo con không thông minh khôn lớn… và hàng trăm mối lo khác. Tất cả những áp lực ấy có thể làm cho người mẹ trở nên trầm cảm, tiều tuỵ.

Đe doạ đến tính mạng

Như ông bà xưa có câu “chửa là cửa mả” nên đôi khi những tai biến của mang thai và sinh con có thể nặng nề đe doạ đến tính mạng của người phụ nữ: thuyên tắc ối, tiền sản giật, sản giật, bệnh cơ tim chu sinh, đái tháo đường trong thai kỳ, thuyên tắc huyết khối, băng huyết sau sanh,…

Như vậy, sự hy sinh của người mẹ đó là sức khoẻ, sắc đẹp, tuổi thanh xuân, là “banh da xẻ thịt” để thai nhi ra đời và đôi khi là cả tính mạng của mình. “Lòng mẹ bao la hơn biển Thái Bình”. Làm con, chúng ta hãy biết điều đó và hãy làm sao để mỗi ngày của mẹ luôn là một ngày vui và mỗi mùa xuân đến, lại được mừng tuổi mẹ.

ThS. BS Lê Văn Hiền

– PGĐ Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc

Posted in: Bạn cần biết