Lợi ích từ thực phẩm có vị đắng

Sức Khỏe – Thực phẩm thường có 5 vị phổ biến là ngọt, mặn, chua, cay và đắng. Tuy ít được ưa chuộng so với các vị còn lại nhưng hiện nay, lợi ích về sức khỏe từ các thực phẩm có vị đắng được ghi nhận ngày càng nhiều.

Sự pha trộn của các vị ngọt, mặn, chua, cay và đắng trong bữa ăn mang lại hương vị ngon đặc biệt cho thức ăn. Tuy nhiên, thực phẩm có vị đắng thường ít được ưa chuộng dù thực tế, nó cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Thức ăn có vị đắng chống táo bón (như rau đắng, mướp đắng...).
Thức ăn có vị đắng chống táo bón (như rau đắng, mướp đắng hay còn gọi là khổ qua…).

Đắng, nhiều công dụng tốt

Dưới đây là một số công dụng cho sức khỏe của những thực phẩm có vị đắng:

– Giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn: Công dụng này là bởi thức ăn có vị đắng có tác dụng kích thích hoạt động của dạ dày cũng như làm tăng tiết mật và một số enzyme tham gia quá trình tiêu hóa thức ăn của cơ thể.

Ngoài ra, thức ăn có vị đắng còn giúp điều hòa nhu động ruột (như nghệ tươi – nghệ vàng); chống táo bón (như rau đắng, mướp đắng…).

– Giúp thức ăn để lại hương vị lâu nhờ một số chất có trong thực phẩm như chất caffeine trong cà-phê, chất terpenoid có trong rau củ mà đại diện là khổ qua (mướp đắng) hay chất theobromin có trong ca-cao…

– Tạo cảm giác thèm ăn: Các chất có vị đắng, khi được ăn vào, tác dụng trực tiếp lên thần kinh vị giác gây tiết nước bọt, men tiêu hóa tạo cảm giác thèm ăn.

– Kích thích hệ thần kinh giúp tỉnh táo và giảm căng thẳng: Chất theobromin có trong ca-cao hay chất caffeine có trong cà-phê khi đưa vào cơ thể có thể kích thích hệ thần kinh.

– Tốt cho hệ tim mạch: Trong thành phần của một số thực phẩm có vị đắng có nhiều khoáng chất (như man-gan, đồng, can-xi, ma-giê, sắt, phốt-pho…) có tác dụng ngăn ngừa tăng huyết áp. Hay như trái cà tím, cà chua chứa chất có tác dụng điều hòa mỡ trong máu; trong chocolate có nhiều chất có tác dụng giúp cải thiện tim mạch, giảm đột quỵ…

Thức ăn có vị đắng còn giúp điều hòa nhu động ruột (như nghệ tươi - nghệ vàng)
Thức ăn có vị đắng còn giúp điều hòa nhu động ruột (như nghệ tươi – nghệ vàng)

– Tốt cho người bị rối loạn đường huyết, đái tháo đường: Trong khổ qua có chất charantin, có tác dụng tương tự insulin, giúp điều hòa đường huyết, có ích cho bệnh nhân đái tháo đường. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu còn ghi nhận ăn thực phẩm có vị đắng giúp giảm cảm giác thèm ăn đồ ngọt.

– Trà xanh, một loại thức uống có vị đắng, có nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe như tăng chuyển hóa trong cơ thể, qua đó giúp giảm ứ đọng mỡ và giảm cảm giác thèm ăn, nhờ đó hỗ trợ kiểm soát cân nặng.

– Tác dụng phòng ngừa ung thư: Theo các thầy thuốc Đông y, thực phẩm có vị đắng chứa nhiều vitamin và các chất chống lại ô-xy hóa mạnh như carotenoid, flavonoid (như cải xoăn, cà tím, khổ qua…) nên có thể giúp phòng ngừa ung thư.

Chất tạo có vị đắng trong bưởi có tên naringin hoặc chất quercetin có trong táo xanh, việt quất… có tác dụng chống viêm, ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư cũng như giúp cải thiện chức năng cho hệ tim mạch.

– Tác dụng giảm đau: Trong một số thực phẩm có vị đắng có hàm lượng vitamin C cao. Ngoài ra, thực phẩm có vị đắng cũng chứa nhiều chất có tác dụng kích thích hệ miễn dịch qua đó giúp làm giảm đau, giảm viêm và mau lành vết thương.

– Một số rễ, củ hoặc rau có vị đắng có tác dụng thanh lọc cơ thể thông qua làm sạch đường tiêu hóa. Thêm vào đó, thực phẩm có vị đắng có chứa các chất có gốc sulfur, một chất hỗ trợ quá trình thanh lọc cơ thể tự nhiên tại gan.

– Giúp cơ thể hấp thu tốt hơn các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D, E, K.

– “Làm mát” bên trong cơ thể và thải các độc tố trong cơ thể: Thực phẩm có vị đắng thường có tính hàn nên có thể làm mát cơ thể. Ngoài ra, có thể làm gia tăng tiểu tiện qua đó giúp cơ thể loại bỏ độc tố. Khổ qua nấu nước tắm có thể giúp giảm tình trạng nổi rôm sảy trên da của trẻ em.

Không nên lạm dụng

Thực phẩm đắng có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, việc tiêu thụ các thực phẩm đắng cũng cần lưu ý về mức độ, số lượng cũng như tình trạng sức khỏe. Cần có chế độ ăn đa dạng thực phẩm (không chỉ tập trung ăn nhóm thực phẩm có vị đắng) nhằm giúp cơ thể có được đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết.

Việc lạm dụng thực phẩm có vị đắng không hợp lý có thể gây rối loạn tiêu hóa: đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy… Trong hạt khổ qua có chất vicine, nếu ăn nhiều, có thể gây ngộ độc: đau bụng, tiêu chảy, thậm chí hôn mê.

Phụ nữ có thai, nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ, không nên ăn nhiều thực phẩm có vị đắng như khổ qua (nhất là hạt khổ qua), cần tây, rau ngót, rau răm… vì nếu ăn nhiều có thể gây co thắt tử cung, không tốt cho thai nhi, trường hợp nặng, có thể gây sẩy thai hoặc sinh non.

TS. BS. Lê Nguyễn Trung Đức Sơn
Giảng viên thỉnh giảng
ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP. HCM
Theo Tạp chí Sức khỏe

 

Posted in: Kiến thức dinh dưỡng