Quay cuồng trong guồng máy công việc, học hành nên ăn uống thất thường, bị chứng khó hấp thu hành hạ hay chỉ đơn giản là do thói khảnh ăn, nhiều người bỗng trở thành “chiếc mắc áo di động”, “que củi”…
Đến khi giật mình nhìn lại, họ lao vào một cuộc chiến tăng cân nhọc nhằn mà đôi khi không biết kết quả sẽ như thế nào.
Trong khi nhiều người khốn khổ để “cai” những cơn thèm ăn khiến họ tăng cân không kiểm soát thì ở một thái cực ngược lại, có những người đang “tuyệt vọng” vì cơ thể của họ mỏng manh, liêu xiêu. Chỉ cần một cơn gió nhẹ là đã có thể “cuốn” họ đi. Sự gầy gò khiến họ như bị thiếu sinh khí, kém tự tin, cơ thể uể oải, mệt mỏi và kèm theo một số hệ lụy khác.
|
Trong khi nhiều người khốn khổ để “cai” những cơn thèm ăn thì ngược lại, có những người đang “tuyệt vọng” vì cơ thể của họ mỏng manh, liêu xiêu.
|
Khi “chiếc mắc áo”, “que củi”, “mít-tờ Tôm”… tìm cách cải thiện số cân
Trong lần sang gia đình bạn trai dùng cơm, Lê Thị Thúy Hạnh, 26 tuổi, nhân viên công ty TS, Q.10, TP.HCM, hầu như cắn đũa cười gượng. Cô lúng túng vì trên bàn ăn có thịt lợn quay, canh chua cá điêu hồng, hẹ xào thịt bò, đều là những món cô không ăn được. Sau buổi ra mắt không suôn sẻ, tâm lý của Hạnh rất nặng nề, ấm ức. “Giờ biết làm sao, thân hình từ cha sinh mẹ đẻ ra đã thế”. Nhưng rồi thương người yêu, cô thể hiện quyết tâm bằng cách tích cực ăn uống.
Sau một tháng quyết tâm, Hạnh bỏ cuộc. Cô thấm thía nỗi gian truân của cuộc chiến tăng cân. Muốn mập phải ăn nhiều, ăn đồ béo, mà cứ ăn vào là y như rằng sẽ có chuyện. Hạnh liên tục bị tiêu chảy, bụng lúc nào cũng có vẻ lục ục không yên, thỉnh thoảng lại quặn đau. Rốt cuộc, mỗi lần từ “ngôi phòng nhỏ” bước ra là cô như muốn lả đi. Hạnh bế tắc thật sự khi “nhà bên kia” không chấp nhận cưới một cô con dâu thấp bé nhẹ cân chưa đầy 36kg. Lý lẽ của nhà bạn trai cô: “Ốm yếu quá, sợ nó không sinh con hay chăm sóc gia đình nổi”.
Âu cũng có lý do, vì các bác sĩ đã khuyến cáo phụ nữ mang thai có cân nặng dưới 45kg sẽ gặp nhiều nguy hiểm khi sinh nở.
Với Đình Trí, cậu sinh viên 21 tuổi, cao khoảng 1m7 nhưng chỉ nặng 43kg thì tình hình còn tệ hơn. “Cây tre miễu” là biệt danh từ nhỏ của cậu. Vốn cao, lại gầy, cậu cứ đi khòm lưng như con tôm nên vào đại học, cậu còn có thêm “nickname” nữa là “mít-tờ Tôm”. Nhiều lúc trước mặt những cô bạn xinh đẹp mà những người bạn trai của Trí cứ oang oang: “Ê, mít-tờ Tôm, chỉ tao cái này với…” làm cậu ngượng ngùng, xấu hổ không thể nào tả nổi.
Để cải thiện tình hình, cậu tự lên thực đơn đặc biệt cho mình. Mỗi bữa ăn luôn ứ hự, tràn trề các loại thịt, chả và thức ăn chiên xào. Đặc biệt, cậu rưới dầu mỡ lênh láng vào thức ăn, ăn xong là ngay lập tức nằm vật ra ngủ. Thế nhưng tình hình cũng chẳng cải thiện là bao. Cứ trưa ăn nhiều quá là y như rằng tối cậu lại không ăn nổi.
Người lớn bị suy dinh dưỡng: Vì sao?
Theo bác sĩ Đào Thị Yến Thủy, trong khi số lượng trẻ em đến khám vì suy dinh dưỡng có dấu hiệu giảm nhiều thì hiện tượng suy dinh dưỡng ở người lớn lại có dấu hiệu gia tăng.
Số bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM vì bị thiếu cân do kém hấp thu, stress, ăn uống thiếu cân bằng nhóm chất… chiếm khoảng 12 đến 15% tổng số người bệnh đến khám về các vấn đề dinh dưỡng nói chung. Đối tượng bệnh nhân rất đa dạng bao gồm từ công nhân, viên chức, nội trợ, người gặp vấn đề căng thẳng do công việc, cuộc sống. Thường họ chỉ đến khám sau một cơn bệnh làm cơ thể suy nhược, mệt mỏi. Họ rất dễ bị “đánh gục” bởi bệnh tật vì năng lượng dự trữ gần như không có và sức đề kháng yếu.
|
Đa số người thiếu cân thường có tâm lý dồn ép, cố ăn thêm để mong tăng cân.
|
Nguyên nhân khiến họ thiếu cân cũng khá đa dạng, nhưng có thể liệt kê như sau: Sinh hoạt không điều độ, thiếu kiến thức về dinh dưỡng, thiếu máu, giun sán, bệnh loét dạ dày, tá tràng, bệnh không hấp thu gluten (protein thực vật có nhiều trong các loại ngũ cốc), thiếu men tiêu hóa, tâm lý, công việc bận rộn dẫn đến tình trạng suy nhược kéo dài… Và những nguyên nhân này cũng là hậu quả mà người thiếu cân có thể gặp phải.
Bác sĩ Đào Thị Yến Thủy cũng cho biết: “Đa số người thiếu cân thường có tâm lý dồn ép, cố ăn thêm để mong tăng cân. Đây là một sai lầm. Thực tế tổng mức năng lượng trong ngày và trong tuần hấp thu được quan trọng hơn nhiều so với từng bữa một. Nghĩa là, một tuần ăn uống điều độ, đúng giờ, có tập thể dục nhẹ nhàng bao giờ cũng giúp cơ thể hấp thu tốt hơn so với việc cố ép ăn một bữa no nê, nặng bụng và không vận động gì để rồi bữa tối lại không ăn được gì”.
Muốn tăng cân: Tìm đúng nguyên nhân + kiên trì tuân thủ chế độ điều trị
Điều đáng nói là nhiều người khốn khổ với chuyện cân nặng lại là người có kiến thức về dinh dưỡng.
Họ biết chất nào tốt, cái gì nên ăn, cái gì không. Vấn đề nằm ở chỗ họ không tìm được cách hợp lý để tổ chức cuộc sống cho mình và không đủ kiên trì để tuân thủ thực đơn. Khi cơ thể gầy gò, da dẻ nhợt nhạt, ăn uống khó khăn và sức đề kháng giảm họ mới chịu đi khám.
“Để có thể thấy cán cân nhích lên tí chút, người có cơ địa kém hấp thu phải kiên trì thực sự, coi đây là một mục tiêu cần phấn đấu và có ý thức thực hiện nghiêm túc.
Vấn đề của những người này là cần được tìm ra đúng nguyên nhân để có cách hỗ trợ thích hợp. Nhưng vấn đề quan trọng không kém là sự hợp tác của mỗi người trong quá trình điều trị”, bác sĩ Thủy nói thêm. Như Thúy Hạnh, nhân vật ở đầu bài, là một điển hình. Khi đã thất bại với việc tự mình thay đổi cách ăn uống, cô quyết định “thử lần chót”: đến gặp bác sĩ dinh dưỡng. Rốt cuộc, cái thân hình suy dinh dưỡng của cô là do hội chứng hấp thu kém vì thiếu men tiêu hóa, gây rối loạn chuyển hóa lipid và rối loại hấp thu nhiều loại vitamin, chất đạm. Cô đồng thời cũng không hấp thu đường lactose, vốn hay có trong sữa và các sản phẩm từ sữa. Sau hơn một tháng thực hiện việc ăn uống với thực đơn hợp lý, men tiêu hóa, men vi sinh và nhiều loại thuốc bổ hỗ trợ việc hấp thu dưỡng chất, chiếc cân Hạnh để trong góc nhà lần đầu tiên trong đời nhích qua con số 36. Giờ thì cô tự tin hơn hẳn, “mặc dù hơi cực vì ngày phải ăn đến… 6 bữa, uống thuốc đúng giờ“. Nhưng sau khi áp dụng chế độ dinh dưỡng như vậy, cô cảm thấy người lúc nào cũng tràn đầy năng lượng, không hay cau có nữa.
Tạo thực đơn dựa trên nhật ký ăn uống
|
Thiếu cân sẽ đẩy bạn vào nguy cơ thiếu chất, loãng xương, dễ bị nhiễm khuẩn, sức đề kháng kém, rối loạn men tiêu hóa…
|
Thiếu cân sẽ đẩy bạn vào nguy cơ thiếu chất, loãng xương, dễ bị nhiễm khuẩn, sức đề kháng kém, rối loạn men tiêu hóa… Thêm vào đó, vấn đề mà ai cũng quan tâm là chẳng người nào hài lòng với thân hình “trước sau như một” của mình.
Thế nhưng, tăng cân là một cuộc chiến làm nhiều người nản lòng vì chính những suy nghĩ sai lầm của mình. Rất nhiều người xem các loại sữa cao năng lượng, sữa dành cho người gầy như một “cứu cánh” và nghĩ rằng cứ uống sữa đó thì thế nào cũng tăng cân. Thật ra, các loại sữa này cũng chỉ là thực phẩm bổ sung và đòi hỏi phải kết hợp với chế độ ăn uống hợp lý, kết hợp với sự hỗ trợ của thuốc men, chúng mới phát huy tác dụng. Có người còn quyết định dùng một loại thuốc tăng cân của Trung Quốc, chỉ sau một thời gian ngắn đã lên cân, da căng ra, ngủ nhiều, ăn như không biết chán.
Bi kịch nằm ở chỗ, loại thuốc này chứa corticoid làm tăng cân do trữ na-tri và đào thải ka-li khiến mặt béo bệu, giảm sức đề kháng, bị loét dạ dày, teo cơ…
Vì vậy, để duy trì chế độ ăn uống hợp lý dài lâu, điều quan trọng là phải đưa ra được thực đơn vừa đủ dưỡng chất vừa cân bằng được với sở thích của bệnh nhân, chẳng hạn để bổ sung đạm, bác sĩ có thể cho bệnh nhân được linh hoạt lựa chọn các loại đậu, cá thay vì nhất nhất dùng thịt dù ghét cay ghét đắng món này. Chính vì vậy, mỗi người nên có một nhật ký ăn uống của riêng mình. Theo bác sĩ Yến Thủy, “nếu kiên trì thực hiện theo thực đơn và uống thuốc đúng cách, giữ nhịp sinh hoạt điều độ, chỉ khoảng một tháng, cân nặng sẽ bắt đầu có cải thiện”.
BẠN CẦN BIẾT
– Việc xác định xem bạn có bị thiếu cân, suy dinh dưỡng và cần bổ sung dưỡng chất để có thân hình khỏe mạnh, cân đối hơn hay không sẽ căn cứ trên chỉ số IBM (chỉ số khối cơ thể) và công thức máu.
– Chỉ số IBM = cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m), áp dụng cho cả nam và nữ trưởng thành. Chỉ số IBM trong khoảng 18,5 đến 23 là bình thường. Nếu thấp hơn chỉ số này, nghĩa là bạn đang bị thiếu cân.
– Công thức máu giúp hỗ trợ việc chẩn đoán sơ bộ tình trạng thiếu máu hay đang bị nhiễm trùng của người bệnh giúp bác sĩ có hướng điều trị hiệu quả.
– Ngay cả những sản phẩm bình thường như men tiêu hóa, men vi sinh cũng cần phải có ý kiến của bác sĩ để sử dụng hiệu quả, tránh lạm dụng làm ức chế sự tiết men tiêu hóa của các tuyến tiêu hóa nội sinh.
. Trần Nhung
Tạp chí Sức Khỏe