Sức khỏe- Những rủi ro cảm nắng, chảy máu cam, động kinh co giật rất thường xảy ra. Nếu không có kiến thức về sơ cứu, khi đang ở những nơi công cộng, thấy người bị nạn, có thể bạn sẽ lúng túng vì chẳng biết cách xử trí sao cho đúng.
1 – SƠ CỨU CẢM NẮNG, SAY NẮNG, CẢM NÓNG
Cảm nắng, say nắng thường xảy ra khi làm việc ngoài nắng hay đi ngoài nắng lâu không có nón che, để ánh nắng chiếu trực tiếp vào đầu và gáy. Triệu chứng: nhức đầu, hoa mắt, ù tai, ngất; trạng thái thần kinh động, vật vã, bồn chồn, đôi khi nói sảng.
Cảm nóng xảy ra khi làm việc nơi có nhiệt độ cao, không thoáng hơi, ra mồ hôi nhiều; do mặc đồ phòng vệ cách nhiệt kín (cao su). Triệu chứng: chóng mặt, choáng váng, nhức đầu, đôi khi hôn mê, người đẫm mồ hôi, chuột rút co giật, khát nước, nhiệt độ cơ thể tăng.
»Xử trí cấp cứu: Đặt nạn nhân nằm nơi yên tĩnh, thoáng mát. Sau đó nới lỏng quần, áo, dây lưng, áo lót; đặt khăn mát lên trán, mặt, gáy của nạn nhân. Cho uống Oresol pha 1 lít nước. Đưa đến cơ sở y tế gần nhất nếu có dấu hiệu trụy tim mạch hay không đỡ.
|
Cảm nắng, say nắng thường xảy ra khi làm việc ngoài nắng hay đi ngoài nắng lâu không có nón che, để ánh nắng chiếu trực tiếp vào đầu và gáy
|
2 – SƠ CỨU CẢM LẠNH
Xảy ra khi đi ngoài trời lạnh hoặc làm việc lâu ở môi trường lạnh mà mặc quần áo không đủ ấm.
»Triệu chứng: Thân nhiệt hạ, mặt, chân, tay lạnh giá, đầu chi tím tái; rét run lập cập; mệt mỏi, buồn ngủ, phản ứng chậm chạp, hỏi – trả lời chậm. Có thể hôn mê.
»Xử trí cấp cứu:
– Ủ ấm, đặt túi nước/chai nước nóng quanh nạn nhân, đắp mền, tránh gió. Xoa dầu nóng vào tay, chân, cổ, gáy…
– Cho uống nước gừng, chè nóng có pha đường, có thể pha 30ml nước (30%) vào nước chè có pha đường (không được cho uống khi hôn mê).
– Có thể ngâm nạn nhân trong bồn nước nóng 35 độ C, nâng dần lên 40 độ C trong vòng 15 phút đến khi thân
nhiệt lên 37 độ C thì lau khô mặc áo ấm cho nạn nhân.
– Săn sóc chống nhiễm khuẩn phổi ở các ngày sau.
3 – GẶP NGƯỜI NGẤT XỈU PHẢI LÀM GÌ?
Ngất xỉu là sự mất tỉnh táo trong giây lát, do lượng máu đến não tạm thời bị giảm. Mạch đập trở nên rất chậm nhưng chẳng bao lâu sẽ trở lại bình thường. Việc phục hồi diễn ra nhanh và hoàn toàn.
– Ngất xỉu có thể là phản ứng xảy ra khi nạn nhân bị đau, sợ sệt, tức tối, kiệt sức và đói trong tình huống nào đó. Nó cũng thường xảy ra ở trẻ em gái tuổi dậy thì, khi tâm lý tình cảm chưa ổn định.
– Những người ít hoạt động thể chất, khi ở nơi nóng bức máu dồn xuống phần dưới cơ thể làm giảm máu đến não…
»Triệu chứng: Bệnh nhân bất tỉnh trong một thời gian ngắn. Họ sẽ ngã xuống sàn. Mạch đập chậm lại, da nhợt nhạt.
»Xử trí cấp cứu:
– Đặt nạn nhân nằm xuống, nâng và đỡ chân nạn nhân lên cao nhằm làm tăng lượng máu lên não.
– Đảm bảo thoáng khí. Nếu cần, nên mở cửa sổ.
– Khi nạn nhân tỉnh lại, trấn an và đỡ nạn nhân ngồi dậy từ từ.
– Cho uống ly trà nước ấm.
– Tìm xem nạn nhân có thương tích gì do ngã gây ra không và điều trị cho nạn nhân.
– Nếu nạn nhân không tỉnh lại, hãy kiểm tra mạch đập và nhịp thở của nạn nhân, chuẩn bị hô hấp nhân tạo nếu thấy cần thiết.
– Đặt nạn nhân nằm ở tư thế hồi phục, gọi 115 nhờ cấp cứu.
– Nếu nạn nhân cảm thấy muốn ngất xỉu trở lại, hãy đặt đầu nạn nhân xuống giữa hai đầu gối của họ và bảo họ hít sâu.
4 – CHẢY MÁU CAM
Chảy máu cam thường do đứt mạch máu bên trong mũi; bệnh lý về máu, mạch máu; bệnh lý nhiễm trùng; cao huyết áp, chấn thương; sốt cao…
|
Sơ cứu khi bị chảy máu cam
|
»Xử trí cấp cứu:
– Đặt nạn nhân ngồi cúi đầu về phía trước.
– Đè hoặc bóp hai cánh mũi, nạn nhân thở bằng miệng.
– Suốt thời gian đó, nạn nhân không nói chuyện, nuốt nước miếng, ho, khạc, hắt hơi vì ảnh hưởng đến cục máu đông.
– Sau 10 phút, có thể thả tay ra. Nếu chảy máu cam kéo dài hơn 30 phút, hãy đưa nạn nhân đi cấp cứu.
– Có thể dùng nước để lau cho nạn nhân.
– Cho nạn nhân nghỉ, tránh những dao động mạnh.
5 – ĐỘNG KINH CO GIẬT
Xảy ra do chấn thương đầu; thiếu ô-xy; nhiễm độc, ngộ độc; động kinh cơn lớn; viêm não, màng não, áp-xe não; sốt cao; hạ đường huyết.
»Dấu hiệu nhận biết:
– Ngã ra bất tỉnh; thân thể cứng đờ.
– Có thể ngừng thở, môi tái xanh, mặt mũi bị xung huyết.
– Có dấu hiệu co giật, hàm nghiến chặt lại, chảy nước bọt.
– Có thể đại, tiểu tiện trong quần.
– Sau cơn, các cơ mềm lại, thở lại bình thường.
– Có thể rơi vào giấc ngủ sâu.
»Xử trí cấp cứu:
– Đừng để nạn nhân bị chấn thương khi họ đang co giật.
– Không nên di chuyển nạn nhân nếu không cần thiết.
– Không được dùng sức đè nạn nhân, không cột chặt tay chân nạn nhân.
– Không được cho bất cứ thứ gì vào miệng nạn nhân, trừ cuộn băng, cuộn vải nhỏ kê một bên miệng không cho răng cắn vào.
– Nới nút quanh cổ, bảo vệ đầu nạn nhân, cho nằm trên vật mềm mỏng.
– Cho nằm nghiêng để nước bọt thoát ra ngoài.
– Lau mát ở nách và bẹn.
– Chăm sóc khi họ hồi phục và nạn nhân có thể ngủ một giấc ngủ sâu.
Chuyên viên sơ cấp cứu
Trần Văn Nghĩa