(Sức Khỏe – khoe24h) Trong những ngày gần đây, nhiều tờ báo đã liên tục đưa thông tin: Hiểm hoạ khi con ngồi xoè kiểu chữ W, tư thế ngồi chữ W có hại cho trẻ con, hiểm họa khôn lường khi trẻ ngồi chữ W… khiến cho nhiều bậc phụ huynh lo lắng.
Điều đáng nói, đây là tư thế ngồi mà nhiều đứa trẻ từ lúc biết ngồi đã mặc định cho mình thế ngồi này. Vậy, ngồi chữ W có gây tác hại gì hay không? Phóng viên Sức Khỏe đã tìm hiểu với các chuyên gia trong lĩnh vực cơ xương khớp, tâm lý, nhi và được khẳng định: chưa có nghiên cứu khoa nào nói về ngồi chữ W bị hư chân, hư khớp.
|
Hình minh họa. (Ảnh internet)
|
Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, đối với trẻ em nếu mắc 2 bệnh: bệnh nhi bại não, bệnh nhân bị tật bàn chân xoay trong do cẳng chân xoay thì không nên ngồi kiểu này. Tới thời điểm này, chưa có nghiên cứu khoa học nào nói trẻ bệnh thường ngồi vậy làm hư chân hư khớp.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết: “Có ý kiến cho rằng, trẻ có trương lực cơ yếu hay ngồi kiểu này nhưng thực tế, trẻ bình thường cũng rất thích ngồi kiểu này nên trẻ ngồi kiểu này không thể nói có trương lực cơ yếu. Hoặc suy nghĩ trẻ ngồi kiểu này sẽ thích ngồi một chỗ mà không có chịu xoay mình hay với tay cầm các vật từ xa. Thực tế, bé ham chơi, thông minh thích cái gì sẽ tự thay đổi tư thế mà cầm nắm vật mình thích. Nên nhớ rằng, trẻ ngồi kiểu này cũng rất dễ chuyển sang tư thế chống 2 gối và đứng lên.
Phụ huynh khi thấy trẻ ngồi kiểu này thử để dụng cụ trẻ thích có khoảng cách hơi xa thấy trẻ tự thay đổi tư thế để lấy thì không có vấn đề gì”.
Còn theo ý kiến của các bác sĩ tại bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình: “Trẻ ngồi kiểu nào mà cảm thấy thoải mái là được. Quan trọng là sau khi ngồi kiểu này đi đứng phát triển bình thường thì không có vấn đề gì, thậm chí không nên chỉnh sửa để làm gì. Nói chung trẻ ngồi chữ W phụ huynh chẳng phải lo lắng gì lắm. Cứ 10 trẻ thì có 2-4 trẻ ngồi thích ngồi kiểu này. Nếu phụ huynh để ý thì khi trẻ lớn lên sẽ tự động thay đổi thế ngồi. Đây là việc hết sức bình thường và không nên tin vào các trang web rồi bắt trẻ làm theo ý mình cho bằng được rất dễ ảnh hưởng đến tâm lý trẻ”.
Lâm Quân
Tạp chí Sức Khỏe