Khắc phục nhanh chứng vọp bẻ bàn chân

Chuột rút bàn chân (hay vọp bẻ ngón chân) có thể diễn ra mọi lúc: khi bạn đang ngồi làm việc, đi bộ, tập thể thao, thậm chí là đang ngủ.

Hai chuyên gia vật lý trị liệu, Zoe Fackelman từ Canandaigua (New York) và Pamela Cole, từ viện Hopkins (bang Minnesota, Mỹ), sẽ giúp bạn hiểu cần phải làm gì để ngăn chặn chứng chuột rút.

»Giải quyết cơn chuột rút nhanh chóng

Dùng tay hoặc bàn chân, cơ bắp cẳng chân kéo từ từ các ngón chân về phía cơ thể. “Điều này làm dãn những cơ bắp đang bị chuột rút và giúp chúng thả lỏng”, Pamela Cole nói. Ngoài ra, bạn cũng có thể gây áp lực trực tiếp lên cơ co thắt, bằng cách đứng thẳng người trên chân hoặc dùng tay massage bàn chân.

Chuột rút bàn chân (hay vọp bẻ ngón chân) có thể diễn ra mọi lúc
Chuột rút bàn chân (hay vọp bẻ ngón chân) có thể diễn ra mọi lúc

Nếu chứng chuột rút vẫn còn, đặt một chiếc khăn ấm lên trên bàn chân của bạn. Cả hai yếu tố này đều giúp kích thích sự tuần hoàn máu đến chân, cung cấp nguồn máu giàu oxy, giúp khôi phục sự cân bằng dinh dưỡng và kết thúc tín hiệu sai lệch của hệ thống thần kinh.

Ngay sau khi cơn chuột rút lắng xuống, bỏ hai nhúm muối vào 350ml nước và uống cạn. Điều này giúp cân bằng nồng độ nước- điện giải của cơ thể. Bạn cũng có thể ăn một nửa quả chuối, loại trái cây cung cấp kali và magiê, làm giảm thiểu triệu chứng cơ bắp co cứng.

»Ngăn ngừa

Nếu bị chuột rút chân thường xuyên, bạn cần:

1. Uống nhiều nước: Công thức để giúp bạn xác định thể tích nước cần uống mỗi ngày như sau: lấy trọng luợng cơ thể nhân với 30ml; ví dụ, nếu bạn nặng 60kg, lượng nước cần bổ sung mỗi ngày là 1.800ml.

2. Bổ sung magiê: Ngoài chuối, cần ăn nhiều loại rau lá xanh đậm, các loại hạt, thịt cá, đậu, ngũ cốc nguyên cám, bơ và chocolate đen.

3. Xoa bóp bàn chân và bắp chân: Mỗi buổi sáng và buổi tối hãy xoa bóp, kéo dãn chân và bàn chân trước khi lên giường để giữ cho cơ bắp khỏe mạnh và dẻo dai.

4. Chọn giày dép vừa chân: Đôi giày không vừa sẽ làm tăng độ co cứng của cơ bắp, có thể dẫn đến chuột rút.

Posted in: Bệnh