(Sức Khỏe- khoe24h) Đau đầu, một triệu chứng thường gặp trong đời sống hằng ngày gây khó chịu và lo lắng.Nhiều người khi bị đau đầu đã rất lo sợ, nghĩ ngay là mình đang bị một căn bệnh nặng nề nào đó về não vội vã lo chạy chữa khắp nơi.
Một số người khác thì xem thường, tự ý điều trị bằng các loại tân dược, đông dược, thực phẩm chức năng… Hậu quả của những phương pháp điều trị không thích hợp này là cơn đau đầu không thuyên giảm mà càng tái diễn và ngày càng trầm trọng hơn.
Phân biệt các loại đau đầu:
Theo phân loại quốc tế về đau đầu (ICHD-II – 2004), cần phân biệt 3 loại :
1. Đau đầu nguyên phát (đau đầu không rõ nguyên nhân)
– Đau đầu Migraine
– Đau đầu căng cơ
– Đau đầu cụm
– Các đau đầu nguyên phát khác: đau đầu khi gắng sức, đau đầu khi ngủ, đau nửa đầu liên tục
2. Đau đầu thứ phát (đau đầu do các bệnh lý khác gây nên) : Bao gồm :
– Đau đầu sau chấn thương sọ não.
– Đau đầu do các bệnh mạch máu, bệnh lý nội sọ, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, do bệnh lý ở cổ, mắt, tai mũi họng; miệng, răng, khớp thái dương hàm.
– Đau đầu các rối loạn nội môi, tăng huyết áp, rối loạn chức năng tuyến giáp, thiếu ôxy não.
– Đau đầu do thuốc, do các bệnh tâm thần.
3. Đau đầu do đau thần kinh sọ, đau mặt trung ương và nguyên phát:
– Đau thần kinh và bệnh lý dây thần kinh
– Các loại đau đầu khác
Triệu chứng của đau đầu do căng cơ:
Đau đầu do căng cơ là loại đau đầu phổ biến và thường gặp với các triệu chứng điển hình: Đau âm ỉ, nặng đầu, đau cả 2 bên đầu, đau không tăng khi gắng sức hay hoạt động thể chất, không có dấu hiệu nôn ói, có thể có biểu hiện sợ ánh sáng hoặc tiếng ồn khi có cơn đau. Thời gian mỗi cơn đau có thể kéo dài từ 30 phút đến 7 ngày.
Những yếu tố làm khởi phát cơn đau đầu do căng cơ:
– Sử dụng các loại thức ăn, thức uống chứa nhiều các chất :Tyramine (pho-mát, nho khô, dứa, mận, các chế phẩm lên men của đậu nành, đậu phộng, dừa, socola, các loại men rượu); Monosodium glutamate (chất dùng làm phụ gia thực phẩm , ví du như bột ngọt); Caffein (khi có sự dao động về nồng độ caffein trong cơ thể thì người bệnh dễ khởi phát cơn đau đầu).
– Khoảng cách giữa các bữa ăn quá xa: những người bỏ bữa ăn sáng hoặc bữa ăn trưa thường sẽ bị đau đầu ngay sau khi được ăn trong cùng ngày hôm đó.
– Giấc ngủ: thời gian ngủ quá ít hay quá nhiều đều có thể gây ra đau đầu ngay sau khi thức giấc hoặc ngày hôm sau.
– Tư thế : khi làm việc và lúc nghỉ ngơi tư thế đầu, cổ, vai cần được chú trọng vì ngồi cúi quá lâu hoặc nằm gối đầu quá cao đều gây ra đau đầu.
– Stress: đau đầu thường xảy ra sau khi bị áp lực nặng nề về gia đình, học hành, công việc, tiền bạc.
Điều trị :
1. Loại bỏ các yếu tố khởi phát cơn đau đầu: không nhất thiết phải loại bỏ hoàn toàn các loại thức ăn thức uống (trừ khi một loại nào đó là nguyên nhân thường xuyên gây ra cơn đau đầu) mà nên điều chỉnh chế độ ăn uống cho cân bằng, hợp lý; phân bố thời gian học tập, công tác và nghỉ ngơi phù hợp để hồi phục sức khoẻ; đảm bảo ngủ đủ giấc (7 – 8 giờ/ mỗi đêm hoặc sau ngủ dậy cảm giác thoải mái); biết chấp nhận, bằng lòng với thực tế; có thái độ tích cực trong cuộc sống, biết cách giải toả tâm lý nặng nề dễ chán nản, tham gia vào các hoạt động xã hội, sống hoà nhập với cộng đồng.
2. Tập thể dục dưỡng sinh đúng phương pháp, thường xuyên sẽ làm giảm triệu chứng đau đầu rõ rệt : luyện thư giãn là bài tập dưỡng sinh điều trị đau đầu hiệu quả, dễ thực hiện và áp dụng được cho tất cả mọi người.
* Hướng dẫn thực hiện luyện thư giãn:
Chuẩn bị tư thế: tư thế nằm ngửa 2 tay buông dọc theo thân, chân duỗi thẳng
Thời gian cho mỗi lần tập từ 15 phút đến 30 phút.
– Bước 1: ức chế ngũ quan (tập nơi yên tĩnh, thoáng mát, che kín 2 mắt, không nghe, không nhìn, không ngửi, không nếm, không sờ nắm )
– Bước 2: tự nhận thức cơ thể từ đầu đến chân để các cơ toàn thân giãn từ từ, cảm giác tay chân nặng, ấm thực sự.
– Bước 3: tập trung suy nghĩ theo dõi nhịp thở, thở đều, êm dịu, không khí hít vào phải qua mũi, không được qua miệng.
Kết hợp thư giãn với xoa bóp vùng cổ gáy và da đầu sẽ làm tăng hiệu quả điều trị.
* Lưu ý: Các trường hợp đau đầu do căng cơ đều có thể chữa khỏi dễ dàng khi được phát hiện sớm, người bệnh tham gia điều trị tích cực, tập luyện thường xuyên. Ngược lại khi bệnh trở thành mạn tính thì việc điều trị rất khó khăn.
BS. Trần Đình Tân
Bộ môn Y học cổ truyền – Đại học Y Dược TP HCM
Theo Tạp chí Sức Khỏe