Khi trẻ có sốt và ho khoảng 2-3 ngày, điều làm cho các bà mẹ lo lắng nhất là con mình có bị viêm phổi hay không. Khi bị viêm phổi trẻ sẽ có nhịp thở nhanh.
Bé của tôi được 6 tháng tuổi , bé ho khoảng 2-3 ngày (lâu lâu mới ho 1 lần)nhưng khi đi khám Bác Sĩ bảo bị Viêm phế Quản rôi cho thuốc về uống (trong đó có 1 chai thuốc ho siro) nhưng mà bé uống 1 lần hay bị ói nên tôi chia nhỏ ra làm nhiều lần. Bé cũng bị nóng (nhưng mà không nhiều lắm. Bs có cho thuốc hạ sốt) Nhưng tôi vẫn cảm thấy không yên tâm lắm, khi nào biết bé đã hoàn toàn hết bệnh và có cần đi tái khám không. Uống thuốc siro đến khi nào trẻ hoàn toàn hết bệnh hay cần mua thêm thuốc ?
Trả lời:
Khi trẻ có sốt và ho khoảng 2-3 ngày, điều làm cho các bà mẹ lo lắng nhất là con mình có bị viêm phổi hay không. Khi bị viêm phổi trẻ sẽ có nhịp thở nhanh. Để nhận biết một bé 6 tháng tuổi bị viêm phổi điều dễ dàng nhất là đếm nhịp thở của trẻ, dùng đồng hồ có kim giây đếm nhịp thở trong vòng 1ph nếu nhịp thở bằng hoặc trên 50 lần trong một phút là có thở nhanh. Trường hợp con chị được chẩn đoán là viêm phế quản, không phải viêm phổi nên không có gì lo lắng, tuy nhiên nếu trẻ vẫn còn ho sau 5 ngày chị nên cho cháu đến bác sĩ khám lại, không nên tự ý mua tiếp si-rô ho cho cháu uống.
Bé trai của tôi hiện 7.5 tháng. Từ khi bé 4 tháng đến giờ, bé 3 lần bị viêm phế quản, 02 lần bị viêm tiểu phế quản. Mỗi lần điều trị đều trên 1 tuần nhưng cứ hết đơn thuốc của bác sỹ 2-3 ngày là bé có triệu chứng bị bệnh lại. Tôi có đọc qua một số bài báo về bệnh hen phế quản. Không biết con trai tôi có nằm trong trường hợp này không ?. Mỗi lần bé bệnh tôi đều cho bé đi khám bác sỹ. Nhưng có lẽ bác sỹ bây giờ bận rộn nhiều nên ko mấy khi chịu nghe tôi kể hết triệu chứng bệnh cũng như lịch sử bệnh của bé. Tôi có nên cho bé khám lại lần nữa không ? Nếu khám thì trường hợp của bé cần khám những nội dung gì. Tôi muốn đăng ký khám tại BV Nhi đồng 1 nhưng do nhà xa, tôi có thể đặt lịch khám trước cho bé ko ? Vì bé còn nhỏ, đi xa nếu chờ đời lâu bé sẽ rất mệt.
Trả lời:
Trẻ 7, 5 tháng có ho khò khè tái đi tái lại như con chị có hai khả năng: cháu có thể bị trào ngược dạ dày thực quản làm cho sữa trào ngược từ dạ dày lên thực quản và hít vào phổi gây khò khè tái đi tái lại, những trẻ này thường kèm theo triệu chứng dễ nôn ói sau bú; khà năng thứ hai cháu có thể bị suyễn nhủ nhi: trẻ có triệu chứng ho khò khè trên 3 lần, ho tăng khi thay đổi thời tiết, ho nhiều về đêm hoặc gần sáng. Để chắc chắn chị nên mang cháu đến khám tại phòng khám chuyên khoa hô hấp của Bệnh viên Nhi Đồng 1. Muốn khám nhanh chóng chị có thể đăng ký khám qua mạng theo website của Bệnh viện Nhi Đồng 1 hoặc qua số điện thoại 08 39 274 034.
Chào Bác sĩ, con trai tôi được gần 8 tháng tuổi. Lúc bé được 5 tháng rưỡi thì bé bị ho, vợ chồng tôi đưa bé đi khám ở bệnh viện nhi đồng 1 thì được bác sĩ chẩn đoán là bị viêm phế quản. Lần đó bé phải uống thuốc hơn mười ngày và đổi hai ba loại thuốc mới khỏi. Sau khi bé khỏi bệnh được một tháng thì bé lại bị bệnh với những triệu chứng tương tự lần trước, vợ chồng tôi đưa bé tới khám tại trung tâm y tế quận Bình Tân và được chẩn đoán là bị viêm họng, và bé cũng phải uống thuốc hơn mười ngày mới khỏi. Tôi nghe noi bé bị viêm phế quản thì rất dễ chuyển sang hen suyển. Xin hỏi Bác sĩ bé tái phát bệnh hai lần gần nhau liên tiếp như vây có sao không? Ngoài ra bé nhà tôi thường hơi ấm đầu vào sáng sớm sau đó thì hết, như vây bé có bị sao không ? Lúc ngủ cũng như lúc chơi, bé thường ra nhiều mồ hôi đầu, xin hỏi bé có bị ảnh hưởng gì không ? Xin Bác sĩ chỉ cho các cách phòng ngừa để bé không bị tái phát các bệnh về hô hấp nói chung và bệnh hen suyễn nói riêng. Xin cám ơn Bác sĩ.
Trả lời:
Trẻ dưới 2 tuổi nghĩ đến suyễn khi trẻ có ho và khò khè bằng hoặc trên 3 lần và tình trạng khò khè này có giảm khi dùng thuốc dãn phế quản, trường hợp của cháu có 1 lần viêm phế quản, 1 lần viêm họng nên hiện tại chưa nghĩ đến suyễn. Bé thường xuyên bị ra mồ hôi chị cần xem lại có phải chị cho bé mặc quần áo kín quá hay nhiệt độ trong phòng quá nóng nực hay không. Để phòng ngừa bé không bị tái phát các bệnh về đường hô hấp chị nên cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, giữ ấm khi trời lạnh, chủng ngừa đầy đủ, tránh tiếp xúc với người bị cảm ho, khi có dịch cảm cúm tránh mang trẻ đến nơi đông người. Để tránh bé bị hen suyễn tái đi tái lại ngoài các yếu tố như trên cần tránh không cho trẻ tiếp xúc với chó, mèo; khói thuốc lá bụi bặm, phấn hoa, các chất có mùi nồng( nước hoa, thuốc xịt muỗi) giặt áo gối drap giường thú nhồi bông bằng nước nóng mỗi tuần môt lần.
Con tôi được 33 tháng tuổi cân nặng 13 kg bé gái, con tôi thường trước khi ngủ hoặc đang ngủ thì bé thường ho và ói liền ngay sau đó khoản 2 hoặc 3 ngày là bé ho và ói một lần. Xin hỏi bác sĩ con tôi có bị bệnh gì không, nếu có thì con tôi bị bệnh gì và xin bác sĩ hướng dẫn cách trị bệnh cho bé. (ban đêm bé ngủ bé thở nghì nghì )Và xin hỏi thêm bác sĩ con tôi có bị suy dinh dưỡng không. Con tôi ăn cơm rất là ít chừng nửa chén trong một lần ăn hà , còn sửa thì uống cũng ít. Xin bác sĩ tư vấn cho tôi mua sữa nào cho bé uống , và mua thuốc gì cho bé ăn uống được.
Trả lời:
Theo chị mô tả thì có thể cháu bị tình trạng chảy mũi sau gây ho và nôn ói kèm nghẹt mũi gây tiếng thở bất thường lúc ngủ, chị nên nhỏ mũi cho cháu bằng nước muối sinh lý mỗi tối trước khi ngủ xem tình trạng này có giảm không, nếu không chị nên cho cháu đến khám chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Cháu 33 tháng tuổi cân nặng 13kg là bình thường, cháu chưa bị suy dinh dưỡng, chị có thể cho cháu uống bất cứ loại sữa nào cháu thích phù hợp với lứa tuổi, chị nên tránh các loại sữa đặc có đường vì thành phần dinh dưỡng không đầy đủ.
Em có 1 đứa con trai 8 tuổi và 1 đứa con gái 5 tuổi. Cách đây 1 tháng con trai em phải nhập viện cấp cứu ở BV ND Gia Định vì bị … hen.
Ngày chủ nhật trước ngày nhập viện cháu có chơi chạy giỡn nhiều với các trẻ em khác, sau đó thì bị ho nhiều, ho khan, ho không dứt, và vào buổi tối thì cháu kêu thấy thở khó. Cháu chỉ thấy dễ chịu khi ngủ …ngồi (em ngồi và ôm cháu cho cháu tựa đầu vào). Nhưng cháu thấy không thoải mái nằm xuống thì thở khó. Em có xịt 2 nhát Ventoline cho cháu nhưng không thấy có tác dụng (không thấy dễ thở hơn). Đến sáng hôm sau thì cháu kêu đau ngực, mặt tái đi, và cháu bị xỉu trên đường đưa đi bệnh viện. Cháu được điều trị cho thở khí dung tại bệnh viện 10 ngày. sau xuất viện đến nay cháu vẫn được xịt bằng thuốc phòng Seretide (màu tím) mỗi ngày. Lần đi tái khám vừa rồi Bác sĩ bảo cháu đã đỡ nhiều. Con trai em được chẩn đoán là bị hen khi cháu được 3 tuổi vì cháu có những biểu hiện bị ho nhiều (ho khan, không dứt) khi chạy chơi quá mức, những lúc như vậy thì khi ngủ cháu thở nghe như tiếng thở của con mèo (không thở hỗn hển) và ông ngoại của cháu bị bệnh hen (ông đã mất từ năm 1979 vì bệnh phổi). Và vì vậy, những lúc bị ho do viêm họng hay trở trời trong toa thuốc của cháu thường có thêm thuốc Salbutamol. Thuốc Ventoline em được khuyên xịt cho cháu khi bị ho nhiều là khi cháu được 5 tuổi, cháu bị ho kéo dài, phải đi khám, chụp hình tim và phổi ở Medic. Điều em băn khoăn là:
1.Khi con trai em được chẩn đoán là bị hen vì tiền sử – ông ngoại cháu bị hen, vậy con gái em có bị hen không? Mặc dù con gái em không có dấu hiệu bị hen (không bị ho nhiều và khó thở khi chơi giỡn quá mức như anh cháu), nhưng cháu có khả năng bị phát hen không ?
2. Các cháu / cháu gái em có phải tránh những loại thuốc có gốc chống chỉ định với người có tiền sử hen không ? Ví dụ như thuốc tiêu loãng đàm gốc Acetyl Cysteine ? Đôi khi các cháu bị ho, có nhiều đờm nhưng một Bác sĩ bảo không được dùng thuốc tan đờm có gốc Acetyl Cystein mà chỉ được dùng dexmin, vậy có đúng không ?
Trả lời:
Cháu trai của chị theo mô tả cháu đang bị suyễn và đang được phòng ngừa bằng Seretide là loại thuốc tốt, để tránh cháu có thể lên cơn suyễn như lần nhập viện trước chị nên tuân thủ chế độ điều trị phòng ngừa bằng cách tránh các yếu tố dễ gây lên cơn suyễn, sử dụng thuốc phòng ngừa đầy đủ và đúng cách, chị cũng nên tái khám thường xuyên theo hẹn của bác sĩ để được theo dõi và hướng dẫn sử dụng thuốc đúng, chắc chắn tình trạng suyễn của cháu sẽ được kiểm soát tốt.
Suyễn là bệnh lý mãn tính và có tính chất di truyền, tuy nhiên không phải trong gia đình có người bị suyễn thì tất cả các thành viên đều bị suyễn, như vậy không chắc lả bé gái sẽ bị suyễn nhất là bé không có triệu chứng gì gợi ý.
Đúng như thắc mắc của chị Acetyl Cystein là thuốc loãng đàm có chống chỉ định ở trẻ có tiền sử suyễn vì có nguy cơ gây co thắt phế quản. Ngoài ra khi bị mắc suyễn có thêm hai loại thuốc chống chỉ định dùng đó là Aspirin và các thuốc chống viêm không corticosteroid ví dụ như Ibuprofen.
Con trai em 16 tháng cân nặng 9kg3. Cháu sanh non 32 tuần cân nặng 2kg5, sau khi sanh cháu bị viêm phổi, nhiễm trùng máu, vàng da. từ bé tới giờ hầu như tháng nào cháu cũng bị ho 1-2 lần, điều trị có khi cả 10 ngày mới hết những vẫn còn khò khè và đôi khi trong ngày có cả những cơn thờ rít, các bác sỹ nghi cháu bị hen phế quản, nhưng chưa xác định, mặc dù trong gia đình ko có ai bị hen cả và môi trường sống cũng khá là trong sạch, những lúc có bệnh như thế cháu vẫn hoạt động bình thường, vậy bác sỹ có thể vui lòng cho em hỏi làm sao để xác định được là cháu bị bệnh hen? và bệnh hen cần phải có chế độ ăn uống như thế nào? Cách điều trị ? và cách phòng bệnh ? Em xin chân thành cảm ơn.
Trả lời:
Khi trẻ có ho và khò khè trên 3 lần thì có thể nghĩ đến suyễn, đặc điểm là ho khò khè tăng khi thay đổi thời tiết, ho tăng về đêm hay gần sáng, ho khi tiếp xúc với các mùi nồng, hoặc khi chạy nhảy vận động, tình trạng ho khò khè này sẽ giảm đi khi sử dụng thuốc dãn phế quản. Có khoảng 20% trẻ bị suyễn mà trong gia đình không ai mắc bệnh suyễn hay dị ứng. Để chắc chắn cháu có bị suyễn hay không chị nên đưa trẻ đến khám tại phòng khám hô hấp của bệnh viện nhi đồng 1 để được khám và tư vấn. Trẻ bị suyễn vẫn có thể ăn uống bình thường vì chỉ có 5-10% là trẻ có dị ứng thức ăn. Tuy nhiên nếu trẻ sau khi ăn thức ăn nào gây trẻ lên cơn ho, khò khè, thở mệt thì lần sau phải tuyệt đối tránh thức ăn đó; ví dụ có một vài thức ăn có thể gây cho trẻ lên cơn hen như: thức ăn biển ( tôm cua, cá biển..); trứng; đồ hộp, đậu phộng …
Để phòng ngừa suyễn cần :
1. Phòng tránh những nguyên nhân khởi phát cơn suyễn: nhiễm trùng đường hô hấp (là yếu tố rất quan trọng ở trẻ em), thay đổi thời tiết, khói thuốc lá, các chất gây dị ứng khác: phấn hoa, lông thú (chó, mèo), gián, một số loại thức ăn, bụi nhà,các chất có mùi nồng, một số loại thuốc (nhất là Aspirin, Ibuprofen)
2. Sử dụng thuốc phòng ngưà lâu dài: Khi trẻ lên cơn trên 1 lần trong một tuần, hoặc trẻ bị thức giấc vì cơn suyễn trên 2 lần trong một tháng, hoặc trẻ phải dùng thuốc cắt cơn suyễn mỗi ngày. Trong trường hợp này, phải đưa trẻ đi khám chuyên khoa để được bác sĩ hướng dẫn dùng thuốc phòng ngưà đúng cách.
TS.BS. Phan Hữu Nguyệt Diễm
BV Nhi Đồng 1
Theo Tạp chí Sức Khỏe