Hở van tim – Chớ chủ quan!

Đi khám bệnh, được chẩn đoán là hở van tim, ai cũng xanh mặt. Chưa kể, nào là hở van tim cấp tính, hở van tim mãn tính. Hiều sao cho đúng để không chủ quan và cũng không thái quá?

Hở van tim là gì?

Hệ thống van tim bao gồm van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi. Các van tim của người giống như van một chiều trong hệ thống máy bơm giúp máu lưu thông theo một chiều, từ các tĩnh mạch về tim và từ tim ra các động mạch, mà không thể chảy theo chiều ngược lại. Hở van tim xảy ra khi các lá van đóng không kín hoặc rách lá van, làm máu trào ngược lại buồng tim mỗi khi tim co bóp (kỳ tâm thu) và thư giãn (kỳ tâm trương).

Nguyên nhân của hở van tim là gì?

Hở van tim có thể xảy ra cấp tính hoặc mãn tính. Hở van tim cấp tính thường do biến chứng của nhồi máu cơ tim, nhiễm trùng trong tim và chấn thương. Hở van tim mãn tính có thể chia làm hai nhóm: do nguyên nhân bẩm sinh, tức mới sinh ra đã có dị tật bẩm sinh ở tim gây hở van tim và do các bệnh lý mắc phải như:

  • Bệnh thấp tim: Tổn thương van tim sau nhiễm liên cầu khuẩn tán huyết β nhóm A (là một loại vi trùng gây viêm họng) mà không được điều trị thuốc kháng sinh đầy đủ hoặc không tuân thủ điều trị. Thấp tim gây tổn thương nặng nề đến cơ tim, van tim và hiện nay vẫn là nguyên nhân chủ yếu gây hở van tim ở nước ta, phổ biến nhất là bệnh van 2 lá.
  • Hở van tim do thoái hóa: có thể do thoái hóa của tuổi già, hoặc do một số bệnh lý làm van tim thoái hóa nhanh hơn so với người bình thường như bệnh Barlow, Hội chứng Marfan,…

 

  • Ngoài ra còn có những bệnh lý có thể gây hở van tim như thiếu máu cục bộ cơ tim, bệnh cơ tim dãn nở, bệnh cơ tim phì đại hoặc bệnh nhân bị phình động mạch chủ, nhiễm trùng trong tim (viêm nội tâm mạc),…

Làm sao biết bị hở van tim?

Biểu hiện của hở van tim tùy theo mức độ nặng của hở van, mức độ tiến triển nhanh hay chậm và các tổn thương phối hợp như van tim, cơ tim, mạch máu nuôi tim (động mạch vành),… Hở van mức độ nhẹ đến trung bình thường không có triệu chứng. Thậm chí một số trường hợp hở van nặng có thể không có biểu hiện gì trong thời gian đầu, cho đến khi tim bị suy yếu hoặc rối loạn nhịp tim. Các triệu chứng thường gặp của hở van: khó thở khi vận động thể lực, khó thở khi nằm đầu thấp, khó thở ban đêm phải thức giấc, phù chân, hồi hộp, đau ngực. Đa số các trường hợp hở van mãn tính nặng diễn tiến từ từ với các triệu chứng dần dần nặng lên. Khi van bị hở cấp tính nặng, bệnh nhân có thể đột ngột có các biểu hiện nặng như khó thở dữ dội, hạ huyết áp. Siêu âm tim là phương tiện quan trọng nhất để phát hiện hở van tim và xác định mức độ nặng của hở van. Có 4 mức độ hở van tim dựa trên siêu âm tim: hở 1/4 (nhẹ), 2/4 (trung bình), 3/4 (nặng) và 4/4 (rất nặng). Ngoài ra, siêu âm tim còn xác định nguyên nhân của hở van, cũng như đánh giá chức năng tim còn tốt hay đã suy yếu.

Điều trị hở van tim như thế nào?

Điều trị hở van tim tùy thuộc vào mức độ hở, diễn tiến có nặng lên hay không và sự hiện diện của triệu chứng như khó thở, đau ngực, xây xẩm, ngất xỉu,… Hở van tim mãn tính mức độ nhẹ và trung bình (hở 1/4, 2/4 trên siêu âm tim) thì không phải lo lắng nhiều vì không ảnh hưởng đến sức khỏe, chưa cần phải điều trị mà chỉ cần theo dõi, ngoại trừ hở van tim cấp tính. Ngược lại, hở van nặng và rất nặng (hở 3/4, 4/4 trên siêu âm) thường sẽ diễn tiến đến lúc cần phẫu thuật sửa van hoặc thay van nhân tạo, do đó phải được điều trị tích cực và theo dõi sát.

Điều trị bằng thuốc (điều trị nội khoa) dù không thể chữa khỏi hở van tim nhưng vẫn có vai trò quan trọng giúp cải thiện chức năng tim, giảm triệu chứng khó thở và phù. Bệnh nhân bị biến chứng rung nhĩ cần uống thuốc chống đông máu để phòng ngừa tắc mạch máu não do cục máu đông. Ngoài ra, chế độ ăn lạt cũng giúp ngừa ứ nước trong cơ thể.

Điều trị phẫu thuật: Hở van nặng hoặc rất nặng sẽ đến lúc cần phẫu thuật sửa lá van hư hoặc thay van nhân tạo. Nếu trì hoãn phẫu thuật quá lâu trong khi đã có chỉ định, chức năng tim có thể đã suy yếu quá mức khiến cho phẫu thuật không có ích lợi gì nữa mà còn đem lại nhiều rủi ro. Đó là lý do tại sao chúng ta cần theo dõi kỹ diễn tiến của hở van nặng nhằm xác định thời điểm thích hợp để phẫu thuật. Điều trị phẫu thuật van tim gồm có hai phương pháp: sửa van và thay van nhân tạo.

Phẫu thuật sửa van là phẫu thuật tạo hình lá van bị hư hại, giữ lại lá van tự nhiên và là phẫu thuật được ưa chuộng cho nhiều bệnh nhân, đặc biệt là hở van hai lá nặng do sa van. Khi không thể sửa chữa van, bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy van tự nhiên bị hư hại ra và thay vào đó bằng van nhân tạo. Có hai loại van nhân tạo: van cơ học và van sinh học. Van cơ học làm bằng kim loại và sử dụng được nhiều năm. Bệnh nhân có van hai lá cơ học phải sử dụng thuốc chống đông máu suốt đời để ngăn chặn cục máu đông hình thành trên van cơ học. Van sinh học có nguồn gốc từ động vật như van tim của heo. Van sinh học vẫn có thể bị hư hại theo thời gian và khi đó cũng phải phẫu thuật thay van cơ học. Tuy nhiên, lợi điểm của van sinh học là không cần sử dụng lâu dài thuốc chống đông máu.

Làm thế nào để phòng ngừa hở van tim?

Chúng ta có thể phòng ngừa được một số nguyên nhân gây hở van tim. Chẳng hạn như điều trị viêm họng do liên cầu trùng để tránh biến chứng thấp tim, dẫn đến hở van tim về sau. Điều trị thật tốt những bệnh lý tim mạch khác như cao huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, sẽ ngừa được tình trạng dãn các buồng tim dẫn đến hở van tim thứ phát.

Để cải thiện chất lượng sống khi bị hở van tim và ngăn bệnh tiến triển, người bệnh cần:

  • Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh cho tim như dùng các thực phẩm ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa (đồ ăn chế biến sẵn, thịt đỏ, mỡ động vật,… ), ăn lạt và ít ngũ cốc tinh chế (như bánh mì trắng, gạo trắng), ăn nhiều loại rau và trái cây,…
  • Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia. Rượu có thể gây rối loạn nhịp tim và làm cho các triệu chứng hở van tim trở nên tồi tệ hơn. Uống quá nhiều rượu cũng có thể gây bệnh cơ tim khiến tim suy yếu dẫn đến hở van tim.

 

  • Tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng hợp lý.
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ trong máu,…
  • Tái khám đúng lịch trình và thông báo cho bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường.
  • Nữ giới bị hở van tim thì nên tham vấn bác sĩ khi có ý định mang thai, bởi quá trình mang thai đòi hỏi trái tim phải làm việc nhiều hơn có thể làm hở van nặng lên.

BS CKII Nguyễn Quang Dũng

– Trưởng khoa Cấp cứu BV Nguyễn Tri Phương

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

Posted in: Bạn cần biết