Đèn hồng ngoại: dùng sai, dễ bị bỏng

Sức Khỏe – Chiếu đèn hồng ngoại quá gần hoặc quá thời gian cho phép có thể gây bỏng, nặng hơn, có thể bị khô xương

Nhiều bệnh nhân tìm đến phòng vật lý trị liệu của BV Y học Cổ truyền, TP. HCM để chữa những chứng đau như đau cơ, đau nhức do ngồi nhiều ở một tư thế không thay đổi hoặc những trường hợp gãy xương tay, chân. Họ đến để tập đi đứng lại và để được chiếu đèn hồng ngoại giúp giảm đau và hỗ trợ điều trị.

Vì sao loại đèn này lại có thể giúp giảm đau?

Nên chiếu đèn thẳng đến vùng đau, cách từ 30-50cm tùy loại đèn
Nên chiếu đèn thẳng đến vùng đau, cách từ 30-50cm tùy loại đèn

Các nguồn hồng ngoại

Được gọi là đèn hồng ngoại vì đèn phát ra tia sáng có màu đỏ hồng. Hiện nay, có hai nguồn hồng ngoại. Một là dạng hồng ngoại từ thiên nhiên, do ánh sáng mặt trời mang lại. Hai là hồng ngoại nhân tạo, loại này cũng được chia ra làm hai dạng khác nhau là hồng ngoại phát quang (có bóng đèn) và hồng ngoại không phát quang (dùng điện trở).

Loại phổ biển là dạng hồng ngoại có phát quang, được chia làm hai kiểu dáng: kiểu chân ngắn phải để trên bàn và kiểu có chân cao.

Điểm khác biệt của đèn hồng ngoại

Đèn hồng ngoại không có khả năng chiếu sáng rộng khắp như các loại đèn khác. Bù lại, chúng có tác dụng thấu nhiệt xuyên qua da, làm nóng da tại chỗ làm mạch máu tại vùng này giãn ra.

Nhờ thế, tia hồng ngoại giúp giảm đau, kích thích tuần hoàn máu, giãn co cứng cơ, giãn mạch, tăng chuyển hóa dinh dưỡng tại chỗ. Chiếu đèn hồng ngoại sẽ giảm đau trong các bệnh lý về thần kinh ngoại biên (tê bì tay chân, đau nhức cơ, đau nhức do ngồi nhiều, đứng nhiều), tăng cường trao đổi chất tại chỗ, thư giãn các cơ xương.

Đèn hồng ngoại có tác dụng thư giãn cho người làm việc văn phòng hay làm việc ở tư thế không thay đổi trong một thời gian dài. Những trường hợp bị trúng lạnh cũng có thể dùng đèn hồng ngoại để sưởi ấm.

Chiếu đúng mới mang lại hiệu quả

Để sử dụng đèn hồng ngoại nhằm giảm đau, bạn nên chiếu đèn thẳng đến vùng đau. Cho đèn cách vùng đau từ 30-50cm tùy loại đèn (nếu đèn 150w chỉ cần cách 30cm; nếu đèn 300w để đèn cách xa chỗ đau 50cm là vừa).

Một số loại đèn chỉ khoảng 100w, thường được bệnh nhân mua về dùng tại nhà. Với loại đèn này, nên để đèn sao cho khoảng cách tới chỗ đau là 25cm. Thời gian chiếu đèn hồng ngoại chỉ từ 10-15 phút mỗi lần, tối đa 2 lần/ngày.

Để đèn gần hơn hay chiếu đèn thời gian lâu hơn sẽ nhanh giảm đau hơn là suy nghĩ không đúng. Nếu để đèn quá gần, chúng có thể gây bỏng cho bệnh nhân.

Chưa hết, nếu để đèn chiếu vào cơ thể quá lâu so với thời gian quy định, xương tại vùng chiếu cũng có thể bị khô. Điều này rất nguy hiểm vì khi xương khô đồng nghĩa chúng đã bị thoái hóa, dẫn đến xương bị xốp và rất dễ gãy.

Chiếu đèn hồng ngoại quá gần hoặc quá thời gian cho phép có thể gây bỏng, nặng hơn, có thể bị khô xương.
Chiếu đèn hồng ngoại quá gần hoặc quá thời gian cho phép có thể gây bỏng, nặng hơn, có thể bị khô xương.

Ngoài ra, không nên lạm dụng chiếu đèn quá nhiều lần trong ngày. Khi chiếu đèn quá nhiều, vùng da bị chiếu sẽ mất nước dẫn đến khô da, đỏ da, bong tróc da.

Chăm sóc khi không may bị bỏng

Trường hợp không may bị bỏng trong quá trình chiếu đèn hồng ngoại, bạn nên ngưng ngay, dùng khăn mát từ 16-200C đắp lên vết bỏng, thay khăn liên tục làm mát vết thương. Đắp khoảng 20-30 phút. Sau đó, thoa dầu tràm hay dầu mù u để vết thương mau lành và không bị nhiễm trùng.

Tuyệt đối không thoa kem đánh răng, nước mắm hay dùng những cách chữa bỏng dân gian mà chưa được ngành y tế công nhận.

Khi bị bỏng, bệnh nhân bắt buộc phải ngưng chiếu tia hồng ngoại từ 2-3 tháng. Tới lúc vết thương phục hồi mới có thể điều trị bằng đèn tiếp. Khi quay lại điều trị, nên chiếu đèn từ 5-10 phút, dần dần mới tăng thời gian chiếu như bình thường.

Ai không nên chiếu đèn hồng ngoại?

Nhiều trường hợp chiếu đèn không mang lại tác dụng mà ngược lại, có thể gây thêm nguy hiểm cho bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân có vùng đau là những vùng da vô mạch (da bị sẹo lồi, xơ cứng), sẽ không được chỉ định điều trị bằng đèn hồng ngoại. Vì ở vùng da này, dù chiếu đèn, tia hồng ngoại cũng không thể thấu vào da để trao đổi chất được. Mạch máu vùng này cũng rất ít, không còn khả năng chuyển hóa chất dinh dưỡng tại chỗ để giúp bệnh nhân đỡ đau.

Những bệnh nhân có vết thương hở ngoài da, không chịu được nhiệt độ cao, say nắng cũng không thể điều trị bằng chiếu tia hồng ngoại.

Những người vừa đi ngoài nắng nên ngồi nghỉ khoảng 30 phút rồi mới chiếu đèn.

Nếu không thể dùng đèn hồng ngoại để giảm đau, có thể dùng muối hột rang nóng, bọc trong khăn lông để chườm lên chỗ đau. Cách này cũng rất hiệu quả.

Một cách khác nữa là dùng gạc y tế, hấp nóng rồi chườm lên vùng đau. Chú ý, để tránh bỏng, chỉ để gạc nóng khoảng 500C. Lưu ý, cả hai cách này cũng không dùng cho bệnh nhân có vết thương hở.

Tư vấn chuyên môn:
BS. CK1. Võ Thiên Nhàn
Trưởng khoa Vật lý trị liệu Phục hồi chức năng
BV Y học cổ truyền TP. HCM
Theo Tạp chí Sức khỏe

Posted in: Tin y tế