Đau đầu cảnh giới – Vận may chớ để trôi tay!

Đau đầu là bệnh lý thường gặp, ở người trẻ mỗi năm có khoảng 95% nam và 91% nữ than phiền ít nhất một lần bị đau đầu. Đau đầu cũng là bệnh thường xuyên gặp ở khoa cấp cứu các bệnh viện, chiếm khoảng 2% tổng số lượt khám mỗi ngày. Đau đầu vốn dĩ phiền toái, chẳng ai mong muốn, vậy sao lại nói đau đầu cảnh giới là vận may và cần giữ chặt vận may không để trôi khỏi tầm tay?

Đau đầu cảnh giới được định nghĩa là một đau đầu nặng khởi phát cấp tính, cảnh báo một xuất huyết dưới màng nhện (các bác sĩ hay dùng từ “xuất huyết màng não” cho người bệnh dễ hiểu, cho dù không thật sự chuẩn xác) sẽ đến sau đó.

 

Nguyên nhân gây bệnh do rỉ máu từ lỗ thủng của phình động mạch não vào khoang dưới màng nhện. Khoang dưới màng nhện là khoảng không gian giữa màng nhện và màng mềm, chứa dịch não tủy. Màng nhện và màng mềm, cùng với màng cứng, hình thành nên 3 lớp màng của não, che phủ bề mặt và ngăn cách nhu mô não với mặt trong hộp sọ. Phình động mạch não là một vị trí trên thành động mạch não phình ra, mỏng, dễ vỡ.

Sơ đồ 3 lớp của màng não. Khoang dưới màng nhện nằm giữa màng nhện và màng mềm.

Phình động mạch não vỡ gây xuất huyết dưới màng nhện (thường gặp), xuất huyết nội sọ ở các vị trí khác (ít gặp).

 

Tại nói đau đầu cảnh giới là vận may, và cần giữ chặt vận may không để trôi khỏi tầm tay?

Hai từ “cảnh giới” gợi liên tưởng về một viễn cảnh tệ hại ở thì tương lai nếu không có phương án đề phòng hữu hiệu. Thật vậy, bản thân đau đầu cảnh giới tuy không gây hậu quả gì đặc biệt, nhưng sự hiện diện của nó đồng nghĩa với nguy cơ tăng gấp 10 lần sự xuất hiện của một bệnh lý nghiêm trọng sẽ đến sau đó vài ngày đến vài tuần, đó là xuất huyết dưới màng nhện do vỡ phình động mạch não. Phình động mạch não lúc bấy giờ không còn thủng lỗ nhỏ gây rỉ máu nhẹ nữa mà đã là vỡ toác gây chảy máu ồ ạt. Xuất huyết dưới màng nhện chiếm 5% tất cả các dạng đột quỵ, gặp ở mọi lứa tuổi, bệnh rất nặng, tử vong 50%. Điều đáng nói là trước khi vỡ gây chảy máu vào khoang dưới màng nhện, hầu hết phình mạch không có triệu chứng cảnh báo để phát hiện sớm và điều trị dự phòng, chúng vì vậy hay được ví von là “sát thủ thầm lặng”. Đau đầu cảnh giới là triệu chứng cảnh báo hiếm hoi, chẩn đoán chính xác rồi xử lý phình mạch kịp thời (phẫu thuật hoặc can thiệp nội mạch) giúp giảm 4 lần nguy cơ tử vong và tàn phế. Với đặc tính hiếm gặp, một khi xuất hiện cảnh báo nguy cơ cao về một bệnh lý chết người sắp xảy ra để kịp thời ngăn chặn, đau đầu cảnh giới quả thật là vận may cho những ai có biểu hiện.

 

Đáng tiếc là tỉ lệ bỏ sót đau đầu cảnh giới còn khá cao, 25-50% theo các nghiên cứu, nguyên nhân do cả bệnh nhân lẫn bệnh viện. Đặc trưng của đau đầu cảnh giới mà hầu hết các đau đầu thông thường không có là xuất hiện đột ngột, đau nặng ngay từ đầu và đạt tối đa sau vài phút. Bệnh nhân mô tả đau đầu bất chợt ập đến tựa “tiếng sét giữa trời quang”, đau dữ dội “chưa từng gặp trong đời”. Không ít bệnh nhân kể lại rằng dù cảm nhận đầy đủ bệnh cảnh kiểu này nhưng vì thiếu kiến thức, ngại đi khám bệnh nên họ cho là đau đầu bình thường, tự uống thuốc tại nhà. Chỉ 37.5% bệnh nhân đau đầu cảnh giới trong nghiên cứu của Barbosa Pereira tìm đến bệnh viện.

Về phía bệnh viện, tỉ lệ bỏ sót chẩn đoán là không ít. Có nhiều nguyên nhân, chẳng hạn tỉ lệ chỉ 1% đau đầu cảnh giới trong tất cả các trường hợp đau đầu khám cấp cứu khiến bác sĩ lơ là, hỏi bệnh không kỹ, dễ chẩn đoán nhầm thành các đau đầu thông thường như migraine, đau đầu căng cơ. Dù đã có những hướng dẫn thực hành đáng tin cậy từ Hội thần kinh học Hoa Kỳ, Hội thần kinh học châu Âu khuyến cáo làm xét nghiệm tầm soát xuất huyết dưới màng nhện do vỡ phình động mạch não cho 100% bệnh nhân “đau đầu nặng khởi phát cấp tính” (bao hàm đau đầu cảnh giới) để tránh bỏ sót một bệnh lý chết người, nhưng không phải bác sĩ nào cũng biết hoặc biết nhưng thực hiện không chuẩn. Như vậy, từ lỗi của cả bệnh nhân lẫn bệnh viện, một tỉ lệ đáng kể đau đầu cảnh giới bị bỏ sót, nói cách khác, trong nhiều trường hợp chúng ta chưa biết cách nắm bắt vận may một cách hữu hiệu, vận may trôi khỏi tầm tay để rồi phải gánh chịu hậu quả, bao gồm cả đánh đổi tính mạng. Điều này cần phải khắc phục, chìa khóa có lẽ là tích cực thông tin truyền thông đến với người bệnh, thường xuyên giáo dục kiến thức cho các bác sĩ khoa cấp cứu. Tại Thụy Điển, những chương trình như trên dành cho các bác sĩ giúp giảm tỉ lệ chẩn đoán sai đến 77%.

BS Tạ Vương Khoa

Đơn vị Can thiệp thần kinh & Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện 175

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

 

 

 

 

 

Posted in: Bạn cần biết