Theo số liệu thống kê năm 2010, toàn cầu có khoảng 10.8 triệu người mù do đục thủy tinh thể. Tổ chức Y tế thế giới đã ước tính rằng con số này sẽ tăng lên đến 40 triệu người vào năm 2025 do sự già hóa dân số và tuổi thọ kéo dài. Tại Việt Nam, đục thủy tinh thể là nguyên nhân chính gây mù hai mắt, chiếm 74% theo kết quả điều tra tại 14 tỉnh thành năm 2016.
Đục thủy tinh thể (ĐTTT) là gì?
Đục thủy tinh thể, hay còn gọi là cườm khô, cườm đá là tình trạng thủy tinh thể bị mờ đục. Khi thủy tinh thể bị đục sẽ ngăn không cho ánh sáng đi qua để đến võng mạc, từ đó làm giảm thị lực.
Nguyên nhân gây ĐTTT là gì?
Có nhiều nguyên nhân gây ĐTTT, trong đó phổ biến là:
- Do tuổi già (gặp ở 80% người > 65 tuổi): Theo thời gian các protein của thủy tinh thể vón cục lại với nhau, làm cho thủy tinh thể mất độ trong suốt.
- Chấn thương: ĐTTT có thể xuất hiện ngay sau chấn thương hoặc vài năm đến vài tháng sau đó.
- Do tiếp xúc thường xuyên với tia cực tím, tia hàn, tia X.
- Sử dụng thuốc dạng uống, nhỏ mắt chứa corticoid trong thời gian dài.
- Do biến chứng bệnh tiểu đường. Đặc biệt ở người mắc bệnh đái tháo nhóm 2.
- Dinh dưỡng thiếu cân đối, đặc biệt là các thành phần dinh dưỡng chuyên biệt cho mắt.
- Uống nhiều rượu, bia, hút thuốc lá.
- Bẩm sinh: Do di truyền hoặc kết hợp một số khiếm khuyết khác. Một số trường hợp không có nguyên nhân rõ ràng.
- Từng phẫu thuật mắt.
Phân loại ĐTTT như thế nào?
Về giải phẫu, ĐTTT có thể chia thành 3 dạng theo hệ thống LOCS III:
- Đục nhân: Đục phần trung tâm của TTT, thường do tuổi già.
- Đục vỏ: Đây là dạng đục của phần thủy tinh thể xung quanh nhân trung tâm.
- Đục dưới bao sau: Những bệnh nhân bị đái tháo đường hay có tiền căn sử dụng corticoid lâu ngày sẽ dễ mắc dạng này.
Triệu chứng bệnh như thế nào?
Do tiến triển ĐTTT chậm, nên ban đầu bệnh nhân có thể không cảm thấy bất kì sự thay đổi nào. Khi thủy tinh thể đục nhiều, thị lực kém dần, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Một số triệu chứng thường gặp:
- Nhìn mờ. Nhiều người bị ĐTTT mô tả mình nhìn mọi vật qua một tấm kính mờ hay có một màng che trước mắt.
- Cảm giác chói mắt khi nhìn ánh sáng: ban đêm thấy đèn pha quá sáng, chói mắt khi nhìn đèn hoặc ánh sáng mặt trời mạnh hoặc thấy quầng sáng quanh đèn.
- Màu sắc có vẻ nhạt hơn.
- Ban đêm thị giác kém hơn.
- Độ kính đang đeo thay đổi nhiều.
Một số người có ĐTTT nhận thấy rằng thị lực nhìn gần (đọc sách) trở nên tốt hơn, nhưng chỉ là tạm thời. Sau đó, thị lực sẽ giảm khi đục thủy tinh thể nhiều hơn.
Điều trị ĐTTT như thế nào?
Đối với ĐTTT giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể được cho đeo kính hoặc làm việc trong môi trường được chiếu sáng tốt để cải thiện triệu chứng.
Khi thủy tinh thể đục nhiều hơn, các biện pháp trên không có tác dụng, thì phẫu thuật là cách điều trị hiệu quả nhất. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ lấy thủy tinh thể bị đục và đặt thủy tinh thể nhân tạo để thay thế.
Thời điểm phẫu thuật khi nào là thích hợp?
Phẫu thuật được chỉ định khi ĐTTT gây giảm thị lực cản trở sinh hoạt hàng ngày như lái xe, đọc sách hoặc xem ti vi. Bệnh nhân và bác sĩ sẽ cùng quyết định thời điểm phẫu thuật với sự tư vấn của bác sĩ.
Nếu bệnh nhân bị ĐTTT cả hai mắt, bác sĩ cũng không phẫu thuật hai mắt cùng lúc mà mỗi mắt sẽ được phẫu thuật ở hai thời điểm khác nhau, cách nhau 2 – 4 tuần.
Phẫu thuật lấy thủy tinh thể có hiệu quả và an toàn không?
Hiện nay phẫu thuật lấy thủy tinh thể là một trong những phẫu thuật phổ biến nhất của chuyên khoa Mắt. Đây cũng là một trong những phẫu thuật an toàn nhất và cho kết quả rất tốt. Với kỹ thuật tiên tiến và trang thiết bị hiện đại, 90% trường hợp sau phẫu thuật lấy thủy tinh thể cho thị lực tốt, từ 5/10 đến 10/10 nếu trước phẫu thuật bệnh nhân không có các bệnh lý về mắt khác.
Các loại kính nội nhãn (thủy tinh thể nhân tạo)
Có nhiều loại kính nội nhãn (thủy tinh thể nhân tạo) đặt vào trong mắt sau phẫu thuật lấy thuỷ tinh thể như:
- Kính nội nhãn đơn tiêu (giúp mắt nhìn rõ một cự ly nhất định).
- Kính nội nhãn đa tiêu (giúp mắt nhìn rõ cả cự ly xa và gần).
- Kính nội nhãn toric (giúp điều chỉnh loạn thị).
Bác sĩ sẽ tư vấn giúp bệnh nhân lựa chọn loại kính theo tình trạng mắt, nghề nghiệp và khả năng tài chính của bệnh nhân.
Làm sao để chăm sóc mắt sau phẫu thuật?
Sau phẫu thuật bệnh nhân thường có cảm giác ngứa và cộm xốn nhẹ hay chảy nước mắt hay nhạy đau một thời gian ngắn. Sau 1 – 2 ngày mắt sẽ hết đau. Đa số trường hợp mắt sẽ lành trong khoảng 6 tuần.
Bệnh nhân cần:
- Dùng thuốc đúng theo toa của bác sĩ.
- Tái khám đúng hẹn của bác sĩ.
- Không nên khom cúi hoặc xách vật nặng để tránh tăng áp lực nội nhãn.
- Tránh chà hay đụng vào mắt. Cũng tránh để bụi hay nước xà phòng, nước bẩn dính vào mắt.
- Nên đeo kính bảo hộ để bảo vệ mắt khi ra ngoài.
Cách phòng ngừa ĐTTT như thế nào?
- Người trên 50 tuổi nên kiểm tra mắt định kỳ 1 lần/năm để sớm phát hiện ra bệnh đục thủy tinh thể, và có hướng điều trị kịp thời.
- Đeo kính khi ra nắng, hoặc đi trên đường để tránh tác hại của tia UV, dị vật côn trùng với mắt.
- Hạn chế bia, rượu, thuốc lá.
- Dinh dưỡng: ăn nhiều rau quả tươi, bổ sung các loại rau quả tố cho mắt như cà rốt, cà chua, ra cải xanh, cam, bưởi,…
ThS. BS Đoàn Kim Thành
– Phó chủ nhiệm Bộ môn Mắt
BS Lê Ngọc Vân Anh
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn