Chuyện xóm, chuyện nhà

Chuyện xóm, chuyện nhà

(Sức Khỏe – khoe24h) Cuối con hẻm cụt có hai khoảng đất trống đối diện nhau nên chiều nào con nít trong xóm cũng tụ tập bày trò rượt đuổi hoặc túm tụm tán dóc.

Khoảng đất bên kia nghe nói của mấy nhà đầu cơ, mua để đó, được giá thì bán; còn khoảng đất bên này, sát ngôi nhà nhỏ của Hai Hiền, trước khi nằm một chỗ vì tai biến, bà Tư đã viết di chúc cho Út Hòa. Lúc biết mẹ cho mình đất chứ không cho nhà cho cửa như cho ông anh, cô Út ức lắm. Cô vội vã lấy chồng sau ba tháng quen biết và theo chồng về cồn làm dâu luôn, ít khi về thăm nhà dù chỉ cách đó nửa giờ ngồi đò.

Hôm làm lễ xuất giá, trước mặt những người trong họ, anh Hai Hiền nhắc đi nhắc lại việc cô Út có thể cất nhà trên phần đất mẹ cho, vì chồng cô Út không ngại ở rể. Anh không nói trắng ra nhưng ai cũng biết, kiểu tính tình thẳng tưng và không chịu nhường nhịn ai của cô Út mà về làm dâu ở ngôi nhà tam đại đồng đường, quanh năm chỉ biết ruộng vườn như thế thì được mấy mùa. Vì đang trong ngày vui nên Út Hòa cười cười mà trong bụng không ưng. Ngay cả khi thấy mẹ rưng rưng dặn dò đủ thứ và người chị dâu mà cô vốn không thuận, lại ra vẻ thân tình đeo vào tay cô một chỉ vàng làm quà cưới, cô vẫn mặt mày chù ụ, những khoảnh khắc đó được ghi nhận vào hình cưới luôn.

Trầy trật làm dâu một năm trời, Út Hòa xé rẹt tờ hôn thú, bỏ về nhà mẹ ruột. Nghĩ có tức không, chồng chẳng những không bênh mà còn bắt cô xin lỗi mọi người, sau khi nghe cô thuật lại trận đấu “võ mồm” với người chị em bạn dâu đang ở chung nhà và hai người phụ nữ suýt lao vào cấu xé nhau trước mặt má chồng… Chưa có con, cũng không có tài sản chung, nên bỏ nhau cái một, út Hòa thản nhiên nói với mẹ và anh trai như thế. Trên giường bệnh, bà Tư mấp máy môi không thành lời, còn anh Hai Hiền thở dài, bỏ ra sau nhà gọi điện cho em rể.

Không biết anh Hai nói gì mà một tuần sau, khi cô Út đầu đội cái nón lá sùm sụp, tay chân quơ quào giữa trời nắng gắt để đôn đốc đám thợ xây nhà trên phần đất thừa kế, chồng cô xuất hiện như vị cứu tinh. Anh lẳng lặng hùn mớ gạch, tấm tôn, lăng xăng trong ngoài, cho đến khi căn nhà cấp 4 hoàn thành. Nói gì thì nói, cũng phải có cái chỗ riêng để chui ra chui vào, chứ đã bỏ chồng về tá túc nhà mẹ, mẹ lại sống với gia đình anh hai, tính tình út Hòa lại không phải như người ta, nên ở chung đụng sao được. Bao nhiêu tiền dành dụm, cô Út đổ hết vào xây nhà, vẫn không đủ, đành để cho chồng hùn, nhưng cô dấm dẳng: “Cái này là tự nguyện hùn, chứ sau này có gì, không có nhảy vô chia chác nhe!”. Chồng út Hòa nghe câu nói phũ phàng đó, trừng mắt nhìn vợ rồi bỏ ra sau rửa mặt. Anh luôn nhỏ nhẹ với cô Út, luôn làm theo ý cô dù không đồng tình với cô nhiều việc, nhất là việc cô cho thợ xây bức tường cao quá đầu, ngăn cách với nhà anh ruột.

*******

Tạp chí Sức Khỏe, khoe24h, truyện ngắn, Chuyện xóm chuyện nhà, Đỗ An
Cuối con hẻm cụt có hai khoảng đất trống đối diện nhau nên chiều nào con nít trong xóm cũng tụ tập bày trò rượt đuổi hoặc túm tụm tán dóc

Khi Út Hòa bỏ chồng về cất nhà, nhà xây lên tới đâu, tụi con nít trong xóm hụt hẫng tới đó. Chúng dồn lại ở khoảng đất bên kia, nhìn trân trối qua căn nhà mới xây. Có khi chúng thậm thụt to nhỏ rồi phá lên cười, có khi chúng ngồi tênh hênh trực diện nhà người ta, mặt buồn rười rượi. Hôm cúng nhà cúng đất, Hai Hiền có xua tụi nhỏ đi, còn bình thường thì anh Hai ngó lơ cái “điểm tập kết” ấy. Con nít ấy mà, chồng út Hòa khoát tay bảo vậy. Thế nhưng cô Út không thèm giấu cảm giác bực bội. Vài lần cô cau mày nhìn chúng, vài lần cô nói phong long: “Cái xóm gì toàn con nít, ồn ào thấy sợ!”.Nghỉ hè, tụi con nít càng tụ tập đông đủ. Chúng chơi đuổi bắt rồi xô nhau té lăn kềnh thế nào lại làm đổ cả chiếc xe máy đi chợ về mới dựng trước nhà, cô Út lập tức chạy ào ra “bắn” phát pháo đầu tiên: “Con cái nhà ai mà quậy quá thể!” khiến cả đám mới vào cuộc vui đã tan tác ai về nhà nấy.

Kể từ đó, bất cứ quả cầu hay chiếc dép nào lạc “tọa độ” bay vào sân nhà cô thì coi như một đi không trở lại. Chưa kể, chiều chiều, cô lại tạt mấy xô nước… cho mát đường, làm lầy lội “khoảng trời” của tụi nhỏ luôn. Đỉnh điểm là lần có đứa lỡ chân đá văng trái bóng trúng cửa nhà cô đánh rầm, thế là cả đám “bỏ của chạy lấy người”, vẫn còn nghe lanh lảnh tiếng cô: “Con cái nhà ai mà…”.

Ngay tối hôm ấy, cô đi công chuyện về trễ, loay hoay mở ổ khóa cổng hoài không được, chạy qua gõ cửa nhà anh Hai. Hai Hiền phải dùng búa để phá ổ khóa vào nhà. Cầm một miếng vải vụn nhỏ xíu đã bị ai đó nhét vào tận bên trong ổ khóa, nguyên nhân dẫn đến 15 phút khổ sở đập phá và cuối cùng phải thay ổ khác, Hai Hiền ái ngại nhìn em gái. Út Hòa biết ngay thủ phạm nên nghiến răng không nói gì, nhưng từ đó cứ chiều đến lại dựng xe chắn ngang đường và bắc ghế ngồi luôn ngoài sân đọc sách hoặc ăn quà vặt. Tụi con nít thấy cô thì tự động rã đám, mất hứng vui chơi.

Nhưng hễ cô đi đâu về khuya là có chuyện. Có khi vài con gián chết ngay trước nhà, có khi là một con rắn nhựa vắt vẻo trên cánh cổng. Bờ tường nhà cô thì khỏi phải nói, tự bao giờ đã trở thành nơi thỏa sức sáng tạo mỹ thuật, với đầy những hình vẽ nguệch ngoạc. “Ui, con nít nghịch phá mà!”, nghe anh Hai xuề xòa chưa hết câu, Út Hòa đã độp lại: “Trong đám đó, có hai đứa nhóc nhà anh chứ ai” khiến chị dâu cô mích lòng, từ đó nhốt luôn mấy cháu trong nhà.

*******

Sống ở xóm từ khi sinh ra đến khi lớn lên, nhưng Út Hòa ít giao du với ai. Từ nhà chồng quay trở về, Út Hòa càng tỏ ra sang chảnh, bất chấp lời xầm xì của mấy bà tám đầu đường: “Cái thứ làm dâu không được, có gì hay ho”. Út Hòa ra khỏi nhà là trùm kín mít từ đầu đến chân, đeo luôn cặp kính đen, cứ thẳng đường mà đi, khỏi nhìn ngó rồi chào hỏi qua lại, mất công. Ngược lại, thỉnh thoảng về thăm vợ nhưng chồng cô xởi lởi lắm, đi hết đầu trên xóm dưới, chào hỏi từng người quen. Út Hòa thấy thế bĩu môi: “Ông ở đây luôn đi rồi biết. Cái xóm gì mà…” nhưng thấy ánh mắt rắn lại của chồng, vội bỏ ngang câu nói.

Đùng một cái, Út Hòa có thai. Hai Hiền mừng lắm, chuẩn bị quà cáp mang qua nhà chồng Út Hòa, xin phép thay mặt mẹ thưa chuyện với người lớn. Một năm chồng vợ và một năm chồng Út Hòa đi đi về về, tưởng vợ chồng cô “tịt” luôn, giờ có tin vui, ai cũng mừng hớn hở. Mọi va chạm, buồn phiền được xí xóa, người lớn dễ dãi cho phép vợ chồng cô muốn ở đâu ở, miễn hòa thuận là được.

Út Hòa bấm bụng nghe lời anh trai, về nhà chồng dăm bữa nửa tháng rồi lấy cớ khó ở trong người, lại õng ẹo về nhà riêng. Lần này, chồng cô vì đứa con trai sắp chào đời, sẵn lòng theo về quê vợ, bỏ làm vườn, tính chuyện nhờ anh vợ truyền nghề hớt tóc.

Khoảng thời gian Út Hòa đóng cửa tạm theo chồng, tụi con nít khấp khởi quay trở lại thời tụ tập. Hai đứa nhỏ con của Hai Hiền cũng được mẹ thả ra đường. Rồi thấy Út Hòa lịch kịch trở về, tụi nhỏ thất vọng lắm. Nhưng ngay ngày hôm sau, chúng đã về nhà khoe cha mẹ là vừa được chồng cô Út cho cái kẹo, hôm sau nữa thì miếng xôi. Những quả bóng, chiếc dép đi lạc chẳng những được anh vui vẻ trả về mà có hôm trời đẹp, anh Út còn hớn hở cùng chơi với bọn trẻ mấy trận cầu. Dần dần, bức tường quanh nhà được quét vôi lại, không còn thấy những hình vẽ nhăng nhít. Chuyện hù dọa bằng xác gián và rắn nhựa cũng chìm vào quên lãng.

*******

Tạp chí Sức Khỏe, khoe24h, truyện ngắn, Chuyện xóm chuyện nhà, Đỗ An
Mọi mối quan hệ lớn nhỏ cùng lúc nhẹ nhàng hơn khi cô Út tự cởi trói mình khỏi những khó chịu, sân si.

Bất ngờ, miếng đất trống đối diện nhà Út Hòa có cặp vợ chồng trẻ nọ về cất ngôi nhà hai tầng khang trang. Tụi con nít trong xóm coi như mất trắng “vùng trời mơ ước”. Út Hòa tưởng mình sẽ thở phào nhẹ nhõm khi không gian im ắng hơn, ngờ đâu cô thấy hình như thiếu thiếu cái gì đó rất đỗi quen thuộc. Tha cái bụng bầu đi tới đi lui trong nhà, cô chẳng còn biết làm gì khác ngoài việc… ngó nghiêng nhà hàng xóm.Người chồng ở ngôi nhà mới nghe đâu làm ở công ty nước ngoài, lương tính bằng ngàn đô, cô vợ chỉ việc ở nhà chăm đứa con 7 tháng tuổi. Nhà đó thường đóng kín mít, nhưng hễ người ta mở cửa là Út Hòa tranh thủ nhìn vào, để rồi xuýt xoa, mơ ước, rồi chạnh lòng. “Người ta bằng tuổi mình mà sao sướng bắt ham”, Út Hòa nói bâng quơ bên mâm cơm chiều khiến chồng cô đang bưng chén lên miệng, chợt khựng lại. Út Hòa chột dạ, gắp cho chồng miếng gà xào sả ớt, xuề xòa: “Ăn đi cho nóng”. Chồng cô hình như ăn ít hơn mọi khi. Suốt buổi tối, anh chẳng nói chẳng rằng, cứ lụi cụi đóng chiếc cũi gỗ để dành cho thằng cu sắp chào đời khiến Út Hòa càng thêm áy náy về lời so sánh buột miệng của mình.

Con chào đời, cùng lúc chồng mướn mặt bằng mở tiệm hớt tóc nam, Út Hòa bận túi bụi. Thằng bé biết lật, biết bò, Út Hòa càng vất vả. Nhiều hôm buồn ngủ quá, hai mẹ con lăn trên tấm nệm, Út Hòa lấy dây cột chân thằng bé vào tay mình, gà gật chợp mắt. Có bữa thằng bé té sấp mặt, khóc ré lên, Út Hòa mới giật mình tỉnh giấc. Hôm tình cờ nhìn thấy cảnh đó, Hai Hiền xót lắm, về thủ thỉ với vợ: “Phải mẹ còn mạnh khỏe, đỡ đần Út nó như dạo em sinh thằng Bi, thì đâu đến nỗi…”. Vợ Hai Hiền im lặng, nhưng chị đã hiểu ý chồng, ngay lập tức sang nhà em chồng, kèm theo món canh nóng hổi và mấy chùm quả chín. Lúc thì bế thằng bé cho mẹ nó rảnh tay, lúc phơi giúp thau đồ, quét vội cái sân. Ban đầu Út Hòa giả lả: “Thôi, để đó em”, nhưng dần dần mạnh dạn gửi chị dâu đi chợ sẵn mua giúp cân thịt, mớ rau hay trông giùm thằng nhỏ cho cô xách cặp lồng cơm trưa mang ra tiệm cho chồng.

Út Hòa có con nên cũng biết thương bà Tư mẹ mình hơn, thường bế con vào chỗ mẹ nằm, tỉ tê chuyện nọ chuyện kia chứ không để bụng giận hờn như dạo trước nữa. Đến tiệc Thôi Nôi thằng bé, đích thân Út Hòa mang chè xôi đến từng nhà biếu mọi người trong xóm, ai cũng vui vẻ chúc phúc cho thằng bé. Cả đại gia đình cô xúm xít nói cười, chồng Út Hòa ngập ngừng: “Vợ chồng em tính đập bức tường ngăn hai nhà mình, thay bằng rào thưa, để có gì anh chị dòm ngó giúp” khiến anh Hai Hiền gật gật đầu, cười hể hả.

Cũng ngay ngày vui hôm đó, xóm hẻm cụt chưng hửng thấy nhà đối diện Út Hòa treo bảng bán nhà. Cả xóm tưởng như còn thấy mới hôm qua cả nhà họ ngời ngời hạnh phúc chở nhau đi ăn nhà hàng hay dạo phố trên chiếc xe tay ga bóng lộn, mà giờ… Về đây chưa được hai năm, chắc là không hợp phong thủy, nhiều người chép miệng. Chỉ Út Hòa biết được nguyên nhân sâu xa: chồng có bồ, vợ phát hiện nên làm ầm ĩ xấu mặt chồng, cuối cùng ly hôn. Buổi tối trước khi dọn ra ngoài ở trọ, cô vợ đem qua cho con Út Hòa mấy món đồ chơi của con mình không tiện mang theo. Hai người phụ nữ bằng tuổi sụt sùi nắm tay nhau, không nói tròn câu tạm biệt.

Câu chuyện đó khiến Út Hòa trầm lặng hẳn. Chuyện thiên hạ mà mình buồn làm gì, Út Hòa dặn lòng như thế, nhưng cứ nhìn tấm bảng có hai chữ “Nhà bán” là cô Út thấy nhoi nhói. Cô lại nhìn chồng vụng về bế con, thương đứt ruột mỗi khi giặt áo cho anh, quanh quẩn có ba cái sờn cũ mặc đi làm. Anh hiền lành, giản dị, thương vợ thương con, hết lòng vì gia đình. Vậy mà cô đã từng so sánh…

Con trai càng lớn, Út Hòa càng thay đổi. Hôm nào thằng bé không xúm xít với trẻ con trong xóm để chơi trước sân nhà đối diện đóng kín thì Út Hòa mở cửa cho nó mời bạn vào nhà. Có hôm nó bày binh bố trận, Út Hòa dọn mệt nghỉ… Mọi mối quan hệ lớn nhỏ cùng lúc nhẹ nhàng hơn khi cô Út tự cởi trói mình khỏi những khó chịu, sân si.

Không nói ra nhưng Út Hòa phục người chồng ít học nhưng sống rất nghĩa tình của mình, nhất là ở câu nói: “Nếu không từ bi như Bụt được thì cũng đừng để bụng thù vặt, hơn thua với ai, nhất là với con nít”.

Đỗ An
Tạp chí Sức Khỏe

Posted in: Bạn cần biết