Chuyên đề Người cao tuổi: Loãng xương ở người cao tuổi

Chuyên đề Người cao tuổi: Loãng xương ở người cao tuổi

Loãng xương có thể được hiểu đơn giản là tình trạng xương bị xốp, mỏng đi, do mất dần các chất khoáng trong xương theo thời gian, làm cho xương trở nên giòn và yếu, dễ gãy, dễ rạn ngay cả với các va chạm tưởng chừng rất nhẹ.

Loãng xương gặp ở người cao tuổi là chuyện tất yếu do thoái hóa xương tự nhiên. Số liệu thống kê trong vòng 10 năm của Trung tâm Chấn thương chỉnh hình TP.HCM cho thấy, trung bình hàng năm có khoảng 140 trường hợp nhập viện vì gãy xương đùi liên quan đến loãng xương, một con số không phải là nhỏ nếu nhận thức được rằng, đó chỉ là phần chóp của tảng băng loãng xương trong cộng đồng.

Loãng xương có thể được hiểu đơn giản là tình trạng xương bị xốp, mỏng đi, do mất dần các chất khoáng trong xương theo thời gian, làm cho xương trở nên giòn và yếu, dễ gãy, dễ rạn ngay cả với các va chạm tưởng chừng rất nhẹ. Thống kê cho thấy, 1/3 phụ nữ và 1/5 nam giới sau 50 tuổi sẽ bị mắc bệnh loãng xương. Tại Mỹ, hàng năm có trên 10 triệu người được chẩn đoán loãng xương, trong đó trên 1,5 triệu người bị gãy xương liên quan đến loãng xương.

Triệu chứng của loãng xương thường rất mơ hồ, dễ lẫn lộn với các triệu chứng cơ xương khớp khác ở người cao tuổi do lão hoá như đau nhức, cảm giác khó chịu và yếu mỏi nhẹ khi đi lại vận động nhiều. Rất nhiều người cao tuổi chỉ được phát hiện tình trạng loãng xương khi xảy ra biến chứng gãy xương. Vì vậy, cách chẩn đoán chính xác nhất là đo mật độ xương bằng máy đo chuyên dụng, cộng thêm các yếu tố nguy cơ như di truyền, mãn kinh sớm, bệnh mạn tính, sử dụng thuốc corticoid hay thuốc kháng đông,…

Xét nghiệm đo đậm độ xương (DEXA) thường được sử dụng trong chẩn đoán loãng xương

Loãng xương gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như gãy xẹp đốt sống, gãy các xương dài,… Trong đó nguy cơ và hậu quả lớn nhất là gãy cổ xương đùi ở người cao tuổi. Việc điều trị thường kéo dài, hiệu quả kém do quá trình lành xương ở người cao tuổi thường rất chậm và quá trình hồi phục kéo dài này, đồng thời, rất dễ dẫn đến các hậu quả suy kiệt, nhiễm trùng,…  Vì vậy, hành động hiệu quả nhất để đối phó với loãng xương là phải khám để phát hiện loãng xương càng sớm càng tốt và tiến hành các biện pháp phòng ngừa để tránh xảy ra biến chứng gãy xương ở người cao tuổi.

Quan trọng nhất trong ăn uống là cung cấp đầy đủ canxi và các chất dinh dưỡng cần thiết khác cho xương như chất đạm, fluor, vitamin D, vitamin A, vitamin C,… Thực phẩm cung cấp canxi tốt nhất là sữa và các chế phẩm từ sữa. Tránh ăn uống các thực phẩm chứa các chất phản hấp thu hoặc cạnh tranh hấp thu cùng lúc với thực phẩm giàu canxi như hải sản (giàu kẽm, đồng,…), tinh bột (giàu phytate), các loại rau cải họ thập tự (nhiều oxalate), ngũ cốc thô hay rau củ có độ nhớt (giàu chất xơ), thịt cá nạc (nhiều phosphor). Nhìn chung các thực phẩm cung cấp canxi nên dùng thành các bữa phụ xen vào giữa các bữa chính. Các thực phẩm cung cấp canxi khác như cá tép nhỏ ăn cả xương cả vỏ, mè, đậu hũ, củ cải,… cũng có thể là những nguồn cung cấp canxi hỗ trợ, dù không thể bằng hoặc thay thế được sữa. Phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh có thể gia tăng các thực phẩm giàu isoflavon (một dạng phyto-estrogen tự nhiên có nhiều trong đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành như đậu hũ, tàu hũ ky,…). Ngoài ra, cần chú ý tránh các yếu tố có thể làm mất xương nặng nề hơn: ăn mặn, ăn nhiều đạm hoặc ít đạm hơn nhu cầu, ăn uống nhiều các thức uống có cồn, cà phê,…


    

Bên cạnh ăn uống đúng cách, cần gia tăng tập luyện các môn thể dục cường độ nhẹ với thời gian kéo dài.

Các môn tập luyện tốt nhất là đi bộ kết hợp với mang xách nhẹ hoặc tạ rất nhẹ. Tập luyện cũng là một cách tốt để có thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tức là tăng nguồn cung cấp vitamin D cho cơ thể.

Vì loãng xương là điều không thể tránh ở người cao tuổi, nên trong vận động, sinh hoạt hàng ngày, cần hướng dẫn người cao tuổi các việc phải làm để tránh té ngã, sang chấn,… Người cao tuổi nên dùng gậy có chân chắc chắn để chống khi di chuyển, khi mặc quần áo phải luôn luôn ngồi trên ghế, trang bị dép chống trơn trượt và bố trí các thanh vịn ở các khu vực có nhiều nguy cơ như nhà tắm, nhà vệ sinh, bậc tam cấp,…

Để điều trị loãng xương và phòng ngừa biến chứng, cần một chương trình điều trị kết hợp dinh dưỡng, sinh hoạt và các biện pháp y sinh học.

 

TS. BS Đào Thị Yến Phi – Trưởng Bộ môn Dinh Dưỡng, ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM

Theo Tạp chí Sức khỏe – Khoe24h.vn

Posted in: Bạn cần biết